27/04/2016 19:27 GMT+7

Xe buýt nhanh BRT - giải pháp giảm kẹt xe trong tương lai?

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG
NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG

TTO - Đó là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học cũng như nhà đầu tư và cơ cơ quan quản lý nhà nước thảo luận trong buổi tọa đàm "Giải pháp xe buýt nhanh BRT có kéo giảm kẹt xe?”

Việc xây dựng đến trạm buýt BRT nằm ở giữa đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt gắn kết với cầu đi bộ tạo thuận lợi cho người dân đi buýt BRT và không gây cản trở làn xe đang lưu thông trên đường
Việc xây dựng đến trạm buýt BRT nằm ở giữa đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt gắn kết với cầu đi bộ tạo thuận lợi cho người dân đi buýt BRT và không gây cản trở làn xe đang lưu thông trên đường

Tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) tổ chức sáng nay 27-4. 

Tại tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Cần phải đầu tư tuyến xe buýt nhanh BRT cho TP.HCM.

Nâng chất lượng để hành khách đi xe buýt

Từ thực tế số lượng hành khách đi xe buýt giảm theo từng năm. Trong đó, số lượng xe gắn máy ngày càng tăng, bình quân 10%.

Tính đến cuối năm 2015, TP.HCM đã có gần 7 triệu xe gắn máy và gần 574.064 ôtô. Tình trạng này dẫn đến xe gắn máy, ô tô bao vây xe buýt khiến tốc độ hành trình của xe buýt ngày một chậm nên hành khách dần rời bỏ xe buýt.

Việc đầu tư các tuyến Metro có sức chở lớn gấp nhiều lần xe buýt và vận chuyển nhanh chóng là yêu cầu cấp bách hiện nay để giải quyết tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, do vốn đầu tư quá lớn nên khả năng đầu tư hoàn chỉnh các tuyến metro cần quãng thời gian dài.

Trong khi đó, dự kiến đến năm 2023-2024 TP.HCM mới có 3 tuyến metro đầu tiên. Do đó, trong 5-7 năm tới, đầu tư xe buýt vẫn là giải pháp cần thiết để giảm kẹt xe, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP.

Và điều quan trọng là trước khi đưa ra giải pháp mới để vực dậy ngành vận tải hành khách công cộng, các ý kiến đưa ra rằng hoạt động xe buýt cần phải giải quyết những tồn tại và hạn chế để thu hút hành khách đi xe buýt.

Theo ông Đậu An Phúc - giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, để tăng lượng hành khách sử dụng xe buýt thì phải thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt của tài xế và tiếp viên, thay thế bằng những xe buýt sử dụng khí nén tự nhiên CNG thân thiện với môi trường.

Song song đó, để tạo sự tiện lợi cho hành khách, việc phát hành thẻ xe buýt thông minh (Mastercard) cũng được đề xuất.

Những chiếc thẻ này sẽ hạn chế sự tương tác của hành khách và nhân viên xe buýt, tạo tâm lý thoải mái cho hành khách. Cùng đó, tiến hành các nghiên cứu xã hội học đối với nhóm người ít sử dụng xe buýt để biết nhu cầu của họ…

Việc TP chỉ đạo các đơn vị xe buýt từng bước thay thế các xe buýt cũ kỹ, không đúng tiêu chuẩn xe buýt hiện tại trong đề án 1.680 xe buýt.

Ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết theo đúng quy định thì những xe buýt phải có kích thước từ 17 chỗ ngồi, cả chỗ đứng nữa là 40 chỗ.

Tuy nhiên, với những loại xe buýt nhỏ 12 chỗ - vì phù hợp với đặc điểm đường nhỏ, đường xương cá ở  một  số khu vực trong TP nên vẫn kiến nghị để xe buýt này tiếp tục hoạt động cho đến khi hết hạn sử dụng.

Nhiều lợi ích từ xe buýt nhanh BRT

Có thể nói, hiện nay yêu cầu đòi hỏi xe buýt phải nhanh hơn, tiện lợi hơn để người dân đi học hành, làm việc đúng giờ. Vì vậy, việc đầu tư xe buýt BRT là một giải pháp tốt nhất hiện nay và cả trong tương lai khi có metro và monorail nhằm kết nối mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Trong báo cáo của UBND TP.HCM tổng kết giải pháp chống ùn tắc giao thông TP năm 2011-2015 và phương hướng đến năm 2020, trong khi chờ các tuyến metro, monorail, cần triển khai xây dựng các tuyến BRT.

Theo ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đây là giải pháp gần như duy nhất để giải quyết nhu cầu đi lại vì phải mất khá lâu nữa tuyến metro mới đi vào hoạt động và với tình trạng kẹt xe như hiện nay, chúng ta không thể phó mặc.

Các chuyên gia cho biết nếu thực hiện, thời gian tối đa để hoàn thành một tuyến xe buýt BRT chỉ mất chừng 1,5 năm và chi phí rẻ hơn rất nhiều so với tuyến metro.

Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, vẫn phải có metro. Việc phát triển các tuyến BRT một mạng lưới BRT (không  chỉ 6 tuyến) sẽ kết hợp với metro sau này và xe buýt thông thường sẽ giải quyết tốt tình trạng kẹt xe.

Tuyến xe buýt BRT số 1 chạy dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài khoảng 23 km sẽ là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên trong 6 tuyến.

Là đơn vị chủ đầu tư dự án tuyến buýt BRT số 1 TP.HCM, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết đến nay dự án BRT số 1 đang thực hiện và khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Bởi xe buýt BRT có rất nhiều tính ưu việt: Luôn đảm bảo tốc độ, giờ giấc hành trình, người khách cần nhất điều đó nhất nên họ rất hoan nghênh. Tốc độ cao vì chạy trên làn đường dành riêng nên lưu lượng vận chuyển trên tuyến BRT đó sẽ rất lớn, tương đương với tàu điện ngầm.

Tuy nhiên, ý kiến của các nhà khoa học cũng như chuyên gia là vấn đề vốn ở đầu để làm? Sắp tới nguồn nên phải tận dụng các nguồn vốn ODA sẽ giảm, phải tính tới các nguồn vốn khác, ví dụ như nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước.

Ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc thường trực công ty ô tô Trường Hải (THACOGROUP) cho biết công ty rất quan tâm và mong muốn được cùng thành phố phát triển tuyến xe buýt BRT này. Về tiềm lực của công ty, ông Tài cho biết có khả năng đầu tư.

“Công ty ô tô Trường Hải đã đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) từ năm 2003 đến nay với tổng số vốn lên đến hơn 28.000 tỷ đồng, bao gồm 4 nhà máy lắp ráp, trong đó có nhà máy lắp ráp xe buýt và 10 nhà máy công nghiệp hỗ trợ.

Vừa rồi, chúng tôi đã làm lễ khởi công  mở rộng khu công nghiệp lên trên hơn 200 ha với tổng số vốn lên trên hơn 30.000 tỷ đồng”.

Ông Tài cho biết đó là tiền đề rất lớn để phía công ty có thể tham gia, phát triển nhanh xe buýt BRT với tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

Thực tế, hiện nay phía công ty đang thực hiện dự án với Sở giao thông vận tải Hà Nội và Ban quản lý Dự án giao thông đô thị Hà Nội với số lượng là 35 xe BRT hiện đại, dự kiến trong vòng cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ bàn giao lô xe này.

Dự án BRT Hà Nội là do Ngân hàng thế giới tài trợ, thủ tục như vậy cũng hơi chậm.

Đối với TP.HCM, đến bây giờ là khá muộn để triển khai tuyến xe buýt BRT nhưng có vẫn hơn không. Ông Tài đề xuất nên ưu tiên tuyến BRT Tân Sơn Nhất vì khu vực này dễ bị kẹt xe. Và nên chuyển từ hình thức đầu tư nhà tài trợ nước ngoài sang đầu tư công thì thủ tục nó sẽ nhanh hơn.

Ông Tài cho biết phía công ty Thaco tham gia nhiều gói thầu Hà Nội, Đà Nẵng và cũng mong muốn tham gia với TP.HCM. Tuy nhiên, TP.HCM phải có những chính sách rõ ràng, cụ thể để các doanh nghiệp có thể tham gia.

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên