17/04/2016 14:13 GMT+7

Cân nhắc thời điểm kéo dài metro đến Đồng Nai, Bình Dương

TIẾN LONG - NGỌC ẨN - D.NGỌC HÀ ghi (tienlong@tuoitre.com.vn)
TIẾN LONG - NGỌC ẨN - D.NGỌC HÀ ghi (tienlong@tuoitre.com.vn)

TTO - Các ý kiến của nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia cho thấy việc kéo dài metro đến Đồng Nai và Bình Dương là cần thiết, song cần nghiên cứu thêm nhiều vấn đề.

Sơ đồ hai phương án đề xuất của Đồng Nai và Bình Dương - Đồ họa: Vĩ Cường
Sơ đồ hai phương án đề xuất của Đồng Nai và Bình Dương - Đồ họa: Vĩ Cường

* Ông Lê Khắc Huỳnh  (phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM):

Rất đồng tình

Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, trong đó đã quy hoạch nối tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) đến Biên Hòa, Đồng Nai.

Vì vậy, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM rất đồng tình, ủng hộ tỉnh Bình Dương kết nối tuyến đường sắt đô thị này.

Ông Lê Khắc Huỳnh
Ông Lê Khắc Huỳnh

Vừa qua Ban quản lý đường sắt đô thị và Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản trình UBND TP.HCM đồng ý với Bộ GTVT về việc kết nối tuyến metro đến tỉnh Đồng Nai. Theo đó, các cơ quan sẽ gặp nhau để bàn bạc trao đổi thực hiện cụ thể.

* Ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM):

Có thể lập dự án mới

Ông Bùi Xuân Cường
Ông Bùi Xuân Cường

Sở GTVT ủng hộ việc xây dựng tuyến metro kết nối từ TP.HCM đến Biên Hòa, Đồng Nai vì đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch.

Tuy nhiên, do tuyến metro này nằm ngoài địa phận TP.HCM, nếu theo Luật đường sắt, đầu tư tuyến đường sắt qua địa bàn hai địa phương sẽ do Bộ GTVT chủ trì.

Bên cạnh đó, việc tìm nguồn vốn đầu tư cho dự án này cũng khó và nếu đưa vào dự án tuyến metro số 1 - TP.HCM thì không khả thi, bởi vì tuyến metro số 1 đang triển khai và đã một lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư nên không thể nào điều chỉnh tăng vốn thêm nữa.

Như vậy, chỉ có thể lập dự án đầu tư mới.

Theo nghiên cứu thực hiện dự án tuyến metro số 1, JICA đã đề xuất trong giai đoạn đầu khi tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động sẽ kết nối bằng xe buýt từ Suối Tiên đến Biên Hòa, thay vì đầu tư ngay metro sẽ gây lãng phí.

Sau đó, khi các khu đô thị dọc tuyến đường này phát triển và số lượng hành khách đi trên tuyến đường này tăng lên, việc đầu tư xây dựng metro sẽ mang lại hiệu quả cao.

* Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

Xem lại giá thành metro hiện nay quá cao

Ông Ngô Viết Nam Sơn
Ông Ngô Viết Nam Sơn

Chủ trương kéo dài tầm ảnh hưởng của tuyến metro số 1 đến hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương là một định hướng rất tốt, cần thiết, tạo điều kiện để khuyến khích một số lượng lớn dân của TP.HCM giãn ra sinh sống tại hai tỉnh này.

Tuy nhiên, cần cân nhắc thời điểm xây dựng mở rộng, vì xây dựng tuyến metro phải luôn đi song hành với phát triển đô thị để đầu tư hiệu quả.

Xung quanh những trạm metro phải có hàng trăm nhà cao tầng và bãi xe tiện lợi mới thu hút được số lượng lớn người sử dụng thường xuyên. Chứ làm metro xong không có đủ người đi, nguồn thu từ vé thấp, phải bù lỗ thì không hiệu quả.

Còn ngay thời điểm này nếu xây xong ga Suối Tiên rồi xây luôn kết nối đi hai tỉnh trên có thể chưa khả thi, phí thu từ lượng người đi không trả đủ cho chi phí vận hành.

Mặt khác, để kết nối giao thông tuyến metro số 1 với hai tỉnh trên không nhất thiết phải là hệ thống metro, mà có thể qua hình thức giao thông công cộng khác như đường sắt nhẹ, xe buýt nhanh... Bởi metro khối lượng người lưu thông lớn, tốc độ nhanh nhưng càng ra xa trung tâm TP không cần độ nhanh, khối lượng chưa chắc lớn.

Ngoài ra, cũng cần xem xét lại giá thành thi công hệ thống metro hiện nay có lẽ quá cao, do đó nhà đầu tư cần phải chủ động mời những đơn vị đã từng thực hiện với giá thành rẻ hơn nhiều lần tại các nước khác tham gia đấu thầu các tuyến mới.

* TS Phạm Thị Anh (viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và giao thông, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):

Phải làm rõ nhiều vấn đề

Khi kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh thì chúng ta có thể học tập, nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước trên thế giới.

Đường sắt nối giữa các TP lớn hoặc các tỉnh với nhau đa số là đường sắt mặt đất vì ở ngoại thành đất rộng, không phải làm đường tàu điện ngầm hoặc đường trên cao, vừa tốn kém lại vừa xấu cảnh quan.

Trong khi đó, giữa TP.HCM với Bình Dương và Đồng Nai đã có tuyến đường sắt quốc gia đi qua và có nhiều ga dừng tàu ở mỗi tỉnh.

Vì vậy, cần thiết phải có các nghiên cứu cụ thể nhằm phân tích nhu cầu, phương thức tổ chức thực hiện như thế nào, nên cải thiện, phát huy, tối ưu hóa tuyến xe lửa hiện có hay làm thêm một tuyến đường sắt liên đô thị khác.

* TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Đủ tài chính nên xây ngay

Ông Võ Kim Cương - Ảnh tư liệu

Tôi hoan nghênh chủ trương kéo dài tuyến metro số 1 đến hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Trước đó, khi quy hoạch tuyến metro có vẻ như chỉ chú trọng phát triển giao thông trên địa bàn TP.HCM, chưa chú ý tới phát triển giao thông nội vùng.

Trong khi đây mới là trọng tâm, mục tiêu chính cần đạt được của một hệ thống giao thông tốc độ nhanh, khối lượng lớn. Với hệ thống giao thông này càng đi xa ở mức độ vùng thì càng phát huy năng lực của nó. Mặt khác việc kết nối này sẽ giúp giãn các trung tâm đô thị ra xa.

Thời điểm này khoảng cách phát triển của Đồng Nai và Bình Dương so với yêu cầu phát triển metro chẳng bao xa. Mặt khác, tuyến metro đi qua hai tỉnh này giá thành thi công sẽ rẻ hơn tại TP.HCM bởi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng thấp, không cần đi ngầm dưới đất.

Vì vậy nếu có năng lực, khả năng tài chính thì đầu tư sớm, còn để lâu dài người ta phát triển khi đó đầu tư rất khó khăn. Mặc dù vậy, để kết nối cần có một cơ quan tư vấn tính cụ thể giá tiền, so sánh với xây dựng tuyến xe buýt nhanh, mục đích, hiệu quả... trước khi xây dựng.

TIẾN LONG - NGỌC ẨN - D.NGỌC HÀ ghi (tienlong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên