24/03/2016 10:46 GMT+7

Tranh luận việc nên nâng độ tuổi trẻ em

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quan điểm nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 như hiện nay lên dưới 18 tuổi, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận về việc này.

Có "độ vênh" giữa dự thảo luật và ý kiến các đại biểu khi thảo luận dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) chiều 23-3 tại Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quan điểm nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 như hiện nay lên dưới 18 tuổi. Lý do: đang có một khoảng trống về pháp lý với độ tuổi từ 16 đến dưới 18, nâng độ tuổi trẻ em lên để đảm bảo các quyền lợi của độ tuổi này.

Tuy nhiên, đa số đại biểu trong lần thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và thảo luận tại hội trường ở kỳ họp này đã không đồng tình.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng giữ nguyên độ tuổi trẻ em như hiện nay (dưới 16 tuổi) vẫn phù hợp với Công ước về quyền trẻ em, trong khi ban soạn thảo không lý giải được vì lý do gì, sẽ đạt được điều gì khi nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18.

Theo ông, xu hướng hiện nay là trẻ em ngày càng trưởng thành, tuổi chịu trách nhiệm hình sự của các nước trên thế giới cũng ngày càng thấp.

Nếu quy định trẻ em dưới 18 tuổi thì nhiều nơi thuê nhân công lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh đang bóc lột sức lao động trẻ em, xung đột pháp luật là không thể khắc phục được.

“Cứ nói nâng độ tuổi trẻ em là để trẻ em được chăm sóc nhiều hơn. Tôi không thấy điều đó. Trái lại, chúng ta đang tước đi nhiều quyền lợi của một người trong độ thanh thiếu niên 16 đến dưới 18 tuổi lẽ ra đã được hưởng, bắt họ quay về với thân phận trẻ em” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Phân tích sâu xa hơn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng quan điểm của ban soạn thảo là muốn dành sự quan tâm nhiều hơn cho độ tuổi từ 16 đến dưới 18.

“Nhưng tôi nghĩ lẽ ra phải quan tâm đến trẻ em từ 6 tháng đến khi các em đủ tuổi để đến trường, đây mới là khoảng trống trong luật”. Ông đề nghị phải bổ sung vào luật để trẻ em từ 6 tháng tuổi sẽ được đến trường.

“Quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi này cho trẻ em và không phải làm nhiều ông bố bà mẹ khổ sở tìm thuê người hoặc nghỉ việc, mất thu nhập, xáo trộn gia đình vì không tìm được nơi gửi con sau sáu tháng nghỉ thai sản” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên