21/03/2016 08:19 GMT+7

Nếu không có yêu cầu, Trung Quốc vẫn xả nước theo quy trình

TS TÔ VĂN TRƯỜNG
TS TÔ VĂN TRƯỜNG

TTO - Nếu thủy điện Trung Quốc tăng xả vào mùa khô 20% thì lượng nước này phải mất hàng tháng mới xuống đồng bằng và cũng chỉ còn được khoảng 5%.

GS.TS Nguyễn Tất Đắc (phải) và TS Tô Văn Trường trao đổi về hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL - Ảnh: H.Khoa
GS.TS Nguyễn Tất Đắc (phải) và TS Tô Văn Trường trao đổi về hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL - Ảnh: H.Khoa

Đó là vấn đề được nêu ra trong cuộc trao đổi về hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL giữa TS Tô Văn Trường (chuyên gia thủy lợi) và GS.TS Nguyễn Tất Đắc - nguyên trưởng nhóm chuyên gia về mô hình sử dụng nguồn nước (WUP) của Ban thư ký Mekong - và được TS Tô Văn Trường ghi lại.

GS.TS Nguyễn Tất Đắc: Ở chế độ tự nhiên về mùa mưa, nước lũ từ thượng lưu chảy về hạ lưu, một phần chảy vào Biển Hồ và phần còn lại chảy về đồng bằng. Vai trò của Biển Hồ ở Campuchia rất quan trọng cho sự phát triển của ĐBSCL kể cả mùa lũ và mùa khô.

Hiện nay, tình hình đã thay đổi, Trung Quốc đã xây một số hồ đập lớn. Họ luôn tuyên truyền là giúp hạ lưu giảm ngập lụt và tăng lưu lượng cho đẩy mặn mùa khô.

Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu 2000, các chuyên gia Nhật làm việc giúp Ủy hội sông Mekong (MRC) đánh giá và thấy rằng nếu thủy điện Trung Quốc tăng xả vào mùa khô 20% thì lượng nước này phải mất hàng tháng mới xuống đồng bằng và cũng chỉ còn được khoảng 5%.

Ngoài ra, vào cuối mùa mưa do ít nước lũ (do bị tích lại trong các hồ) nên mặn đã xâm nhập rất sâu rồi. Cần phải lưu ý rằng việc xả nước của thủy điện Trung Quốc xuống đến đồng bằng là rất hạn chế.

Để nông dân đừng quá kỳ vọng

TS Tô Văn Trường: Hồi ấy do khó khăn, thiếu các số liệu cơ bản địa hình, thủy văn nên kết quả của WUP cũng còn hạn chế.

Sau đó, BDP (Quy hoạch phát triển lưu vực) tiếp tục tính toán xem xét lượng nước khi Trung Quốc xả về đồng bằng lên đến 47%?

Thủy điện Trung Quốc xả nước có lợi cho cả bốn nước hạ lưu, vì sao chỉ có Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xả nước mà không phải là MRC?

Theo tôi, nếu không có yêu cầu, Trung Quốc vẫn xả nước theo quy trình của họ. Vấn đề là quy trình vận hành như thế nào chúng ta chưa rõ.

Chưa thể nói trước hiệu quả của việc xả nước từ Trung Quốc về Việt Nam vì còn phụ thuộc lượng xả, thời gian xả và thời tiết từ ngày 18-3 đến 10-4.

Nếu tính theo trung bình nhiều năm thời đoạn 18-3 đến 10-4 thì lưu lượng tại Chiang Sian chỉ có 1.200 m3/giây.

Nếu Trung Quốc cam kết xả 2.190 m3/giây đó là con số có ý nghĩa, mặc dù dọc đường đi hơn 4.000km tổn thất nhiều (do Thái Lan, Lào, Campuchia lấy nước trước Việt Nam).

Hiệu quả cho Việt Nam phải tính cụ thể hơn bằng mô hình. Nếu Trung Quốc xả nước về lý thuyết khi về đến Tân Châu - Châu Đốc dòng chảy tăng, tính cho cả năm chỉ khoảng 5% nhưng về mùa khô tăng khoảng 26-40% (tùy thuộc vào việc lấy nước của các nước thượng nguồn).

Các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam phải tính toán đưa ra các con số có tính định lượng về việc xả nước có tác dụng đến đâu, khi nào, để nông dân chủ động thay vì quá kỳ vọng.

GS.TS Nguyễn Tất Đắc: Ngay từ năm 2000, các nước trong MRC đã đóng góp rất nhiều công sức, tranh luận nhằm đưa ra một bộ quy tắc sử dụng nước cho lưu vực. Hồi đó, vấn đề xây dựng công trình trên dòng chính hầu như không được chấp nhận, ngay cả trên dòng nhánh cũng thông qua các thủ tục chặt chẽ.

Tuy nhiên, vai trò của MRC cũng hạn chế, vì thế Lào mới có thể xây dựng các đập như Xayaburi.

Vì Trung Quốc không tham gia MRC nên không thể đòi hỏi họ cấp số liệu thủy văn hay quy trình vận hành. Cho đến nay MRC đã phải trả tiền để thiết lập trạm thủy văn nhưng cũng chỉ có được số liệu mực nước mùa khô...

Nước mặn cũng là tài nguyên

TS Tô Văn Trường: Người dân đồng bằng nhiều năm nay vẫn trông chờ vào các giải pháp của Nhà nước trong bài toán hạn mặn.

GS.TS Nguyễn Tất Đắc: Từ một nước nông nghiệp lạc hậu thiếu đói, nhập khẩu lương thực, phần lớn đất đai bị bỏ hoang người dân gọi là những “cánh đồng chó ngáp” do mặn, chua phèn đã biến nước ta trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới như ngày nay có vai trò to lớn của công tác thủy lợi ở ĐBSCL.

Đó là thành tích không thể phủ nhận. Nhưng thủy lợi chỉ là ngành kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch phát triển sản xuất.

Về lâu dài, để đối phó với xâm nhập mặn, cần tập trung lực lượng khoa học cũng như đầu tư nghiên cứu nhằm sớm đánh giá được định lượng cụ thể một cách tin cậy những vấn đề gì sẽ xảy ra, đề xuất các giải pháp thích ứng kể cả công trình và phi công trình như chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tận dụng tài nguyên nước mặn ở nơi thích ứng với sản xuất.

TS Tô Văn Trường: Tư duy coi mặn cũng là tài nguyên rất đúng nhưng chúng ta phải kiểm soát được độ mặn theo yêu cầu của sản xuất (từ làm đập ngăn mặn chuyển sang làm cống kiểm soát mặn theo hai chiều).

Trước mắt, ưu tiên vẫn là đảm bảo đủ nguồn nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Các tỉnh cần rà soát đánh giá các thiệt hại do thiên tai để Chính phủ hỗ trợ và giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định.

Các địa phương theo dõi dự báo thủy văn nguồn nước, xâm nhập mặn để lấy nước ngọt vào thời điểm thích hợp.

Nghiên cứu đưa các trị số tác động của hai hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.

Chất lượng công tác dự báo mặn rất quan trọng, giúp các nhà quản lý và người dân trước 3-6 tháng để họ chủ động có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý cho các vùng nước mặn, lợ, ngọt.

Các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước, nạo vét kênh mương, giữ ngọt, trữ ngọt phải chủ động từ trước.

MRC cần kiên trì, đấu tranh đề nghị với phía Trung Quốc chia sẻ, cung cấp trước các thông tin về kế hoạch vận hành hằng năm tại thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) và chia sẻ thông tin cập nhật hằng ngày tại thủy điện cuối bậc thang (gồm mực nước hạ lưu đập, lưu lượng xả, số tổ máy vận hành) cho cả năm (hiện chỉ có thông tin chia sẻ mực nước hạ lưu đập mùa lũ).

Dự báo từ lâu

Đã có những năm hạn kiệt điển hình như năm 1998, gần đây liên tục hạn mặn từ năm 2012 đến 2015 và được các nhà khoa học cảnh báo, dự báo từ trước.

Theo kết quả đề tài nghiên cứu của Bộ Khoa học và công nghệ, tác động của các hồ thủy điện thượng lưu sông Mekong gây nên suy thoái lũ, đặc biệt là xu thế lũ vừa và nhỏ (mực nước ở Tân Châu dưới 3,5m) sẽ tăng, có thể chiếm 62-90% trong khi bình quân đến hiện tại chiếm khoảng 30%.

Như vậy, các năm lũ nhỏ lịch sử sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí thấp hơn cả năm 2015. Trong khi đó, người dân ở ĐBSCL cần mùa nước nổi (lũ đẹp Tân Châu khoảng 4,2 - 4,5m) vì liên quan đến nguồn lợi thủy sản, phù sa, vệ sinh đồng ruộng...

TS TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên