08/03/2016 10:06 GMT+7

Phòng chống xâm nhập mặn: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

CHÍ QUỐC - H.TRÍ DŨNG (chiquoc@tuoitre.com.vn)
CHÍ QUỐC - H.TRÍ DŨNG (chiquoc@tuoitre.com.vn)

TT - “Những giải pháp gì chúng ta có thể làm được thì cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng nhân dân khắc phục khó khăn, hạn chế thấp nhất thiệt hại để ổn định đời sống và phát triển sản xuất”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát vùng bị xâm nhập mặn tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Đức Tám
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát vùng bị xâm nhập mặn tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Đức Tám

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy trong buổi làm việc với bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND 13 tỉnh ĐBSCL và các bộ ngành liên quan ngày 7-3 tại Cần Thơ để bàn các giải pháp ứng phó trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chú trọng tìm giải pháp để khắc phục: “Đánh giá cả năm 2015 và đến ngày hôm nay chúng ta ứng phó thế nào, nỗ lực làm được vấn đề gì, dự báo sắp tới diễn biến thế nào, chúng ta cần có giải pháp gì, trong đó có giải pháp trước mắt và lâu dài...”.

“Nước đắng luôn rồi”

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết số người bị thiếu nước sử dụng tại ĐBSCL khoảng 155.000 hộ gia đình với hơn nửa triệu người. Ngoài ra, tổng diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL bị thiệt hại thống kê đến nay là 139.000ha, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng sẽ có khoảng nửa triệu hecta không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước.

Ông Phát kể hôm qua ông ở khách sạn Hàm Luông (Bến Tre), sáng thức dậy súc miệng thì thấy nước mặn chát. Ông Phát kết luận ở Bến Tre: “Không chỉ nước cho sản xuất sinh hoạt không đâu mà ngay cả các nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, cơ sở chế biến cũng đều đã bị nhiễm mặn”.

“Minh họa” cho thực trạng mà ông Phát nói, ông Võ Thành Hạo, bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, kể: “Nhiều người hỏi Bến Tre còn mặn nữa hay không thì tôi trả lời là không còn mặn nữa mà đắng luôn rồi, vì ở ĐBSCL mặn đắng là mặn rất dữ”.

Hiện Bến Tre đã bị thiệt hại 13.845/14.759ha diện tích trồng lúa, nên theo ông Hạo, “các giải pháp mà chúng tôi tính toán hiện nay không thể giải quyết được trong vụ này vì thiệt hại hết rồi nên tính là tính cho sắp tới”.

Lý giải vì sao chính quyền khuyến cáo không trồng lúa mà người dân vẫn trồng là vì “ít ra cũng có rơm cho bò ăn” nhưng “hiện nay không có rơm cho bò ăn nữa mà phải mua rơm từ Đồng Tháp với giá rất đắt”.

Ông Hạo nói giải pháp trước mắt sẽ chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa ở một số nơi sang... trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.

“Ở Bến Tre bây giờ không có lúa cũng không quan trọng bằng không có rơm. Vừa rồi tỉnh phải bán bớt đàn bò mà bán nhiều quá nên giá giảm xuống, mỗi con bò người dân lỗ 10 triệu đồng cho nên rất khó cho chăn nuôi ở Bến Tre” - ông Hạo nói.

Cần giải pháp cho toàn vùng

Ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, trình bày các kiến nghị mà theo ông “có tính chất cho toàn vùng chứ không riêng gì Sóc Trăng”.

Ông Thể nêu: “Hiện tình hình mặn, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ NN&PTNT đã có bản đồ khoanh vùng mặn hết rồi, tuy nhiên nếu để cho từng tỉnh chỉ đạo thì kết quả khác nhau, vì vậy cần có chỉ đạo tổng thể. Vùng nào sản xuất cái gì, trồng loại cây nào..., nếu triển khai thì cả 13 tỉnh đều áp dụng được hết nhưng để mỗi tỉnh làm một kiểu thì đầu ra rất khó khăn.

Thứ hai là vừa qua đầu tư cho xây dựng cơ bản trong vùng là không nhỏ nhưng cách làm hiện nay quá manh mún. Tỉnh nào cũng tranh thủ làm cống này cống nọ ngăn mặn nhưng mang tính liên vùng chưa thì chưa có. Vì vậy cần phải có đơn vị chuyên chịu trách nhiệm việc này, cùng các bộ, địa phương rà soát” - ông Thể đề xuất.

Cũng theo ông Thể, ĐBSCL hiện thiếu nước ngọt nghiêm trọng, việc sử dụng nước ngầm hiện nay cũng manh mún, không quản lý được. Đáng lo ngại là do lấy nước ngầm quá mức nên đất đã bị lún, vì vậy bài toán làm sao trữ được nước ngầm cho tốt và rất cần thiết phải đầu tư một nhà máy nước đủ nguồn nước sử dụng cho cả vùng.

Tương tự, ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cũng cho rằng về giải pháp căn cơ, lâu dài cho tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm triển khai dự án cấp nước vùng ĐBSCL vì các địa phương đều muốn triển khai nhanh, đảm bảo nước sinh hoạt cho vùng.

Dự án này chủ yếu sẽ lấy nước từ cửa sông Hậu chứ không thể lấy ở các tuyến kênh hiện nay nữa vì đều bị nhiễm mặn.

Ông Võ Thành Hạo cũng kiến nghị “những giải pháp có thể giải quyết được cục bộ cho địa phương và cho vùng” là phải hướng dẫn người dân ĐBSCL biết thu giữ nước mưa vì “không thể chờ các giải pháp thủy lợi do cần phải có thời gian”.

Từ thực tế khảo sát một số vùng nông thôn thấy người dân dùng một số vật ngăn nước thấm qua đất trải xuống ao, mương để giữ nước mưa, ông Hạo hướng sang ông Phan Thanh Bình - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - đặt hàng: “Đề nghị các trường đại học ở TP.HCM hỗ trợ kỹ thuật cho dân có thể triển khai thu giữ nước mưa theo kiểu như vậy”.

Khoanh nợ ngay cho bà con

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu “những giải pháp gì chúng ta có thể làm được thì cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng nhân dân khắc phục khó khăn, hạn chế thấp nhất thiệt hại để ổn định đời sống và phát triển sản xuất”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối với diện tích 139.000ha lúa đông xuân đã bị thiệt hại thì các bộ ngành và chính quyền địa phương “cứ theo barem mà làm” (Thủ tướng cho biết ông đã đồng ý chi 137 tỉ đồng từ ngân sách hỗ trợ nông dân chín tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại do xâm nhập mặn), theo đó chi ngay hỗ trợ thiệt hại để bà con nông dân tiếp tục chuẩn bị xuống giống vụ sắp tới.

Riêng ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Hậu Giang chưa có báo cáo đề xuất hỗ trợ thiệt hại, Thủ tướng yêu cầu phải tổng hợp báo cáo để Thủ tướng xem xét.

Quay sang một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng nói: “Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ ngay cho bà con. Số nào diện tích thiệt hại rõ rồi, số nào không thu hoạch được hoặc thu hoạch được nhưng không còn bao nhiêu, Ngân hàng Nhà nước trước mắt phải ra một chỉ thị khoanh nợ, chuyện xem xét xóa nợ thì sau này sẽ tính tiếp sao cho đúng đối tượng. Đây là việc cấp bách, tôi yêu cầu phải làm”.

Đáp lại, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hứa sẽ có chỉ thị khoanh nợ ngay.

Về 60% diện tích lúa đông xuân còn lại chưa thu hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bằng mọi giải pháp phải cố gắng ngăn mặn để bảo vệ cho được số lúa hiện có, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân.

Ngoài ra cũng phải chuẩn bị ba kịch bản: vùng nước ngọt hoàn toàn thì xuống giống hè thu cho kịp, vùng nửa ngọt nửa mặn thì làm công trình gì ngăn mặn giữ ngọt xuống giống hè thu cho kịp, còn vùng thấy rằng không giữ ngọt được thì dứt khoát không xuống giống hè thu.

Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường cập nhật liên tục tình hình biến đổi khí hậu, có kịch bản cho chính xác. Tiếp đến là phải rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ở ĐBSCL, Chính phủ phê duyệt rồi nhưng cũng phải căn cứ tình hình biến đổi khí hậu để cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Thủ tướng chỉ đạo: “Trước mắt Bộ NN&PTNT kết hợp chặt chẽ với một số bộ ngành liên quan rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi của ĐBSCL (cho nông nghiệp, thủy sản, cho ứng phó biến đổi khí hậu), quy hoạch này phải nhìn tổng thể cả vùng chứ không thể cắt khúc từng vùng, quy hoạch này bao gồm cả biển Đông, biển Tây. Từ quy hoạch đó mới xếp thứ tự ưu tiên công trình và tính toán làm công trình đồng bộ hiệu quả...”.

Đề xuất hàng nghìn tỉ đồng cho các công trình thủy lợi

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng ưu tiên bố trí 1.060 tỉ đồng (giai đoạn 2016-2020) để đầu tư một số hạng mục công trình như đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (Hậu Giang) dài 30km với kinh phí 260 tỉ đồng; đầu tư xây mới các công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt như trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang) 250 tỉ đồng, cống Thủ Cựu (Bến Tre) 300 tỉ đồng và thay thế các cống đóng mở tự động để lấy nguồn nước ngọt chủ động ở ĐBSCL với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng.

Ngoài ra cần ưu tiên bố trí vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020 qua các dự án quan trọng có tác động liên vùng với tổng kinh phí khoảng 8.000 tỉ đồng, gồm: cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang), Âu Ninh Quới và hệ thống chuyển nước cho nam quốc lộ 1 (Bạc Liêu), hệ thống ngăn mặn tiếp nước ngọt Vũng Liêm - Vĩnh Long, sạt lở bờ biển Tiền Giang, Bạc Liêu...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cuối tháng này sẽ báo cáo Quốc hội kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm sắp tới, trong đó có dành đầu tư xây dựng cơ bản và đó là một nguồn đầu tư cho các công trình được đề xuất nêu trên.

Thứ hai là nguồn vốn trái phiếu chính phủ với 200.000 tỉ đồng, tập trung cho các công trình giao thông, thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu cấp thiết, 17 công trình đầu tư xây dựng cơ bản đang dở dang, các bệnh viện đa khoa của nhiều tỉnh thành để hoàn chỉnh.

Ngoài ra còn có các nguồn như ODA, nguồn cân đối từ thu ngân sách...

Đề nghị Trung Quốc xả thải hồ chứa thủy điện

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường báo cáo diễn biến dòng chảy từ sông Mekong vào Việt Nam phụ thuộc rõ ràng việc xây 11 đập thủy điện ở Lào, Campuchia và đặc biệt là phía thượng nguồn thuộc Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan soạn công hàm gửi các nước liên quan.

Trước đó, trong phần phát biểu của mình, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường cho rằng Chính phủ cần có công hàm đề nghị Trung Quốc tăng xả thải các hồ chứa vì với dung lượng 43 tỉ m3 sẽ cơ bản giải quyết tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay.

Về lâu dài, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên - môi trường cần tiếp tục phối hợp với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia trong việc điều tiết các hồ chứa tại các nước này.

CHÍ QUỐC - H.TRÍ DŨNG (chiquoc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên