03/12/2015 08:33 GMT+7

Tại sao Việt Nam đi nhanh trong quan hệ với ASEAN?

QUỲNH TRUNG - CẦM VĂN KÌNH - NHƯ BÌNH
QUỲNH TRUNG - CẦM VĂN KÌNH - NHƯ BÌNH

TTO - Vào lúc 9g sáng thứ năm 3-12-2015, buổi giao lưu trực tuyến “Cộng đồng ASEAN: cơ hội nào cho người Việt?" đã diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Hình nền cho buổi GLTT chủ đề Cộng đồng ASEAN cơ hội với người Việt diễn ra lúc 9g ngày 3-12-2015

Buổi giao lưu đã bắt đầu. Nội dung giao lưu:

* Đề nghị cho biết quy định cụ thể của cộng đồng ASEAN trong việc xuất nhập cảnh đối với tổ chức, cá nhân trong khối. (Phạm Văn Thế, 45 tuổi, ceihanoi@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh - Phó vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao: Hiện nay, công dân tất cả các nước ASEAN đã có thể đi lại trong khối mà không cần thị thực (visa) với thời hạn từ 15-30 ngày.  

* Ở hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 tại Malaysia mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Biển Đông là một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà ASEAN phải đối mặt trong khi Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore cho biết Biển Đông là phép thử tính đoàn kết của ASEAN. Làm thế nào để giải quyết thách thức Biển Đông? (Quỳnh Liên, 27t, thienhuong0504@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Tất cả các nước ASEAN đều coi vấn đề Biển Đông là thách thức đối với hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực.

Tất cả đều nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS), thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực.

Thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC). Điều này một lần nữa đã được khẳng định tại các văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 tại Malaysia vừa qua. 

Ông Văn Đức Mười - Phó chủ CLB các doanh nghiệp dẫn đầu (CLB) tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Cộng đồng ASEAN:  Cơ hội với người Việt “ cùng Tuổi Trẻ sáng 3-12 - Ảnh: Duyên Phan
Ông Văn Đức Mười - Phó chủ CLB các doanh nghiệp dẫn đầu (CLB) tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Cộng đồng ASEAN: Cơ hội với người Việt “ cùng Tuổi Trẻ sáng 3-12 - Ảnh: Duyên Phan
Đại diện báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Nam Trần
Ông Trịnh Minh Mạnh - Phó vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao trả lời các câu hỏi tại buổi trực tuyến - Ảnh: Nam Trần
Ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương) - Ảnh: Nam Trần

* Việt Nam làm gì để tăng năng suất lao động cho cán bộ công chức? Việt Nam có sử dụng cơ chế thuê chuyên gia, mở rộng đấu thầu công khai để chuyển nghiệp vụ hành chính thuần túy sang cho các tổ chức dịch vụ tư nhân? Congdanviet85@...

- Ông Văn Đức Mười - Phó chủ tịch CLB các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC):

Cải cánh thể chế hành chính, thể chế kinh tế là nội dung quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước. Năng suất lao động nói chung ở Việt Nam chúng ta ở hàng thấp trong khu vực, vì vậy tăng năng suất lao động của cán bộ công chức đồng nghĩa với việc tác động đến hoạt động kinh tế, quản trị để thúc đẩy tăng năng suất xã hội.

Như vậy, để tăng năng suất lao động cho cán bộ công chức thì phải hướng tới mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị của cán bộ công chức, đào tạo cán bộ công chức quản trị chất lượng cao, có tầm nhìn và trách nhiệm xã hội trong quản lý nhà nước.

Nhất là phải chuyển từ trong quản lý nhà nước ở mức độ quản trị sang một chính quyền phục vụ. Đây là giải pháp tốt nhất để chúng ta theo kịp đà tiến triển và hội nhập, cũng như tác động đến nền kinh tế thông qua môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp và các đối tác đầu tư.

Một trong những vấn đề quan trọng nữa là cơ chế về thuê chuyên gia và mở rộng đấu thầu để chuyển nghiệp vụ hành chính thuần túy sang cho các tổ chức dịch vụ tư nhân thực hiện theo một lộ trình nhất định, làm thế nào để các năng lực ngoài nhà nước tham gia vào sự đóng góp của xã hội.

Việc này chẳng những mang lại chất lượng, sức cạnh tranh mới cho thể chế hành chính mà còn mang lại niềm tin cho cộng đồng xã hội đối với quản lý nhà nước, ở đây được thể hiện ở cơ chế minh bạch và rõ ràng hơn trong thực hiện các nhiệm vụ công.

Tuy nhiên trong lộ trình triển khai nhà nước cần nắm giữ những hoạt động cốt yếu của xã hội để kiểm soát được an sinh và an toàn cho xã hội.

* Theo ông, những lợi ích của VN nói chung và người tiêu dùng VN nói riêng khi AEC được chính thức thành lập là gì?(Huỳnh Mai, 29 tuổi, sunny@...)

- Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương): Lợi ích lớn nhất của VN là tăng cường được tính cạnh tranh, thu hút đầu tư. Tuy nhiên muốn vậy thì các doanh nghiệp VN phải tham gia tích cực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo thị trường của khối luôn luôn hấp dẫn, vì lợi ích cơ bản của VN là:'

- ASEAN sẽ trở thành một thị trường của 10 nước với tổng dân số trên 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đóng góp hơn 90 triệu người tiêu dùng và khoảng trên 190 tỷ USD GDP hàng năm.

- Hàng hóa được tự do di chuyển qua biên giới do hàng rào thuế quan gần như đã được xóa bỏ hoàn toàn, chỉ phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, chất lượng của từng nước ASEAN; được hưởng đối xử như hàng hóa sản xuất trong nước của mỗi nước.

-  Các hạn chế đối với việc cung ứng dịch vụ, đầu tư sẽ được dỡ bỏ dần theo lộ trình đàm phán từng gói cam kết. Tương tự đối với dòng vốn và di chuyển của lao động có tay nghề.

Riêng đối với các DN, khi AEC được thiết lập thì các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát huy tốt hơn các lợi thế cạnh tranh, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, cụ thể là:

- Doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhờ sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Qua đó, doanh nghiệp tận dụng được thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất của ASEAN.

-Doanh nghiệp có cơ hội có cơ hội trao đổi chuyên gia và lao động có kỹ năng và đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của VN nhờ cam kết về lưu chuyển tự do của lao động có kỹ năng của AEC.

Hiện nay, ASEAN đã thống nhất công nhận lẫn nhau đối với lao động ở các ngành bác sĩ, nha sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên, nhân viên du lịch, kế toán.

-Doanh nghiệp nâng cao năng lực, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ quy mô thị trường lớn hơn cũng như các cơ hội tiếp cận thị trường của 6 nước đối tác mà ASEAN đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

-Doanh nghiệp tận dụng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật ASEAN dành cho các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa VN với các nước dẫn đầu trong ASEAN. 

* Khi cộng đồng chung ASEAN chính thức được thiết lập và đi vào hoạt động thì người lao động sẽ có quyền hưởng những chế độ gì mới? Giữa Việt Nam và Singapore thu nhập của công nhân có khác nhau không?(Tạ Văn Thành, 34 tuổi, lavietech.vnn.vn@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Việc hình thành cộng đồng ASEAN không tác động tới các quy định về chế độ đối với người lao động đối với các quốc gia thành viên. Không chỉ Việt Nam và Singapore mà trong tất cả các quốc gia ASEAN cũng như các nước trên thế giới, thu nhập của người lao động là khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ phát triển, năng suất lao động ở các quốc gia đó.

Đại diện báo Tuổi Trẻ trao hoa, quà lưu niệm cho ông Văn Đức Mười - Phó chủ CLB các doanh nghiệp dẫn đầu (CLB) tại tòa soạn Tuổi Trẻ sáng 3-12 - Ảnh: Duyên Phan

* Cộng đồng ASEAN đã được hiện thực hóa, tuy nhiên đứng ở góc độ là nhà quản lý, các khách mời đánh giá thế nào về lợi thế so sánh giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng ASEAN? Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động xã hội để nâng cao nâng lực cạnh tranh? (Trần Thị Trúc Phương, 30 tuổi, trucphuong1486@...)

- Ông Văn Đức Mười: Trong cộng đồng kinh tế ASEAN chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp. Khi mở cửa, sự cạnh tranh này hết sức gay gắt và khắc nghiệt vì tính xen lẫn và bổ sung trong hàng hóa thấp.

Với một đất nước phát triển sau của cơ chế thị trường, vốn dĩ sức cạnh tranh yếu thế trên nhiều mặt, chúng ta có được lợi thế so sánh lớn nhất là tính truyền thống, tính dân tộc thông qua các sản phẩm và hàng hóa. Từ đó, thấy rằng cần phải tái cấu trúc lại nhiều ngành hoạt động để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sức mạnh, giảm chi phí và tạo lợi thế mới.

Điều quan trọng hơn là nhận biết vị trí ở mức độ thấp của chúng ta trong sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội, đầu tư cho hàm lượng khoa học công nghệ, nguồn lực để có những sản phẩm mới, lợi thế cạnh tranh mới.

Và điều quan trọng hơn nữa, cũng không nên quá bi quan trong vị thế của mình và hãy nhìn nhận bằng năng lực đổi mới và năng lượng mới của chúng ta. 

* Xin ông cho biết tại sao nói AEC hướng tới đưa ASEAN trở thành một thị trường chung thống nhất?(Trần Thanh Tùng, 27 tuổi, tungtran@...)

- Ông Trịnh Minh Anh: Đó là vì AEC sẽ hình thành lên một khu vực kinh tế với bốn nội dung (bốn trụ cột) cơ bản là:

Trụ cột 1: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất thông qua 5 yếu tố cơ bản:

-  Hàng hóa di chuyển tự do hóa;

-  Dịch vụ lưu chuyển thuận tiện, dễ dàng và tự do hơn;

-  Tự do hóa về đầu tư, tự do hóa hơn về vốn;

-  Lao động có tay nghề di chuyển tự do hơn.

Trụ cột 2: Một khu vực kinh tế cạnh tranh thông qua:

-  Hợp tác về chính sách cạnh tranh để thúc đẩy văn hóa cạnh tranh công bằng, có các thể chế và luật lệ củng cố cạnh tranh

- Củng cố quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy sự sáng tạo, các sáng kiến, các kết quả sáng tạo và phát minh được người dân, doanh nghiệp vận dụng mạnh mẽ hơn.

- Phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, thông tin, năng lượng) để thúc đẩy giao lưu, sự ổn định cho sản xuất và tiêu dùng.

Trụ cột 3: Phát triển kinh tế đồng đều giữa các nước ASEAN thông qua các yếu tố:

- Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vì các đối tượng này chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp trong các nước ASEAN (riêng VN khoảng 97%) mà điều kiện tiếp cận và hưởng lợi hạn chế hơn các doanh nghiệp lớn.

- Sáng kiến Hội nhập ASEAN nhằm hợp tác và hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam thu hẹp khoảng cách để thực hiện và đạt được các mục tiêu chung của ASEAN: các lĩnh vực hợp tác và hỗ trợ gồm hạ tầng, phát triển nhân lực, công nghệ thông tin, năng lượng, biến đổi khí hậu, du lịch, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống...

Trụ cột 4: Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua:

- Đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác: HIện nay ASEAN đã ký 5 FTA với 6 đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

- Tăng cường sự tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thu hút đầu tư từ các cường quốc trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU...

- Trên cơ sở xác định môi trường thế giới ngày càng toàn cầu hóa với các thị trường ngày càng đan xen lẫn nhau và các ngành trong ASEAN ngày càng hướng ra thế giới.

* Việc hình thành cộng đồng ASEAN tạo ra những biến chuyển gì lớn đối với Việt Nam và khu vực? (Trung, 28t, hieuthien0302@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình lâu dài, liên tục, đã diễn ra từ lâu, nhất là từ khi ASEAN ký hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1992. Thời điểm chính thức hình thành cộng đồng vào ngày 31-12-2015 chỉ là một dấu mốc, đánh dấu kết quả của quá trình hội nhập, liên kết ASEAN từ khi Hiệp hội được thành lập vào năm 1967 ở Bangkok, Thái Lan.

Quá trình này sẽ còn tiếp tục sau thời điểm 31-12-2015. Chính vì vậy, tại hội nghị cấp cao 27 vừa qua, bên cạnh tuyên bố hình thành Cộng đồng thì các nhà lãnh đạo ASEAN cũng ký tuyên bố về Tầm nhìn ASEAN 2025 kèm theo các kế hoạch tổng thể để thực hiện tầm nhìn này trên cả ba trụ cột: Chính trị - an ninh, Kinh tế, và Văn hoá – xã hội. Các kế hoạch tổng thể này là những lộ trình mới cho giai đoạn hội nhập 10 năm tới của ASEAN.

Việc hình thành Cộng đồng thể hiện sự tự tin, khẳng định mong muốn và quyết tâm của các nước ASEAN tiếp tục hội nhập và liên kết sâu rộng hơn trong thời gian tới. Đồng thời tạo cho ASEAN một vị thế mới trong quan hệ với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

* Khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ tạo ra sự tự do lưu chuyển vốn và nhân lực giữa các nước ASEAN. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức rõ đâu là cơ hội và thách thức của mình, vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Và nhà nước nên làm gì để doanh nghiệp nhận thức đúng và kịp chuẩn bị cho thời cơ mới?(Hàng Duy Linh, 21 tuổi, hangduylinh1602@...)

- Ông Văn Đức Mười: Chúng ta khởi đầu hội nhập từ rất sớm, từ liên minh kinh tế khu vực chuyển sang hội nhập kinh tế quốc tế, sự chuẩn bị thượng tầng về mặt đối ngoại khá tốt và đầy đủ.

Tuy nhiên, về hạ tầng của nền kinh tế (doanh nghiệp) thì chưa thật sự đầy đủ. Nguyên nhân của vấn đề này, theo nhận định của tôi là sự thiếu đồng bộ trong hoạch định chiến lược hội nhập.

Mặt khác, xuất phát điểm của các doanh nghiệp VN với quy mô nhỏ và thoát thân từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, dễ thụ động trong tiếp nhận. Do vậy, sự hạn chế trong hiểu biết về các hiệp ước kinh tế là hệ quả tất yếu.

Như vậy, không nên để trễ hơn trong lộ trình tiến tới hội nhập hoàn toàn của các hiệp ước kinh tế, khi mà chúng ta thường đợi những năm cuối mới tỉnh ngộ trong lộ trình. Lúc này, vai trò của nhà nước là cần phải tạo những sự xung động nhất định bằng nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, thông tin kiến thức, các điều kiện của hiệp ước để làm doanh nghiệp hiểu rằng hội nhập họ bị tổn hại ra sao và quyền lợi thế nào. Bên cạnh đó, biết được sự tồn vong, phát triển bền vững và không để trễ thêm cơ hội mới.

Điều tiên quyết nhất là các doanh nghiệp không nên thụ động chờ đợi mà phải chủ động bằng sức lực và năng lực của mình, chuyển hóa từ những năng lực mang tính tiềm năng thành những sản phẩm cụ thể của hội nhập. Mỗi một đơn vị kinh tế góp phần vào trong công cuộc đổi mới kinh tế phát triển.

Hội nhập không dành riêng cho cấp quản lý hay doanh nghiệp. Mỗi đơn vị, mỗi người mang một sứ mệnh trong công cuộc hội nhập.

* Là doanh nghiệp Nhà nước, ông có nghĩ đến lúc nào đó mình sẽ thuê những lao động người nước ngoài và cho họ nắm giữ những vị trí quan trọng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp? Thanh Tùng, 45 tuổi, tungnt@...)

- Ông Văn Đức Mười: Xin cảm ơn anh Thanh Tùng. Đây là một câu hỏi rất hay.

Trong quá trình vận hành một doanh nghiệp nhà nước, tôi luôn luôn mong đợi tìm được những chuyên gia nước ngoài để phát triển công nghệ, những sản phẩm mới mà xã hội đang mong đợi.

Tuy nhiên, có những rào cản nhất định mà chúng tôi phải đương đầu với những quy định về thuê các chuyên gia, nhất là vấn đề trả thù lao cho họ.

Trong thực tế, để giải quyết được vấn đề này, tôi đã vận dụng và ứng dụng nhiều phương cách để tìm được những chuyên gia giỏi cộng tác với chúng tôi. Thực tế đã mang lại thành công trong lĩnh vực sản phẩm và công nghệ mới.

Nói như vậy để khẳng định rằng doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp dân doanh đều có những yêu cầu riêng trong đào tạo, thuê mướn chuyên gia, ứng dụng công nghệ mới.

Như vậy, không phải đợi đến lúc nào hay thời điểm nào thì chúng ta mới nghĩ đến việc thuê mướn chuyên gia. Đó là một nhu cầu thực tế, một yêu cầu trong phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Chúng ta vẫn thuê được những chuyên gia và vẫn có thể kiểm soát được bằng quyền quản trị của mình. Khi thuê mướn chuyên gia, chúng ta cân nhắc và phải tin tưởng họ để tạo một môi trường tốt nhất cho họ đóng góp và phát triển doanh nghiệp.

Tôi tin tưởng rằng với sự hội nhập sâu rộng của chúng ta, với lộ trình mở cửa của AEC, các hiệp ước kinh tế VN - EU, các hiệp ước kinh tế khác sẽ tạo cho chúng ta môi trường tốt để nâng cao năng lực nội tại của chúng ta. Đồng thời tiếp nhận những hàm lượng chất xám mới của nền kinh tế thế giới.  

* ASEAN sẽ cân bằng lợi ích như thế nào với hai bên: nước thành viên Việt Nam và Tổ chức đối thoại Trung Quốc? Đánh giá triển vọng và thách thức về quan hệ ASEAN -Việt Nam sau khi Cộng đồng ASEAN thành lập?(Nguyễn Thị Lan Anh, 22 tuổi, linhnam07@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Việt Nam là một thành viên của ASEAN, những cơ hội và thách thức đối với cộng đồng ASEAN cũng chính là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ có cơ hội thúc đẩy hơn nữa hội nhập và liên kết, góp phần vào tăng trưởng chung của cả khu vực thông qua tăng xuất khẩu trong nội khối cũng như là với các đối tác bên ngoài, tăng đầu tư nội khối cũng như là thu hút đầu tư từ các đối tác bên ngoài. Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ làm tăng ý thức về bản sắc của ASEAN, tăng sự gắn kết và đoàn kết nội khối và từ đó giúp ASEAN đối phó tốt hơn với các thách thức từ bên ngoài. 

* Việt Nam từ khi gia nhập ASEAN đã đạt được những thành tựu gì? Tại sao Việt Nam lại đi nhanh như vậy trong quan hệ với ASEAN? (Nguyễn Thị Nam, 20 tuổi, xiaonanxingfu@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào an ninh, phát triển đất nước. Trước hết, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 góp phần phá thế bao vây, cấm vận, mở đầu cho quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới của đất nước.

Về lĩnh vực Chính trị - an ninh, tham gia ASEAN, Việt Nam có quan hệ hữu nghị và tốt đẹp với tất cả các nước Đông Nam Á, từ đó đóng góp vào việc tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định để VN tập trung vào phát triển, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn và quan hệ quốc tế nói chung.

Về kinh tế, Việt Nam có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân, tăng thu hút đầu tư từ các nước ASEAN, dần dần giúp VN nâng cao kỹ năng quản lý và vận hành kinh tế theo quy luật kinh tế thị trường. Có thể nói hội nhập kinh tế ASEAN chính là bàn đạp để Việt Nam trưởng thành và tham gia vào những hiệp định thương mại tự do rộng lớn hơn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hiện nay.

Về văn hóa -  xã hội, tham gia ASEAN giúp Việt Nam tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành như y tế, giáo dục, môi trường, giao lưu nhân dân… góp phần tăng cường hiểu biết, sự gắn bó giữa các quốc gia trong hiệp hội.

Việt Nam đi nhanh như vậy trong quan hệ với ASEAN bởi vì Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ASEAN là những nước láng giềng liền kề, có ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình, ổn định và phát triển của đất nước và cũng bởi vì ASEAN là môi trường phù hợp để Việt Nam có thể phát huy vai trò đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực. 

* ASEAN đang có các biện pháp nào để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên? Những đối tác nào hỗ trợ ASEAN triển khai các sáng kiến này? Làm thế nào để tranh thủ nguồn lực và tham gia các sáng kiến đó? (Thiên Vân, 22t, thienvan@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Thu hẹp khoảng cách phát triển là một trong những ưu tiên của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, và Philippines) và các nước thành viên Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam. Do đó từ năm 2000, các nước ASEAN đã đưa ra sáng kiến về thu hẹp khoảng cách phát triển hay còn gọi là Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI).

Theo đó, các nước ASEAN-6, các nước đối tác và tổ chức phát triển của ASEAN, sẽ hỗ trợ cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với ASEAN-6. Cho đến nay, đã có hơn 500 dự án với tổng trị giá khoảng hơn 100 triệu USD dành cho các nước này. 

* Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc ASEAN hình thành một khu vực sản xuất thống nhất? (Nguyễn Thanh Tín, 38 tuổi, tinnguyen@...):

- Ông Trịnh Minh Anh:  Sau khi 4 nội dung/ 4 trụ cột nói trên được thực hiện xong, ASEAN sẽ trở thành một khu vực sản xuất thống nhất, khi đó 

- Nhờ sự phát triển của phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa có thể sản xuất ở một nơi và tiêu thụ ở một nơi. Thêm vào đó, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin như mạng cáp quang, internet, viễn thông dẫn đến việc sản xuất tách ra thành các công đoạn và bố trí ở các nơi khác nhau. Với AEC, ASEAN sẽ có sự phân công lao động giữa các nước với nhau.

- Sự phân công lao động giữa các nước ASEAN hay việc chia tách các công đoạn sản xuất cho các nước ASEAN dẫn đến sự hình thành các chuỗi cung ứng hay cơ sở sản xuất thống nhất của ASEAN đối với một số ngành, nghề cụ thể, đặc biệt các ngành dễ chuẩn hóa như điện tử, ô tô...

- Tỷ trọng hàng hóa trung gian trong tổng thương mại của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng trong thương mại nội khối ASEAN ngày càng gia tăng, thể hiện việc các nước ngày càng tăng cường trao đổi các sản phẩm là kết quả của một số công đoạn sản xuất trong ASEAN với nhau. Qua đó, các nước sẽ phát huy được những lợi thế riêng của từng nước, thể hiện sự bổ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN.

- Một trong những ý nghĩa quan trọng của AEC là việc hỗ trợ lẫn nhau về sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa ra các nước bên ngoài khối thông qua các chuỗi cung ứng. Với ý nghĩa này, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc chấm dứt đàm phán như FTA VN - EU vừa được ký ngày 2-12, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... sẽ có nhiều tác động cộng hưởng tích cực hơn đối với riêng Việt Nam. 

- Đối với Việt Nam, một mặt ta đã tích cực tham gia vào các chuỗi cung ứng của trong  ASEAN, mặt khác VN còn đứng đầu chuỗi cung ứng trong một số ngành như đồ gỗ, thủy sản chế biến, dệt may, điện tử... Những ngành này thì các nước ASEAN như Campuuchia, Lào, Myanmar lại cung cấp hàng hóa đầu vào cho Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu.

-Đối với ngành ô tô, mặc dù Việt Nam chậm chân và khó có thể phát triển một ngành công nghiệp hoàn chỉnh để cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể gánh vác các công đoạn cụ thể của tiến trình sản xuất, ví dụ như sản xuất các linh kiện điện tử, lốp,... trong chuỗi cung ứng do các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, Hàn Quốc thiết lập.

Tóm lại, cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN là việc 10 nước ASEAN cùng phát huy tính bổ trợ, phát huy lợi thế riêng của từng nước để hình thành các chuỗi cung ứng, cung cấp các sản phẩm cạnh tranh cho khu vực và thế giới.

* Theo tôi hiểu CLB Doanh nghiệp dẫn đầu là những doanh nghiệp lớn hàng đầu của VN. Nhóm doanh nghiệp này có thể trụ được với sức cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài không? LBC đã có bàn về hợp tác với nhau để đối phó với AEC chưa? (Thanh Niên, 35 tuổi, hoangthanhnien@...)

- Ông Văn Đức Mười: Chúng tôi là tập hợp những thương hiệu dẫn đầu. Sức mạnh không chỉ ở riêng những doanh nghiệp của LBC mà chúng tôi tập hợp sức mạnh, trí tuệ của các doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Đồng thời, sự dẫn đầu đòi hỏi chúng tôi định hướng cho các doanh nghiệp trong hội hàng VN chất lượng cao tập trung vào giá trị cốt lõi của mình, làm nòng cốt, nền tảng trong khu vực AEC.

Cụ thể, chúng tôi đang thực hiện chương trình Mekong Connecting - LBC khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp (ABCD) là trụ cột để cùng phát triển trong liên kết vùng.

Với cách làm này, tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp trong LBC sẽ làm được một công việc quan trọng và mang lợi ích cho cộng đồng xã hội. 

* Theo ông, những năm đầu tiên khi tham gia AEC, ngành hàng nào của VN sẽ có những tác động rõ nét nhất?(Phạm Hồng Thắm, 32 tuổi, meocon@...)

- Ông Trịnh Minh Anh: Trong hội nhập kinh tế nói chung và vào AEC nói riêng, thuận lợi bao giờ cũng đi đôi với khó khăn, tuy nhiên, theo tôi thuận lợi là cơ bản.

Tình hình và tác động với một số mặt hàng của VN cụ thể như sau:

Về tình hình giảm thuế:

- Thực hiện cam kết của Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 kèm Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, từ thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2015, Việt Nam cắt giảm thêm 1.715 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0%, đưa hơn 90% số dòng thuế của Biểu ATIGA xuống mức thuế 0%.

- Việt Nam sẽ phải đưa 97% số dòng thuế về 0% vào ngày 1 tháng 1 năm 2018. 7% tổng số biểu thuế mà Việt Nam hiện tại áp dụng linh hoạt kéo dài việc duy trì mức thuế 5% cho đến năm 2018 gồm 669 dòng là các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn chủ yếu như: sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất.

- Các mặt hàng có lộ trình riêng là:

+ Ô tô, xe máy

Thuế nhập khẩu

2014

2015

2016

2017

2018

ATIGA

50%

50%

40%

30%

0%

+ Thuốc lá: Việt Nam chưa đưa ra lộ trình, vẫn duy trì trong Danh mục loại trừ.

- Ngoài ra, khoảng 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường).

Trên cơ sở đó, kết hợp với tác động cộng hưởng của việc 1 loạt các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc chấm dứt đàm phán (TPP, VN EU…) thì có một số phân tích, đánh giá tĩnh về tổng thể đối với một số ngành cụ thể như sau:

a. Đối với một số ngành nông nghiệp

Ngành chăn nuôi: Hiện nay, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi còn cao và thức ăn chăn nuôi trên thị trường hầu hết là của các doanh nghiệp nước ngoài. Nhu cầu thức ăn tinh cho ngành phải nhập khẩu là khoảng hơn 4 tỉ đô la Mỹ năm gồm ngô, cám, khô dầu,…Dự báo, khả năng nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ tăng, nhất là thịt gà, thịt bò….

Về lý thuyết, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng ngành này lại có lợi thế trong việc thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt đầu tư vào tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng chọt của ngành. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quản lý chặt trẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm cho phù hợp với quy chuẩn của nước ngoài.

Ngành sản xuất gạo: Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng gạo Việt Nam về cơ bản vẫn giữ được quyền kiểm soát ở thị trường trong nước. Gạo là mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm trong tất cả các FTA. Thuế suất MFN của các loại gạo là 40%, riêng thóc để gieo trồng là 0%. Tính đến 2014, các FTA có cam kết thuế suất nhập khẩu trung bình thấp gồm Asean, Asean - Trung Quốc, Asean - Hàn Quốc. Từ 2021, hầu hết các FTA có cam kết thuế suất trung bình dưới 5%.

Ngành sữa: Trong các FTA, cam kết xóa bỏ thuế với các mặt hàng sữa nhập khẩu có hiệu lực chủ yếu vào giai đoạn 2018. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sữa Việt Nam không cao do phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu và thiết bị nước ngoài. Đặc biệt là 100% nguyên liệu sữa bột các loại phải nhập khẩu.

Dự kiến, nguyên liệu sản xuất sữa bột sẽ tiếp tục phải nhập khẩu. Trong khi đó, các hãng sữa ngoại câu kết đấy giá sữa bột bán lẻ tại Việt Nam lên quá cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

b. Đối với một số ngành công nghiệp:

Ngành máy móc thiết bị, điện gia dụng: Đây là ngành ít có lợi thế xuất khẩu. Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị từ 37 nước, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm gần 35% tỷ trọng. Các mặt hàng này chủ yếu có mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho giai đoạn 2018 đối với Hiệp định ATIGA, và 2020 đối với Asean - Australia - New Zealand, và muộn hơn với Nhật Bản.

Đối với các Hiệp định Asean - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, lộ trình giảm thuế là phân tán. Một số mặt hàng như dây điện và cáp điện; điện thoại và linh kiện; sản phẩm điện từ và linh kiện;… được xóa bỏ thuế quan. Khả năng nhập khẩu mặt hàng này trong các năm tiếp theo sẽ tăng nhanh hơn do thuế suất giảm và nếu các sản phẩm trong nước không nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ngành ô tô: Ô tô chỉ cam kết trong Hiệp định Asean, và Asean - Trung Quốc, còn các hiệp định khác loại trừ. Trong Asean, thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0% năm 2018; trong khi trong Hiệp định Asean - Trung Quốc, thuế nhập khẩu sẽ về 50% vào năm 2020.

Đây là thách thức rất lớn. Vì Việt Nam vẫn loay hoay phát triển ngành công nghiệp ô tô, thì các quốc gia như Thái Lan và Indonesia đã có ngành ô tô rất phát triển. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn có khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong các chuỗi do doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia tổ chức. Khả năng nhập khẩu các mặt hàng ô tô và linh kiện sẽ tăng trong các năm tới đây.

Ngành thép: Thuế suất của tất cả các FTA đều thấp hơn so với mức thuế suất MFN trung bình, đặc biệt kể từ 2018 khi các FTA bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế quan sâu. Đến cuối lộ trình, thuế suất trung bình của các hiệp định như Atiga, Asean - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản chỉ ở mức 0-5%.

Trong khuôn khổ hiệp định Asean - Trung Quốc, Việt Nam phải đưa thuế suất mặt hàng phôi để sản xuất thép cuộn về 0% năm 2018, và mặt hàng phôi để sản xuất thép về dưới 5% vào 2020. Do đó đây là ngành khó có khả năng cạnh tranh.

Ngành giấy: Hiện nay Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm như giấy in, giấy in báo, giấy bao bì công nghiệp thông thường, giấy vàng mã, giấy vệ sinh chất lượng thấp. Các loại giấy kỹ thuật điện, điện tử; giấy sản xuất thuốc lá, giấy in tiền, in tài liệu bảo mật vẫn phải nhập khẩu.

Trong mấy năm gần đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu giấy từ Asean (tới 50% lượng nhập khẩu). Thuế nhập khẩu đối với giấy các loại trong hiệp định Asean đã ở mức thấp, và sẽ về 0% năm 2018.

Đối với bột giấy, việc cắt giảm thuế sẽ sẽ về 0% đến 2019 với tất cả các FTA. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp giấy, trong đó 90 doanh nghiệp có công suất trên 1.000 tấn/năm, còn lại là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể. Với thực trạnh như vậy, ngành này sẽ đối diện cạnh tranh gay gắt.

* Trong AEC, Vissan có định vị sản phẩm, thương hiệu mình đứng ở đâu không? Tôi thấy doanh nghiệp nước ngoài vào VN phát triển rất nhanh, ông và Vissan có sự chuẩn bị gì trước thời điểm AEC hình thành để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài (Thu Nguyệt, 35 tuổi, nguyetthuky@...)

- Ông Văn Đức MườiNgành thực phẩm có một lợi thế tự nhiên trong tập quán tiêu dùng, người VN chuộng về thực phẩm tươi sống. Nó hình thành một rào cản tự nhiên đối với sự cạnh tranh của các thực phẩm tươi sống trong khu vực. Cũng cần phải hiểu rằng không có sự bất dịch trong vấn đề này, tập quán cũng sẽ thay đổi trong tương lai.

 

Như vậy, chúng ta còn đủ thời gian để hoạch định lại ngành chăn nuôi của chúng ta, nguồn cung cấp cho sản xuất thực phẩm được tái cấu trúc mạnh mẽ, sản xuất theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc, giảm trung gian, giảm giá thành trong chăn nuôi (hiện nay giá thành chăn nuôi của chúng ta cao hơn giá trung bình của thế giới 25%), đảm bảo cho phát triển ngành trong tương lai.

 

Trong thực tế, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ những năm liên kết kinh tế vùng AFTA. Chuỗi giá trị của chúng tôi là hợp tác, liên kết giữa nhà chăn nuôi, nhà khoa học, doanh nghiệp - Vissan đóng vai trò là nhạc trưởng của chuỗi liên kết này. Định vị cho thương hiệu Vissan với khẩu hiệu "sức sống mỗi ngày", cho sự an toàn vệ sinh thực phẩm, tiếp cận thị trường bằng tiêu chí chất lượng sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc.

* Xin nói rõ hơn về khái niệm bản sắc và giá trị trong ASEAN? (Trường Sơn, 26t, sonluong203@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Bản sắc ASEAN hay còn gọi là Phương cách ASEAN (ASEAN WAY) là đặc điểm đặc thù trong cách vận hành mọi hoạt động của ASEAN, trong đó người ta hay nhắc đến nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Do ASEAN là tập hợp của 10 nước có đặc điểm thể chế chính trị, trình độ phát triển, văn hoá – xã hội rất khác nhau. Do đó, nguyên tắc đồng thuận (cần sự nhất trí của cả 10 nước) là cần thiết để đảm bảo các nước có tiếng nói bình đẳng như nhau trước bất cứ quyết định nào của ASEAN.

Nếu các quyết định của ASEAN được thông qua bằng bỏ phiếu như Liên minh Châu Âu (EU), thì sẽ luôn có kẻ thắng và người thua, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, gắn bó trong ASEAN và do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập chung của ASEAN. Từ đó, người ta cũng hay nhắc đến giá trị của ASEAN là sự thống nhất trong đa dạng.  

* Xin cho biết đánh giá một số nội dung hợp tác lớn trong khuôn khổ các quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, và ASEAN-Mỹ? (Hiếu Thiên, 28t, thienthanh304@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Cả Trung Quốc và Mỹ là những nước lớn và là đối tác chiến lược của ASEAN. Hai nước này có quan hệ toàn diện với ASEAN trên cả ba lĩnh vực: Chính trị - an ninh, Kinh tế, và Văn hoá - xã hội. Về trụ cột An ninh - chính trị, hai bên có những cơ chế họp cấp cao thường niên với ASEAN, cùng tham gia vào tất cả các cơ chế do ASEAN khởi xướng như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển mở rộng (EAMF)…

Cũng trong trụ cột An ninh – chính trị, Mỹ và Trung Quốc đều có hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ ASEAN đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu…  

Về trụ cột kinh tế, Mỹ và Trung Quốc cũng là hai đối tác quan trọng của ASEAN. Trung Quốc từ năm 2009 đến nay là đối tác kinh tế lớn nhất của ASEAN. Mỹ là đối tác kinh tế hàng đầu và là nhà đầu tư lớn của nhiều quốc gia ASEAN. Chất lượng đầu tư của Mỹ đã được khẳng định. Ngoài ra, cả hai đều hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

* Vai trò của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN là gì? (Hoàng Lê, 23t, lehoang05@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN hàng năm vẫn họp trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM). Đây là một cơ chế trực thuộc của cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng có cơ chế hợp tác an ninh – quốc phòng với 8 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, New Zealand, Úc, và Nga (ADMM+).

Hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+ góp phần thúc đẩy đối thoại chiến lược, tăng cường sự tin cậy và minh bạch về chính sách an ninh - quốc phòng, qua đó đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ, an ninh biển, chống khủng bố, quân y, và hoạt động gìn giữ hòa bình. 

* ASEAN có tham vọng trở thành EU trong tương lai không? (Ly Hương, 21t, huongly37@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: ASEAN và EU là hai khu vực có đặc điểm rất  khác nhau và là hai mô hình hội nhập khác nhau. ASEAN có thể học hỏi và rút ra những kinh nghiệm từ quá trình hội nhập của EU nhưng không lấy đó làm mô hình để sao chép. ASEAN sẽ tiếp tục hội nhập theo phương cách của ASEAN (ASEAN WAY) phù hợp với các lợi ích và nhu cầu của các nước ASEAN. 

* Khi nào có đồng tiền chung của cộng đồng ASEAN? (Tran tan by sen, 60 tuổi, byén3@...

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Sử dụng đồng tiền chung là mức độ hội nhập rất cao mà hiện nay chỉ có EU đạt được. Với mức độ hội nhập hiện nay của ASEAN, đây chỉ mới là một ý tưởng. 

* Những cơ hội cho người Việt khi cộng đồng ASEAN thành lập, nói chung. Đặc biệt là những người sử dụng được tiếng Anh nên chuẩn bị những gì để có được việc làm tốt. (Đặng Thanh Phước, 33 tuổi, thanhphuocgoodlife@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Những người sử dụng được tiếng Anh thì rõ ràng là một lợi thế lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng không chỉ trong ASEAN. Việc hình thành cộng đồng ASEAN cùng với những cơ hội mới về thương mại, đầu tư, thì cơ hội việc làm của người lao động cũng sẽ rộng mở hơn.

Tuy nhiên, tiếng Anh chỉ là một phương tiện, người lao động cần phải có những phẩm chất và kỹ năng khác để có thể tận dụng được những cơ hội mà sự hội nhập mang lại.

* Quá trình mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa ASEAN và các đối tác ngoài khối có ảnh hưởng đến “vai trò trung tâm” của ASEAN hay không? (Minh Tuấn, 36t, nguyenminhtuan07@...)

Ông Trịnh Minh Mạnh: Câu trả lời của tôi là không. Ngược lại, việc ASEAN mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác ngoài khối góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. Hiện nay, ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, và New Zealand và hiện đang tiếp tục đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với cả 6 đối tác này. Mạng lưới các FTA giữa ASEAN và các đối tác cho thấy sự hấp dẫn của nền kinh tế ASEAN, qua đó giúp ASEAN duy trì được vị thế và vai trò trung tâm trong cấu trúc kinh tế khu vực. 

* Bộ Công thương cũng như Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã có chuẩn bị gì cho AEC? (Nguyễn Ngọc Sen, 41 tuổi, ngocsen@...)

- Ông Trịnh Minh Anh:

Thứ nhất là, về mặt triển khai xây dựng AEC: Bộ Công thương và các bộ ngành đã quyết tâm thực hiện đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế khu vực và tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, tận dụng các nguồn lực nhập khẩu có chi phí thấp hơn; đồng thời tạo ra các sức ép từ bên ngoài để đẩy mạnh cải cách trong nước theo hướng minh bạch, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về AEC năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về những lợi ích và thách thức của AEC với nhiều hình thức khác nhau. Đề án tăng cường thông tin tuyên truyền giai đoạn 2015-2020 đã được trình Chính phủ để nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin tuyên truyền.

Phối hợp chặt chẽ hội nhập kinh tế ASEAN với hội nhập kinh tế các khu vực khác (như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU...) để doanh nghiệp, người dân Việt Nam được hưởng lợi tối đa từ tiến trình hội nhập kinh tế cho giai đoạn hội nhập kinh tế sau năm 2015.

- Đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu kinh tế trong nước với tốc độ phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN.

- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia AEC của Việt Nam thông qua vai trò điều phối của Bộ Công Thương.

Thứ hai là, về việc triển khai thực hiện AEC:

- Bộ Tài chính đã ban hành văn bản pháp lý thực hiện cắt giảm thuế và tăng cường thuận lợi hóa thương mại thông qua triển khai hải quan điện tử, cơ chế một cửa, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan và giảm các yêu cầu về các giấy tờ kê khai, qua đó giảm thiểu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

- Nỗ lực đơn giản hoá hệ thống cấp giấy phép, giấy chứng nhận bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ví dụ như việc thực hiện hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng) cũng như việc cấp phép nhập khẩu tự động.

- Hướng tới tự do hóa dịch vụ, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi một số Luật liên quan như Luật đầu tư, Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp và ban hành nhiều Nghị định, văn bản hướng dẫn các Luật này.

- Sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện các cam kết trong từng ngành cụ thể, điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS).

- Đối với các ngành dịch vụ ưu tiên gồm y tế, du lịch, logistics, e-ASEAN và hàng không, Việt Nam cũng đã tuân thủ nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia vào các hiệp định liên quan.

- Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Luật cạnh tranh khá toàn diện áp dụng cho cả nền kinh tế và có các cơ quan giám sát thực hiện luật này cùng với Indonesia, Singapore và Thái Lan…

Thứ ba là về mặt phối hợp với doanh nghiệp

- Đàm phán cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với lộ trình chuyển đổi phù hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị trong các FTA nội khối ASEAN và ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôt-xtrây-lia và Niu Di-lân.

- Đàm phán thúc đẩy việc mở cửa thị trường ASEAN và các đối tác cho doanh nghiệp của Việt Nam.

- Phối hợp tích cực với doanh nghiệp giải quyết các biện pháp hạn chế thương mại mới tại các thị trường xuất khẩu, kể cả các biện pháp như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.

- Chủ động vận dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá để đối phó với hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng tiêu cực hoặc cạnh tranh không bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

- Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư để tìm hiểu, thâm nhập và phát triển thị trường.

- Triển khai việc tuyên truyền, quảng bá cho doanh nghiệp và người dân ở các địa phương trong cả nước về các cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế, đặc biệt là về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

- Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để góp phần thu hút đầu tư, đảm bảo hiệu ứng lan tỏa của đầu tư, mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực cho doanh nghiệp và người dân địa phương, đồng thời xây dựng năng lực dài hạn cho hội nhập kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng và rất quan trọng là việc đàm phán mở cửa các thị trường mới, vừa nhằm mục đích đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc sâu vào các thị trường khu vực, vừa tính đến tính chất bổ trợ cho nền kinh tế Việt Nam.

* Vai trò của Bộ Công Thương trong việc thông tin tuyên truyền về AEC đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân và những công việc sắp tới là gì? (Đặng Cơ An, 36 tuổi, coan@...)

- Ông Trịnh Minh Anh: Trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức và dẫn dắt toàn bộ tiến trình đàm phán và ký kết các hiệp định hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có AEC để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Hai là đi đầu trong việc chế định hoá các cam kết hội nhập vào hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến DN. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã  tổ chức và quản lý tốt các ngành kinh tế đạt hiệu quả cao và đóng góp quan trọng vào ổn định thị trường trong nước. Đặc biệt là tích cực triển khai và đi đầu trong công tác thông tin tuyên truyền, giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức, tham gia thành công vào tiến trình hội nhập.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục làm tốt hơn các công việc trên. Nhưng đặc biệt chú trọng đếm công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và AEC nói riêng tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

* ASEAN sẽ cân bằng lợi ích như thế nào với hai bên: nước thành viên Việt Nam và tổ chức đối thoại Trung Quốc? Đánh giá triển vọng và thách thức về quan hệ ASEAN -Việt Nam sau khi Cộng đồng ASEAN thành lập? (Nguyễn Thị Lan Anh, 22 tuổi, linhnam07@...)

- Ông Trịnh Minh Mạnh: Việt Nam là một thành viên của ASEAN, những cơ hội và thách thức đối với cộng đồng ASEAN cũng chính là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ có cơ hội thúc đẩy hơn nữa hội nhập và liên kết, góp phần vào tăng trưởng chung của cả khu vực thông qua tăng xuất khẩu trong nội khối cũng như là với các đối tác bên ngoài, tăng đầu tư nội khối cũng như là thu hút đầu tư từ các đối tác bên ngoài. Cộng đồng ASEAN hình thành sẽ làm tăng ý thức về bản sắc của ASEAN (We Feeling), tăng sự gắn kết và đoàn kết nội khối và từ đó giúp ASEAN đối phó tốt hơn với các thách thức từ bên ngoài. 

 

************

* Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN.

Các lãnh đạo tin tưởng rằng sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung.

Người dân các địa phương Việt Nam sẽ làm gì để kịp thời chuẩn bị, nắm bắt những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN đem lại? 

Người lao động, nhà sản xuất… sẽ phải cạnh tranh như thế nào trong một môi trường thống nhất, tự do di chuyển lao động?

Những vấn đề như xung đột lãnh thổ - lãnh hải tại Biển Đông sẽ được xử lý ra sao, các quy chuẩn như một công cụ đảm bảo hòa bình do cộng đồng thiết lập trong những cuộc tranh chấp giữa các nước trong lẫn ngoài khu vực ASEAN sẽ có hiệu quả thế nào?

Cơ hội đầu tư du lịch, học hành của người Việt sang các nước trong cộng đồng có khác biệt gì so với trước đây?…

Dựa trên nhu cầu hiểu biết về Cộng đồng ASEAN của người dân, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Cộng đồng ASEAN - cơ hội nào cho người Việt?

Các khách mời là chuyên gia cấp cao Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương của chúng tôi gồm:

- Ông Trịnh Minh Mạnh - Phó vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao

- Ông Trịnh Minh Anh: Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương)

- Ông Văn Đức Mười - Phó chủ tịch CLB các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC)

10 quốc gia thành viên ASEAN:

Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines,  Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

QUỲNH TRUNG - CẦM VĂN KÌNH - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tu\u1ed5i Tr\u1ebb." />