25/11/2015 07:36 GMT+7

Bảo vệ đời tư, thừa nhận chuyển giới

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)

TT - Với đa số phiếu tán thành, ngày 24-11 Quốc hội đã thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi), nổi bật với những quy định bảo vệ quyền con người.

Ngay sau khi Luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội các bạn trẻ đi bộ để chào mừng quyền chuyển giới mới được thông qua - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngay sau khi Luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội các bạn trẻ đi bộ để chào mừng quyền chuyển giới mới được thông qua - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bộ luật dân sự là một bộ luật đồ sộ với 689 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Một trong những nội dung mới được bổ sung vào Bộ luật dân sự lần này là quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Trong đó, điều 38 nêu rõ: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Thừa nhận chuyển giới

Liên quan đến vấn đề gây tranh cãi bấy lâu nay là có hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ:

“Việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác.

Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc”.

Theo đó, Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.

Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Một trong những quy định đáng chú ý khác là trách nhiệm dân sự của pháp nhân, phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân mắc lỗi thuộc pháp nhân đó.

Điều 597 Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Ngày 22-5-2016: bầu cử Quốc hội, HĐND

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Văn bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua tổng hợp thảo luận của đại biểu Quốc hội, “nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cho phù hợp với đặc thù nước ta là có 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, không nên quản lý đại biểu Quốc hội theo cách hành chính bằng việc báo cáo, xin phép khi vắng mặt”.

Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể Quốc hội, họp tổ đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Việc đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều tại hội trường trong các phiên họp là vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân cả nước không mong muốn”.

Theo đó, Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định: “Trường hợp không thể tham dự phiên họp, đại biểu Quốc hội báo cáo trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc tổng thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội”.

Cũng trong ngày 24-11, Quốc hội đã tiến hành các thủ tục bầu ông Nguyễn Sinh Hùng làm chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định lấy ngày 22-5-2016 làm ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng đã trình danh sách Hội đồng bầu cử quốc gia với 21 thành viên để Quốc hội phê chuẩn, trong đó Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân làm phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn: tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử...

Bầu tổng thư ký Quốc hội

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức tổng thư ký Quốc hội.

Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Có nhiệm vụ tham mưu cho chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp...

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên