20/11/2015 17:50 GMT+7

Hơn 200 km sông, kênh, rạch Sài Gòn bị lục bình tấn công

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Trong 181 tuyến sông, kênh rạch bị lục bình tấn công thì có 68 tuyến lục bình phát triển dày đặc.

Một đoạn kênh thoát nước trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP.HCM) bị lục bình lấp đầy - Ảnh: Tự Trung

Sáng 20-11, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện công tác vớt, xử lý lục bình trên sông, kênh, rạch và lễ ký kết kế hoạch phối hợp vớt, xử lý lục bình khai thông dòng chảy giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.

Cản giao thông thủy, ô nhiễm môi trường

Theo thống kê, TP.HCM có hơn 3.000 tuyến sông, kênh, rạch thì có 181 tuyến sông, kênh, rạch có lục bình với tổng chiều dài hơn 203 km. Đặc biệt có 66/181 tuyến sông, kênh, rạch có lục bình phát triển dày đặc.

Tình trạng lục bình phát triển gây cản trở hoạt động giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, phát sinh côn trùng, dịch bệnh, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngoài nguyên nhân khách quan từ môi trường tự nhiên, lục bình phát triển còn do nguyên nhân chủ quan như chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong TP và các tỉnh thành lân cận.

Mặc khác tình trạng ô nhiễm môi trường nước do ảnh hưởng từ nguồn nước thải, rác thải trong các khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt làm gia tăng hàm lượng nitơ, photpho (môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho lục bình sinh trưởng).

Sau hai năm quan tâm thực hiện, tuy còn hạn chế khi thực hiện thủ công nhưng nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã hoàn thành vớt, xử lý lục bình tại 27 tuyến sông, kênh, rạch và thanh quyết toán kinh phí thực hiện.

Nhưng thực tế hiện nay lục bình đang tiếp tục phát sinh trở lại tại các tuyến sông, kênh, rạch đã vớt.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Khoa học - công nghệ phối hợp trường ĐH Công nghiệp TP và Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi TP, nghiên cứu chế tạo máy cắt, vớt rong, cỏ dại, lục bình cỡ nhỏ và đang hoàn thiện dần khi đưa vào sử dụng đạt được những kết quả khả quan.

Dùng lục bình làm phân bón

Một vấn đề quan trọng mà các đại biểu quan tâm tại hội thảo là cần nghiên cứu xử lý khi đưa khối lượng lục bình thành phân bón hữu cơ hoặc các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp hữu ích. Điều đó mang lại hiệu quả kinh tế lại đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát chất lượng lục bình cho thấy, chỉ lục bình ở huyện Củ Chi, Hóc Môn là phù hợp để ủ, xử lý trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. 

Còn lục bình từ nhiều quận nội thành bị lẫn rác, tạp chất quá nhiều nên xem như một loại rác trên sông, cần trục vớt và chôn lấp theo quy định. Lục bình tại các khu công nghiệp cũng tương tự, cần xem như rác thải công nghiệp và phải có quy trình xử lý riêng.

Theo UBND TP, trên cơ sở thử nghiệm vớt lục bình ở thượng nguồn sông Sài Gòn (địa bàn huyện Củ Chi), giao Sở Tài nguyên và môi trường tổng hợp gởi Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP phê duyệt phương án chính thức tiến hành vớt thường xuyên trên thượng nguồn sông Sài Gòn để triển khai trong năm 2016.

Một đoạn kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TP.HCM) ô nhiễm vì lục bình - Ảnh: Tự Trung
Một đoạn kênh khu vực đường liên ấp 1,2 và 3 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị lục bình lấp đầy gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: Tự Trung
SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên