17/11/2015 06:51 GMT+7

Vẫn cần một phiên chất vấn nữa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày đầu tiên của phiên “tái chất vấn”, cử tri chứng kiến sự bám đuổi của các đại biểu về những vấn đề, sự việc mình đặt ra.

Các “tư lệnh ngành” cũng cho thấy họ đã chuẩn bị khá kỹ cả tinh thần và “tài liệu” cho cuộc vấn đáp này... Nhiều đại biểu Quốc hội cùng nhận định: việc đổi mới hoạt động chất vấn theo hướng “truy đến cùng” là đúng đắn.

Tuy vậy, có những vấn đề được đặt ra ngay từ đầu khóa Quốc hội, luôn được các đại biểu “truy đến cùng”, nhưng đến cuối khóa cũng không “đi đến cùng” được.

Ví dụ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu vấn nạn buôn lậu, hàng giả tràn lan, bộ trưởng cứ thể hiện “quyết tâm và quyết tâm”, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ “tình hình vẫn thế”, nên chắc rằng bộ trưởng phải gửi lại cho bộ trưởng kế nhiệm khóa sau.

Theo dõi ngày đầu chất vấn, cử tri cũng không khó nhận ra những “từ khóa” thường lặp đi lặp lại trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội, như: đổi mới giáo dục, buôn lậu, hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm, thủy điện - rừng, cải cách hành chính, oan - sai...

Trong đó có những vấn đề mà sức nóng chưa hề thuyên giảm. Tinh ý một chút, có thể thấy một số lĩnh vực nóng bỏng đầu nhiệm kỳ như giao thông vận tải, ngân hàng thì nay chưa hoặc ít nhận được “tái chất vấn” của đại biểu (có vẻ như các lĩnh vực này đã có những chuyển biến được ghi nhận).

Đây là phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIII (Quốc hội chỉ còn một kỳ họp ngắn vào tháng 3-2016 để tổng kết nhiệm kỳ, chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV, không tiến hành phiên chất vấn).

Dấu ấn của từng vị bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã được thể hiện khá rõ qua kết quả công việc, qua phong cách thể hiện sau phiên chất vấn cuối cùng này.

Không chỉ để đánh giá các “tư lệnh ngành”, phiên chất vấn lần này còn là dịp để cử tri kiểm định chất lượng lá phiếu của chính mình. Hay như có người nói rằng vẫn cần một phiên chất vấn nữa. Đó là phiên chất vấn của cử tri đối với các vị đại biểu Quốc hội.

Một nhiệm kỳ qua đi, bao nhiêu trong số các đại biểu Quốc hội đang ngồi trên ghế ở nghị trường được cử tri, đồng bào cả nước nhớ đến với lòng tin tưởng?

Bao nhiêu đại biểu tự thấy mình xứng đáng với sự tín nhiệm từ năm 2011 với hàng vạn, hàng triệu lá phiếu cử tri đã tin vào những lời hứa?

Khi đại biểu nói rằng có những lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ “tình hình vẫn thế”, thì ngoài trách nhiệm của bộ trưởng, của Chính phủ, trách nhiệm của từng vị đại biểu và của Quốc hội như thế nào?

Các vị đại biểu đã làm tròn trách nhiệm và sử dụng hết quyền hạn của mình (quyền kiến nghị, chất vấn, đề nghị xử lý trách nhiệm - bãi nhiệm...) chưa?

Các đại biểu sẽ trả lời thế nào trước cử tri về tình trạng như chính một đại biểu (ông Nguyễn Anh Sơn, Nam Định) phê phán là cả chục đại biểu “hát cùng một bài” trong thảo luận, có biểu hiện lợi ích nhóm, “mớm cung” cho người trả lời chất vấn?

Đó là chưa kể có đại biểu Quốc hội sau vài ba kỳ họp đã thú nhận “số tôi không hợp làm chính khách”...

Hãy cùng chờ đợi các phiên chất vấn của cử tri sau phiên chất vấn này.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên