04/11/2015 11:13 GMT+7

​Nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chẳng kê khai

 LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TTO - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vừa có phát biểu rất thẳng thắn, lý giải tại sao ở Việt Nam các con số thống kê đưa ra thường bị nghi ngờ tại phiên thảo luận về dự án Luật thống kê (sửa đổi) sáng 4-11.

Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Bùi Quang Vinh - Ảnh: Lê Kiên

 

“Đại biểu chúng ta nhiều người cũng chẳng kê khai đâu”

Chúng ta không băn khoăn về phương pháp tính của chúng ta, chỉ băn khoăn về số liệu đầu vào có chính xác không mà thôi. Cán bộ thống kê không có lợi ích gì về việc số nhiều hay số ít.

Nhưng tôi đồng ý là phải chế tài trách nhiệm người cung cấp số liệu cho cán bộ thống kê. Các đại biểu đều biết là rất nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái, mà thậm chí là đứng tên con cái cũng không khai nữa.

Cho nên số liệu về nhà ở tính vào chưa chắc đã đúng đâu. Chính đại biểu chúng ta trong này có khi nhiều người cũng chẳng kê khai, nói gì đến nhân dân.

Đầu vào không chính xác thì đừng nói đến số liệu chính xác. Ở nước ngoài vi phạm về thuế, vi phạm về thống kê người ta xử lý rất chặt. Tôi đồng ý là phải rà soát xem các quy định trong luật về xử lý vi phạm hành chính, hoặc pháp luật hình sự đã quy định về cái này chưa.

Trong số 185 chỉ tiêu thống kê thì Bộ Kế hoạch - đầu tư chỉ công bố 70-80 thôi, còn lại là các bộ, ngành tự thống kê. Nếu nói rằng để các bộ, ngành chuyên môn công bố sẽ khách quan hơn thì tôi không đồng ý. Bởi tôi cho rằng cái ông làm ra thành tích ấy thì thường con số không khách quan đâu, bởi người ta vẫn muốn con số đẹp, vì vậy mới cần thống kê độc lập để có con số chính xác.

Đừng một mình một chợ

Quan trọng nhất là chính xác, làm cơ sở cho phân tích, dự báo. Chúng ta sống trong một thế giới, hội nhập, phải so sánh với bạn bè xem mình đang đứng ở đâu. Đây là những yêu cầu rất lớn đối với hoạt động thống kê.

Các con số thống kê của chúng ta chắc là không thể chính xác tuyệt đối được, nhưng nó không đến mức méo mó như nhiều người đang nghĩ. Tôi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư và nghĩ rằng tôi không chỉ đạo ai làm méo mó con số thống kê cả. Các phương pháp thống kê mà chúng ta sử dụng là những phương pháp được thế giới thừa nhận.

Tuy nhiên trong này có hệ thống chỉ tiêu thì chúng ta rất khác quốc tế. Bởi thế giới họ không có một chỉ tiêu như chúng ta, ví dụ như  tỷ lệ hộ gia đình có tivi…

Cần làm rõ đâu là chỉ tiêu quốc gia, đâu là chỉ tiêu các bộ, ngành. Hệ thống chỉ tiêu quốc gia phải là hệ thống chỉ tiêu mang tính chất cốt lõi nhất, căn bản nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế, chứ không phải là một mình một chợ.

Khi đưa ra chỉ tiêu thì phải có khả năng thống kê, đo đếm được, có phương pháp, chứ không phải là đưa ra rồi ngồi phác thảo nên con số. Đã đưa ra một chỉ tiêu thì phải kiểm soát được con số từ cơ sở đưa lên và phải có người chịu trách nhiệm.

Về thời gian công bố số liệu thống kê. Hiện nay chúng ta có ba loại số liệu, ngành thống kê rất trăn trở về cái này, bởi vì nó làm cho xã hội, dư luận hiểu sai về thống kê. Đối với các nước người ta không có cái cách điều hành như chúng ta làm kết hoạch hóa thế này.

Người ta có cơ quan dự báo, và dự báo thì thay đổi xoành xoạch, như các đại biểu thấy WB tháng trước người ta đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 3,4%, nhưng tháng sau họ lại đưa ra dự báo 3,7%. Trong khi chúng ta dự báo trước cả năm trời, ví dụ hôm nay ngồi đây nhưng dự báo CPI (chỉ số tăng giá) cho cả năm 2016.

Hôm nọ tôi báo cáo là không nên đưa chỉ tiêu CPI vào kế hoạch hàng năm và 5 năm nữa, bởi CPI không phụ thuộc vào chúng ta mà nó phụ thuộc cả thế giới. Giá dầu giảm xuống 40 USD là CPI cả thế giới giảm ngay, chúng ta làm sao biết được giá dầu tăng giảm thế nào, vậy mà ngồi đây dự báo CPI đến cuối năm 2016 thì không có căn cứ nào hết.

Nhưng rồi Chính phủ bàn đi bàn lại, thấy vẫn phải đưa con số này vào, vì nó quan trọng quá, vậy thì cứ đưa ra một con số to to rồi đưa vào thôi chứ chính xác thế nào được. Giá dầu giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới, chứ đâu phải là công lao của cả hệ thống chúng ta làm cho CPI giảm.

Phải làm rõ ba loại số liệu. Thứ nhất là số liệu ước tính, phục vụ công tác điều hành, hàng tháng đều phải ước tính.

Thứ hai là số liệu thống kê sơ bộ, ví dụ Chính phủ họp vào tuần cuối của tháng thì khi đó làm gì đã có số liệu tuần cuối cùng của tháng đó, nên các số liệu thống kê trong ba kỳ chưa được thẩm định nên nó chưa thật sự chính xác.

Thứ ba là số liệu thống kê chính thức công bố cuối cùng, đây mới là con số chính xác, số liệu này thường được công bố vào tháng 6 của năm sau.

Vì cứ phải công bố hàng tháng như vậy, đến khi công bố chính thức có điều chỉnh con số cuối cùng khác nhau thì làm cho đại biểu Quốc hội nghi ngờ là thế, chứ nếu cứ công bố như thông lệ quốc tế là tháng 6 năm sau công bố niên giám thì chắc không ai có ý kiến gì đâu.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên