29/10/2015 17:01 GMT+7

Có nên xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước?

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Một cuộc tranh luận có lúc gay gắt đã diễn ra ở đoàn ĐBQH TP.HCM xung quanh việc có nên xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tiến hành cổ phần hóa đang nợ thuế, thua lỗ.

Đại biểu Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng

Cuộc tranh luận diễn ra tại buổi thảo luận dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, khi đại biểu Trần Du Lịch đưa quan điểm ủng hộ quy định nêu trên.

Ông Lịch cho rằng nếu nhà nước xóa nợ thuế thì dù mất một khoản cho ngân sách nhưng doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại, sẽ có thể phục hồi, mạnh lên và bán được cổ phần. Lúc đó, “nhà nước bỏ cái trước, lấy được cái sau”. Còn hơn là nhà nước cứ đè doanh nghiệp ra để đòi nợ thuế, làm doanh nghiệp âm vốn và giải thể.

“Tôi không đồng ý việc xóa nợ thuế cho các DNNN đang tiến hành cổ phần hóa. Phải minh bạch vì sao các doanh nghiệp này nợ thuế. Chưa nói là quy định vậy, những doanh nghiêp chưa tiến hành cổ phần hóa thì tới đây sẽ chây lì? Chính phủ phải làm rõ hơn chủ trương cổ phần hóa để đại biểu báo cáo cử tri”.

Đại biểu VÕ THỊ DUNG (TP.HCM)

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đã gay gắt phản đối: “Quốc hội đồng ý điều khoản sửa đổi này thì coi như là doanh nghiệp đã qua truông. Tôi đề nghị phải kiểm tra kiểm toán thua lỗ thế nào, nguyên nhân lỗ là thế nào, không đóng thuế được là vì cái gì rồi sau đó mới làm chính sách cho Quốc hội thì sẽ công bằng hơn.”

Tỏ ra rất quyết liệt, đại biểu Tâm hỏi đại biểu Lịch: “Cho tôi hỏi anh Lịch một câu riêng tư, liệu Quốc hội có làm lợi ích nhóm chỗ này không?. Tôi nghĩ người dân không đồng tình với cái đó đâu, không thể hợp thức hóa tiêu cực”

Đại biểu Trần Du Lịch trả lời: “Tôi không nghĩ vậy, thật sự “cái đám” này nhỏ. Nợ thuế này nếu là do vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử. Tôi nói rõ việc nợ thuế do thua lỗ và vi phạm pháp luật là khác nhau”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Việt Dũng

Đồng ý với quan điểm của bà Tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM, cũng cho rằng cứ để tất cả vận hành theo kinh tế thị trường, nợ thuế là phải trả. Nếu doanh nghiệp nhà nước không còn vốn, phá sản thì cứ cho phá sản theo luật định.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, phó chánh án TAND TP.HCM, cũng không đồng ý quy định này. Ông Ánh phân tích luật pháp đã quy định là một pháp nhân chuyển qua hình thức sở hữu khác thì chủ sở hữu mới phải kế thừa và thanh toán. “Kể cả tài sản người chết để lại cũng còn phải trả nợ mới chia thừa kế chứ không có chuyện xù nợ. Pháp luật thì phải tìm đến sự công bằng.” - Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Trước phản ứng này của các đại biểu cùng đoàn, đại biểu Trần Du Lịch nói rõ là quan điểm ủng hộ của ông phải kèm theo việc thống kê hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp được xóa nợ thuế, số tiền sẽ xóa là bao nhiêu và cái lợi sau đó nhà nước thu được là gì. “Phải đánh giá tác động chứ không để người ta nghi ngờ”, đại biểu Trần Du Lịch nói

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục tranh luận, bà nêu ra thắc mắc: “Mấy kỳ Quốc hội vừa rồi, Ủy ban ban tài chính ngân sách đã không đồng ý, không hiểu sao kỳ này lại đồng ý”.

“Không khéo Quốc hội làm chính sách để lợi ích nhóm lợi dụng”  - Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên