02/07/2015 09:11 GMT+7

Nhà Hạnh Phúc: Giữa chính sách và thực hiện cần linh hoạt

PHẠM VŨ - NGUYỄN NGÂN thực hiện
PHẠM VŨ - NGUYỄN NGÂN thực hiện

TT - Xung quanh câu chuyện đề nghị dừng hoạt động “nhà Hạnh Phúc” đang nuôi dưỡng 32 trẻ em thiếu may mắn, Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Tô Đức - phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Ông Tô ĐứcẢnh: N.N.
Ông Tô Đức - Ảnh: N.N.

* Vừa qua, ở TP.HCM có một số mái ấm dành cho trẻ em mồ côi, lang thang đã bị yêu cầu ngừng hoạt động vì không đáp ứng được các yêu cầu của nghị định 68 và 81. Dư luận cho rằng những quy định trong nghị định này (diện tích đất tự nhiên, phòng ở, phân khu chức năng, cơ cấu tổ chức...) là quá cao và không phù hợp với điều kiện gia đình, không khuyến khích các cá nhân có lòng thiện nguyện cùng góp phần chăm sóc trẻ bất hạnh. Quan điểm của Cục Bảo trợ xã hội về việc này như thế nào, thưa ông?

- Ông Tô Đức: Cả nước có hơn 400 cơ sở bảo trợ xã hội, 230 cơ sở ngoài công lập bao gồm các tổ chức, cá nhân, tôn giáo đã được cấp phép, chăm sóc hơn 40.000 người, trong đó hơn 20.000 trẻ em. Con số này chứng tỏ những quy định này đã đi vào thực tế cuộc sống. Để đánh giá hiệu quả, bất cập, sửa đổi, hiện Cục Bảo trợ xã hội đang xem xét lại toàn diện so với điều kiện thực tế và dự báo xu hướng, trình Chính phủ ban hành nghị định mới, chú trọng vào hoạt động chăm sóc bảo trợ đối tượng trẻ em, theo hướng chăm sóc dựa vào cộng đồng.

Giữa chính sách và thực hiện cần phải rất linh hoạt, uyển chuyển, thực hiện thấu tình đạt lý, không máy móc, cứng nhắc.

* Trong trường hợp cụ thể của “nhà Hạnh Phúc”, tất cả những người đến đây đều cho rằng các em đang có một gia đình thật sự, hạnh phúc thật sự và được nuôi dưỡng, giáo dục tốt. Nếu chỉ vì không đạt chuẩn về cơ sở vật chất, có nên phá vỡ một gia đình như thế không? Và giải pháp hồi gia hay chuyển đến cơ sở bảo trợ khác là giải pháp tốt hơn cho các em hay cho cơ quan quản lý?

- Chúng ta cần phải xác định rất rõ khái niệm gia đình và hiểu chính xác khái niệm gia đình. Một cơ sở với 2 - 3 người chăm sóc, nuôi dưỡng và trên 30 em đã vượt quá khái niệm gia đình. Các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường phát triển toàn diện về nhân cách là mong muốn của chính quyền, của chúng tôi.

Khi điều kiện chăm sóc bị quá tải, việc tìm kiếm một cách chăm sóc tốt hơn phải được tính đến. Việc hỗ trợ các cháu quay về gia đình gốc luôn là ưu tiên số một. Toàn bộ giải pháp đều hướng đến quyền lợi, lợi ích cho các cháu.

Trường hợp “nhà Hạnh Phúc”, chúng tôi đã đề nghị TP.HCM đảm bảo để việc học tập của các cháu không bị gián đoạn, giúp sớm ổn định tâm lý, tình cảm. Phải bàn bạc, hỗ trợ cơ sở giải quyết. Trường hợp cơ sở không có khả năng, nguyện vọng mới thực hiện theo quy định.

* Với các em đã được các cơ quan chuyên môn đưa về hồi gia, cuộc sống của các em sau đó ra sao có được tiếp tục theo dõi, giúp đỡ hay không?

- Để một trẻ em hồi gia cần thực hiện theo quy trình nghiệp vụ, sự vào cuộc của các nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp: làm việc với cơ sở, thu thập thông tin của trẻ, đánh giá, điều kiện, khả năng hỗ trợ trẻ hồi gia như thế nào. Trong kế hoạch đó cần có hướng hỗ trợ để trẻ được chăm sóc tại gia đình hiệu quả. Không đơn giản chỉ là lập danh sách và tự động đưa về gia đình.

Mỗi em một hoàn cảnh, cần một sự trợ giúp cụ thể. Như cháu A vào đây vì lý do gì, từ đó đưa ra đánh giá, giải pháp, các nhân viên công tác xã hội địa phương đề xuất giải pháp cụ thể, theo dõi, trợ giúp. Không phải chỉ chuyển cháu A về gia đình mà phải giải quyết được những vấn đề sau đó mà cháu và gia đình sẽ gặp phải.

* Ông nghĩ thế nào khi anh Hoàng ở “nhà Hạnh Phúc” trình bày những tiêu chí nuôi dạy trẻ của họ: không có đầy đủ vật chất, nhưng vật chất không phải điều kiện tốt nhất. Điều kiện tốt nhất ở “nhà Hạnh Phúc” là cho các em tình thương yêu của gia đình, mục đích sống để nỗ lực học tập gây dựng tương lai?

- Hoạt động thiện nguyện rất cần được khuyến khích, hỗ trợ nhưng phải đúng theo quy định của pháp luật. Yêu thương là một yếu tố quan trọng trong chăm sóc trẻ, nhưng để đảm bảo cho trẻ trưởng thành, là công dân có ích hòa nhập cộng đồng thì cần thêm các yếu tố khác nữa.

Vướng chỗ nào thì báo cáo

* Ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, rất nhiều người dân có tấm lòng thiện nguyện. Qua câu chuyện cụ thể này, Cục Bảo trợ xã hội có suy nghĩ thêm về giải pháp nào để khuyến khích, giúp đỡ họ cùng góp tay chăm sóc trẻ một cách lâu dài, ổn định như “nhà Hạnh Phúc”?

- Các gia đình, cá nhân được quyền nhận nuôi dưỡng các em đã có cơ chế khuyến khích để được hưởng chính sách về đất đai, nguồn nhân lực theo nghị định 69 ban hành năm 2008. Chủ trương là khuyến khích, nhưng nếu vượt qua khuôn khổ thì không được khuyến khích.

Ví dụ như một gia đình nuôi 32, 50, 100 người là vượt quá khả năng, lẫn lộn nhóm trẻ em và người lớn thì không thể cho là có môi trường tốt nhất. Chức năng thẩm quyền của địa phương có trách nhiệm và quyết định về nhiệm vụ của mình, vướng chỗ nào thì báo cáo TP, TP vướng thì báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ.

PHẠM VŨ - NGUYỄN NGÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên