10/05/2015 10:23 GMT+7

​Làm sao hạn chế cái chết từ “trên trời”?

NGỌC ẨN - HÀ CHÂU ghi
NGỌC ẨN - HÀ CHÂU ghi

TT - Vụ cần cẩu đổ ập khiến ba mẹ con chị Cao Tường Vân (Đồng Tháp) chết thảm, cộng với nhiều cái chết “trên trời rơi xuống” khác trước đây đã khiến phải đặt ra những câu hỏi: Làm sao hạn chế cái chết từ “trên trời”?

 

Vụ tai nạn do cần cẩu công trình gây ra tại Đồng Tháp gây bức xúc với nhiều người - Ảnh: Ngọc Tài

 Ông LÊ MẠNH HÙNG (giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - chủ đầu tư dự án):

Trách nhiệm của chủ xe cẩu

Theo tôi, trách nhiệm đầu tiên là chủ chiếc xe cẩu, còn người lái là ông thợ chỉ chịu trách nhiệm một phần. Bởi vì ông chủ xe cẩu mới biết chiếc xe cẩu này như thế nào, trường hợp người lái không có bằng cấp thì mới nói đến trách nhiệm của người lái.

Hiện nay phần lớn thợ lái cẩu cao đều là những người thợ bậc cao, đã được đào tạo bài bản và đã có nhiều kinh nghiệm mới được giao lái chiếc cẩu cao như vậy.

Nếu nói trách nhiệm của cả chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát thì cực khó quy trách nhiệm. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn, ông chủ xe chịu trách nhiệm bồi thường, còn chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn chỉ chịu trách nhiệm liên đới.

Ông bà ta có câu “tai bay vạ gió”. Khi cần cẩu sập ở nơi đồng không mông quạnh, không gây thiệt hại chết người thì thôi, nhưng khi đã xảy ra tai nạn chết người là điều không ai mong muốn.

Ở TP.HCM có nhiều cẩu hoạt động trên các tòa nhà cao tầng và được cơ quan chức năng cấp phép, và khi xảy ra sự cố thì khó đổ lỗi cho người cấp phép. Vì vậy, tôi cho rằng trách nhiệm chính vẫn là ông chủ chiếc xe cẩu.

* Ông NGUYỄN BÁ PHƯỚC (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giao thông công chánh TP.HCM):

Đơn vị liên quan phải có trách nhiệm

Vụ sập chiếc cẩu gây tai nạn chết người là trách nhiệm liên quan gồm chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát và người điều khiển xe. Bởi vì trên công trường có cán bộ đại diện chủ đầu tư kiểm tra toàn diện công trình đang thi công.

Vậy trước khi xảy ra sự cố, đại diện chủ đầu tư có văn bản nhắc nhở các đơn vị liên quan về việc bảo đảm an toàn hay không. Đơn vị tư vấn giám sát không chỉ kiểm chiều dày, chiều dài kết cấu công trình mà còn phải kiểm tra chiếc xe cẩu có bảo đảm an toàn hay không.

Nếu chỉ kiểm tra kết cấu chất lượng công trình mà không kiểm tra thiết bị máy móc của nhà thầu có đạt yêu cầu, đảm bảo an toàn lao động thì chẳng ai thuê mướn tư vấn giám sát làm gì. Kế đến nhà thầu thi công đã có nhắc nhở ông chủ xe về điều kiện kỹ thuật của thiết bị xe máy hay không.

Nếu chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công đã có biên bản làm việc và nhắc nhở ông chủ chiếc xe cẩu đó rồi thì trách nhiệm chính ở đây là ông chủ xe. Đối với người lái xe, khi lên lái chiếc xe cẩu này phải biết rõ chiếc xe này có vấn đề gì hay không  và trong quá trình điều khiển đã có báo cáo về tình hình không an toàn của chiếc xe cẩu.

* GS.TS PHẠM XUÂN HỘI (giảng viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội):

Cần chế tài mạnh đối với những sai sót về an toàn lao động

Về mặt kỹ thuật, nhìn chung tại những công trình xây dựng lớn xảy ra tai nạn lao động chủ yếu là do yếu tố kỹ thuật và không tuân thủ vấn đề an toàn lao động, như tải trọng tính một đằng nhưng thi công tính một nẻo, từ việc tính toán kém rồi chủ quan dẫn đến không đảm bảo về mặt kỹ thuật.

Về yếu tố con người, tôi nhận thấy một số công trình chưa xem trọng vấn đề an toàn lao động. Có thực tế hiện nay là việc quản lý của cơ quan chức năng về an toàn lao động không được chặt chẽ.

Khi xảy ra tai nạn lao động thì cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công đều muốn giấu đi, rồi giải quyết hậu quả thầm lặng bằng cách về quê đưa cho người ta một mớ tiền để yêu cầu im lặng. Nhiều khi nhân công lao động được tuyển từ quê lên không được trang bị kiến thức gì về an toàn lao động, cũng chẳng có kiến thức gì về pháp luật, thấy có việc làm là đồng ý ngay.

Vậy nên khi xảy ra tai nạn thì âm thầm lặng lẽ thuận theo sự giải quyết của những người sử dụng lao động.

Còn đối với bộ phận kiểm tra tại các công trình xây dựng thì không kiểm tra chặt chẽ từ quần áo bảo hộ đến giày, mũ, găng tay..., nhất là những công trình xây dựng do các nhà thầu nhỏ thực hiện. Còn các cơ quan có trách nhiệm về an toàn thi công thì cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình nên mới để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy.

Theo tôi, cần có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với đơn vị thi công và những người có trách nhiệm giám sát thì mới mong giảm các vụ tai nạn đáng tiếc từ các công trình xây dựng.

* Luật sư NGUYỄN TẤN THI (Đoàn luật sư TP.HCM): 

Phải có biện pháp phòng tránh

Vụ tai nạn ở Đồng Tháp vừa qua không phải là một vụ tai nạn lao động xuất phát từ rủi ro khách quan mà do cẩu thả từ phía đơn vị thi công. Rủi ro này buộc đơn vị thi công phải thấy trước và phải có biện pháp phòng tránh.

Ở đây, đơn vị thi công đã không thực hiện các biện pháp che chắn, không đảm bảo an toàn trong quá trình thi công dẫn đến chết người. Vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm điều 227 Bộ luật hình sự về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.

Trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ việc này cần phải điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, qua vụ việc thương tâm này, có một vấn đề chúng ta cần đặt ra và quan tâm đó là vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là trách nhiệm của UBND cấp xã, thanh tra xây dựng trong việc thiếu giám sát, kiểm tra để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như an toàn cho tính mạng, sức khỏe người dân.

* Ông NGUYỄN VĂN HÙNG (phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp):

Có thể xử lý hành chính những cá nhân liên quan

Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, về góc độ địa phương, tôi xin nhận trách nhiệm về mặt quản lý. Điều quan trọng nhất hiện tại là phải có biện pháp để hạn chế tối đa những sự việc đau lòng tương tự.

Tôi đã chỉ đạo Sở GTVT phải tổng rà soát các công trình, phải đảm bảo an toàn lao động, nhất là đảm bảo an toàn đối với người dân xung quanh. Không để sự cố tương tự xảy ra và sẽ có biện pháp cứng rắn với những cá nhân, đơn vị phớt lờ những nội quy, quy định an toàn lao động.

Không riêng gì đơn vị thi công bao gồm tài xế, chỉ huy công trình, lãnh đạo công ty mà các ngành hữu quan phải kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại trách nhiệm của từng người trong vụ việc này để có hướng xử lý tiếp theo.

Cụ thể, nếu phát hiện sai sót hoặc buông lỏng trong quản lý các cá nhân, đơn vị liên quan sẽ bị xử lý về mặt hành chính. 

* Ông NGUYỄN QUANG VINH (giám đốc Công ty CP xây dựng công trình Trường Lộc - Công ty Đầu tư xây dựng công trình 3, đơn vị thi công công trình):

Bài học về an toàn lao động

Bài học rút ra cho công ty và các cá nhân khi thi công trong những công trình, dự án là phải hết sức thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt mọi nội quy công trình, quy định an toàn lao động. Đặc biệt bất kỳ ai trong công ty cũng phải khắc cốt ghi tâm, không được tự ý làm việc bằng cảm tính, nghĩ là không có chuyện xảy ra rồi chủ quan trong lúc làm việc.

Sau khi sự việc sập cần cẩu làm chết ba mẹ con chị Vân xảy ra, công ty đã tổ chức họp khẩn cấp. Bản thân tôi một lần nữa đọc lại tất cả các quy định an toàn lao động và yêu cầu mọi người phải rút ra được bài học, kiểm điểm trách nhiệm của từng người liên quan.

Bản thân tôi cũng rút kinh nghiệm sâu sắc và ghi nhận một phần trách nhiệm khi không đôn đốc và kiểm tra sát sao việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường. Nếu có nhiều thời gian hơn có thể tôi đã giám sát chặt hơn mọi công đoạn và tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Đây là sự cố đau lòng mang tính chất rủi ro không ai muốn, tôi hi vọng nhận được sự chia sẻ từ phía gia đình và xã hội.

* Ông LÊ THANH HẢI (giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông thuộc Sở GTVT Đồng Tháp):

Mọi người đều bất ngờ

Tôi xin nhận trách nhiệm khi để tai nạn thương tâm xảy ra tại công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Cụ thể khi sự việc xảy ra, ban quản lý đã thiếu giám sát để có những nhắc nhở kịp thời cho đơn vị thi công. Đây là bài học cần rút ra để làm tốt hơn cho những dự án sau.

Tôi nghĩ trong trường hợp này tất cả mọi người đều bất ngờ và trước đó không lường trước được tai nạn sẽ xảy ra vì cần cẩu hoạt động trong phạm vi hàng rào cho phép.

Lúc tai nạn xảy ra, đơn vị thi công đang dọn dẹp thiết bị để di dời đến nơi khác nên những người có chức năng giám sát đã không trực tiếp có mặt tại đây mà bận giám sát ở một địa điểm đang thi công khác. Đây là bài học lớn của bản thân tôi, đơn vị thi công cũng như ngành giao thông.

NGỌC TÀI ghi

Điều 227 Bộ luật hình sự quy định tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người: 

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-10 năm: 

a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7-12 năm. 

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. 

 

NGỌC ẨN - HÀ CHÂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên