29/04/2015 10:14 GMT+7

​Những khắc khoải trong cuộc gặp sau 42 năm

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Tại TP.HCM đã diễn ra cuộc gặp mặt giữa những người đã từng tham gia đàm phán thành công hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973.

Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và các đại biểu tham dự họp mặt anh chị em tham gia hoạt động ở hội nghị Paris về Việt Nam chiều 28-4 - Ảnh: Quang Định

Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông đã tổ chức cuộc gặp mặt từ sự gợi ý, khắc khoải của bà Nguyễn Thị Bình (nguyên phó chủ tịch nước, bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris) mong muốn các thành viên trong đoàn đàm phán được gặp nhau, khi ai nấy đều ở độ tuổi xưa nay hiếm.

Cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử

Có lẽ hội trường khách sạn Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chưa bao giờ có một cuộc gặp mặt xúc động đến thế. Những cái nắm tay trong niềm vui mừng khôn xiết sau mấy mươi năm giữa những người bạn, người đồng chí đã kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đàm phán lịch sử kéo dài gần năm năm. Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là một trong những nhân vật được chờ đợi nhất.

Bà vẫn mặc áo dài - loại trang phục gần như theo bà suốt trong những lần xuất hiện - áo vest trắng, quàng khăn. Bà luôn nở nụ cười dù đau chân nhưng vẫn nhanh nhẹn đến bắt tay, chào hỏi những đồng đội, đồng chí của mình.

Có những gương mặt dẫu trải qua bao dâu bể bà vẫn không thể quên: vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Nhường (Việt kiều Pháp, đảm nhận in ấn các tài liệu của hiệp định Paris cho hai đoàn của Việt Nam), đại sứ Hà Văn Lâu (phó trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại hội nghị Paris, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao) nay đã 97 tuổi; đại sứ Dương Đình Thảo (người phát ngôn của đoàn), đại sứ Phan Thị Minh (chuyên viên đoàn miền Nam ở hội nghị Paris)...

Buổi gặp mặt còn có cả những trí thức Việt kiều Pháp từng hỗ trợ đoàn đàm phán tại Paris và cả những người đã về nước hoạt động giữa lòng thành phố...

Trong buổi gặp mặt này, bà Nguyễn Thị Bình xúc động nhắc đến những người bạn - người đồng chí không còn nữa: Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Văn Tiến, Đinh Bá Thi, Lê Mai, Đoàn Huyên, Nguyễn Thị Chơn và Bình Thanh - cô em út của đoàn.

“Mấy anh em chúng tôi ôn lại thấy rằng khi bắt đầu đàm phán, nếu kể cả sự thay đổi luân phiên thì số đồng chí tham gia lên đến 100 người. 42 năm trôi qua hôm nay điểm lại các đồng chí ra đi đã hơn phân nửa. Chị Hai Nguyễn Thị Bình là trưởng đoàn duy nhất trong bốn trưởng đoàn còn sống và làm việc, hiện là chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam” - ông Trình Quang Phú (trinh sát bí mật của lực lượng an ninh chiến lược phục vụ hội nghị Paris, hiện là viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông) cho biết.

Không một giờ một phút nghĩ đến thất bại

Bà Bình chia sẻ thêm: “Tôi nhớ những ngày dài đằng đẵng trên bàn đàm phán mà chúng tôi phải lặp đi lặp lại lập trường bất di bất dịch: Mỹ xâm lược Việt Nam thì Mỹ phải rút đi vô điều kiện. Thật căng thẳng. Nhưng chúng tôi luôn nhớ đến lời chúc tết của Bác năm 1969, trước khi Bác ra đi: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Chúng tôi hiểu đó là quyết tâm sắt đá của cả dân tộc.

Vì vậy, không một giờ, một phút nào chúng tôi nghĩ đến thất bại. Ngày 27-1-1973 khi đặt bút ký vào hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, tôi vô cùng xúc động. Đến hôm nay sau hơn 40 năm, cùng nhau nhắc lại, trong tôi có rất nhiều cảm xúc lẫn lộn”.

Cũng trong buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Bình khắc khoải: “Bác đã dạy: Độc lập mà dân chưa có tự do và hạnh phúc thì độc lập chưa có ý nghĩa. Trước mắt chúng ta là cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam giàu mạnh và nhân dân được tự do, hạnh phúc. Cuộc đấu tranh mới này không có tiếng súng nhưng hết sức khó khăn, đầy thử thách, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp”.

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng để giành thắng lợi đòi hỏi sự tập hợp dân tộc mạnh mẽ, nhiều trí tuệ, sức lực và đặc biệt đòi hỏi sự hi sinh phấn đấu không ngừng của mỗi người, của mọi người Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Nguyên phó chủ tịch nước thẳng thắn chỉ ra rằng những tiến bộ, thành tựu của đất nước sau 40 năm “chưa đủ để đảm bảo cho nhân dân ta có cuộc sống tốt như mong muốn. Chúng ta còn thua kém nhiều nước xung quanh. Chúng ta chưa có một nền kinh tế vững mạnh, một nội lực chắc chắn đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền và để đất nước phát triển nhanh chóng”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên