26/04/2015 09:48 GMT+7

Thủ tướng chỉ đạo không để lặp lại “bong bóng” bất động sản

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 25-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2015 - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nổi lên một số hạn chế, khó khăn như nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỉ giá và cán cân thanh toán quốc tế, số lượng khách du lịch tháng 4 tăng so với tháng trước nhưng tính chung cả bốn tháng lại giảm, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung bộ, việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn...

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, tại phiên họp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực nhưng không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp.

Thủ tướng phát biểu: “Tinh thần chung là tiếp tục nỗ lực, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm. Chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2015 với các cơ sở cho thấy nếu quyết liệt thì khả năng đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2015 là khả thi”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện khó khăn nào cần tập trung xử lý.

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; đồng thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản.

“Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất” - Thủ tướng yêu cầu và thúc giục Bộ NN-PTNT tập trung và đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Lưu ý về thị trường bất động sản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và nhập siêu, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy và tạo sự đột phá trong lĩnh vực du lịch, nhất là thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

“Các đồng chí phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý” - Thủ tướng lưu ý trước những cảnh báo có thể xảy ra khi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã tăng đáng kể.

Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chủ quan dù đang được kiểm soát khá tốt. Phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm điều hành tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của lạm phát.

Bộ GTVT được giao sớm xây dựng, hoàn thiện đề án về xã hội hóa các công trình hạ tầng giao thông trình Chính phủ xem xét. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đã được thông qua gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu.

“Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Kiên quyết không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - Ảnh: Việt Dũng

* Bộ trưởng NGUYỄN BẮC SON:

“Quy hoạch báo chí là vấn đề hệ trọng”

Tại cuộc họp báo chiều 25-4, trả lời câu hỏi liên quan đến đề án quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết quy hoạch báo chí được thực hiện theo Luật báo chí.

VN là một trong những nước tự do báo chí. Đội ngũ báo chí đã không ngừng lớn mạnh trong những năm qua. Xác định đề án quy hoạch báo chí là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, phức tạp cho nên đã được triển khai kỹ lưỡng, thận trọng, đúng quy trình và quy định có liên quan.

Trong quy trình xây dựng dự thảo quy hoạch, vì đây là văn bản cá biệt nên không phải lấy ý kiến tất cả cơ quan báo chí mà đã tổ chức hội thảo khoa học và lấy ý kiến của các bộ ngành, các cơ quan chủ quản...

Chính phủ trình Bộ Chính trị hai lần, Bộ Chính trị có ý kiến bằng văn bản và đề án cũng đã được trình trung ương cho ý kiến. Đến nay những nội dung cơ bản của đề án đã được công khai, thông báo đến từng chi bộ.

Về văn bản triển khai cụ thể đề án, hiện nay Ban Cán sự Đảng Chính phủ đang xem xét lần cuối trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Doanh nghiệp cáp quang cần xin lỗi người tiêu dùng

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc đứt cáp quang ảnh hưởng đến người dùng Internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân phá hoại.

Hiện nay, cùng với việc gia cố đảm bảo an toàn cáp quang biển hơn nữa, bộ đã có chỉ đạo và các doanh nghiệp cũng đang tiến hành xây dựng thêm tuyến cáp quang mới. VNPT đang xây dựng thêm hai tuyến cáp quang, kể cả đường truyền trên bộ qua tuyến Trung Quốc, cuối năm nay sẽ hoạt động. Viettel cũng đang đầu tư tuyến cáp quang biển.

“Đây là sự cố bất khả kháng nhưng qua ý kiến của báo chí, tôi thấy người cung cấp dịch vụ phải có lời cáo lỗi đối với người tiêu dùng, đây là văn hóa trong kinh doanh” - Bộ trưởng Son nói.

Đối với giá cước 3G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết việc tăng giá là cần thiết để người cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng phục vụ, không được tăng giá thiếu lành mạnh. Về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo có tăng giá nhưng tăng đúng quy định pháp luật.

Trả lời câu hỏi về đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết mục tiêu đề án là huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Một là tái cơ cấu những khoản vay ngoài nước thời gian ngắn lãi suất cao bằng lãi suất hợp lý hơn và thời gian dài hơn.

Hai là huy động vốn cho một số dự án trọng điểm quốc gia có khả năng trả nợ, thay dần nguồn vốn vay ODA. Hai mục tiêu đó đều đảm bảo nguyên tắc không vượt quá trần nợ công 65% GDP. Đề án này sẽ trình Quốc hội thông qua mới trở thành căn cứ thực hiện.

 

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên