30/01/2015 08:57 GMT+7

TBT Nguyễn Phú Trọng: "Làm nhân sự phải vượt qua sức ép"

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như trên tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2015, diễn ra ở Hà Nội ngày 29-1.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: V.V.T.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong năm 2014, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc mới, phức tạp, tiến hành bài bản, toàn diện, tổng hợp, đạt được những kết quả rõ rệt và có sự đồng thuận cao.

Một loạt vấn đề được triển khai không chỉ cho trước mắt mà cho lâu dài, trong đó có chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng, lấy phiếu tín nhiệm, quy chế bầu cử trong Đảng...

“Ân ít, oán nhiều”

Tổng bí thư chia sẻ với các ý kiến cho rằng công tác tổ chức nhân sự là “lĩnh vực khó lắm, vì đụng chạm đến con người”.

Có khi ai được bố trí hợp với nguyện vọng thì phấn khởi, vui vẻ, còn ngược lại thì sinh chuyện, cho nên mới có nhận xét đây là công việc “ân ít, oán nhiều”.

Tổng bí thư nêu vấn đề hiện nay trong dư luận xã hội cứ râm ran câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy thi đua, chạy chế độ...

Do vậy, hội nghị cần thảo luận xem có hay không cho rõ ràng. Tổng bí thư cho biết vừa đọc trên báo ý kiến của trưởng Ban Tổ chức trung ương về việc quy trình nhân sự, quy trình luân chuyển cán bộ hết sức chặt chẽ, qua nhiều cơ quan thẩm định nên không thể có chuyện “chạy”.

Tuy nhiên, dư luận về vấn đề này khá phổ biến, không chỉ ngành tổ chức cán bộ, đào tạo cũng có, đi học cũng phải chạy... tiền bao nhiêu tỉ để vào chức này, chức kia nghe “xót cả ruột, nhức cả đầu”.

Theo Tổng bí thư, người ta nói giờ chạy cũng tinh vi lắm, chẳng ai thừa nhận mình chạy, mà dưới dạng đi thăm, đi chúc tết, ngày lễ, gửi quà cũng rất khéo, nhưng nhận rồi thì há miệng mắc quai, tay đã nhúng chàm, mai kia xem xét nhân sự phải nể tí... Rồi việc có người không được vào quy hoạch là vì không đến thăm ai, có phải không?

Cần nhìn thẳng vào sự thật, nói thật. Từ dư luận nêu trên, Tổng bí thư đề nghị hội nghị thảo luận để khẳng định cho sòng phẳng, rõ ràng, nếu có thì rút kinh nghiệm, ai chạy, chạy ai, cứ để râm ran như thế này mà không có thì oan cho anh em.

Theo Tổng bí thư, đại hội Đảng có hai việc quan trọng. Một là về văn kiện, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ nhưng đổi mới đúng hướng. Hai là công tác nhân sự.

“Công tác xây dựng văn kiện đã khó, công tác nhân sự càng khó hơn. Tuyệt đối không được chủ quan, sơ sẩy. Mọi việc lớn nhỏ như giới thiệu nhân sự, kiểm phiếu... đều phải làm chặt chẽ, theo đúng quy trình, không chịu bất cứ sức ép nào.

Nhiều sức ép lắm, nhiều cú điện thoại, nhiều thư từ, gặp gỡ, trao đổi, tác động. Lành mạnh thì tốt, chúng ta lắng nghe, nhưng chỉ sợ không lành mạnh vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân” - Tổng bí thư nói.

Không để người suy thoái vào trung ương

Trung tướng Trần Bá Thiều (tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) kiến nghị trung ương cần tập trung chỉ đạo chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp để lựa chọn đội ngũ cán bộ của Đảng.

Đặc biệt là các ủy viên trung ương phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất của toàn Đảng và toàn dân, không để các trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị hoặc đạo đức, lối sống mà chưa bị phát hiện vẫn được cấu tạo vào cấp ủy, vào trung ương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng nêu lên nhiều kiến nghị đáng chú ý, trong đó có việc liên quan đến công tác đánh giá cán bộ diện Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM quản lý.

Cụ thể, trong hai năm qua ở TP.HCM có chuyển biến tích cực khi thực hiện nghiêm quyết định của Bộ Chính trị về quy chế đánh giá cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, trung ương chưa đề ra tiêu chí, quy định cụ thể phù hợp cho từng đối tượng chức danh, từ đó việc đánh giá cán bộ diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý hằng năm còn chung chung, có một số trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất, phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.

Đề cập việc nghị quyết trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có quy định điều kiện thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ, bà Hà kiến nghị: “Đây là vấn đề mới và khó, Ban Tổ chức trung ương cần sớm cụ thể hóa, có hướng dẫn để các tỉnh, thành thực hiện”.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tô Huy Rứa (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương) nêu rõ các công việc trọng tâm của ngành tổ chức trong thời gian tới.

Đầu tiên là tham mưu cho cấp ủy để rà soát lần cuối kế hoạch chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Hướng dẫn và thực hiện việc rà soát quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo để tiếp tục tham mưu việc điều chuyển, bố trí cán bộ, chuẩn bị nhân sự tham gia cấp ủy khóa mới. Tiếp đó là tham mưu công tác nhân sự cấp ủy chặt chẽ, đúng quy chế, quy trình, bảo đảm phát huy dân chủ.

Đà Nẵng xung phong thí điểm hợp nhất ban tổ chức và sở nội vụ

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thọ (bí thư Thành ủy Đà Nẵng) cho rằng vừa qua có nhiều chủ trương thí điểm cần sớm có kết luận đúng hay không đúng, tiếp tục hay dừng lại, cụ thể như thí điểm không tổ chức HĐND, thí điểm bí thư kiêm chủ tịch, thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư, phó bí thư và ban thường vụ...

Bên cạnh việc đề nghị sớm có kết luận về các chủ trương thí điểm nêu trên, ông Trần Thọ còn đề nghị thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng, Nhà nước có chức năng gần giống nhau hoặc giống nhau, ví dụ như ban tổ chức và sở nội vụ, thanh tra và kiểm tra...

“Nếu được, Đà Nẵng đăng ký thí điểm cho ban tổ chức và sở nội vụ thành một cơ quan, nếu thành công thì tiếp tục, không thì dừng lại. Tôi tin là thành công” - ông Trần Thọ nói.

 

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên