26/01/2015 10:00 GMT+7

​Không xử lý nghiêm, bằng giả sẽ tràn lan

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Dù đã được cảnh báo và thông tin công khai danh sách các chương trình chưa được kiểm định, nhưng nhiều người học vẫn “nhắm mắt đưa chân” đóng tiền theo học.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.Dũng

Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm hướng dẫn trường làm đúng

Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện cho đúng, đồng thời thanh tra, kiểm tra thường xuyên để phát hiện những chương trình liên kết đào tạo không được phép của chính Bộ GD-ĐT một cách kịp thời. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cũng giống như khi thực phẩm bẩn vào nước ta theo con đường nhập khẩu thì cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm phải chịu trách nhiệm. Đúng là Bộ GD-ĐT đã xử lý một số trường hợp liên kết đào tạo sai, nhưng thông tin hướng dẫn cũng như các trường hợp xử lý cần được công khai để người học và các trường khác cùng được biết, chứ không chỉ gửi công văn đến một vài trường bị xử lý cụ thể.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ:

- Người ta có thể đưa ra nhiều lý do để giải thích việc sử dụng văn bằng, đặc biệt là bằng tiến sĩ từ các trường ÐH nước ngoài mà không hề được kiểm định ngay tại chính nước bản địa. Có người nói họ bị đánh lừa bởi nghe quảng cáo bùi tai, đến khi đóng tiền vào rồi buộc phải theo.

Nhiều người lại nói thật ra đó là do sính ngoại, háo danh - loại tâm lý khá phổ biến ở Việt Nam. Khi nhập học các chương trình này rồi sẽ không mất nhiều thời gian để phát hiện việc đào tạo quá sơ sài.

Còn nhớ chuyện vị lãnh đạo tỉnh miền núi phía Bắc vài năm trước lấy bằng tiến sĩ nước ngoài một cách dễ dãi dù quá trình học được thực hiện trong nước, người học không biết tiếng Anh, chỉ sử dụng tiếng Việt. Nói một cách đơn giản, ngay các lớp tại chức trong nước vốn đã bị kêu ca nhiều cũng không tổ chức đào tạo qua loa đến thế.

Kỳ lạ là ở nước mình, nhiều người đã đeo đủ thứ trên ngực mà vẫn muốn đeo thêm cái này, cái khác để thỏa mãn thói háo danh. Làm lãnh đạo đâu cần tiến sĩ, chả nhẽ tiến sĩ làm lãnh đạo thì giỏi hơn bình thường?

Tuy nhiên, dù có đổ lỗi cho bất cứ nguyên do nào thì trước hết chính người học sẽ phải chịu trách nhiệm với bản thân mình. Nói rằng mình bị lừa cũng chỉ có thể bị lừa lúc đầu, còn khi học rồi, thấy rõ quy trình không bình thường thì phải chấm dứt, chứ không thể nhắm mắt lao theo được.

Thực tế ở thời đại hội nhập, những kiểu quảng cáo “trên trời” này rất nhiều. Nhưng cũng như mua một món hàng, bỏ tiền túi ra đi học, người học phải sáng suốt tính toán để có lựa chọn đúng đắn cho mình. Một người vận chuyển hàng cấm không thể nói là mình không biết được.

Cốt tuyển người học để thu tiền

* Nhưng nếu quy hết trách nhiệm cho người học e rằng chưa thật sự thỏa đáng khi những cơ sở giáo dục Việt Nam thực tế muốn liên kết đào tạo với nước ngoài phải trải qua một quy trình thẩm định dường như rất chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước?

- Ðúng là phải xem xét trách nhiệm của chính các đơn vị đào tạo. Nếu xảy ra những sự cố này có thể các trường cũng bị lừa, nhưng sẽ không khó để nhận ra có trường vì tiền mà trục lợi. Nhưng kể cả khi trường bị thiếu thông tin thì trong quá trình liên kết đào tạo không khó để phát hiện những nhập nhằng, gian dối.

Xét cho cùng, nếu cơ sở giáo dục cố tình đào tạo những chương trình liên kết này thật ra họ cũng có mục đích làm ăn không trung thực, cốt tuyển người học để thu được tiền.

Vụ ÐHQG Hà Nội liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các chương trình chưa được kiểm định, cấp đến hơn 2.000 bằng thạc sĩ, tiến sĩ làm sao có thể nói do thiếu kinh nghiệm hợp tác quốc tế khi ÐHQG Hà Nội là cơ sở giáo dục ÐH đầu đàn, là đơn vị được giao tự chủ cao, được tự phê duyệt các chương trình liên kết quốc tế?

* Danh sách 21 trường ÐH ở Hoa Kỳ không được kiểm định đã được công bố tại Việt Nam nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn không ít người đăng ký theo học, lấy bằng tiến sĩ và dùng bằng tiến sĩ này để “làm đẹp hồ sơ”. Thông tin rất rõ ràng và đầy đủ, tại sao không ít cơ quan vẫn làm ngơ trước danh sách “trường ma” này?

- Không thể lúc nào cũng nói rằng “vì thiếu thông tin” khi các đơn vị sử dụng lao động nhiều khi cũng “nhắm mắt làm ngơ”, chỉ chờ người ta trình một cái bằng ra là đủ thủ tục đề bạt.

Không thể thông cảm cho các cơ quan này được khi công tác cán bộ là nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho họ phải làm chặt chẽ. Thực tế, những bằng cấp dạng này chỉ lọt vào cơ quan nhà nước, chứ tư nhân ai mà sử dụng?

Khi quan sát nhân sự của mình đi học, các cơ quan cũng đủ thông tin biết chất lượng bằng cấp ấy ra sao. Như trường hợp lãnh đạo tỉnh miền núi trên. Rõ ràng người ta chấp nhận vì ông này có vị thế, cơ quan “tạo điều kiện” cho lãnh đạo.

Sử dụng bằng cấp không đúng sẽ có hại cho Nhà nước khi sử dụng người không đúng vị trí. Việc chạy theo bằng cấp thúc đẩy tâm lý chuộng hư danh. Thực tế từ thời phong kiến, tâm lý chuộng bằng cấp đã rất rõ trong nếp nghĩ của người Việt. Ở những thời kỳ xã hội suy thoái, rơi vào khủng hoảng thì tâm lý chuộng bằng cấp càng mạnh.

Nhưng khi nhìn lại lịch sử sẽ thấy rằng dù chuộng bằng cấp, nhưng bằng cấp ở thời phong kiến luôn được thực hiện nghiêm túc chặt chẽ. Thời xưa, khi Cao Bá Quát làm giám khảo tại trường thi ở phủ Thừa Thiên đã phát hiện một số bài thi hay nhưng lại viết phạm húy.

Theo quy định, những bài phạm húy sẽ bị đánh trượt, nhưng vì tiếc văn tài của thí sinh, Cao Bá Quát đã bàn với đồng nghiệp để sửa lại những phần phạm húy giúp thí sinh. Khi sự việc bị phát lộ, Cao Bá Quát bị xử rất nặng vì thi cử được quan niệm là cách để chọn nhân tài cho đất nước, việc sửa bài cho thí sinh dù vì bất cứ lý do gì là phá hoại chủ trương của nhà nước.

Cơ chế xử lý nghiêm minh không chỉ khiến người đã có tiền sử gian dối rút kinh nghiệm cho mình mà còn khiến những người manh nha có ý định gian dối phải dè chừng, chùn bước vì lo, vì sợ. Còn hiện tại nhiều khi phát hiện gian dối nhưng xử lý không đến nơi đến chốn, coi là “tai nạn” thì không được. Xử lý không nghiêm nên có trường hợp phát hiện gian dối, sau vài năm êm êm lại bất ngờ được thăng chức đến ngỡ ngàng.

Họ chẳng coi danh dự ra gì

* Trong vụ việc tại ÐHQG Hà Nội, Bộ GD-ÐT đã bất đắc dĩ cho phép công nhận văn bằng này nếu người học chứng minh trình độ ngoại ngữ qua những chứng chỉ quốc tế nhất định. Vậy nhưng một số chứng chỉ này khi gửi đến Bộ GD-ÐT tiếp tục lộ ra là chứng chỉ giả. Có phải việc xử lý chưa nghiêm, chưa làm người ta sợ vì thông tin không minh bạch, không công khai danh tính những người gian dối...?

- Thực tế, việc công khai danh tính cần cân nhắc vì liên quan đến danh dự con người. Việc công khai và xử lý có thể được thực hiện trong nội bộ đơn vị. Nhưng xét đến cùng, những người đã học chương trình không kiểm định, sau đó dùng tiếp chứng chỉ giả để hợp thức hóa bằng cấp, gian lận kép như vậy thì bản thân họ đã chẳng coi danh dự của chính họ ra gì cả.

Chúng ta cần phải nêu trong hồ sơ những người này rằng họ từng dùng bằng giả để ngay cả khi chuyển cơ quan khác người ta còn biết mà cân nhắc.

Khi xử lý những sự việc này, đúng là phải cân nhắc đảm bảo quyền lợi của người học, nhưng vấn đề là ai phải đảm bảo quyền lợi đó cho họ? Ðừng đổ cho Nhà nước, Bộ GD-ÐT, mà đơn vị phải chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi chính là đơn vị đào tạo và liên kết đào tạo.

Chả lẽ khi mua phải hàng rởm là mang đến bắt đền Nhà nước, đòi Nhà nước coi đó là hàng thật? Mua hàng rởm thì bắt đền người bán, người đã thu tiền bất hợp pháp phải trả lại tiền. Vậy mới có chuyện ở nước ngoài nhiều đơn vị phải sạt nghiệp vì đền bù.

GS Đào Trọng Thi -
Ảnh: N.Khánh

* GS ĐÀO TRỌNG THI (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Có người sử dụng bằng tiến sĩ với mục đích cá nhân

Ở Mỹ, việc thành lập trường dễ dàng như đăng ký doanh nghiệp hoạt động. Những trường này được phép đào tạo và cấp bằng thì không thể nói là không hợp pháp. Vì hiểu rằng đây là bất hợp pháp nên nhiều khi chúng ta biến một việc bình thường trở thành việc xấu.

Ở nước ngoài, không có khái niệm bằng cấp chung chung mà người ta quan tâm bằng cấp đó do cơ sở nào cấp, có được kiểm định bởi đơn vị uy tín hay không. Thực tế ở Mỹ không chỉ có 21 trường ĐH không được kiểm định như báo chí đưa tin. Nước Mỹ có hàng vạn trường ĐH, nhưng chỉ có khoảng 3.000 trường tham gia kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định có uy tín, nghĩa là có đến hàng nghìn trường ĐH Mỹ chưa được kiểm định.

Ở Việt Nam thì khác với thông lệ quốc tế. Việc quyết định thành lập trường ĐH là do Thủ tướng ra quyết định sau quá trình thẩm định của các cơ quan chức năng. Song thực tế nếu chỉ có “bảo lãnh” Nhà nước như vậy không đủ mà cần phải thực hiện việc kiểm định chặt chẽ. Luật giáo dục ĐH cũng đã bắt đầu quan tâm đến khâu kiểm định này.

Phân tích vậy để thấy rằng không thể nói là không công nhận văn bằng từ các cơ sở chưa được kiểm định của nước ngoài, mà chỉ có thể nói không công nhận tương đương văn bằng của Việt Nam.

Việc sở hữu bằng cấp hiện nay có rất nhiều mục đích khác nhau mà khi đánh giá cần có sự phân biệt rạch ròi. Ở một số cơ quan nhà nước, để đạt chức danh nào sẽ phải có trình độ, bằng cấp tương ứng. Với những trường hợp này, những bằng cấp không được Nhà nước công nhận tương đương nhất thiết không được sử dụng hay “vận dụng”.

Nhưng có người lại sử dụng tấm bằng tiến sĩ dạng đó theo mục đích cá nhân, đơn giản là ghi vào danh thiếp, người ta có bằng tiến sĩ thật, dù không được công nhận văn bằng tương đương thì danh thiếp cũng đâu có quy định gì. Cũng có người nói họ học không vì bằng cấp mà chỉ vì ở những lớp đào tạo liên kết ấy họ có thêm được những kiến thức họ cần, như vậy thì có gì sai?

Những chương trình đào tạo này vẫn tồn tại được ở các nước phát triển vì họ công nhận sự đa dạng trong nhu cầu của xã hội. Ngay tại Mỹ, họ có từ những trường ĐH danh giá, hàng đầu thế giới như ĐH Harvard cho đến các trường ĐH ở dưới đáy mà chất lượng đào tạo, bằng cấp từ những trường dưới đáy ấy còn thấp hơn các trường ĐH của Việt Nam.

 

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên