19/12/2014 09:26 GMT+7

​Thắt lòng gọi nhau trong hầm

MAI VINH - HÀ MI - ĐỨC TRONG
MAI VINH - HÀ MI - ĐỨC TRONG

TT - Nước mắt của lực lượng cứu nạn đã rơi khi trao đổi với các nạn nhân bị kẹt trong hầm sâu tăm tối...

Một công nhân lắng nghe tiếng nói của đồng nghiệp từ trong hầm bị sập qua ống thép - Ảnh: Đức Trong
Một công nhân lắng nghe tiếng nói của đồng nghiệp từ trong hầm bị sập qua ống thép - Ảnh: Đức Trong

Ngày 18-12, ngày thứ ba sau vụ tai nạn, phương tiện duy nhất để liên lạc được giữa lực lượng cứu hộ và 12 nạn nhân bị mắc kẹt sâu bên trong đường hầm vẫn là ống sắt dài khoảng 35m được lực lượng cứu hộ xuyên thấu vào bên trong khu vực bị nạn từ đêm 16-12.

Ống sắt dài ấy cũng là nơi truyền khí ôxy, sữa, nước gừng, thuốc... vào bên trong nuôi sống các nạn nhân.

Đối với những người cứu nạn, bất kỳ tiếng động nào phát ra từ đường ống ấy cũng là dấu hiệu sống, là động lực để những nhân viên cứu hộ có thêm sức mạnh lao vào cuộc chiến giành lại sự sống cho những đồng nghiệp không may mắn của họ.

“Nam ơi! Lành ơi”

Nói không ra tiếng vì gọi tên em

Chúng tôi đi tìm ông Đặng Hồng Chiến (anh trai của chị Đặng Thị Hồng Ngọc, tên thường gọi là Lành, đang bị kẹt trong hầm) thì ông ra hiệu lắc đầu, nói khè khè không ra tiếng. Sau đó, ông phải “bút ký” để cho hay không thể nói được vì mấy ngày qua liên tục vào hầm để thét vào ống sắt gọi tên em gái và các công nhân gặp nạn.

Theo ông Chiến, Ngọc đã có một con trai 4 tuổi nhưng hai năm qua đã theo ông đi làm thuê. Khi đến công trình dự án thủy điện Đạ Dâng làm việc thì xảy ra vụ sập hầm.

“Tôi chỉ mong em mình còn sống ra được bên ngoài” - ông Chiến viết ra giấy rồi vo tròn nó bỏ vào túi.

Trưa 18-12, không khí cuối đường hầm bỗng nhiên ngưng lại. Giữa tiếng máy nổ ầm ào là những tiếng người gắng gượng gọi vào bên trong thông qua ống sắt. “Nam ơi, Nam ơi, đâu rồi ra bảo này” - những nhân viên cứu hộ thay nhau gọi liên tục.

Gần một giờ trôi qua, không hề có lời đáp lại. Chỉ có bụi đất đá bay ra từ đường hầm phụ đang được đào bằng máy khí nén.

Không cầm được nước mắt, nhân viên Tuấn Anh gọi vài câu nghẹn ngào: “Nam ơi! Lành ơi”, rồi lặng lẽ ra một góc đường hầm đứng. Không khí trong hầm dường như chùng xuống.

Có mặt ở đây vào thời điểm này, ông Lê Trọng Cảnh - chủ tịch Công đoàn Công ty Sông Đà 505 - vội động viên: “Mọi thứ vẫn ổn, tranh thủ đưa đất ra đi nào. Yên tâm đi, anh em trong đó sẽ không sao đâu”.

Ngay khi những nhát cuốc đầu tiên xắn xuống nền đất đá thì ống sắt cứu sinh phát ra tiếng kêu nhẹ. Rồi có tiếng người nhỏ nhưng rõ ràng: “Em Lành đây, có ai nghe không?”.

Có tiếng thở phào phát ra từ những nhân viên cứu hộ. Nhân viên tên Hoàng chạy vội đến đường ống hét lên: “Em khỏe không Lành, mấy anh em có khỏe không”?

Hoàng nói dứt lời thì từng người tranh nhau ghé miệng vào đường ống hỏi thăm những người bên trong. Họ hỏi xong thì lại áp tai để nghe những âm thanh vọng lại từ phía đường hầm tăm tối bên kia. Nhân viên Hải hỏi dồn vào bên trong, nghe vội vàng rồi quay ra: “Truyền sữa vào đi, anh em tập trung khoan đường ống để đưa bóng đèn vào rồi rút nước ra”.

Đội cứu hộ trao đổi thông tin với các nạn nhân qua đường ống cứu sinh - Ảnh: Mai Vinh
Đội cứu hộ trao đổi thông tin với các nạn nhân qua đường ống cứu sinh - Ảnh: Mai Vinh

“Xin mấy anh nhanh nhanh”

So với những lần phóng viên Tuổi Trẻ chứng kiến trước đây, khi nhân viên hô to đã nhận phản hồi nhanh, lần này, các công nhân bị kẹt bên trong trả lời chậm hơn. Các nhân viên bên ngoài phải thay phiên nhau hô to nhiều lần vào đường ống.

Sau khi gọi, các nhân viên tiếp tục áp sát tai để nghe tiếng trả lời từ bên trong. Khi nghe được tiếng trả lời, công việc “thổi sữa” bắt đầu được thực hiện. Cùng với “thổi sữa”, khí oxy cũng được bơm vào bên trong. Công việc này được lặp đi lặp lại nhiều ngày qua để duy trì sự sống cho những người bị nạn đang giá rét.

Có mặt tại thời điểm này, chúng tôi áp tai vào đường ống thì nghe giọng nam hơi yếu nhưng tương đối rõ âm đủ át đi tiếng “u u” của đường ống dài: “Mọi người tạm ổn nhưng bị cảm lạnh, xin mấy anh nhanh nhanh. Không còn ai hoảng sợ nữa hết”. 

Nhân viên cứu nạn tên Hoàng tiếp tục gào vào đường ống: “Lành ơi, kêu Nam tới đi, anh dặn dò rồi anh gửi bóng đèn nhỏ vô trong thắp lên cho đỡ sợ”. Không lâu sau đó, bóng đèn được chuyển vào bên trong.

Ông Lê Trọng Cảnh, cho biết: “Bóng đèn không phải để sưởi ấm mà chủ yếu cung cấp ánh sáng để công nhân bớt sợ, ổn định tâm lý. Sau khi chuyển được bóng đèn vào bên trong, đường ống làm nhiệm vụ rút nước từ khu vực có người bị nạn ra ngoài.

Theo tính toán, ở khu vực có người bị nạn có khoảng 600m³ nước cần phải thoát ra bên ngoài và công suất thoát nước dự kiến phải đạt 20m³/giờ, tuy nhiên, lỗ khoan số 2 không đáp ứng. Đến 18g ngày 18-12, các lỗ khoan thoát nước chỉ mới đảm bảo không cho mực nước bên trong đường hầm dâng cao ảnh hưởng xấu đến điều kiện sống của các nạn nhân.

Bình sữa chuẩn bị “thổi” tiếp tế cho 12 công nhân
Bình sữa chuẩn bị “thổi” tiếp tế cho 12 công nhân
Bình áp suất để “thổi” sữa vào
Bình áp suất để “thổi” sữa vào
“Thổi” sữa vào
“Thổi” sữa vào
Nắm chặt miệng ống để khí ôxy bơm sữa vào
Nắm chặt miệng ống để khí ôxy bơm sữa vào
Bắt đầu truyền sữa
Bắt đầu truyền sữa
Đường ống truyền sữa
Đường ống truyền sữa
Dõi theo đường truyền
Dõi theo đường truyền
MAI VINH - HÀ MI - ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên