18/12/2014 08:28 GMT+7

Tiến độ đào nhanh hơn vì càng vào trong đất đá càng mềm

MAI VINH - DUY THANH – HÀ MI – ĐỨC TRONG - LÂM THIÊN
MAI VINH - DUY THANH – HÀ MI – ĐỨC TRONG - LÂM THIÊN

TTO TRỰC TUYẾN - Ông Phan Công Ngôn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết mũi khoan từ trên nắp hầm thông xuống đã thông vào lòng đất được 30m (so với sáng nay là 17m).

Các bình oxy y tế được chuyển vào hiện trường để tiếp cứu cho các nạn nhân. Ảnh: Mai Vinh

8g sáng 18-12:

Ông Hoàng Công Thạo, trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy công an tỉnh Lâm Đồng, chỉ huy trưởng lực lượng cứu hộ, cho biết đã đào được 2/30m đường hầm vào nơi nạn nhân.

Đường hầm đã đào được 2m (30m mới tới được nạn nhân), trong điều kiện đất đá rất cứng.

Ông Thạo đã bàn việc với phía Tập đoàn Than Khoáng sản việt nam (TKV, đơn vị chịu trách nhiệm đào hầm) thay đổi phương pháp thi công.

Thay vì dùng thủ công (cuốc, xuổng…) thì đưa máy đào khí nén vào. Mỗi tốp thi công gồm 4 người tiến hành trong 2 tiếng đồng hồ, rồi tiếp tục thay tốp khác, liên tục như vậy.

Ông Thạo nhận định nếu không có những tình huống bất ngờ xảy ra, và tốc độ thi công như hiện tại thì trong ngày, chậm nhất là đêm nay sẽ tiếp cận được khu vực nận nhân bị mắc kẹt.

10g sáng 18-12:

PV Mai Vinh cho biết các nạn nhân có dấu hiệu suy giảm sức khỏe.

Lực lượng cứu hộ
Lực lượng cứu hộ

Theo thông tin từ trực ban chỉ huy cứu hộ, sức khỏe các nạn nhân trong hầm chưa đến mức tồi tệ nhưng có những dấu hiệu suy giảm như hạ thân nhiệt, sốt, do hơi lạnh và điều kiện sinh hoạt hạn chế trong hầm sâu.

Tuy nhiên, một thông tin sáng sủa vừa được cập nhật:  mực nước nơi các nạn nhân đứng đã không tiếp tục dâng lên nữa. Nguyên nhân theo ông Thạo là do các mũi khoan làm nhiệm vụ rút nước đã rút lượng lớn nước ra ngoài. Đến 18g đêm qua, nước dâng nơi các nạn nhân đứng là 1m (trong khi chiều cao hầm là 2,7m) và ngưng, không dâng cao nữa.

Theo thông tin từ ông Thạo, mũi khoan từ trên đỉnh đồi xuống nắp hầm (mũi khoan số 3) làm nhiệm vụ thông hơi, dù khoan rất chậm do vướng phải nền đá cứng nhưng đã khoan được 17m.

Mũi khoan từ bên hông đường hầm đã tiến hành được 30m. Hai mũi khoan rất khó khăn vì cải tạo địa chất nơi đây đặc biệt với nhiều vách đá.

Ông Hoàng Công Thạo thông tin đã có nhiều mũi khoan chệch hướng, gãy.

Sáng nay lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an TP.HCM đã có mặt taị hiện trường phối hợp lực lượng cứu hộ Lâm Đồng.

Theo thông tin từ TKV, máy ép thủy lực dùng khoan đường hầm lớn đang được chuyển đến hiện trường. Oxy y tế cũng được chuyển đến để cung cấp không khí có hàm lượng Oxy cao vào nơi xảy ra tai nạn.

Đoàn chuyên gia y tế Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại hiện trường, đang phối hợp cùng Sở Y tế Lâm Đồng để chăm sóc nạn nhân trong hầm và những người làm công tác cứu hộ cũng như chuẩn bị phương án y tế khi nạn nhân được đưa ra ngoài.

PV Mai Vinh đã đi vào đường hầm, nơi công tác cứu hộ đang diễn ra và thực hiện clip sau

Lúc 10g sáng 18-12, lực lượng chức năng bàn phương án giải cứu 12 nạn nhân bị kẹt - Ảnh: DUY THANH

Triển khai khẩn trương 3 phương án ứng cứu nạn nhân

10g30 sáng 18-12:

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, người phụ trách chỉ huy công tác cứu hộ cứu nạn cho biết nhiều lực lượng đang tập trung thực hiện đồng thời ba phương án nhằm ứng cứu 12 nạn nhân còn bị kẹt trong hầm.

“Phương án tối ưu nhất vẫn là đào đường hầm cứu nạn ở phía hầm chính, đi luồn vào bên hông của đường hầm, hiện đã đào được khoảng 4m" - tướng Sơn nói.

Phương án thứ hai cũng đã được thống nhất triển khai là dùng súng bắn nước áp lực lớn để cắt vào phần đất chưa được đào ở cửa hầm phía đối diện, tức cửa hầm hạ lưu. Ở đó đất khô, mà khả năng của súng bắn nước có thể cắt được cả đá tảng.

Phương án ứng cứu còn lại là tiếp tục khoan thông thêm các mũi khoan để thông gió, thoát nước và đưa áo quần ấm cho các công nhân bị kẹt.

Thông tin đáng mừng được ông Sơn thông báo là hiện mực nước trong hầm nơi các nạn nhân bị kẹt đã được hút ra chỉ còn 30-40cm.

“Toàn bộ sức khỏe 12 công nhân đều tốt. Có tình trạng hạ canxi ở một vài công nhân, nhưng sau khi liên lạc qua đường ống đã chuyển thuốc từ bên ngoài vào và đã giải quyết xong tình huống này” - ông Sơn cho hay.

Liệu có dự báo gì về thời điểm cứu nạn nhân hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Sơn nói hiện chưa thể xác định được chính xác nhưng các lực lượng đang cố gắng để làm thật nhanh, khả năng là ngày 19-12 có thể đưa các nạn nhân ra.

Hiện mũi khoan đường kính 10,05cm theo phương ngang từ phía cửa hầm hạ lưu đã khoan được 40m trong tổng số 60m; còn mũi khoan cũng có đường kính 10,05cm khoan theo phương thẳng đứng từ đỉnh đồi xuống phía mái hầm nơi các công nhân bị kẹt cũng đã khoan được 30m.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Thế Phùng - thành viên Hội đồng nghiệm thu quốc gia về công trình ngầm, đang có mặt ở hiện trường cứu nạn - cho rằng việc đào đường cứu nạn là phương án cổ điển nhưng chắc chắn nhất.

“Phương pháp này chậm nhưng chắc chắn nhất. Tôi cho rằng phải tính đến phương án chăm sóc, cho ăn uống, đảm bảo sự sống cho 12 nạn nhân bị kẹt kéo dài hàng tuần, chứ không nên vội vã đưa họ ra bằng mọi giá vì nếu nóng vội có thể dẫn đến những hậu quả khác khó lường” - ông Phùng cho hay.

Được đặt vấn đề để các nạn nhân lâu trong điều kiện nguy hiểm là có thể trần hầm bị ngấm nước và đổ sập, ông Phùng nói rằng trần mái hầm trong đó đã được xử lý, gia cố nên không lo sập.

Chiều cao hầm bên trong thấp hơn cửa miệng hầm bên ngoài

Một số bạn đọc thắc mắc khi xem hình hoặc clip thì thấy trần hầm so với mặt đất, nơi lực lượng cứu hộ đang đứng rất cao, trong khi thông tin đưa từ chỗ nạn nhân đến trần là 2,7m.

Thực tế, khu vực đường hầm sau khi bị sập, chiều cao còn lại là 2,7m, rộng 3m. Trong đường hầm vướng máy đào mini do công nhân đưa vào trước khi hầm sập.

Như vậy, chiều cao hầm sau khi sập hẹp hơn, nhỏ hơn so với đường hầm kiên cố đã hoàn thiện bên ngoài (đường hầm kiên cố bên ngoài có chiều cao khoảng 5m, rộng 5m).

MAI VINH

 

11g. Tại điểm khoan cửa xả, đại diện công ty xây dựng Sông Đà 10 cho biết lực lượng cứu hộ đang tiến hành khắc phục sự cố do trong lúc khoan, máy khoan bị cháy.

Được biết điểm khoan cửa xả sử dụng máy khoan BMK5 với thiết kế khoan ngang với chiều dài tối đa 15m.

Tính đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ ở đây đã khoan được 36m với đường kính ống khoan 6cm. Đây là điểm khoan chủ yếu để tháo nước từ bên trong ra ngoài.

Lực lương cứu hộ tháo máy khoan đã bị cháy - Ảnh: Lâm Thiên

Lắp máy khoan mới để tiếp tục khoan - Ảnh: Lâm Thiên

Thêm một đường hầm được đào từ phía trái

Lúc 11g30, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chỉ huy công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường, cho biết: việc đào hầm thoát nạn bên phía nách phải của đường hầm hiện đã được gần 5m.

Lực lượng cứu hộ cứu nạn đang song song triển khai đào tiếp một hầm bên nách trái. 

Theo ông Hùng, các đường ống thép có đường kính 600cm sẽ được đưa từ TP.HCM lên, luồn vào các đường hầm đang đào.

Người bị nạn có thể chui vào đường ống này ra ngoài.

Ông Hùng cho biết: Việc hút nước trong hầm vẫn đang tiến hành khẩn trương, hiện mỗi giờ hút được 3m3.

13g45

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại hiện trường. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đôn đốc công tác cứu hộ - Ảnh: Mai Vinh

Sau 45 phút làm việc, lắng nghe Ban chỉ huy cứu nạn tỉnh Lâm Đồng báo cáo các phương án ứng cứu 12 công nhân, hiện Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi bộ vào bên trong đường hầm để thị sát. động viên lực lượng tham gia cứu nạn

13g55:

Hệ thống quạt thông gió bị mất điện lúc 13g55. Hiện đội cứu hộ đang đấu nối điện với hệ thống điện dự phòng.

Đường hầm phụ hiện tại đã thi công được 6m, lượng đất đá được đào ra ngày càng nhiều trong bầu không khí khói và bụi, càng vào trong đất đá càng mềm nên việc đào có nhiều thuận lợi.

Theo tinh toán hiện còn 600m3 nước tồn đọng, đang được khẩn trương rút ra.

Ông Phan Công Ngôn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết mũi khoan từ trên nắp hầm thông xuống đã thông vào lòng đất được 30m (so với sáng nay là 17m).

Ống khoan số 2 có đường kính 7cm đã thông vào bên trong khu vực có người bị nạn. Đường ống này là đường ống rút nước tích tụ từ bên trong khu bị sập ra bên ngoài.

Như vậy, khi đường ống hoàn thành, công suất rút nước sẽ được nâng lên, mau chóng hạ thấp mực nước, giảm các nguy cơ tổn hại sức khỏe người bị nạn cũng như các nguy cơ với đội cứu hộ. Khi đường ống được thông xong, trước khi tiến hành rút nước, đội cứu hộ sẽ đưa bóng đèn vào bên trong để thắp sáng, ổn định tâm lý người bị nạn.

MAI VINH - DUY THANH – HÀ MI – ĐỨC TRONG - LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên