18/12/2014 11:38 GMT+7

​Chưa có hồ sơ người nghiện chuyển đến tòa án

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Trần Trung Dũng cho biết như trên ngày 17-12.

* Thành lập cơ sở xã hội thứ ba

Người nghiện ma túy tại cơ sở xã hội Bình Triệu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Người nghiện ma túy tại cơ sở xã hội Bình Triệu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

Sau 12 ngày thực hiện đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào hai cơ sở xã hội để điều trị, lập hồ sơ giao tòa án xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đến nay vẫn chưa có hồ sơ nào được chuyển đến tòa án.

Ông Trần Trung Dũng - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho biết tại buổi làm việc của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với cơ sở xã hội Nhị Xuân sáng 17-12.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Dũng, là do hai cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu cùng một lúc phải tiếp nhận, điều trị cho một lượng lớn người nghiện, tỉ lệ người dùng ma túy đá nhiều (chiếm 40-50% số người được đưa vào), công tác lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện do lần đầu thực hiện nên cán bộ còn nhiều lúng túng.

Riêng với người dùng ma túy đá, việc cắt cơn, xác định tình trạng nghiện rất khó khăn.

“Cai nghiện ma túy đá phải một kèm một, thậm chí hai kèm một. Nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính ở phường, xã nhưng vào cơ sở xã hội xét nghiệm lại thì trong cơ thể không còn ma túy nữa. Những trường hợp chưa có biểu hiện loạn thần cụ thể thì rất khó xác định tình trạng nghiện do hội chứng cai không rõ ràng” - ông Dũng cho biết.

Để giải quyết, cơ sở phải gửi phiếu xuống phường xã lấy thông tin của người nghiện từ trước đến nay để bổ sung hồ sơ xác định tình trạng nghiện. Đồng thời Bệnh viện Tâm thần TP cũng cử bác sĩ xuống trực tiếp để phối hợp. Đến nay công tác tiếp nhận, cắt cơn, xác định tình trạng nghiện đã tương đối ổn định.

Tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận định TP đã có nhiều nỗ lực trong việc rút ngắn thời gian lập hồ sơ, giảm 11 ngày so với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên TP cần xem xét lại tính khả thi của quy trình đang thực hiện. Để xử lý một lượng lớn hồ sơ như vậy, tòa án TP cũng cần huy động thêm thẩm phán phối hợp với các quận, huyện. 

Thành lập cơ sở xã hội thứ ba

TP.HCM vừa có quyết định thành lập cơ sở xã hội thứ ba với mô hình tương tự Nhị Xuân và Bình Triệu tại Trung tâm giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi). Cơ sở này dự kiến hoạt động từ ngày 20-12.

Theo báo cáo, tính từ ngày 5-12 đến nay, TP đã đưa 1.115 người vào hai cơ sở xã hội, trong đó Nhị Xuân tiếp nhận hơn 700 người, Bình Triệu khoảng 400 người.

Mặt trận Tổ quốc sẽ hỗ trợ quá trình cai nghiện

Bà Trương Thị Mai và đoàn công tác trao đổi với y bác sĩ làm công tác điều trị, lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện tại cơ sở xã hội Nhị Xuân Ảnh: V.Thủy

* Vẫn còn 58 tụ điểm, tuyến đường hoạt động mại dâm

Bà Võ Thị Dung, chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, đã cho biết như vậy bên lề hội nghị lần thứ 3 Ủy ban MTTQ TP nhiệm kỳ X (2014-2019) sáng 17-12.

“MTTQ sẽ vận động các đoàn thể, tổ chức tôn giáo tư vấn thêm cho người nghiện về mặt tâm lý, tinh thần, tâm linh... hỗ trợ quá trình cai nghiện” - bà Dung nói.

Hội nghị đã bầu ông Vũ Thanh Lưu, phó bí thư Đảng ủy các khu chế xuất - khu công nghiệp TP, giữ chức phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP.

Cùng ngày, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh phòng chống mại dâm trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo của TP, 10 năm qua lực lượng chức năng đã tổ chức gần 120.000 cuộc kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội, lập trên 64.000 biên bản vi phạm.

Trong đó trên 1.800 cơ sở đã bị xử phạt với số tiền trên 49 tỉ đồng, chưa kể xử phạt của các quận, huyện. Tuy nhiên đến nay TP vẫn còn 58 tụ điểm, tuyến đường có phát sinh mại dâm; trong số 322 phường, xã của TP có tới 67 phường, xã có hoạt động mại dâm. 

MAI HOA - VŨ THỦY

 

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục