17/12/2014 17:40 GMT+7

Đào đường hầm mới tiếp cận nơi nạn nhân mắc kẹt

HÀ MI -  ĐỨC TRONG - DUY THANH - THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU - MAI VINH
HÀ MI - ĐỨC TRONG - DUY THANH - THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU - MAI VINH

TTO TRỰC TUYẾN -  Lúc 4g lực lượng cứu hộ triển khai đào đường hầm mới.Dự kiến phải mất 2 ngày mới tiếp cận được nơi 12 công nhân mắc nạn.

6g sáng nay hơn 20 chiến sĩ của Bộ tư lệnh công binh đã được chi viện vào hiện trường để tiến hành giải cứu nạn nhân.

Bên ngoài trời rất lạnh, gió rít từng cơn như bão đến...

Được biết hiện nay mũi khoan thứ ba từ trên đỉnh đồi khoan xuống nhằm thông hơi cho người bị nạn đã bị ngưng trệ, do càng đào sâu nền đất càng cứng và gặp nhiều đá. Trong khi đó mũi khoan thứ hai thực hiện từ chiều ngày 17-12 đã không đạt được mục đích rút nước ra khỏi khu vực người bị nạn như nhóm cứu hộ mong muốn vì lượng nước chảy ra từ mũi khoan này rất thấp. Hiện đội cứu hộ cũng chưa đưa ra được các phương án cứu hộ tiếp theo.

Trước đó, lúc 4g, các công nhân đã triển khai phương án đào đường hầm song song với đường hầm bị sụp. Đường hầm này có chiều dài 1,6m rộng 1,5m. Dự kiến các công nhân đào lấy 80m3 đất đá và phải mất 2 ngày đường hầm này mới hoàn thành, tiếp cận được khu vực 12 nạn nhân để đưa người bị nạn ra.

Theo kỹ sư chỉ huy thực hiện đường hầm này, đây là hướng đào ít gặp đá nhất. Hiện các công nhân đang sử dụng máy khoan khoan liên tục. Số công nhân khác dùng cuốc xẻng đưa đất đá ra ngoài rất thủ công.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở khu vực đường hầm, nơi lục lượng cứu hộ đang làm nhiệm vụ, nước từ lòng đất rỉ ra rất nhiều và liên tục như một cơn mưa. Lực lượng cứu hộ phải dùng máy bơm bơm liên tục để hút nước ra ngoài. Một số công nhân quá mệt mõi đã phải nằm nghỉ ngay trong đường hầm, nơi nước vẫn tiếp tục còn rỉ.

Ở bên ngoài đường hầm lúc này trời rất lạnh, nhiệt độ chúng tôi đo được là 12 độ C và gió đang thổi rất mạnh...

Nhiệt độ tại khu vực hầm thuỷ điện Đa Dâng xuống thấp, lúc 3 giờ ngày 18-12 là 12 độ C, một số công nhân được phép giải lao phải đốt lửa để sưởi ấm. Ảnh: MAI VINH
Xe khoan rời khỏi đường hầm thủy điện sau khi khoan thành công mũi khoan thứ ba, nhường không gian cho việc đào đường hầm cứu nạn - Ảnh Duy Thanh
Một số nhân viên cứu hộ đuối sức nằm ngủ tạm bên trong đường hầm ẩm thấp. Ảnh: MAI VINH
Nhân viên cứu hộ của Tập đoàn TKV đang trổ đường hầm phụ song song với đường hầm bị sập để cứu công nhân bị nạn. Ảnh: MAI VINH
Đào hầm phụ dự kiến phát sinh 80 m3 đất đá được công nhân thực hiện bằng phương pháp thủ công. Ảnh: MAI VINH

3g20, các công nhân từ trong đường hầm cho biết đã khoan xong mũi khoan thứ ba thông với hầm 12 nạn nhân để tiếp tục hút nước. Và bắt đầu giai đoạn hút nước lần từ bên trong hầm nơi có 12 nạn nhân ra.

Thượng tá Trần Xuân Việt, phụ trách lực lượng công an Lâm Đồng tại hiện trường cho biết hai hướng mũi khoan còn lại bắt đầu trở ngại khi gặp đá.

Cụ thể, mũi khoan hướng từ trên đỉnh núi xuống đã khoan sâu được 26m, hướng từ phía bên kia đường hầm đã xuyên được 36m thì gặp đá.

Mặc dù gặp trở ngại, nhưng công tác khoan vẫn đang triển khai khẩn trương.

Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ lúc 3g30, các công nhân của Công ty Sông Đà cho xe chở máy nén hơi từ trong hầm ra ngoài sau khi đã khoan xong mũi khoan thứ ba thông với hầm của 12 nạn nhân. Các loại xe khác cũng được di chuyển ra khỏi đường hầm tạo không gian phục vụ tốt nhất cho việc đào hầm.

Hiện trời Lạc Dương đang rất rét, các công nhân cứu hộ ngoài đường hầm đang đốt lửa giữ ấm.

Lúc 1g20 ngày 18-1, PV Tuổi Trẻ lội nước sâu vào trong đường hầm, nơi các lực lượng cứu hộ cứu nạn đang thực hiện nhiệm vụ. Tại đây, một mũi khoan đang khoan sâu vào lớp đất đá dày 42m đang lấp kín đường hầm. Một nhóm cứu hộ khác đang gọi những người gặp nạn qua đường ống đã được khoan từ ngày 16-12. Phải kêu rất nhiều lần phía bên trong mới có lời đáp trả, khi đó, cháo loãng được chuyền qua đường ống vào bên trong cho các công nhân.

Không khí khẩn trương của các công nhân lúc 2g ngày 18-12 - ảnh: Duy Thanh

Ông Đặng Văn Tuyển – phó giám đốc Công ty Sông Đà 505, đơn vị tham gia điều phối việc thực hiện các mũi khoan để đưa nước trong khu vực công nhân gặp nạn thoát ra ngoài – cho hay cùng lúc các đơn vị cứu hộ khoan ba mũi.

“Tại vị trí của cửa hầm chính, nơi bị sạt lở, mũi khoan thứ ba (sau mũi khoan để chuyền thức ăn, oxy và mũi khoan thoát nước) được thực hiện lúc 19g ngày 17-12 đã khoan sâu được 16m và dù gặp chút ít khó khăn do đụng phải sắt, đá bên trong nhưng cũng đã được xử lý ổn. Cũng lúc 19g ngày 17-12, mũi khoan có đường kính 10,05cm từ đỉnh đồi thẳng xuống khu vực đường hầm nơi các công nhân gặp nạn đã được tiến hành và đến 1g30 sáng 18-9 đã khoan được 25m, chúng tôi ước độ sâu của lớp đất đá cần khoan đến mái hầm bên dưới khoảng 65m. Còn mũi khoan từ phía hầm đối diện tính đến 1g sáng 18-12 cũng đã thực hiện được 34m, nếu không trở ngại gì thì đến sáng là mũi khoan này vượt qua hết 60m và vào được nơi các nạn nhân đang kẹt. Đây là những mũi khoan nhằm phục vụ thoát nước, thông hơi và cấp đồ ấm cho nạn nhân” – ông Tuyển cho hay.

Lúc 1g30, dù tiếp tục nỗ lực, song lực lượng cứu hộ vẫn chưa đưa được ống vào lỗ khoan đã thông vào chiều 17-12 để hút nước ra ngoài.

0g 15 phút, một nhân viên giật dây tín hiệu thông qua đường ống rồi la lên: “Ăn cháo gà nhá”. Những công nhân bên trong hầm ra tín hiệu và cháo được truyền vào. Nhóm công nhân bên ngoài kéo ống cho vào thùng cháo, đưa máy bơm thổi mạnh, tạo áp lực vào trong thùng để cháo đẩy vào bên trong cho các nạn nhân hút. Đây là đêm thứ hai 12 công nhân trầm mình trong nước, hút cháo qua đường ống để duy trì sự sống. Đồng hồ bắt đầu chuyển sang ngày mới và hy vọng sự sống của họ tiếp tục được mở ra…

Lực lượng công an khai thông đường dẫn nước từ trong đường hầm ra bên ngoài sẵn sàng để khi bơm nước từ bên trong ra đảm bảo thoát nước nhanh - Ảnh: Duy Thanh chụp đêm 17-12

Bộ phận hậu cần lo khẩu phần ăn khuya cho lực lượng đào hầm cứu nạn, khoan ống dẫn nước - Ảnh: Duy Thanh chụp đêm 17-12

0g1 ngày 18-12, PV Tuổi Trẻ tiếp tục vào sâu trong hiện trường ghi nhận.

Tại đây, nhiều nhóm chia nhau mỗi người mỗi việc trông rất khẩn trương.

Các nhân viên của Công ty Than khoáng sản Việt Nam tiếp tục đào hầm vào bên trong. Còn các nhân viên của Công ty Sông Đà chia thành ba tốp. Một tốp tiếp tục khoan vào bên trong hầm của 12 công nhân, một tốp đang khẩn trường chuẩn bị máy bơm, ống nước để bơm từ trong hầm 12 nạn nhân ra. Riêng tốp còn lại vẫn làm công việc của đêm hôm trước khiến ai nhìn cũng rưng rức. 

0g00 ngày 18-12-2014. Tiếp cháo cho nạn nhân

Lực lượng cứu hộ tiếp tục tiếp tế lương thực bằng cách "thổi" cháo qua đường ống cho 12 công nhân bị nạn.

Các biện pháp khắc phục sự cố đưa ống nhựa vượt qua chướng ngại vật vẫn đang được thực hiện.

Ở phái ngoài, các đồng nghiệp đang nổ lực thổi cháo vào bên trong cho 12 công nhân bị nạn. Ảnh chụp lúc 0g ngày 18-12. Ảnh: Đức Trong
Quy trình "thổi" cháo. Ảnh Đức Trong
Ở phái ngoài, các đồng nghiệp đang nổ lực thổi cháo vào bên trong cho 12 công nhân. Ảnh chụp lúc 0g ngày 18-12. Ảnh: Đức Trong
Lực lượng cứu hộ Công ty Sông Đà đang nỗ lực hết mình trong đêm để làm công tác cứu hộ. Ảnh chụp lúc 0g ngày 18-12. Ảnh Đức Trong

23g30. Đường ống chỉ vào được 10m đã bị vướng

“Ống khoan đã thông được qua 42m đất đá vào bên kia. Từ lúc 20g đến giờ, lực lượng cứu hộ cố gắng đưa ống nhựa hút nước vào để hút nước ra, song không rõ vướng gì đó mà ống chỉ đưa được vào hơn 10m là không đưa vào được nữa. Hiện lực lượng cứu hộ đang hàn một ống thép nhỏ hơn để “thông nòng”, sau đó mới luồn lại ống nước mà bơm nước ra ngoài” - ông Kỳ cho biết.

23g15. Đề xuất thêm phương án cứu nạn

Lúc 23g, ông Vũ Minh Thành - tổng giám đốc Công ty Nhôm và bô xít Lâm Đồng, thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản VN - đã đến hiện trường, trao đổi với ban chỉ đạo và đề xuất thực hiện một phương án mới nhằm cứu các nạn nhân.

Phương án ông Thành đưa ra là dùng súng bắn nước áp lực cao có khả năng cắt được đá tảng để cắt một tiết diện khoảng 2m2 ở đường hầm phía bên kia, nơi có lớp đất dày 60m.

“Phương án này chỉ thực hiện được ở phía hầm bên kia bởi bên đó đất khô. Cắt đến đâu gia cố đến đó để đảm bảo chắc chắn cho 12 công nhân chui ra. Phương án này vẫn làm song song với phương án đào hầm đang thực hiện từ phía cửa hầm chính, cái nào thông trước sẽ cứu được người sớm hơn thay vì chỉ thực hiện một phương án duy nhất” - ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, phương án mà ông Thành đề xuất chưa thể thực hiện ngay mà phải chờ Ban chỉ đạo cứu hộ cứu nạn hội ý thống nhất.

Lúc 23g15, anh Trần Đăng Ninh - công nhân của Trung tâm Cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản VN - trên đường vào hầm để thực hiện phương án cứu hộ, cho biết: “Chúng tôi có 10 người đang tập trung vừa đào khối đất đá lấp kín đường hầm để tạo lối thoát cho 12 anh chị em gặp nạn bên trong, từ chiều đến giờ đã đào sâu vào được 2m rồi. Anh em thay nhau đào, cố gắng làm để cứu 12 công nhân trong đó vì thấy tình cảnh của họ rất thương cảm, rất xót xa. Được biết ngày mai 18-12, trung tâm sẽ đưa thêm 10 công nhân khác vào đây để đẩy nhanh tiến độ đào hầm cứu nạn”.

23g00. Nỗ lực hút nước vẫn chưa thành

Thông tin từ hiện trường, PV bào Tuổi Trẻ khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa rút được nước từ hầm nơi 12 nạn nhân đang bị kẹt ra ngoài dù các lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực hết sức.

22g30. Vẫn chưa hút được nước.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, PCT UBND huyện Lạc Dương cho biết, lực lượng cứu hộ đã thông được ống từ phía cửa hầm chính nhưng vẫn chưa tiến hành bơm nước ra được. Cho đến thời điểm này vẫn chưa rõ lý do.

Phía bên kia hầm, lực lượng cứu hộ cũng đã khoan được 20m. 

Ông Kỳ cũng phủ nhận việc một số báo đưa tin có một nạn nhân nguy cấp vì lạnh là không chính xác. Hiện sức khỏe của 12 nạn nhân vẫn ổn định.

22g. Đã đưa ống vào trong

Hiện tại, các nhân viên kỹ thuật Sông Đà đã đưa được ống hút nước vào trong. Chuẩn bị hút nước ra.

Các phóng viên Tuổi Trẻ tại hiện trường cho biết việc tiếp tế cho 12 công nhân thực hiện bằng cách: sữa được đổ vào một thùng lớn bên ngoài, đưa một ống nhỏ vào ống tiếp tế, để đầu ống nhỏ bên trong từng người đến hút. Ống này có đường kính 4,2cm. Còn xúc xích thì được cột dây kẽm dài, kéo vào trong từng cây. 

Lượng sữa tiếp tế là sữa bình thường (chưa có sữa dinh dưỡng đặc biệt).

21g. "Chỉ còn 2m nữa là nước dâng ngập hầm"

Một nhân viên kỹ thuật Sông Đà hô to: "Anh Năm ơi, tụi em khoan xong ống thứ hai rồi. Anh vào trong nghỉ ngơi. Tụi em bắt đầu chuẩn bị bơm nước ra. Nước bên trong ngập thế nào rồi anh?".

Anh công nhân bên trong nói vọng ra: "Nước chỉ còn cách miệng hầm 2m". Được biết hầm có chiều cao khoảng 3,7m.

Sau khi mũi khoan thông ống được thực hiện xong, các nhân viên kỹ thuật Công ty Sông Đà đã đưa ống hút nước vào bên trong để bắt đầu hút nước ra.

Một hướng khác, đội cứu hộ của Than khoáng sản bắt đầu đào hầm, khu vực đào ở bên hông phải khu hầm. Đào từ ngoài vào. Hiện các công nhân đã đào sâu được khoảng 1m.

20g30. Nạn nhân đang rất lạnh

Một diễn tiến khác các công nhân cho biết họ đang bị lạnh. Hiện nay thời tiết trong khu vực rất lạnh.

Lực lượng cứu hộ hôm nay đã tiếp tế thức ăn được 4-5 lần. Chủ yếu nước gừng, sữa, cháo loãng và khí ô xy dược bơm liên tục vào khu vực hầm.

20g. Nước hầm dâng cao 1,2m

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng vừa cho biết hiện lực lượng cứu hộ đã khoan thủng được một lỗ có đường kính 6cm xuyên sâu vào khoảng 30m từ cửa hầm chính vào trong.

Cửa hầm còn lại phía bên kia đã khoan được 16m trong số 60m. Lỗ khoan này từ giờ đến khoảng nửa đêm sẽ thông.

Dự kiến việc hút nước ra sẽ bắt đầu thực hiện được trong khoảng từ 22-23g.

Mực nước hầm khu vực 12 công nhân gặp nạn đã dâng lên 1,2m.

Ngay lúc này, lực lượng cứu hộ mỏ, than khoáng sản bắt đầu đào hầm, phương pháp đào dích dắc, có thể hình vuông hoặc hình chữ nhật tùy theo địa hình. Mục đích đào hầm để đưa 12 nạn nhân ra ngoài.

Dự kiến 48 giờ tới mới đào xong.

Theo lực lượng cứu hộ, nhanh nhất 48 giờ tới 12 công nhân mới có thể được đưa ra ngoài.

Một đội khác sẽ khoan thẳng từ đỉnh đồi xuống 1,3m.

Đề xuất là khoan lỗ với đường kính ống cỡ 10cm

Ông Nguyễn Ngọc Thiệp - Giảng viên Bộ môn Cấp thoát nước của trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM vừa gửi đến TTO kiến nghị như sau:

Theo dõi thông tin trên báo chí thì tôi thấy 3 mũi khoan đều thất bại vì gặp đá, cho nên tôi có một đề xuất là khoan lỗ với đường kính ống cỡ 10cm để tiếp tế áo quần, đèn pin vào bên trong hầm. Đường ống 10cm này có các lợi thế:

1. Với đường kính lỗ khoan 10cm (theo phương đứng hay phương ngang) có thể đưa được máy bơm ly tâm vào (bơm chìm dùng cho giếng khoan, đường kính 7- 9cm), chỉ cần cung cấp sơ đồ lắp ráp máy bơm với ống đẩy nước ra và nguồn điện cho anh em công nhân bên trong hầm lắp ráp là có thể bơm tiêu nước bên trong hầm trước.

2. Khi lỗ khoan 10cm thì có thể đưa được những đoạn thép vào để người bên trong chống được việc sạt lỡ có thể tiếp tục xảy ra bên trong đó.

3. Khoan đường ống 10cm sẽ nhanh và dễ vào hơn so với phương án khoan đường ống 600mm đang thất bại. Ngoài ra, với phương án khoan cọc nhồi từ đỉnh hầm thì tôi thấy cũng không khả thi. Vì hầm đang yếu mà chúng ta khoan cọc nhồi theo phương đứng đưa từ trên xuống thì với trọng lượng quá nặng giàn khoan và lượng nước ngầm có trong đất có thể dẫn đến sạt lỡ thêm trong hầm khi mũi khoan chạm đỉnh hầm.

TRẦN KIM ANH ghi

19g30. Ưu tiên hút nước

Tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - nói rằng hiện chưa thể dự báo được thời điểm nào mới có thể đưa được 12 công nhân gặp nạn ra bên ngoài.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Lê Quang Hùng khẳng định: “Ưu tiên số 1 trong đêm là phải khoan để hút nước ra”.


Video tại hiện trường do TVO thực hiện

18g30. Một doanh nghiệp xin tham gia cứu hộ

Theo ông Nguyễn Văn Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chiều tối 17-12, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội đã liên lạc với lãnh đạo tỉnh đề nghị được tham gia công tác cứu hộ. “Họ nói họ có thiết bị có thể khoan ống đường kính 30cm thẳng từ trên đỉnh đồi xuống đường hầm, nếu chiều cao 70m thì chỉ khoan trong hai giờ nếu không gặp đá tảng. Tỉnh đã đồng ý để doanh nghiệp này đến để phối hợp cứu nạn” - ông Yên cho hay.

Hội ý tại hiện trường với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các lực lượng cứu hộ cứu nạn, ông Lê Quang Hùng - thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết nhiệm vụ ưu tiên số một trong đêm là phải thực hiện các mũi khoan từ cả ba hướng để rút lượng nước đang dâng cao ở nơi 12 công nhân đang bị kẹt.

Đó là các mũi khoan ngang từ hướng của hầm bị sập (42m), khoan ngang từ phía hầm đối diện (60m) và khoan thẳng đứng từ trên mặt đồi xuống vị trí các nạn nhân bị kẹt (gần 100m).

“Lượng nước nơi các nạn nhân bị kẹt đang dâng lên, do vậy trước mặt phải rút nước ra để chống ngập trong hầm, chống rét cho các công nhân, sau đó mới tính tiếp đến phương án cứu người” - ông Hùng yêu cầu.

Cũng theo ông Hùng, trong tối 17-12, việc đào khối đất đá khổng lồ bị đổ sập trong hầm vẫn tiếp diễn nhằm đưa ống sắt phi 60cm vào để các nạn nhân bò ra.

Ông Nguyễn Văn Yên cho biết: “Thông tin được anh em từ trong hầm báo ra là hiện sức khỏe cả 12 người đang ổn. Cháo, nước gừng, sữa được tiếp tế liên tục và oxy cũng được bơm vào nên sự sống các nạn nhân đảm bảo”.

Vào thời điểm trên, sau khi dùng tạm bữa chiều bằng bánh mì, nhiều công nhân đội đèn pin trên đầu đã bước vào hầm để thực hiện nhiệm vụ. Đây là những công nhân của Công ty Cấp cứu mỏ thuộc Tập đoàn Than - khoáng sản VN được tăng cường cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trong khi đó, máy phát điện công suất cao cũng được Điện lực Lâm Đồng khởi động để cung cấp điện cho máy khoan lớn vừa được đưa vào hầm chiều nay. Hiện tại, có hai máy khoan song song vào đống đất đá đổ sập trong hầm.

Nước trong hầm nơi 12 công nhân bị nạn đã dâng cao hơn đầu gối.

18g30. Nước trong hầm tiếp tục dâng

PV Tuổi Trẻ tiếp tục bì bõm hơn 500m dưới nước vào trong hầm tiếp cận hiện trường. Tại đây, các nhân viên kỹ thuật của Công ty Sông Đà liên tục thực hiện nhiều mũi khoan vào bên trong để hút nước từ hầm 12 nạn nhân ra.

Tuy nhiên, công việc gặp vô vàn khó khăn khi các mũi khoan liên tục trúng đá trong khối đất bị sập.

Các nhân viên kỹ thuật Sông Đà cho biết thêm hiện mực nước bên trong hầm 12 nạn nhân tiếp tục dâng cao hơn đầu gối.

Trong hầm, nước vẫn cứ rò rỉ, các nhân viên thay phiên nạo vét và kiểm tra các thiết bị điện.

Hiện lực lượng cứu hộ đang làm hết tốc lực, tuy nhiên nước ngập trong khu vực 12 người bị nạn vẫn chưa hút được ra vì địa hình đất dá rất khó cứu hộ...

17g30. Vẫn bất lực với đá

Phóng viên Hà Mi Báo Tuổi Trẻ vừa cho biết hiện nay nước hầm đang dâng, mực nước khoảng 1m...

Các đơn vị cứu hộ vẫn tiếp tục  khoan để có thể đưa máy vào bơm hút nước tại khu vực 12 công nhân bị nạn. Vẫn chưa thể khoan sâu hơn vì rất nhiều vị trí khoan đụng phải đá.

Trong suốt 34 giờ qua từ khi vụ tai nạn xảy ra. Đã có rất nhiều đơn vị đến hiện trường, hỗ trợ công tác cứu hộ.

Chỉ huy trưởng lực lượng cứu nạn tại chỗ hiện nay là đại tá Hoàng Công Thạo (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng) chỉ huy lực lượng cứu nạn công an tỉnh Lâm Đồng và làm đầu mối cho các lực lượng khác.

Các lực lượng hỗ trợ : Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, các ban ngành, xã, dân quân tự vệ địa phương, lực lượng Công binh quân khu 7, các nhà thầu thi công, Tổng công ty Sông Đà 10 (hỗ trợ máy móc khoan, xúc...), các y bác sĩ Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng và các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy , Điện lực tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia chuyên thực hiện các công trình hầm, tập đoàn Than khoáng sản VN.

17g. Các nạn nhân phải leo lên máy xúc tránh nước

Ông Nguyên Hữu Tâm, giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa trong hiện trường ra ngoài hầm cho hay nước nơi 12 nạn nhân đã ngập 1m. 12 nạn nhân phải leo lên máy xúc bên trong để tránh ngập nước.

Cũng theo ông Tâm, tình hình 12 nạn nhân thông tin ra ngoài họ vẫn ổn tuy nhiên họ đang bị lạnh. Do vậy, lực lượng cứu hộ đang mở đường lên đỉnh đồi và dự kiến khoảng 3 giờ nữa sẽ tiến hành khoan thẳng từ đỉnh đồi xuống nơi các nạn nhân đang mắc kẹt.

“Với đường ống 110cm, nếu khoan thẳng xuống thành công thì sẽ giải quyết tốt khâu thông hơi, đồng thời đưa được đồ ấm, chăn xuống cho 12 công nhân mắc kẹt” - ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, việc khoan từ phía hầm đối diện cũng vừa được tiến hành với khoảng cách khoảng 60m, hi vọng sẽ khoan nhanh hơn vì phía hầm này khô ráo.

Theo một đại diện của Điện lực Lâm Đồng, việc khoan ống để hút nước ra bị thất bại vì mũi khoan mới thực hiện được khoảng 15m thì đụng đá, gãy mũi, phải mở mũi khác. Khoảng 45 phút nữa sẽ dùng máy khoan lớn có thể khoan xuyên đá, sắt để mở cho được đường ống hút nước ra.

“Hút nước ra hiện nay là ưu tiên số một bởi việc ăn, việc thở của các nạn nhân đã được đảm bảo. Hiện nay theo tính toán một ngày đêm thì lượng nước dâng cao là 1m, trong khi chiều cao đường hầm là 3,7m, nên nếu không hút được nước ra thì rất nguy” - ông Nguyễn Hữu Tâm nói.

16g30. Nối thêm 500m dây cáp điện

Điện lực Lâm Đồng cho biết đã kéo thêm 500m dây cáp điện để nối máy phát điện công suât lớn vào trong hầm để tăng cường thêm một máy khoan.

Cũng theo những nhân viên đang khoan, hiện 12 nạn nhân vẫn nói chuyện bình thường. Các nhân viên phía ngoài liên tục tiếp tế thức ăn vào trong.

Chị Phạm Thi Hoa, vợ anh nạn nhân Trương Tuấn Việt khi nghe tin đã tức tốc từ quê Hà Nam vào hiện trường, đang ngóng tin chồng với vẻ mặt thất thần. Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt tại hiện trường động viên chị Hoa.

13g45. Thêm lực lượng cứu hộ hầm mỏ từ Quảng Ninh

Thông tin chúng tôi mới nhận được, sáng 17-12, lực lượng Cấp cứu mỏ thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã từ Hà Nội và Quảng Ninh vào Lâm Đồng tham gia công tác cứu hộ.

Đoàn cứu hộ với các trang thiết bị đặc chủng do ông Hoàng Bạch Đằng - phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ - TKV làm trưởng đoàn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Huyên - giám đốc Trung tâm cấp cứu mỏtrụ sở chính tại TP Hạ Long (Quảng Ninh)̉ - cho biết: "Trung tâm đã cử đoàn 8 người vào Lâm Đồng, trong đó có phó giám đốc Hoàng Bạch Đằng, đội phó đội cơ động Nguyễn Văn Thành và 6 công nhân cấp cứu mỏ có nhiều kinh nghiệm xử lý. Ngày mai, trung tâm tiếp tục cử 10 công nhân vào hỗ trợ công tác cứu hộ".

Khoảng 13g45 cùng ngày đội cứu hộ từ Quảng Ninh vào đã tiếp cận hiện trường vụ sập hầm để bàn phương án xử lý.

Ảnh: Đức Trong
Các nhân viên kỹ thuật Sông Đà đang khoan từ cửa hầm vào . Ảnh: Đức Trong chụp chiều 17-12
Ảnh: Đức Trong
Ảnh có hai ống, ống trên là ống mới đào đưa vào hút nước ngập trong hầm. Ống phía dưới là ống cũ đã khoan đưa vào ngày 16-12 làm nhiệm vụ liên lạc và tiếp tế thực phẩm vào bên trong. Ảnh: Đức Trong
Ảnh: Đức Trong
Công nhân công ty Sông Đà chuẩn bị khoan hầm. Ảnh: Đức Trong chụp chiều 17-12
Ảnh: Đức Trong

Lực lượng cứu hộ Mỏ, than khoáng sản bắt đầu đào hầm phía cặp hông để đưa người ra ngoài - Ảnh: Đức Trong

Phương án cứu hộ: đào và khoan

Theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các đơn vị cứu hộ cứu nạn tiếp tục đào nhưng tìm hướng đào tốt nhất, an toàn nhất (tức hướng bên trong cửa miệng hầm đến vị trí 12 công nhân).

Ngoài ra, ông Dũng cho rằng phải kèm theo phương án khoan để tránh trường hợp đào gặp đá mất thời gian, nguy hiểm cho công nhân mắc nạn. Phương án khoan được chọn là khoan xuyên ngang hầm (khoảng 60m) kết hợp với khoan nhồi từ trên đỉnh núi xuống đáy hầm (khoảng 100m).

Nỗ lực cứu hộ nạn nhân tại hiện trường vụ sập hầm - Ảnh HÀ MI

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế đang thăm hỏi chị Hoa và hiện trường bên trong đường hầm
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - bộ trưởng Bộ Y tế đang thăm hỏi chị Hoa và hiện trường bên trong đường hầm
Đoàn cứu hộ từ Quảng Ninh tiếp cận hiện trường vụ sập hầm - Ảnh do TKV cung cấp
Đoàn cứu hộ từ Quảng Ninh đã vào đến hiện trường vụ sập hầm - Ảnh do TKV cung cấp
Đoàn cứu hộ từ Quảng Ninh tiếp cận được hiện trường vụ sập hầm - Ảnh do TKV cung cấp

BS Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường đến hiện trường vụ sập hầm

TS. BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết theo yêu cầu của Bộ Y tế trưa 17-12, ba bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó có một phó giám đốc của bệnh viện và hai bác sĩ của khoa Hồi sức cấp cứu đã lên Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tỉnh Lâm Đồng trong việc ứng cứu các nạn nhân.

T.DƯƠNG

Sở Cảnh sát PCCC TP điều động 4 xe cứu nạn cứu hộ chi viện

Chiều 17-12, đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP.HCM, cho biết lúc 15g cùng ngày, đoàn xe chi viện do Sở PCCC TP điều động gồm 2 xe cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, 2 xe chuyên dụng chở 45 cán bộ chiến sĩ, cùng nhiều thiết bị, máy móc chuyên nghiệp lên đường đến hiện trường khu vực sập hầm mỏ ở Lâm Đồng để tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ.

ĐỨC THANH

HÀ MI - ĐỨC TRONG - DUY THANH - THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục