26/11/2014 07:53 GMT+7

Phải công khai, minh bạch ngân sách

VÕ VĂN THÀNH  - LÊ KIÊN
VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN

TT - Nhiều đại biểu Quốc hội đề cập vấn đề công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại hội trường - Ảnh: Hoàng Nam
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại hội trường - Ảnh: Hoàng Nam

Chiều 25-11, thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề cập vấn đề công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách.

“Đề nghị không áp dụng cơ chế báo cáo mật đối với dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) khi trình ra cơ quan dân cử, các thông tin mật chỉ được áp dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh” - ông Lê Văn Tân (Hà Nam) nói.

Cơ hội cải cách tài chính công

Đại biểu Lê Văn Tân cho rằng việc tăng cường công khai NSNN trên mạng Internet có tính khả thi cao, giúp cho việc giám sát của người dân tốt hơn, dự thảo luật cần có quy định công khai tình hình thực hiện dự toán NSNN kèm theo báo cáo thuyết minh cụ thể trên trang thông tin điện tử của các cấp, các đơn vị có liên quan. 

Đề cập nguyên tắc các doanh nghiệp nhà nước và các địa phương phải tự trả nợ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nhưng thực tế vừa qua có một số doanh nghiệp không trả được nợ nên Chính phủ phải trả nợ thay, ông Tân đề nghị cần có quy định để Quốc hội kiểm soát được vấn đề nêu trên. 

Những khoản vay nào mà NSNN chi trả thì phải thể hiện trong luật và Quốc hội phải kiểm soát.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết hiện nay đại biểu Quốc hội muốn biết các khoản vay có yếu tố nước ngoài được cơ quan nhà nước các cấp quản lý, sử dụng thế nào là việc khó, đây là một khoảng trống mà việc sửa đổi Luật NSNN lần này cần bịt lại. 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng đây là cơ hội để cải cách đồng bộ nền tài chính công, khắc phục các tồn tại như duy trì quá lâu tình trạng lồng ghép NSNN trung ương và địa phương, tạo cơ chế xin - cho thiếu minh bạch. 

“Phải khắc phục tồn tại ngân sách mềm, nghĩa là tùy tiện. Có những khoản đi vay về rồi cho ai vay không biết, nhưng khi trả nợ thì đưa ra Quốc hội” - ông Lịch nói. 

Ông cũng đề nghị việc xem xét ngân sách hằng năm cần thực hiện ở hai kỳ họp thay vì chỉ một kỳ họp cuối năm như hiện nay. 

Theo đó ở kỳ họp đầu năm thảo luận về ngân sách một cách minh bạch, có thời gian để thực hiện các công việc cần thiết và thông qua ở kỳ họp cuối năm.

Băn khoăn các quy định về tranh chấp tài sản

Trước đó vào buổi sáng, trong thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc dự luật đưa ra quy định bảo vệ quá mức người thứ ba ngay tình có thể dẫn đến những rắc rối nghiêm trọng trong việc giải quyết các tranh chấp tài sản.

Theo quy định của dự thảo luật thì trong nhiều trường hợp, tài sản của người thứ ba ngay tình được bảo vệ (ví dụ: người thứ ba mua hợp pháp một tài sản của người thứ hai mà không biết đó là tài sản do người thứ hai chiếm đoạt bất hợp pháp của chủ sở hữu là người thứ nhất, thì người thứ ba không phải trả lại tài sản cho người thứ nhất). 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - cho rằng các quy định trong dự luật “đang bảo vệ quá mức lợi ích tài sản của chủ thể ngay tình”. 

Ông phân tích: “Việc bảo vệ các chủ thể ngay tình trong các quan hệ liên quan đến tài sản là hợp tình, nhưng bảo vệ quá mức của chủ thể ngay tình sẽ dẫn tới việc làm ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của chủ sở hữu, những người về lý có quyền cao nhất, trước hết và đầu tiên đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình”.

Đại biểu Nguyễn Thành Bộ - chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa - cũng cho rằng quá trình giải quyết tranh chấp sẽ khó chứng minh người thứ ba có thật sự ngay tình hay không. 

“Nếu biết người thứ hai trong giao dịch dân sự không còn có khả năng thanh toán, người thứ ba sẽ không bao giờ thừa nhận là họ biết tài sản đã mua là không hợp pháp để không bị buộc trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nhất là trong trường hợp người thứ hai có sự thông đồng với người thứ ba. Như vậy, quyền lợi của chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng” - ông Bộ nói.

Bày tỏ băn khoăn với việc dự luật bỏ quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) phân tích: “Quan hệ thừa kế là quan hệ có tính chất huyết thống, gia đình và luôn có sự thay đổi qua từng thế hệ. Nếu bỏ thời hiệu này sẽ dẫn tới hệ quả là các giao dịch dân sự đối với tài sản thừa kế có được pháp luật thừa nhận, đảm bảo hay không khi bất cứ lúc nào tài sản này cũng có thể là đối tượng của tranh chấp?”.

Khác đại biểu Lừu, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) phân tích: “Việc quy định thời hiệu khởi kiện như hiện hành có tác dụng tạo thuận lợi cho tòa án trong việc chứng minh, giải quyết vụ việc dân sự. Đồng thời tạo căn cứ để tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà không phải đưa ra phán quyết cụ thể. 

Tuy nhiên lại có hạn chế là chưa giúp giải quyết được một cách triệt để và dứt điểm các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, khi không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi thì các chủ thể có thể sử dụng những biện pháp hành xử ngoài vòng pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội”. 

Do đây là một bộ luật lớn, có nhiều điều khoản sửa đổi, quy định phức tạp cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ và đưa ra lấy ý kiến nhân dân, nên dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại ba kỳ họp.

VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên