22/11/2014 10:42 GMT+7

​Cần quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 21-11, thảo luận dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội đồng tình tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 18 lên 24 tháng.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Ảnh: H.Nam
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Ảnh: H.Nam
Tôi đề nghị nên cân nhắc quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự trong dự thảo luật
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết

“Chỉ có con em người dân lao động, thanh niên ở vùng nông thôn, nơi có khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, ít được học hành tham gia quân đội. Còn con em cán bộ, nhất là con em lãnh đạo, thanh niên ở các đô thị nhập ngũ rất ít” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn và nhiều đại biểu khác nêu thực trạng và cho rằng thực trạng này đang làm dư luận bức xúc, bất bình.

“Tất cả những sự bất bình đẳng này, tôi cho rằng có một nguyên nhân rất quan trọng chính là do các chế độ chính sách, quy định hiện hành. Các quy định khiến cho một nghĩa vụ rất vẻ vang của công dân từ 18 đến 25 tuổi, nhưng cuối cùng lại trở thành nghĩa vụ riêng của một nhóm các công dân ở các vùng nông thôn, ít điều kiện học hành, gây nên bất bình đẳng” - ông Sơn nói.

Bằng các con số cụ thể, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Việt Trường (An Giang) chứng minh: Hằng năm có khoảng 6-7 triệu công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, nhưng Nhà nước chỉ gọi khoảng 6% trong số đó. Trong số những người nhập ngũ thì có 79,4% là con em nông dân; 2,24% là con em cán bộ; 2,7% là con em công nhân. Cả nước có 1,5 triệu thanh niên đang học trong các trường đại học, cao đẳng và chỉ có 0,64% nhập ngũ.

Để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng, ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị:

- Một là cần thu hẹp hơn đối tượng được miễn hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo sự công bằng, khắc phục tình trạng việc gọi nhập ngũ chủ yếu tập trung vào con em nông dân, tỉ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp, tránh biểu hiện trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

- Hai là không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học chính quy để đảm bảo sự bình đẳng.

- Ba là không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng không thể gọi 100% các đối tượng đủ điều kiện đều phải nhập ngũ bởi con số này quá lớn.

Sự công bằng chỉ có thể được đảm bảo khi dự án luật này quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự.

“Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp đã đặt ra vấn đề quy định việc quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự là yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để quy định dự thảo luật này theo hướng bảo đảm cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc. Tôi đề nghị nên cân nhắc quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự trong dự thảo luật” - ông Tuyết nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên