30/10/2014 09:01 GMT+7

​Thu - chi ngân sách: Quốc hội chỉ quyết “chuyện đã rồi”

L.KIÊN - V.SỰ - V.V.THÀNH
L.KIÊN - V.SỰ - V.V.THÀNH

TT - Hiến pháp và luật quy định Quốc hội có quyền quyết định ngân sách nhưng cách làm hiện nay khiến quyết định dự toán ngân sách hằng năm của Quốc hội chỉ mang tính hình thức.

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu - Ảnh: Hoàng Nam
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu - Ảnh: Hoàng Nam

Chiều 29-10, thảo luận tại tổ về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đã có ý kiến như trên. 

Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách rất hình thức, bởi trước đó Chính phủ lập dự toán và trình, đại biểu Quốc hội chỉ có vài ngày để nghiên cứu. Hơn nữa, căn cứ lập dự toán, phân bổ ngân sách và các tiêu chí đều phụ thuộc vào quá trình lập dự toán bên phía Chính phủ.

"Vì vậy, Quốc hội gần như chỉ “bấm nút” thông qua những gì đã được Chính phủ quyết định” - đại biểu Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, nhận xét. 

Ông nói thêm: “Ở ta có khoản dự phòng ngân sách, các bạn nước ngoài rất ngạc nhiên nên cứ hỏi tôi là tại sao các ông đã dự toán từng khoản rồi mà để thêm một khoản nữa để dự phòng.

Người ta cũng thấy lạ nữa là tại sao Việt Nam cứ tháng 4, tháng 5 hằng năm lại đi quyết định bổ sung chi cái khoản tăng thu, tiết kiệm chi của năm trước, tức là phân bổ cho cái năm ngân sách đã kết thúc từ mấy tháng trước rồi”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị các chỉ tiêu về ngân sách phải được đưa ra cân nhắc ở cả hai kỳ họp trong năm của Quốc hội.

Trong đó, kỳ họp giữa năm Quốc hội phải bàn cụ thể về nguyên tắc thu - chi, thứ tự ưu tiên, chi bao nhiêu cho từng địa phương, bàn rất thỏa đáng chứ không thể hình thức. Sau đó, đến kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ quyết.

“Chứ như bây giờ, đưa ra vào kỳ họp cuối năm thì mọi thứ an bài hết rồi. Và đây là nguồn gốc để chạy ngân sách, chỉ tiêu” - ông Lịch bình luận. 

Đại biểu Trần Quang Chiểu, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, đồng tình:

“Qua hai bước, kỳ họp đầu năm làm khung ngân sách, kỳ cuối năm trình và xem xét thông qua. Hiện nay làm ở một kỳ, sát kỳ họp mới đưa lên, đại biểu Quốc hội không có thời gian xem xét, số liệu mênh mông bát ngát, đọc đã khó, chưa nói phân tích số này số kia thế nào”.

Đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị: “Quốc hội phê chuẩn ngân sách hằng năm phải bằng một đạo luật ngân sách thường niên chứ không phải bằng một nghị quyết như hiện nay. Một đạo luật sẽ giúp kỷ luật thu chi ngân sách được thực hiện tốt hơn, bởi nếu anh vi phạm sẽ bị xử lý nặng”.

Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị luật này phải làm rạch ròi hai nguồn ngân sách: địa phương thu được và trung ương phân bổ.

“Với các địa phương còn phải nhận ngân sách do trung ương chi xuống thì phần ngân sách nhận được ấy phải chi tiêu theo mục đích, không thể muốn chi vào đâu thì chi, chi khác mục đích ban đầu” - ông Lịch nói.

Còn theo đại biểu Thân Đức Nam (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), phân cấp ngân sách là vấn đề đặc biệt quan trọng của luật này, gồm ba nội dung chính: phân cấp về nguồn thu, phân cấp về nhiệm vụ chi, các giới hạn huy động vốn của chính quyền địa phương.

Theo đó, thiết kế về phân cấp ngân sách phải đặt hiệu quả lên hàng đầu, nguồn lực nên tập trung về nơi có khả năng sử dụng hiệu quả nhất.

Các đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng TP lẽ ra phải được chia phần nhiều hơn trong “chiếc bánh ngân sách”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết hiện nay TP đóng góp 30% thu ngân sách, 20% GDP cả nước, dân số TP chiếm gần 9% dân số cả nước.

Thế nhưng phân bổ ngân sách từ trung ương xuống chỉ dành cho TP khoảng 5% cả nước, bình quân đầu người rất thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói TP đã nhiều lần đề nghị vấn đề này, đã đem ra Bộ Chính trị họp bàn nhưng do vướng luật nên chưa đáp ứng được.

Nay sửa đổi Luật ngân sách nhà nước là cơ hội để trung ương bàn và đáp ứng đề nghị chính đáng này.

* Đại biểu BÙI ĐỨC THỤ (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách):

Nhiều khoản đang để ngoài ngân sách

Lẽ ra cái gì thu thuộc về ngân sách thì phải nộp vào ngân sách, nhưng hiện tại ở ta thì khoản này bỏ chỗ này, khoản kia bỏ chỗ kia, nhiều khoản để ngoài cân đối.

Ví dụ viện phí, học phí thu rất lớn, hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, toàn bộ để lại cho đơn vị, sau đó hợp thức hóa bằng hình thức ghi thu, ghi chi. Lẽ ra những gì là phí, lệ phí của Nhà nước thì phải đưa vào ngân sách chứ không thể để ngoài ngân sách được.

Nhiều khoản thu chi trùng với ngân sách nhà nước nhưng chúng ta lại sử dụng cơ chế quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ví dụ như quỹ bảo trì đường bộ cho Bộ Giao thông vận tải sử dụng để duy tu, sửa chữa đường bộ.

Việc duy tu, sửa chữa đường bộ là sự nghiệp công cơ mà... Tôi đề nghị tất cả các quỹ tài chính trùng với nhiệm vụ thu chi ngân sách thì phải đưa hết vào ngân sách, trình ra Quốc hội quyết định công khai, minh bạch.

L.KIÊN - V.SỰ - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên