26/10/2014 09:10 GMT+7

​Trại giam quá tải, trại cai nghiện trống trải

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Phạm nhân và người nghiện ma túy đều tăng trong năm 2014. Nhưng nghịch lý là trong khi các trại giam quá tải phạm nhân thì trại cai nghiện lại vắng bóng người nghiện.

 
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Nghịch lý này đã được các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để chỉ ra sự bất cập, sau khi nghe các báo cáo về: công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác của chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các báo cáo trên trong ngày làm việc 25-10.

Phải trả lời trước công luận

Vấn đề quá tải trong các trại giam, thi hành án tử hình, chúng tôi cũng đã nhìn thấy... Cụ thể là trong định hướng xây dựng Luật tố tụng hình sự, Luật hình sự cũng đã tính toán, tìm biện pháp thay thế hình phạt, hạn chế hình phạt tù, hạn chế án tử hình 
Viện trưởng Viện KSND tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH

“Phạm nhân nằm sát với nhau, không chừa ra được khoảng trống, không còn chỗ để cựa quậy” - đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) kể trước nghị trường về nơi ăn ngủ của các phạm nhân trại giam Xuân Phước (Phú Yên) mà ông thấy trong chuyến giám sát cùng đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đến đây.

Trại giam Xuân Phước, theo đại biểu Học, chỉ là một trong rất nhiều trại giam đang bị quá tải.

Dẫn chứng từ báo cáo của Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết năm 2014 cả nước tăng thêm 17.000 phạm nhân. Điều này đã góp phần dẫn đến các trại giam không đáp ứng được tiêu chuẩn diện tích buồng giam phải đạt từ 2m2/người trở lên.

“Thực tế chỉ đạt 1,49m2/người, thậm chí có trại giam chỉ còn 1,1m2/người” - đại biểu Nguyễn Thái Học thông tin.

Số phạm nhân trong tù tăng cao, số người đã nhận án tù nhưng đang nhởn nhơ ngoài xã hội cũng ở mức nguy hiểm, với hơn 3.000 người, trong đó có 1.419 người đã trốn lệnh truy nã nhiều năm chưa bắt được.

“Người dân bất an vì con số này, bởi những người đã nhận án tù nhưng chưa vào tù này ở đâu, làm gì không ai biết. Công tác thi hành án hình sự phải coi lại” - đại biểu Nguyễn Thái Học kiến nghị.

Không chỉ quá tải về số lượng phạm nhân, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) còn cho rằng các trại giam hiện cũng đang “quá tải” về những cái chết bất thường của phạm nhân, “quá tải” về sự lỏng lẻo trong quản lý phạm nhân.

“Vì sao trong một năm mà có tới 31 người tự sát khi đang bị giam giữ, năm phạm nhân bị đối tượng cùng phòng giam đánh chết, đặc biệt là bốn người chết sau khi bị giam giữ hình sự...?” - câu hỏi nhức nhối này của đại biểu Huỳnh Nghĩa đã làm cả hội trường cùng yên lặng trong giây lát.

Các đại biểu đều đã đọc con số này trong báo cáo của Bộ Công an, nhưng nhiều người vẫn biểu hiện sự thảng thốt khi đại biểu Huỳnh Nghĩa đề cập.

Tiếp lời, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói ông không hài lòng khi báo cáo của Bộ Công an đã không phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong công tác tạm giam, tạm giữ hiện nay. Bởi phạm nhân chết trong trại giam không phải là chuyện động trời duy nhất mà còn là việc ở tù nhưng vẫn có ma túy; cả năm 2014 đã có đến 63 phạm nhân trốn trại...

“Đề nghị phải báo cáo Quốc hội việc khắc phục và xử lý cán bộ ra sao. Phải công khai trả lời trước công luận” - đại biểu Nghĩa yêu cầu.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình

Trại cai nghiện bỏ trống

Về những bất cập trong việc đưa người đi cai nghiện ma túy, tôi và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi trao đổi và thống nhất sắp tới sẽ có cuộc họp giữa Tòa án tối cao và tòa án các ngành liên quan cùng Chính phủ để ra những văn bản hướng dẫn, gấp rút tháo gỡ  

Chánh án TAND tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

Đối nghịch với các trại giam, các trại cai nghiện trở nên trống trải từ đầu năm 2014, có trại số người cai nghiện giảm đến 50%. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), sự trống trải này cũng chính là một nỗi nhức nhối.

Câu chuyện dài về bất cập trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện mà Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM “kêu” lên Quốc hội vì những quy định mới trong Luật xử lý vi phạm hành chính, từ những ngày trước đã lại làm nóng nghị trường. Đại biểu Đương cho rằng cả người nghiện và người không nghiện đều đang “chết vì thủ tục” được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính mới.

Trước đây muốn đưa người đi cai nghiện chỉ một tháng là xong, nay kéo gần cả năm chưa xong vì phải qua thẩm duyệt của công an, tư pháp, thương binh - xã hội, tòa án, rất tốn kém thời gian và công sức.

Gần một năm qua TP.HCM hầu như chưa đưa được ai đi cai nghiện, trong khi số người nghiện đã tăng thêm 7.000 người, nâng số người nghiện tại TP.HCM lên 19.000 người.

“Luật yêu cầu giao người nghiện cho tổ chức xã hội trước khi đưa đi cai nghiện. Nhưng tổ chức xã hội là ai, là hội phụ nữ à? Phụ nữ nào dám?” - đại biểu Đương nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị ngay trong kỳ họp này, trong nghị quyết về kinh tế - xã hội, Quốc hội phải yêu cầu tạm dừng ngay việc áp dụng các biện pháp đưa người đi cai nghiện theo Luật xử lý vi pham hành chính và các văn bản liên quan, đồng thời sử dụng lại quy định của pháp lệnh cũ. “Pháp luật thì nên nhìn xuống dưới, chứ nếu không cứ đứng ở trên mà làm luật thì thấy vậy mà không phải vậy” - đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Minh họa cho ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương, trong phần trả lời sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã thông tin con số hết sức ngỡ ngàng: Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước mới chỉ có hơn 200 người nghiện được tòa án ra phán quyết đưa đi cai nghiện.

So với hơn 200.000 người nghiện đã được lập hồ sơ theo báo cáo của Bộ Công an thì số người đi cai nghiện chỉ như “muối bỏ bể”.

Chia sẻ với nỗi nhức nhối về người nghiện ma túy tăng cao, tất cả đại biểu phát biểu sau đó về vấn đề cai nghiện ma túy đều đồng tình với đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị về một cơ chế khẩn cấp để giải quyết vấn đề cai nghiện ma túy.

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng phải có văn bản pháp luật hợp lý để ngăn chặn người nghiện ma túy, có vậy mới giảm được tội phạm gia tăng từ người nghiện.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trường Dân (phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết thủ tục rườm rà, không khả thi của Luật xử lý vi phạm hành chính mới trong vấn đề đưa người đi cai nghiện ma túy đã làm lực lượng công an rất vất vả trong việc quản lý người nghiện tại địa bàn.

“Những quy định không khả thi này tôi đã nói khi thảo luận trước khi thông qua dự án luật, đã gửi đến đoàn thư ký Quốc hội. Tôi đề nghị kỳ này Quốc hội phải xem xét lại” - đại biểu Phạm Trường Dân nói.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục