22/10/2014 09:02 GMT+7

Mời nhà khoa học bàn cách chống ngập cấp bách cho TP.HCM

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Ngày 21-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã triệu tập cuộc họp với các sở ngành, quận huyện liên quan bàn các giải pháp chống ngập cấp bách trên địa bàn TP.

Đến ngày 21-10, người dân tại đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân đã phải chịu cảnh ngập nước liên tục trong ba ngày - Ảnh: Đức Phú

Nói gì thì nói phải kiên quyết giải quyết dứt điểm các điểm ngập còn lại trong năm 2015
Ông NGUYỄN HỮU TÍN

Mở đầu cuộc họp, ông Tín lưu ý: “Tình hình ngập trên địa bàn TP cả nước biết hết rồi, các anh không cần phải thanh minh thanh nga gì cả. Vấn đề triều cường, mưa nhiều cũng được báo đài thông tin, nhưng người dân bức xúc ở chỗ ngập do lỗi chủ quan trong việc thi công các công trình."

"Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị liên quan giải quyết cho được các lỗi chủ quan này, đồng thời chỉ tập trung vào việc giải quyết tình hình ngập ở khu vực trung tâm theo nghị quyết Ðảng bộ TP đề ra chứ không nói lan man”. - Ông Tín nói. 

Trung tâm nói 11, sở nói 25!

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm chống ngập), từ năm 2011 TP có 58 điểm ngập ở khu vực trung tâm TP, hiện còn 11 điểm ngập và sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2014-2015.

Tuy nhiên ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT - cho rằng báo cáo của Trung tâm chống ngập như vậy chứ theo sở còn tới 25 điểm ngập.

“Vậy trong các điểm ngập đã được giải quyết có chỗ nào tái ngập không?” - ông Tín hỏi.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng giải thích: trong 47 điểm đã được đầu tư các dự án chống ngập thời gian qua có 14 điểm tái ngập, đồng thời có thêm hai điểm ngập phát sinh mới là đường Gò Dầu và Trương Vĩnh Ký (Q.Tân Phú).

“Coi như mấy năm qua chỉ giải quyết được 33 điểm ngập, hiện còn 27 điểm ngập hiện hữu, cộng tái ngập và phát sinh mới” - ông Tín kết luận và yêu cầu Sở GTVT lưu lại số liệu những điểm còn ngập và ngay cả những điểm đã hết ngập để công bố cho người dân được biết cùng giám sát.

“Những số liệu này ở mức tạm tin. Hiệu quả chống ngập tới đâu, giải quyết được chỗ nào, còn hạn chế chỗ nào phải công khai cho dân biết, chứ cứ giấu giấu giếm giếm thì biết đâu mà sửa” - ông Tín nhấn mạnh.

“Trong 14 điểm tái ngập đó, nguyên nhân do đâu?” - ông Tín tiếp tục hỏi.

Ông Dũng cho biết trong các điểm tái ngập thì có 10 điểm do ảnh hưởng bởi công trình Tân Hóa - Lò Gốm.

Nhưng ông Lê Hoàng Minh một lần nữa không đồng ý và cho rằng chỉ có năm điểm tái ngập do bị ảnh hưởng bởi dự án trên. Chín điểm tái ngập còn lại chủ yếu ở khu vực Q.Bình Thạnh do mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống.

Ông Dũng tiếp lời: những cơn mưa trên 100mm làm những tuyến đường vừa mới đầu tư cống xong như Phan Ðình Phùng (Q.Phú Nhuận), Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) cũng bị ngập. Nguyên nhân cống này làm theo quy hoạch 752 (quyết định 752 năm 2001 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn TP) nên chỉ chịu được những trận mưa nhỏ hơn 100mm.

Ông Dũng quả quyết toàn bộ cống từ trước tới nay làm ở khu vực trung tâm TP đều theo quy hoạch trên. Nếu có xảy ra mưa lớn trên 100mm thì cũng sẽ bị ngập tương tự.

Chiều 21-10, hẻm 321 đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân vẫn ngập 20-30cm - Ảnh: Đức Phú

Hỏi tới giải pháp thì... ậm ờ

Ông Lương Minh Phúc, trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP, đề xuất: phải xây dựng hệ thống đê bao để giữ nước triều trong các kênh rạch ở mức 1,32m theo như quy hoạch 752, để cống thoát nước có thể chảy ra kênh được.

Ngoài ra theo ông Phúc, nên áp dụng theo hình thức xây dựng những ống chứa nước lớn ngay dưới hệ thống cống hiện hữu để nước chảy vào khi có mưa lớn, nước được trữ lại có thể dùng cho nhiều mục đích khác. Ðồng thời tăng thêm diện tích thấm nước và xây dựng các hồ điều tiết nước.

Tuy nhiên theo ông Tín, đây là những giải pháp lâu dài, muốn làm được mất 5-10 năm nữa. “Cái tôi muốn là những giải pháp trước mắt, cấp bách, chẳng lẽ giờ mưa to trên 100mm chúng ta chịu chết à?” - ông Tín nói.

Ông Dũng đề xuất trước mắt có thể làm những hồ điều tiết nhỏ. “Anh thử coi khu vực trung tâm còn chỗ nào nữa mà làm hồ điều tiết?” - ông Tín nêu ý kiến và cho biết: “Ðúng ra tôi phê bình Sở GTVT là cơ quan tham mưu cho UBND TP trong vấn đề chống ngập, nhưng thời gian qua chưa đề xuất được giải pháp gì cả, giờ hỏi tới giải pháp lại ậm ờ”.

Kết luận cuộc họp, ông Tín yêu cầu trong vòng 10 ngày, Sở GTVT phải đề xuất mở hội thảo mời các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng đóng góp giải pháp chống ngập cấp bách cho những điểm ngập còn tồn tại.

Trước mắt, có thể huy động cả hệ thống máy bơm chuyển tiếp nước ra kênh chứ không phải lèo tèo một hai cái, có cái đã hư như thời gian qua.

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch - kiến trúc và Sở GTVT rà soát quy hoạch hồ điều tiết, trong đó khẩn trương khảo sát hai vị trí có thể xây hồ điều tiết sớm là khu vực Khánh Hội (Q.4) và Thủ Thiêm (Q.2), sau đó tới các hồ điều tiết ở Ba Bò (Q.Thủ Ðức) và H.Bình Chánh.

Liên quan đến trách nhiệm của công trình Tân Hóa - Lò Gốm thu hẹp dòng chảy gây ngập, ông Tín đề nghị Sở GTVT khẩn trương khảo sát xem quá trình thi công có đảm bảo không, trên cơ sở đó kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho nhiều dự án chống ngập khác.

* Ông HỒ LONG PHI (giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu ĐHQG TP.HCM):

Làm hồ điều tiết nước

Giải pháp cấp bách để giảm một số điểm ngập do vượt tần suất thiết kế là xây dựng các mương hở thu nước chảy tràn trên đường, cho chảy ra các khu vực kênh thoát nước. Đối với những tuyến đường không làm được mương hở thì dùng hệ thống bơm hỗ trợ. Tuy nhiên giải pháp lâu dài vẫn làm hồ điều tiết nước.

Về việc xây hồ điều tiết tại khu vực Khánh Hội, Q.4, ông Phi cho rằng chỉ thoát nước cho riêng khu vực Q.4, không thể kết nối được với vùng trung tâm TP. Để xây hồ điều tiết tại trung tâm thì khu vực tại công viên 23-9 là lý tưởng nhất, tùy theo kinh phí, nhu cầu có thể làm nổi hoặc ngầm.

Ngoài ra nên dời bến xe Chợ Lớn (Q.6) ra bến xe miền Tây và biến khu vực này thành công viên hồ điều tiết vì đây là khu vực trũng của Q.6 nên việc điều nước nước ngập thuận lợi hơn những khu vực khác.

Giờ kiếm được hồ điều tiết quy mô như Thủ Thiêm là rất khó nên cần tận dụng làm những hồ điều tiết nhỏ ngay các dạ cầu, công viên, tiểu đảo... ngay ở những nơi thường xuyên bị ngập. Việc xây dựng hồ điều tiết này nên giao chỉ tiêu cho các quận trong quá trình thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các quy hoạch chi tiết.

Vấn đề là phải xắn tay vào làm vì giải pháp này đã bàn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

 

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục