16/10/2014 10:53 GMT+7

​Vẫn chưa có lối ra căn cơ

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Ông Ngô Trường Thi, chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, cho rằng việc bình xét hộ nghèo được thực hiện lâu nay nhưng thực chất không tạo ra tích cực.

Chị Nguyễn Thị Đẹp (P.14, Q.8, một người diện hộ nghèo ở TP.HCM) làm công việc đục thau nhôm tại nhà, thu nhập 20.000-30.000 đồng/ngày - Ảnh: V.Thủy 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định chính sách không xét đưa ra, đưa vào diện hộ nghèo hằng năm sẽ hạn chế hiện tượng bệnh thành tích trong bình xét hộ nghèo, giúp người nghèo thụ hưởng ổn định chính sách hỗ trợ để thật sự thoát nghèo.

Tại buổi tọa đàm “Định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm qua 15-10 nhân Ngày vì người nghèo VN 17-10, một số ý kiến cũng cho rằng chuẩn nghèo ở VN hiện đã lạc hậu, hộ thoát chuẩn nghèo nhưng gia cảnh vẫn nghèo.

Còn bệnh thành tích, thiếu thực chất

Người nghèo còn ỷ lại chính sách

Đó là một trong những khó khăn được huyện Cần Giờ đề cập trong báo cáo về tình hình thực hiện chính sách giảm nghèo tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM chiều 16-10. Theo đó, ý thức tự vươn lên của người dân kém khiến chính sách giảm nghèo không hiệu quả, hộ nghèo Cần Giờ vẫn chiếm tỉ lệ cao.

Theo báo cáo đầu năm 2014, toàn huyện Cần Giờ có 7.484 hộ nghèo, đến nay vẫn còn 6.364 hộ nghèo, chiếm 35,2% tổng số hộ dân; hộ cận nghèo chiếm 12,8% số hộ dân. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Thanh - phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, việc người nghèo muốn ở lại diện hộ nghèo có thể do họ vẫn còn nghèo thật dù thu nhập đã vượt qua chuẩn nghèo. Bởi thực tế nhiều hộ dân đã ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn rất khó khăn.

VŨ THỦY 

Nói về tiêu chí, quy trình xét hộ nghèo, ông Ngô Trường Thi, chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, cho rằng việc bình xét hộ nghèo được thực hiện lâu nay nhưng thực chất không tạo ra tích cực.

Tuy nhiên ông cũng không thấy cách làm tốt hơn: “Vừa rồi, chúng tôi cũng trao đổi với các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quốc tế và đang đề nghị giai đoạn tới nên đưa ra phương pháp thế nào để thay đổi việc bình xét hộ nghèo, nhưng thay đổi bằng cách gì thì chúng tôi vẫn đang trăn trở”.

Nhìn nhận chuyện bình xét hộ nghèo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định vẫn còn tình trạng bệnh thành tích.

Theo ông, ở chỗ này chỗ kia, chủ yếu là cấp thôn, cấp xã, thực hiện việc hướng dẫn bình xét hộ nghèo không nghiêm túc.“Có chỗ làm không khách quan, không tạo ra công bằng mà có tình trạng mắc bệnh thành tích nên cho hưởng hộ nghèo luân phiên”- ông Đàm nói.

Ngoài ra, một yếu tố khá tiêu cực khác về phía người thụ hưởng, theo ông Đàm, là vì có nhiều chính sách được hưởng nên bản thân người nghèo cũng có tâm lý không muốn thoát khỏi diện nghèo.

Ổn định chính sách thụ hưởng 3-5 năm

Từ hiện tượng bệnh thành tích trong xét hộ nghèo và tỉ lệ giảm nghèo chưa bền vững, theo ông Đàm, tới đây trong thiết kế chính sách phải thay đổi việc rà soát hộ nghèo để tránh tình trạng đưa ra, đưa vào danh sách hằng năm.

Ông Đàm cho biết chính sách trong giai đoạn 2016-2020 đang được các bộ bàn theo hướng không điều tra xác định hộ nghèo hằng năm như hiện nay nữa.

Trong năm 2015 sẽ tổng điều tra hộ nghèo để áp các chính sách hỗ trợ, đến năm 2018 sẽ có đánh giá giữa kỳ và năm 2020 sẽ đánh giá cuối kỳ.

Như vậy, giai đoạn này hộ nghèo sẽ được hưởng chính sách ổn định trong vòng 2-3 năm, giữa kỳ sẽ đánh giá họ đã thật sự thoát nghèo chưa để có cơ sở đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Còn hằng năm sẽ chỉ đánh giá sự cải thiện về đời sống để xem mức độ hỗ trợ giúp cải thiện cuộc sống ra sao.

Ông Đàm cũng khẳng định các chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong giai đoạn tới đây cũng phải thay đổi, sẽ hạn chế các chính sách cho không và tăng các chính sách cho vay có điều kiện để hộ nghèo không còn tâm lý cứ ở mãi diện hộ nghèo, thúc đẩy mong muốn thoát nghèo.

Thậm chí những hộ nghèo mà sau hỗ trợ không có chuyển biến vì lý do chủ quan cũng phải cắt hỗ trợ. Riêng về hộ cận nghèo sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ về tín dụng, sản xuất và cả về bảo hiểm y tế.

“Với những hộ không còn khả năng thoát nghèo do không còn sức lao động sẽ được chuyển qua diện bảo trợ xã hội chứ không hỗ trợ vốn” - ông Đàm cho biết.

Về chuẩn nghèo được xác định thu nhập 400.000 đồng/tháng như hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết chuẩn đó được xây dựng từ năm 2010. “Sau bốn năm áp dụng, đến nay chuẩn nghèo này đã lạc hậu, đến lúc phải điều chỉnh” - ông nói.

* ThS LÊ VĂN THÀNH (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Vượt chuẩn nghèo chưa hẳn đã thoát nghèo

Chuẩn nghèo là mức mà từng địa phương đưa ra tùy theo ngân sách nguồn lực, mức sống tại đó. Nếu căn cứ theo chuẩn này để nói là thoát nghèo thì cũng đúng nhưng bản chất không phải vậy, vì có khi do nguồn lực ngân sách địa phương hạn hẹp nên đặt ra chuẩn nghèo thấp. Do đó muốn người dân thoát nghèo bền vững, thoát nghèo thật sự thì ngân sách phải dồi dào, nguồn lực xã hội phải tốt.

Mặt khác, chuẩn nghèo - cận nghèo hay thoát nghèo cũng rất mong manh, chỉ cần thu nhập cao hơn vài trăm ngàn đồng mỗi năm, hai hộ gia đình đã thuộc hai nhóm nghèo và thoát nghèo, nên rất dễ dàng tái nghèo nếu thu nhập giảm hoặc gặp sự cố trong đời sống.

Ngoài ra, việc bình xét hộ nghèo ở nhiều địa phương còn có tiêu cực, làm qua loa chiếu lệ. Do đó, cần phải làm kỹ càng trong khâu bình xét hộ nghèo. Nếu không sẽ còn nhiều hộ nghèo bị buộc phải thoát nghèo hoặc chính sách hỗ trợ người nghèo sẽ chảy không đúng chỗ.

Một thực tế nữa, các hộ trong mức cận nghèo thường có thu nhập không ổn định, đồng thời họ còn hay bị bệnh tật, hay gặp rủi ro trong cuộc sống, do đó rất dễ bị tái nghèo nếu gặp sự cố trong cuộc sống. Chăm lo tốt về y tế, phúc lợi đời sống cho người nghèo cũng là một cách giúp họ giữ được mức thu nhập và không tái nghèo.

VIỄN SỰ ghi

 

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên