21/09/2014 11:15 GMT+7

Xe giường nằm cần bổ sung tiêu chuẩn để an toàn hơn?

C.V.KÌNH - K.HƯNG - LÊ NAM
C.V.KÌNH - K.HƯNG - LÊ NAM

TT - Trong khi nhà sản xuất nói xe giường nằm có cùng quy chuẩn với xe ghế ngồi thì các chuyên gia cho rằng cần có quy chuẩn riêng cho xe giường nằm.

Bên trong một xe giường nằm chuẩn bị xuất bến tại bến xe miền Đông (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Bên trong một xe giường nằm chuẩn bị xuất bến tại bến xe miền Đông (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), cho biết các dòng xe giường nằm do Thaco sản xuất được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định rất chặt chẽ.

Xe cũng phải đạt các quy chuẩn được công bố trong bộ quy chuẩn 09 (bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô) đã được Bộ Giao thông vận tải công bố.

Xe giường nằm cùng quy chuẩn với xe ghế ngồi

“Hiểu xe giường nằm đang vận hành hiện nay là xe hai tầng khác với các loại xe ghế ngồi thông thường nên chưa có bộ quy chuẩn an toàn là sai" - ông Dương nói.

"Xe hai tầng là loại xe có hai sàn, còn xe giường nằm được sản xuất trên nền tảng xe ghế ngồi và lắp hai tầng giường nằm nên quy chuẩn áp dụng là QCVN 09 và được cơ quan đăng kiểm Việt Nam kiểm soát rất chặt” - ông Dương khẳng định.

Các mẫu xe do công ty thiết kế đã được Cục Đăng kiểm kiểm tra, phê duyệt, thiết kế, kiểm tra thực tế trên xe mẫu và giám sát xuất xưởng trong giai đoạn đầu đến khi đã ổn định mới giao cho công ty tự giám sát.

Theo ông Dương, chính vì không phải là hai loại xe khác nhau nên nếu so sánh với dòng xe ghế ngồi được nhập khẩu từ nước ngoài và dòng xe Thaco sản xuất trong nước, sự khác biệt gần như không đáng kể.

Theo ông Dương, việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn của xe mà Bộ Giao thông vận tải đang triển khai là cần thiết để đưa thêm một số quy định mới cho phù hợp, nhưng trên thực tế một số dòng xe đã được nhà sản xuất nghiên cứu thay đổi và áp dụng để tăng thêm an toàn, tăng tính cạnh tranh để bán sản phẩm.

Chẳng hạn các khung giường bên trong xe đã được bọc nhựa mềm nhằm hạn chế va đập của hành khách, ghế nằm nào cũng có đai an toàn...

Hiện nay các cửa kính trên dòng xe giường nằm đều là loại kính cường lực với kích thước lớn sẽ dễ dàng đập vỡ bằng các búa đập kính gắn ở các vị trí cửa kính nếu có sự cố.

Vì vậy hầu như các loại xe giường nằm hiện nay cũng chỉ còn dùng một cửa để lên xuống do thoát hiểm sẽ có thể đập vỡ kính để thoát ra.

Các xe ghế ngồi chỉ có một lối đi rộng 450mm nhưng với các xe giường nằm được thiết kế ba dãy giường nằm có hai lối đi, mỗi lối đi rộng 400mm nên không cản trở việc thoát hiểm nếu xảy ra sự cố.

Trả lời câu hỏi có thông tin một số nhà xe ở Điện Biên đã bán xe giường nằm Thaco do không an toàn, ông Dương cho biết chính ông Nguyễn Quốc Mạnh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên, khẳng định thông tin này là không xác thực.

Ông Dương cho biết đã cho Thaco miền Bắc kiểm tra thì được biết việc mua bán là có nhưng do xe tăng giá và việc họ bán xe là có lợi nhuận.

Hiện nhu cầu mua xe giường nằm vẫn rất cao, mỗi tháng Thaco bán khoảng 90-100 xe giường nằm, khách muốn mua xe phải chờ ít nhất hai tháng mới nhận được xe.

Chỉ Việt Nam và Trung Quốc sản xuất xe giường nằm

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Huyên, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) - với kinh nghiệm nghiên cứu, mày mò làm ôtô nhiều năm qua, cho biết thực chất hiện chỉ có Việt Nam và Trung Quốc còn sản xuất ôtô giường nằm kiểu như đang thấy ở Việt Nam.

Và xe giường nằm Việt Nam thường được các doanh nghiệp nhập thiết bị chính từ Trung Quốc, sau đó làm và đi đăng kiểm.

Tuy nhiên, ông Huyên khẳng định những người trong ngành ít ai dám đi xe giường nằm. Bản thân ông thì “có trói tôi ép lên xe thì tôi phải chịu chứ cho tiền cũng không dám đi”.

Lý do là ngay Trung Quốc cũng đã cấm xe giường nằm đi các tuyến đường miền núi. Theo ông Huyên, đã có rất nhiều vụ tai nạn xe giường nằm khi đi đường miền núi rồi, vấn đề là không phải cái nào cũng được thông tin.

Lý do, xe giường nằm thường to, dài, cao. Nếu tải trọng nằm hết trên sàn xe còn đỡ, nhưng Việt Nam lại thiết kế có giường nằm ở trên cao.

Một phần trọng lượng không nhỏ nằm ở phần cao của xe, nên khi cua sẽ tạo mômen lật, gây nguy hiểm.

Ông Huyên cho rằng một số đoạn quốc lộ 1 cũng phải cấm xe giường nằm để đảm bảo an toàn cho khách, vì nhiều đoạn từ Quảng Bình trở vào nhiều đèo dốc.

Ngay các loại xe khác đi miền núi, ông Huyên cũng đề nghị cần quy định theo tiêu chuẩn châu Âu để đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng mất lái, đâm xuống vực nhiều như hiện nay.

Cụ thể, châu Âu yêu cầu xe đi đường đồi núi, dốc phải là xe có ba cầu. Cầu thứ ba để truyền động, hai cầu trước để lái. Nghĩa là sẽ lái bằng bốn bánh, chứ không phải hai bánh như hầu hết xe ở Việt Nam.

Nếu bị đâm, nổ một lốp, xe vẫn còn ba bánh, tạo thành hình tam giác, và như thế vẫn có thể lái được.

“Chứ như trường hợp xe hai cầu trong vụ lao xuống vực ở Lào Cai gần đây, chỉ đâm một cái, hoặc một lốp trước có vấn đề là mất lái, đâm xuống vực” - ông Huyên nói.

Bên trong một xe giường nằm đang chuẩn bị xuất bến tại bến xe miền Đông (TP.HCM) - Ảnh: T.Long
Bên trong một xe giường nằm đang chuẩn bị xuất bến tại bến xe miền Đông (TP.HCM) - Ảnh: T.Long

Phải là quy chuẩn Việt Nam

Trước việc cần phải bổ sung tiêu chuẩn cụ thể hơn cho xe giường nằm, ông Phạm Hữu Nam, nguyên cán bộ Viện Cơ khí động lực - ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng xe giường nằm trước tiên phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với xe chở khách, sau đó sẽ tính đến những quy định riêng.

Không cần thiết ban hành một bộ quy chuẩn riêng cho sản xuất xe giường nằm nhưng cần rà soát lại quy chuẩn chung để bổ sung những điểm cần thiết phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Quy chuẩn của Việt Nam không phải do Việt Nam tự nghĩ ra mà phần lớn đều tham khảo từ quy chuẩn của các nước, trong khi điều kiện hạ tầng giao thông ở các nước khác với Việt Nam nên cần có những bổ sung cho phù hợp.

Cụ thể cần những quy chuẩn nào, ông Nam cho rằng phải qua hội thảo để lắng nghe ý kiến của những người có liên quan rồi trao đổi trước khi quyết định.

Trong khi đó, ông Khương Kim Tạo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích xe khách giường nằm có ba đặc điểm liên quan tới việc mất an toàn của xe gồm trọng tâm xe cao hơn khi có tải; liên kết giữa người với giường không chắc chắn dù có dây đai; có khoang để đồ dưới gầm.

Vì vậy, nếu cần thiết cũng có thể ban hành một quy chuẩn riêng cho việc sản xuất loại xe này, thậm chí quy định chỉ được sản xuất xe giường nằm một tầng, thay vì hai tầng như hiện nay.

“Điều kiện đường sá của Việt Nam không tốt nên không phải đường nào cũng đáp ứng được quy chuẩn. Đường nằm ngoài quy chuẩn thì yêu cầu thiết kế, sử dụng xe phải có điều kiện tương thích để đảm bảo an toàn” - ông Tạo nói thêm.

Trong khi đó, để đảm bảo cho xe giường nằm hoạt động an toàn, ngoài yếu tố kỹ thuật, ông Khương Kim Tạo cũng đề cập tới yếu tố con người và đường sá.

Ông đề nghị trong điều kiện hiện tại, phải khống chế tốc độ đối với xe giường nằm.

“Khi chạy đường thẳng thì không vấn đề nhiều nhưng trong điều kiện đường liên tỉnh nên xem xét lại. Có thể quy định xe giường nằm chỉ được chạy với tốc độ thấp hơn xe khách bình thường từ 10-20%. Hiện nay chúng ta đã có hệ thống giám sát hành trình nên việc này không khó. Vấn đề là phải chế tài nghiêm” - ông Tạo đề xuất.

Bổ sung tiêu chuẩn xe giường nằm vào quy chuẩn quốc gia

Ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm - cho biết hiện nay các nhà sản xuất ôtô tự thiết kế các kiểu loại xe sau đó Cục Đăng kiểm phê duyệt, chấp thuận cho sản xuất, lắp ráp nếu đảm bảo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô (quy chuẩn 09) và các tiêu chuẩn liên quan đối với ôtô mà Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học - công nghệ xây dựng, ban hành.

Khi thiết kế xe đáp ứng quy chuẩn, nhà sản xuất sẽ sản xuất và Cục Đăng kiểm sẽ kiểm tra, nghiệm thu, nếu đạt yêu cầu thì cấp chứng nhận cho phép xuất xưởng, bán ra thị trường.

Ông Trí cho biết quy chuẩn 09 áp dụng chung cho các loại ôtô. Riêng xe giường nằm có những quy định cụ thể hơn so với xe khách thông thường.

Khi xây dựng quy chuẩn 09 đã căn cứ vào bộ tiêu chuẩn của các nước có yêu cầu về an toàn kỹ thuật cao như châu Âu và Nhật Bản.

Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu thử nghiệm so sánh xe giường nằm hai tầng và xe ghế ngồi trên cùng một điều kiện đường sá, độ dốc, độ cua để có khuyến cáo từng loại đường cho xe giường nằm hoạt động.

Trên cơ sở này sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung những tiêu chuẩn phù hợp với kết cấu, điều kiện hoạt động của xe giường nằm nhằm tăng độ an toàn lên mức cao hơn.

Tuy nhiên, ông Trí cho biết sẽ bổ sung vào quy chuẩn 09 chứ không nhất thiết phải xây dựng một bộ quy chuẩn riêng cho xe giường nằm.

TUẤN PHÙNG

C.V.KÌNH - K.HƯNG - LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên