20/09/2014 08:04 GMT+7

Xe giường nằm có kết cấu như xe ghế ngồi

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Xe khách giường nằm ở VN hiện nay không phải là loại xe có kết cấu hai tầng mà là xe khách bình thường có thiết kế hai tầng giường nằm

Xe giường nằm Phương Trang - Ảnh: Quang Định
Xe giường nằm Phương Trang - Ảnh: Quang Định

Đó là lưu ý của PGS.Ts Phạm Xuân Mai - nguyên trưởng khoa giao thông Trường đại học Bách khoa TP.HCM tại cuộc hội thảo xung quanh vấn đề an toàn của xe khách giường nằm do báo Giao Thông Vận Tải tổ chức ngày 19-9.

PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng cần hiểu đúng xe khách giường nằm ở VN hiện nay không phải là loại xe có kết cấu hai tầng mà là xe khách bình thường có thiết kế hai tầng giường nằm.

Theo ông Mai, xe khách giường nằm hiện nay có chiều dài, rộng không khác xe khách ghế ngồi loại lớn, đều dài 12m. Khi hoạt động ở đường đèo núi, chiều dài xe là yếu tố quan trọng nhất vì ảnh hưởng đến bán kính quay vòng của xe. Như vậy, bán kính quay vòng của xe giường nằm và xe ghế ngồi như nhau.

Còn điểm quan trọng nhất ảnh hưởng đến tính ổn định của xe khi chạy trên đường đèo dốc là chiều cao trọng tâm thì xe giường nằm có chiều cao trọng tâm cao hơn xe ghế ngồi một chút.

Cụ thể, chiều cao trọng tâm của xe khách giường nằm là 1.397mm thì xe khách ghế ngồi có chiều cao trọng tâm 1.370mm, chênh lệch nhau 27mm.

“Độ chênh lệch này nằm trong phạm vi cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nói chung”.

Ông Mai dẫn thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy các vụ tai nạn xảy ra với xe giường nằm không phải do lỗi thiết kế, kỹ thuật mà do hành vi lái xe, hạ tầng, thời tiết.

“Chúng tôi thống kê trong số 44 vụ tai nạn xe khách giường nằm nghiêm trọng nhất trong ba năm gần đây, chỉ có ba vụ xe lật đổ theo chiều ngang trên đường đồng bằng, trong điều kiện trời mưa. Chúng ta nên quan tâm độ an toàn của xe giường nằm nhưng không nên nhìn nhận nó đến mức nghiêm trọng quá và cần phải cấm hoạt động. Hiện nay nhu cầu người dân đi xe khách giường nằm là rất lớn. Cần cân nhắc vì hạn chế xe giường nằm sẽ ảnh hưởng nhu cầu của người dân."

"Thống kê cho thấy 30% tai nạn xảy ra trên đường đèo dốc, 70% ở đồng bằng thì cần đặt ra câu hỏi đâu phải do đường đèo dốc, kỹ thuật mà gây lật xe. Nhiều xe bị lật do va chạm, đâm va chứ không phải tự lật” - ông Mai nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hữu Trí, phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho rằng do xe giường nằm phân bố giường hai tầng nên trọng tâm xe cao hơn xe ghế ngồi, do vậy dễ mất ổn định hơn so với xe ghế ngồi. Nhưng theo ông Trí, việc đảm bảo an toàn còn liên quan nhiều vấn đề khác như cách lái xe, tốc độ xe, tình trạng đường.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Trí cho biết trong lòng xe giường nằm ở VN bố trí giường có nhiều chi tiết kim loại như tay vịn, khi có sự cố sẽ gây nhiều thương tích cho người trên xe.

“Cục Đăng kiểm VN đang nghiên cứu thử nghiệm so sánh xe giường nằm hai tầng và xe ghế ngồi trên cùng một điều kiện đường sá, độ dốc, độ cua để có khuyến cáo từng loại đường cho xe giường nằm hoạt động. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về việc giảm thương vong cho hành khách trên xe khi có tai nạn” - ông Trí nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, hiện có khoảng 4.500 xe khách giường nằm hoạt động. Trong số này chủ yếu là xe hai tầng, chỉ có khoảng 80 xe một tầng. Xe được sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 3.000 chiếc, trên 800 xe hoán cải, còn lại là nhập từ Trung Quốc trên 800 xe.

Ông Thọ cho biết sau vụ tai nạn ở Lào Cai có ý kiến cho rằng nên chấm dứt hoạt động của xe giường nằm. Đây là việc lớn, cần có giải pháp hài hòa cho hơn 4.500 xe đang lưu hành. Nếu chuyển đổi cũng phải có lộ trình nhất định.

“Trước hết phải đưa ra được quy hoạch luồng tuyến hợp lý, sau đó đánh giá mức độ an toàn của xe để có giải pháp cụ thể. Sau những rà soát, có thể quy định xe giường nằm phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt hơn các xe khác” - ông Thọ nói.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên