26/07/2014 07:52 GMT+7

Trung Quốc chơi trò mai phục và "cắt bánh"

HOÀNG DUNG - TRẦN PHƯƠNG - MAI HOA
HOÀNG DUNG - TRẦN PHƯƠNG - MAI HOA

TT - Một học giả đã phân tích như vậy về chuyện gây hấn của Trung Quốc không chỉ trên biển Đông mà cả trên đất liền.

Giàn khoan 981 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam20g tối 16-7, giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Lý Sơn 110 hải lýPhải làm nhiều hơn để khẳng định chủ quyền

BxgwnulJ.jpgPhóng to
Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng đặt câu hỏi tại hội thảo quốc tế về biển Đông diễn ra ngày 25-7 tại Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Các nước nhỏ nên làm gì trước trò chơi của các nước lớn? Đối thoại đa phương sẽ giúp Việt Nam tìm được tiếng nói chung và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong tranh chấp biển Đông.

Đó là một trong nhiều vấn đề được nêu ra tại hội thảo quốc tế về biển Đông 2014 do Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) tổ chức khai mạc ngày 25-7. Tại hội thảo có 22 tham luận của nhiều học giả đến từ nhiều nước cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trong nước.

Năng lượng ở biển Đông và trò chơi “cắt bánh”

* ÔngDAVID BROWN (nhà nghiên cứu độc lập):

Trung Quốc có thể sẽ quay lại

Điều Việt Nam cần làm là đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế và điều này đáng lẽ nên có từ lâu. Khi các bên cùng tuyên bố chủ quyền, cùng khẳng định mình có bằng chứng lịch sử, thì luật pháp quốc tế là yếu tố quan trọng để phân xử. Việt Nam nên thử mọi cơ hội cho vấn đề biển Đông. Việt Nam cũng cần phải phán đoán trước động thái tiếp theo của Trung Quốc và chuẩn bị trước các kế hoạch để ứng phó. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ quay trở lại vào năm sau nhưng là ở Philippines.

* ÔngRAMSES AMER (Viện Chính sách phát triển và an ninh, Thụy Điển):

Nên tách bạch giữa hợp tác kinh tế và tranh chấp lãnh thổ

Việt Nam cần hiểu rõ tại sao Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào để có động thái phản ứng thích hợp. Trong khi Trung Quốc vẫn nhất quyết giải quyết song phương tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam cần tận dụng mọi kênh song phương, đa phương ở khu vực lẫn quốc tế. Nhất là những nước đang có cùng tranh chấp với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines. Ngoài ra, Việt Nam nên tách bạch giữa hợp tác kinh tế và tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Nên thận trọng đối với các rủi ro kinh tế trong phản ứng với Trung Quốc.

“Chuyện gây hấn của Trung Quốc không chỉ trên biển Đông mà còn ở đất liền. Nếu nhìn bao quát, rõ ràng Trung Quốc đang chơi trò mai phục và cắt bánh, từng động thái của nước này đều đã được lên kế hoạch và có chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn. Vụ giàn khoan 981, nếu chúng ta đặt nó là câu chuyện năng lượng ở biển Đông cũng không sai. Nhưng rõ ràng đó là cả một sự sắp đặt, một kế hoạch dài hơi của quốc gia này. Từng lát bánh cứ được cắt ra dần dần và những gì họ đã làm cho thấy được thái độ ngang ngược và bành trướng ngày càng mạnh” - diễn giả S. D. Pradhan, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Ấn Độ, nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, ông S. D. Pradhan cũng khẳng định Trung Quốc đã tranh thủ mối quan hệ chưa bền chặt của Việt Nam, của cộng đồng Asean với quốc tế để thực hiện mưu đồ của mình một cách ngang ngược mà không thèm đoái hoài đến các chính sách, học thuyết chung của quốc tế. Ông cũng cho rằng trong những năm qua, Trung Quốc đã luôn đi ngược lại giữa lời nói và hành động của mình. Bằng nhiều chiêu bài, chính phủ nước này luôn làm lờ đi những bất ổn trong nước bằng những hành động gây hấn từ bên ngoài để hướng sự chú ý của người dân nước này vào đó. Và nếu nhận thấy được những vấn đề này, Việt Nam hoặc bất cứ nước nào đó đang có tranh chấp với Trung Quốc cũng sẽ có được những chính sách đối ngoại và quản lý xung đột hợp lý nhất.

Đối thoại đa phương

“Vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc đã có từ rất lâu. Nhưng tại sao đến bây giờ mới nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế? Phải chăng chính sách đối thoại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh vấn đề này đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ bành trướng mà gần đây nhất là sự kiện giàn khoan 981. Mỗi quốc gia đều có những chiến lược của mình. Chúng ta chưa nói đến nó đúng hay sai, nhưng rõ ràng nếu chiến lược đó xuất phát từ những quan điểm minh bạch và được cộng đồng quốc tế biết qua chính sách đối thoại đa phương thì mọi việc sẽ rất dễ dàng được giải quyết. Nhất là trường hợp những quốc gia có hành vi gây hấn về vấn đề chủ quyền và lãnh thổ” - ý kiến mở đầu của GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế Viện ĐH George Mason (Hoa Kỳ), ngay lập tức nhận được sự đồng tình và phản biện của nhiều diễn giả tại hội thảo.

Diễn giả Evgeny Kanaev, thuộc Viện quan hệ quốc tế Moscow, khẳng định thêm: “Việt Nam không nên chỉ dùng nội lực, cần phải tận dụng các mối quan hệ quốc tế sẵn có của mình để có thể có được sự ủng hộ, hậu thuẫn đối với các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền”.

Giải pháp nên chọn chính sách đối thoại đa phương cũng được diễn giả Ming Wan (ĐH George Mason, Hoa Kỳ) đặt ra trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo qua từng thời kỳ đến đỉnh điểm của tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ông Wan dẫn giải: “Ngay khi thời điểm tranh chấp được đẩy lên cao, Thủ tướng Abe có những động thái khôn ngoan như tích cực tham gia vào các mối quan hệ, tổ chức mang tính chất khu vực và đặt vấn đề Trung Quốc thành vấn đề không chỉ của riêng Nhật Bản. Chính điều này đã khiến Nhật Bản nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”.

Thay đổi chính sách đối ngoại, đồng thời thay đổi về chính sách quốc phòng của Nhật Bản được nhiều diễn giả cho rằng đều xuất phát từ sự gây hấn của Trung Quốc. Trả lời về vấn đề này, ông Wan khẳng định: “Rõ ràng Trung Quốc là một trong những nguyên nhân để Thủ tướng Abe cân nhắc điều chỉnh hiến pháp và các vấn đề liên quan đến quân sự. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cũng đã tính toán đến giải pháp này. Đối thoại trên tinh thần hợp tác, ôn hòa, nhưng không vì thế mà bỏ qua sức mạnh và chiến lược quân sự của mình”.

6KlHkTWW.jpgPhóng to
Học giả Evgeny Kanaev (Nga) phát biểu tại hội thảo - Ảnh: M.Hoa

Có những giải pháp nhẹ nhàng hơn

Hành vi bá quyền của các nước lớn và vai trò của Liên Hiệp Quốc được diễn giả Vũ Mạnh Cường, ĐH Tôn Đức Thắng, đặt ra trong hội thảo cũng nhận được sự tán thưởng của nhiều diễn giả. Ông Cường cho rằng với vấn đề biển Đông, biện pháp quân sự sẽ không tốt cho bất kỳ bên nào. Mỗi quốc gia sẽ có những cân nhắc riêng của mình. Đó là lý do các nước lớn vẫn chưa mặn mà trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Các nước nhỏ chỉ biết trông cậy vào Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đến nay Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra được một giải pháp nào hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.

Trước khi trình bày tham luận của mình, ông David Brown - nhà nghiên cứu độc lập của Hoa Kỳ - đặt ra câu hỏi: Dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa - nguyên nhân hay chìa khóa để giải quyết tranh chấp? Và ông khẳng định: “Xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển Đông không liên quan đến nguồn dầu. Trung Quốc đang muốn đưa ra một thông điệp với toàn thế giới rằng chủ quyền lãnh thổ của họ là những giàn khoan di động trên biển Đông”.

Trong phần cuối cùng của ngày thứ nhất của hội thảo, bà Cheryl Rita Kaura - một nhà nghiên cứu tự do đến từ Malaysia - cho rằng: “Việt Nam sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ cũng như sẽ có những giải pháp nhẹ nhàng hơn đối với vấn đề tranh chấp trên biển Đông nếu như tích cực tham gia vào cộng đồng hoặc các tổ chức xã hội như bảo vệ môi trường. Ở đó, sự nhạy cảm chính trị sẽ dễ tìm được tiếng nói chung hơn bằng những hành động chung tay cụ thể”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Trung Quốc lại tuyên bố ngang ngược trên biển ĐôngPhản đối hành động sai trái của Trung Quốc ở biển ĐôngCông bố trước quốc tế chứng cứ tàu Trung Quốc hung hãnCộng đồng người Pháp hỗ trợ ngư dân Hoàng SaTrưng bày hình ảnh tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm

HOÀNG DUNG - TRẦN PHƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên