04/07/2014 07:32 GMT+7

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải giảm bất lợi cho ngư dân

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Chiều 3-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, trọng tâm thảo luận là câu chuyện thời sự - kinh tế biển.

Dân tộc này dứt khoát không cúi đầuChủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải giữ bằng được chủ quyềnNgư dân Hải Phòng đẩy mạnh đóng tàu lớn vươn khơi xa

AUwh1LyM.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm các chiến sĩ tàu CSB 2013 vừa trở về từ Hoàng Sa - Ảnh: Hữu Khá

Chưa bao giờ một cuộc làm việc tại TP Đà Nẵng lại có nhiều ý kiến đề xuất phải hướng phát triển kinh tế ra biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chú ý tiếng kêu của ngư dân

Lập huyện Hoàng Sa có dân, có Đảng

Tại buổi làm việc của Chủ tịch nước, ông Bùi Văn Tiếng, trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, đề nghị cần tiến hành chia tách địa giới hành chính để kéo huyện Hoàng Sa về gần với đất liền. “Có thể chúng ta thành lập một huyện Hoàng Sa mới với phần huyện Hoàng Sa hiện tại và tách thêm một số phường như Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà) để nhập vào. Làm được như thế thì có cơ sở để đưa huyện Hoàng Sa trở thành một thực thể có dân, có Đảng, có hệ thống chính trị để phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao, chính trị. Theo tôi, việc này tiến hành làm càng sớm càng tốt” - ông Tiếng nói.

Theo ông Văn Hữu Chiến - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP đang nhắm đến mục tiêu đẩy nhanh phát triển kinh tế biển và đồng bộ gồm đầu tư dịch vụ cung ứng hàng hải, khai thác hải sản, du lịch. Dù Chính phủ đã phê duyệt xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm nghề cá cho cả khu vực nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai vì chưa có nguồn vốn. Đồng thời TP mong muốn trung ương quan tâm quy hoạch xây dựng hệ thống đường ven biển kết nối các tỉnh miền Trung để đẩy nhanh phát triển kinh tế biển và đáp ứng được nhiệm vụ quốc phòng trong thời điểm hiện tại...

Về vấn đề ngư dân có nguy cơ bỏ biển vì hải sản rớt giá, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nói sắp tới cần tổ chức khai thác theo tổ, đội để tạo thành đầu mối giữa các chủ tàu và nhà máy chế biến nhằm tránh bị ép giá, đồng thời Nhà nước sẽ xây dựng một kho đông lạnh loại lớn để ngư dân ướp cá khi đánh bắt về mà chưa tiêu thụ được. Trong khi đó, Chủ tịch nước nói với lãnh đạo các bộ ngành và TP Đà Nẵng: “Các đồng chí chú ý tiếng kêu của ngư dân. Làm sao phải tìm được lối thoát cho ngư dân, sản xuất và tiêu thụ ổn định. Đồng ý quy luật giá trên thị trường có lên có xuống nhưng phải làm sao giảm bớt bất lợi, tác hại về giá cho ngư dân để họ yên tâm đánh bắt xa bờ”.

Chủ tịch nước cho biết sắp tới phải dồn sức cho kinh tế biển để góp phần bảo vệ chủ quyền. Các gói tiền hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi phải tập trung vào các địa bàn trọng điểm nhằm yểm trợ các tỉnh thành ven biển, chứ không làm dàn trải tỉnh thành nào cũng có. Làm sao gói tín dụng này phải đạt được hai mục tiêu giúp ngư dân đánh bắt xa bờ với nhiệm vụ cấp bách là tăng cường năng lực quốc phòng.

Để có thêm nguồn lực hỗ trợ ngư dân, Chủ tịch nước đề nghị các địa phương cần thành lập ngay quỹ hỗ trợ ngư dân. “Quỹ này một phần tiền trích từ ngân sách, một phần chúng ta huy động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm góp vào. Thực tế vừa qua tôi thấy có rất nhiều cá nhân, tổ chức muốn san sẻ với ngư dân nên chúng ta phải làm sao để tăng thêm “thể trạng” của ngư dân” - Chủ tịch nước gợi ý.

Lòng dũng cảm không đo đếm được

Trước đó sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến cầu cảng thăm các chiến sĩ cảnh sát biển trên hai tàu CSB 2013 và 2015 vừa làm nhiệm vụ từ Hoàng Sa trở về, đồng thời làm việc với Tổng công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) và cảng Đà Nẵng. Chủ tịch nước nói tại buổi gặp gỡ lực lượng cảnh sát biển: “Hiện nay, lực lượng chủ công của ta trên biển là kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân. Mình không đem tàu chiến ra nhưng Trung Quốc thì đưa ra hàng loạt uy hiếp, đâm húc tàu của ta. Tàu chúng ta tuy nhỏ, công suất nhỏ nhưng lòng dũng cảm và ý chí là không thể đo đếm được. Truyền thống này qua bao cuộc chiến tranh đánh giặc giữ nước đã thế rồi. Có thể thời gian tới tình hình biển Đông sẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn nhưng chúng ta quyết không nao núng, lùi bước”.

Đóng mới 32 tàu cho cảnh sát biển và kiểm ngư

Ngày 3-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ quyết định phương án phân bổ, sử dụng 16.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt thường trực Chính phủ kết luận quyết định chi 4.500 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ theo nghị định của Chính phủ. Cùng với đó, quyết định chi 11.500 tỉ đồng đóng mới tổng cộng 32 tàu các loại cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc quyết định và triển khai gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng nhằm giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam, đảm bảo an toàn cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày và nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Việc hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ và các lực lượng thực thi pháp luật sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; bảo vệ các lợi ích trên biển của Việt Nam; hỗ trợ và bảo vệ ngư dân; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và các nhiệm vụ quan trọng khác.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Trung Quốc đang dùng “chính sách ngoại giao tàu chiến”Nhà báo nước ngoài tác nghiệp ở Hoàng Sa: Câu trả lời tin cậyTrung Quốc kiếm chuyện ở ngoài cửa vịnh Bắc bộDân tộc này chưa bao giờ bị khuất phụcTrưng bày hình ảnh tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên