31/03/2014 11:35 GMT+7

Có những người Việt xấu xí

H.HƯƠNG ghi
H.HƯƠNG ghi

TT - Tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt giữ, tổ bay bị cảnh sát Nhật điều tra về hành vi vận chuyển hàng ăn cắp. Đây không phải lần đầu tiên người Việt bị điều tra vì hành vi này tại Nhật. Vì sao?

Tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại NhậtTiếp viên hàng không phải giữ bộ mặt quốc giaVụ tiếp viên bị bắt tại Nhật, đình chỉ năm thành viên tổ bay

bzhWjeWX.jpg
Nhà nghiên cứu Tai Odaka - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại VN, ông Tai Odaka (Nhật Bản) chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện liên quan đến người Việt ở Nhật (cuộc trò chuyện diễn ra bằng tiếng Việt).

* Giáo sưNGÔ ĐỨC THỊNH(nhà nghiên cứu văn hóa):

Cái xấu phản tỉnh

Lâu nay người Việt chỉ quen nói đến những cái tốt mà ít khi động đến cái xấu của mình. Việc nằm ngủ quá lâu trên giấc mơ tốt đẹp đến giờ phải trả giá. Những vụ việc liên quan đến ăn cắp, tham nhũng vừa rồi rất đáng xấu hổ. Ăn cắp không phải đến bây giờ mới diễn ra mà có từ rất lâu rồi. Nhưng trong một xã hội thiếu lành mạnh thì cái xấu càng bộc lộ ra nhiều hơn.

Thật ra, phải nhìn nhận mọi việc ở hai khía cạnh. Thứ nhất, cá nhân phải chịu trách nhiệm về nhân cách của họ. Thứ hai là môi trường xã hội bây giờ dễ dẫn người ta đến hành vi như vậy.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, việc cái xấu bùng ra cũng là một cách cảnh tỉnh, cảnh báo cho xã hội mà tôi gọi là cái xấu phản tỉnh. Sẽ có nhiều người phải đặt câu hỏi: hóa ra dân tộc mình cũng có những tính xấu đó? Tôi nghĩ truyền thông phản ánh những mặt xấu đó còn có tác dụng đến nhân cách ứng xử của con người hơn là những lời khen ngợi.

* Gần đây, một tiếp viên Hãng hàng không VN (Vietnam Airlines) đã bị bắt giữ vì nghi có liên quan đến đường dây chuyển đồ ăn cắp tại Nhật về VN. Ông bình luận như thế nào về câu chuyện này?

- Tôi nghĩ rằng bối cảnh của vụ này có cái chung và cái riêng. Cái chung là mọi vụ trộm cắp đều bắt nguồn từ điều kiện kinh tế - xã hội của VN. Trong nước đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên bất kể ai có điều kiện thì đều tận dụng vị trí của mình để tăng thêm thu nhập.

Hiện nay người Việt sang Nhật đông hơn trước, trong đó chắc chắn có nhiều người am hiểu về nước Nhật, tức là nhiều người biết hàng xách tay không phải chỉ là hàng hóa đàng hoàng mà cũng có hàng “tiêu cực” nhưng cứ lờ đi miễn rẻ tiền là được. Bây giờ người có kiến thức cũng như người giàu khá nhiều rồi, vậy tại sao ngay trong nước không lên tiếng hãy đừng mua bán những “hàng hóa tiêu cực” đó? Tôi cho rằng VN vẫn đang ở giai đoạn thay đổi, tức vẫn non trẻ. Trong xã hội chưa được thiết lập một tiêu chuẩn về lối sống có tính đạo đức một cách vững vàng.

* Trước đây có một số tiếp viên, lưu học sinh, lao động xuất khẩu người Việt cũng liên quan đến chuyện ăn cắp tại siêu thị Nhật. Ông nghĩ sao khi có siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ngoài treo các biển cảnh báo cấm ăn cắp bằng tiếng Việt? Ông có lời khuyên nào cho những người Việt?

- Tôi nghĩ sự giao lưu giữa hai nước càng sâu rộng thì tiêu cực cũng tăng lên. Đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi không biết đã có siêu thị Nhật nào từng treo biển cảnh báo bằng tiếng Việt hay không. Thông thường người Nhật không dám phân biệt đối xử với người nước ngoài như vậy. Nếu đã từng có thì chắc là tình hình quá căng thẳng.

Theo tôi, tất cả cơ quan, tổ chức liên quan đến xuất khẩu lao động, nhà trường nên xem xét lại khâu định hướng cho người đi nước ngoài học tập và lao động. Đối với người đi học thì giáo dục định hướng sang Nhật để làm gì, sau khi quay trở lại nước mình sẽ làm gì... Nếu chỉ là đi kiếm tiền thôi thì suy nghĩ chưa sâu sắc lắm, hãy chỉ cho họ cái nhìn lâu dài hơn. Đối với các bạn đi dạng tu nghiệp (hiện nay gọi là thực tập sinh kỹ thuật) thì không chỉ kiếm tiền mà có thêm tay nghề và nâng cao trình độ tiếng Nhật để sau khi về nước có công ăn việc làm tốt hơn. Còn tiếp viên thì tôi chịu, vì việc này là thuộc về Hãng hàng không quốc gia VN rồi.

* Ông từng tham gia hỗ trợ cảnh sát Nhật Bản trong các vụ án liên quan đến người Việt với tư cách phiên dịch tiếng Việt. Những cuộc làm việc như vậy đã diễn ra như thế nào? Thái độ của những người Việt khi bị cảnh sát Nhật thẩm vấn ra sao, thưa ông?

- Khi tôi bắt đầu học cao học tại Nhật, tức là đầu những năm 1990 thì bắt đầu xảy ra một số vụ trộm cắp do một số người Việt sinh sống tại Nhật gây ra. Họ là những người định cư chứ không phải mới từ VN sang. Những món hàng mất mát ban đầu là xe máy, ngoài ra họ cũng đi phá những máy Pachinko (một dạng máy đánh bạc phổ biến tại Nhật được luật pháp cho phép, người chơi đánh viên bi vào đúng những lỗ trong máy thì sẽ được thưởng tiền) để lấy tiền. Sau đó là trộm cắp mỹ phẩm, máy ảnh, máy quay phim... Hồi đó cảnh sát Nhật chưa quen người Việt như bây giờ, tức là không hiểu nổi phương pháp trộm cắp vì hành vi hoàn toàn khác với người Nhật. Trong quá trình kiểm tra giấy tờ, họ cứ thắc mắc tại sao những nghi phạm này đã định cư tại Nhật mà cứ hay đi đi lại lại giữa Nhật và VN như đi chợ buôn bán.

Hồi đó tôi mới bắt đầu nghiên cứu về VN nên có ấn tượng rất mạnh là phần lớn người bị bắt không bao giờ khai tội của mình trong khi bằng chứng thì đầy đủ, vì thông thường người Nhật sẽ khai hết nếu chẳng có gì để chối cãi. Đã có bằng chứng rõ ràng thì thà khai thật ra cho xong việc, làm thế để nhẹ người mà sau khi bị tuyên án có tội thì khả năng được giảm nhẹ tội sẽ cao hơn. Nhưng người Việt thì không làm vậy. Họ cứ cãi bằng được, làm cho ấn tượng càng xấu đi vì họ không hiểu cách nghĩ của người Nhật. Khi gặp trường hợp này, cảnh sát Nhật xác định người này khó mà tiến bộ nên phải cho ở tù dài hơn... Hồi đó tôi vừa phiên dịch vừa tìm hiểu người Việt nên những điều này làm cách nhìn của tôi đối với người Việt hơi lộn xộn. Dĩ nhiên bây giờ tôi cũng hiểu được nhiều hơn so với thời điểm đó.

* Ông suy nghĩ như thế nào khi ngày càng nhiều người nói đến cụm từ “người Việt xấu xí”?

- Thật ra tôi không có quyền bình luận về việc dân tộc này hay dân tộc kia xấu xí. Nhưng tôi xin phép nêu ra một số điều như sau, mang ý nghĩa đóng góp. Đó là một số sự khác biệt giữa hai nước, hai dân tộc mà tôi đã từng cảm thấy một cách rõ rệt như:

- Người Nhật hay đòi hỏi vệ sinh trong ăn uống hoặc nhà vệ sinh hơi chi tiết. Trong khi đó nhiều người Việt rất đơn giản trong chuyện này (tôi không dám nói bên nào tốt bên nào xấu).

- Khi đi công tác thì người Nhật chú trọng nội dung công việc nên hay bỏ bớt chuyện cá nhân, nhưng người Việt thì đôi khi rất nặng nề chuyện mua bán, quà cáp cho người nhà và đồng nghiệp...

- Người Nhật hơi nghiêm khắc về giờ giấc trong việc hẹn hò nhưng người Việt hơi thoải mái.

- Người Nhật không bận tâm nhiều về hàng “made in China” nhưng người Việt thì khác. Có lẽ người Nhật đã biết chọn hàng “made in Japan” thì phải chấp nhận giá cao hơn.

- Người Nhật nói nhiều câu “cảm ơn” trong giao tiếp hằng ngày nên người Việt gặp người Nhật mà dùng nhiều từ này thì càng gần gũi nhau.

- Người Nhật có thói quen truyền đạt những thông tin cần thiết cho những người khác sau khi kết thúc công việc nào đó. Họ làm hơi chi li nhưng nó mang lại nhiều lợi ích sau này. Nhưng tôi thấy người Việt không chú trọng mấy việc này. Theo tôi, người Việt cũng nên làm điều này vì như thế năng suất sẽ được nâng cao hơn.

* ĐOÀN NGỌC DUY (33 tuổi, Q.9, TP.HCM)

Xấu “hùa”

Tôi không dám bao quát “tính xấu của người Việt” mà chỉ nói về tính xấu của nhiều người tôi đã gặp (nhấn mạnh tính xấu chứ không phải tính cách), đó là tham lam, vô kỷ luật và không dám chịu trách nhiệm những việc mình làm. Người ta đua chen, lừa bịp nhau, phớt lờ quy tắc và mặc kệ tác hại có thể gây ra cho người khác, chỉ cần thu về lợi ích cho bản thân.

Tuy nhiên, tôi không cho rằng nông nỗi này do lỗi của văn hóa. Tính cách dân tộc nào cũng có xấu có tốt, nhưng cách quản lý xã hội lỏng lẻo, bất hợp lý đã vô tình tạo điều kiện cho tính xấu ngày càng bành trướng, tính tốt càng bị chèn ép mất hút. Đầu tiên là một số ít lợi dụng sự lỏng lẻo để lách, rồi họ thu được lợi thay vì bị phạt, vậy là số đông hùa theo, làm theo, hành vi xấu nhanh chóng nhân rộng. Một người không xếp hàng nhưng vẫn được bán vé trước, vào trước, số còn lại sẽ không xếp hàng nữa. Một số ít hay đi trễ nhưng vẫn được chờ đợi, số người đi đúng giờ sẽ rút kinh nghiệm không đúng giờ nữa, làm thành một tập thể trễ nải, như chuyện đi đám cưới. Anh đút lót, mọi sự dễ dàng hơn thì tôi dại gì đi đường chính vòng vèo... Không có sự nghiêm minh, công bằng thì người ta sẽ tìm cách đạt lợi ích bằng hành vi xấu. Lâu dần lan dần thành thói quen, thói xấu của cả cộng đồng.

* NGUYỄN THỊ HOÀNG NGÂN(24 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Không biết mình xấu

Người Việt mình có nhiều tật xấu, trong đó tật xấu nhất là... không ý thức được đó là những tật xấu và chúng xấu đến mức độ nào. Nhiều người không muốn tiếp thu những lời phê bình thẳng thắn. Khi bị chê trách, họ hay phản ứng bằng kiểu thái độ “có gì to tát đâu, ai chẳng vậy” hoặc “bạn hơn gì tôi mà bạn nói, biết gì tôi mà nói”. Bảo thủ nhưng lại không có chính kiến. Tôi thấy đa số người trẻ rất dễ hùa theo những cái gọi là trào lưu. Người ta ghét cái gì, mình ghét cái đó. Nhiều “anh hùng bàn phím” cực lực “ném đá” một nhân vật, sự kiện dù chưa biết đầu cua tai nheo ra sao.

Người Việt cũng hay thấy cái lợi trước mắt cho bản thân chứ không màng cái hại lâu dài cho cộng đồng. Nhà mình giữ sạch nhưng ra đường thì xả rác. Vượt đèn đỏ tranh thủ nhanh được vài giây nhưng lại làm ách tắc cả ngã tư. Xe chở bia bị tai nạn, mạnh ai nấy vào “hôi”, chỉ biết mình kiếm vài lon bia chứ không quan tâm nạn nhân mất vài chục triệu. Điện nước công cộng xài thả ga gần như không biết đó là thiệt hại của công.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàngTài sản lớn của cán bộ: Im lặng không phải là vàng“Tiến sĩ giấy”: có cầu mới có cungLấy phiếu tín nhiệm: sửa cho thực chấtNhà nước nên bỏ những việc không cần “ôm”

H.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên