07/12/2013 07:54 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không ai thích thú gì đi khiếu kiện

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 6-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

tG8Kz2eD.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cử tri không hài lòng phần trả lời của các bộ trưởng

Cử tri Nguyễn Bốn Bảy đặt vấn đề: “Vừa rồi chúng ta thấy Chính phủ, các bộ, ngành nợ rất nhiều văn bản. Đây là điều rất đáng nói, tôi đề nghị Quốc hội cần giám sát để làm rõ nguyên nhân. Phải xem trong đội ngũ cán bộ có bao nhiêu người làm được việc, bao nhiêu người không làm được việc?”. Còn cử tri Nguyễn Hồng Toán đề nghị: “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt chú ý đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo bởi dân không yên thì lãnh đạo các cấp không thể ổn. Trong thời gian tới lãnh đạo phải bàn rất sâu, cải cách công tác tiếp dân, giải quyết bức xúc để yên dân”.

Trả lời cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng kỳ họp thứ 6 của Quốc hội “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đã giải quyết những vấn đề không chỉ cho trước mắt mà còn cho lâu dài. Hiến pháp, Luật đất đai là cho lâu dài”. Đối với vấn đề khiếu kiện, Tổng bí thư tâm sự: “Nhìn cảnh hằng ngày rất buồn, rất đau lòng. Tôi nghĩ không ai thích thú gì đi khiếu kiện. Vì còn có những việc không hài lòng, chính quyền giải quyết chưa ổn thỏa thì mới phải đi khiếu kiện. Chúng tôi nhiều lúc rất buồn. Sáng ra có bà con đón, đi đường có bà con đón, đến cơ quan có bà con chờ rồi...”. Tuy vậy theo Tổng bí thư, đây là thực tế khách quan không thể né tránh mà phải bình tĩnh để giải quyết có lý có tình.

“Về công tác chống tham nhũng, lần nào tiếp xúc cử tri cũng nói và Nhà nước đã làm hết lòng, hết sức, quyết tâm rất cao. Đã hoàn thiện thể chế luật pháp, thành lập ban này ban kia. Kết quả đã đẩy lùi được một bước nhưng vẫn còn nhức nhối, dân chưa hài lòng. Các bác, các cụ ví như ngứa ghẻ hằng ngày” - Tổng bí thư nói. Theo ông, “tham nhũng hiện nay khó chịu ở chỗ khá phổ biến, đua nhau. Thứ hai là nó có tổ chức rồi, như chúng tôi nói là lợi ích nhóm, câu kết với nhau. Còn quyền lực là còn tham nhũng. Mục đích đặt ra là phải tìm cách trị tận gốc. Thời gian tới phải tập trung vào phòng, làm cho người ta không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng...”. Chứng minh quyết tâm chống tham nhũng, Tổng bí thư cho biết từ đầu năm đến nay đã đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, tới đây sẽ đưa ra xử những vụ án lớn như vụ bầu Kiên, vụ Dương Chí Dũng... “Vừa rồi chúng ta vừa xử vụ lớn có hai án tử hình. Từ trước đến nay chúng ta chưa có tử hình, trừ vụ Trần Dụ Châu trước kia (thời Bác Hồ)” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng.

“Nghe bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu trên đài truyền hình, dân không muốn xem nữa vì thất vọng. Tại sao chúng ta không có văn hóa từ chức? Bao nhiêu xét nghiệm nhân bản như thế, văcxin làm trẻ em chết như thế...” - cử tri Nguyễn Bốn Bảy bày tỏ. Trong khi cử tri Nguyễn Hồng Toán cho rằng: “Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời về cải cách tư pháp, oan sai nhưng nói không sâu, không đi thẳng vào vấn đề. Xét xử đặt ra nhiều vấn đề, oan sai, kiện lên kiện xuống mà chánh án trả lời như vậy không đáp ứng yêu cầu”. Còn cử tri Nguyễn Kinh Thành phát hiện: “Cái chữ tôi trước Quốc hội sao khó nói ra thế, các thành viên Chính phủ khi nói về trách nhiệm, giải pháp thì đều nói rằng Chính phủ sẽ thế này, bộ sẽ thế kia, chúng ta sẽ thế nọ. Không thấy vị lãnh đạo nào cam kết rằng tôi sẽ quyết tâm làm việc này, tôi hứa việc kia”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế khuyến khích người đứng đầu nhận trách nhiệm cá nhân. “Tôi hiểu ý các bác, tinh thần là phải nhận trách nhiệm cá nhân cho rõ ràng, tránh tình trạng công của mình nhưng trách nhiệm lại đẩy cho người khác” - Tổng bí thư nói.

“Thành phố đáng sống” chưa ổn

Đó là ý kiến đánh giá của ông Trần Thọ - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 14 (mở rộng) diễn ra ngày 6-12 khi nói về thực trạng an ninh đô thị của Đà Nẵng trong năm 2013.

Theo báo cáo, trong năm 2013 toàn Đà Nẵng xảy ra 531 vụ phạm pháp hình sự (tăng 45 vụ), đã bắt xử lý 762 đối tượng, người nghiện ma túy không giảm mà còn tăng thêm 377 người, tai nạn giao thông tuy có giảm về số vụ nhưng tăng về số người chết... “Ma túy, trộm, cướp, tai nạn giao thông đều tăng, như vậy nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống chưa ổn, cần phải làm mạnh, siết chặt hơn nữa trong năm 2014” - ông Thọ chỉ đạo.

Cũng tại hội nghị, ông Võ Duy Khương - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đề nghị chính quyền xem xét việc xóa bỏ một số cơ chế bao cấp như tiền giữ xe tại các bệnh viện: ba năm qua, ngân sách đã bỏ ra không dưới 14 tỉ đồng cho việc này. “Kể từ năm 2014 tôi đề nghị nên dừng chính sách này để giảm nguồn chi không đáng có cho ngân sách” (đây là chủ trương do nguyên bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khởi xướng - PV) - ông Khương nói.

ĐĂNG NAM

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên