07/11/2013 15:45 GMT+7

Mưa lũ Nam, Trung bộ: đèo Khánh Lê sạt lở, hàng trăm nhà tốc mái

N.TRIỀU
N.TRIỀU

TTO - Mưa lớn do áp thấp nhiệt đới liên tục từ hôm qua đến trưa nay (7-11) đã làm nước lũ dâng cao, gây sạt lở nặng nhiều tuyến đường, làm tốc mái hàng trăm nhà dân và trường học các tỉnh thành Nam Trung bộ.

Tính đến 13g chiều 7-11, tình trạng sạt lở trên tuyến đường đi Nha Trang - Đà Lạt (đoạn qua xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) mới cơ bản được giải quyết, các phương tiện đi lại được lưu thông tạm thời qua đây.

Khánh Hòa: sạt lở đường đèo Khánh Lê

Trước đó, khoảng 10g sáng cùng ngày, mưa lớn đã khiến hàng trăm mét khối đất, đá đổ xuống phủ kín mặt đường Nha Trang - Đà Lạt tại km 42+800, thuộc địa phận xã Sơn Thái. Khoảng 20 xe khách và hàng trăm hành khách đã bị mắc kẹt tại khu vực này, nhiều xe du lịch chở khách nước ngoài từ Nha Trang đi Đà Lạt đã phải quay về.

Ông Nguyễn Công Định, giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết ngay khi tuyến đường bị sạt lở gây tắc nghẽn đã huy động lực lượng, phương tiện đến vị trí xảy ra sạt lở để khắc phục.

Lúc 12g, một đội CSGT thị trấn Diên Khánh đã được huy động để chốt chặn các xe ô tô ngay tại ngã ba Thành hướng đi Đà Lạt để tránh tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Tại hiện trường tính đến 15g, hàng chục công nhân vẫn đang giải quyết tình trạng sạt lở trong điều kiện sương mù và mưa. Hai chiếc cần cẩu, một máy ủi đã được huy động để dọn dẹp đất phủ trên mặt đường. Hàng trăm xe cộ cả hai hướng Nha Trang - Đà Lạt nối đuôi nhau, chờ đợi 10-15 phút tới lượt lưu thông qua đoạn đường sạt lở này.

ffg2sIxG.jpgPhóng to
Công nhân giải quyết tình trạng sạt lở trên đèo Khánh Lê lúc 14g30 - Ảnh: Tiến Thành
3abgrhv3.jpgPhóng to
Xe khách và hành khách chờ đợi tới lượt qua đường để đi lên Đà Lạt - Ảnh: Tiến Thành
Y6szYAkx.jpgPhóng to
Công nhân hướng dẫn xe cộ tạm thời qua đoạn đường bị sạt lở - Ảnh: Tiến Thành
szMrCVvi.jpgPhóng to
Xe máy từ hướng Đà Lạt đi Nha Trang qua đoạn đường sạt lở - Ảnh: Tiến Thành

Lâm Đồng: tốc mái cả trăm căn nhà

Đến chiều 7-11, hàng chục nhà dân và trường học bị tốc mái do mưa lớn kèm gió mạnh gây ra đêm 6-11 tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn chưa sửa chữa xong dù đã được lực lượng chức năng huyện hỗ trợ.

Hư hỏng nặng nhất là trường THCS Hiệp Thạnh. Một dãy chín phòng học dành cho khối lớp 8, 9 bị hư hỏng gần như toàn bộ. Trong đó, có 5 phòng lợp bằng mái tôn bị tốc mái hoàn toàn, hai phòng mái ngói bị tốc mái khoảng 80%, nước mưa lênh lán trong phòng học. Cây cối quanh trường gãy đổ ngổn ngang khắp nơi.

Hiện nhà trường đã cho học sinh nghỉ học hai ngày để sửa chữa lại phòng ốc. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Thạnh, cho biết thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.

Theo người dân ở xã Hiệp Thạnh, mưa lớn kèm gió mạnh hoành hành chỉ chưa đầy 30 phút, bắt đầu từ 22g đêm 6-11 nhưng do mưa lớn kéo đến đột ngột nên người dân không kịp trở tay. Tại hiện trường, hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, trong đó nhiều nhà bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nặng, nhiều vườn chuối bị gãy đổ gần hết.

Theo UBND huyện Đức Trọng, tại cầu Bà Chung đi qua hai xã Đạ Quyn và Đà Loan cũng bị ngập nặng do mưa lũ kéo dài từ chiều 6-11. Ông Võ Văn Tĩnh, chánh văn phòng huyện Đức Trọng, cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thống kê hết số nhà bị tốc mái và hư hỏng do mưa gió gây ra tại xã Hiệp Thạnh.

k8QWKosd.jpgPhóng to
Một người dân thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đang dọn dẹp lại những mái tôn bị đổ sập - Ảnh: Phan Thành
fOHyJQY2.jpgPhóng to
Mái nhà của một hộ dân xã Hiệp Thạnh bị cuốn bay hoàn toàn - Ảnh: Phan Thành
f33ZkSkW.jpgPhóng to
Mái tôn các phòng học trường THCS Hiệp Thạnh bị tốc mái chỉ sau một một đêm - Ảnh: Phan Thành

Thừa Thiên - Huế: nước sông lên quá nhanh

Đến trưa 7-11, thượng nguồn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn mưa lớn, hai nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh đồng loạt tăng lưu lượng xả lũ. Nước lũ đổ về sông khiến mực nước trên sông Hương, sông Bồ lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 3.

Bị ngập nặng nhất là vùng đồng bằng hạ du các sông này. Các tuyến đường nối huyện lỵ Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà đã bị ngập sâu 0,5m. Hàng ngàn hộ dân vùng hạ du đang đối mặt với trận lũ mới. Tại TP Huế, mặc dù trời không mưa nhưng nước sông An Cựu, Đông Ba, Như Ý đều dâng cao, chuẩn bị tràn bờ. Các tuyến đường chạy dọc sông An Cựu, Đông Ba nhiều đoạn đã bị ngập 0,5m. Sáng 7-11, nước đã tràn qua Đập Đá 0,5m.

Theo Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Thừa Thiên - Huế, lượng mưa đo được lúc 10g tại trạm Thượng Nhật là 425mm, trạm Khe Tre (Nam Đông) 415mm, A Lưới là 683mm. Từ rạng sáng 7-11, cả hai hồ thủy điện lớn nhất tỉnh là Bình Điền và Hương Điền đều vượt tràn và đã tăng lưu lượng xả lũ.

Cụ thể, hồ thủy điện Hương Điền đã tăng lưu lượng xả lũ từ 1.060m3/s (lúc 5g ngày 7-11) lên tới 2.035m3/giây (lúc 9g ngày 7-11), trong khi lượng nước về hồ là 2.270m3/giây; hồ thủy điện Bình Điền cũng tăng lưu lượng xả lũ lên gấp đôi, đạt 2.026m3/giây (lúc 9g ngày 7-11), trong khi lượng nước về hồ 2.032m3/giây.

ULFVEKJW.jpgPhóng to
Trưa 7-11 nước sông Hương đã làm ngập đường đi bộ ở bến đò Tòa Khâm - Ảnh: Nguyên Linh
VxfxbhLx.jpgPhóng to
Nước từ đầu nguồn đổ về ào ạt khiến các sông ở Thừa Thiên-Huế lên nhanh, xấp xỉ báo động 3 - Ảnh: Nguyên Linh

Quảng Ngãi: sạt lở nặng miền núi, 2 người bị nước cuốn trôi

Sáng 7-11, chánh văn phòng UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) Võ Thìn cho biết từ chiều 6-11, trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây có mưa lớn. Đến sáng nay, các tuyến đường Sơn Mùa - Sơn Liên, Sơn Mùa - Sơn Bua, Trung tâm huyện - Sơn Long, Trung tâm huyện - Sơn Mùa (dốc Huyện đội), Sơn Tân - Sơn Màu - Sơn Tinh - Sơn Lập bị sạt lở nhiều đoạn gây tắc nghẽn giao thông.

Riêng đoạn từ Cầu Nước Xiêm đến Cầu Huy Măng (thuộc suối Huy Măng xã Sơn Dung) xuất hiện lũ quét nên nhiều đoạn bị sạt lở nặng, trong đó có Trường Dân tộc Nội Trú. Trung tâm y tế bị nước lũ tràn vào gây ngập. Một số nhà dân dọc suối Huy Măng có nguy bị cơ sạt lở nên huyện phải di dời.

Anh Nguyễn Đức Cảnh (SN 1986, quê Thái Ninh, Thanh Ba, Phú Thọ), công nhân Công ty Sông Đà 10.2, đang thi công hầm phụ số 2 Dự án Thủy điện Đăkđrinh bị nước lũ cuốn trôi chưa tìm được xác.

Trong khi đó, đến trưa nay thi thể thầy Võ Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Bao (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) vẫn chưa được tìm thấy. Ông Phùng Tô Long - Chánh văn phòng UBND huyện Sơn Hà - cho biết tối 6-11, trên đường từ trường về nhà, khi đi xe máy ngang qua suối Nước Nâu (thôn Làng Mùng), bất ngờ bị lũ đổ về cuốn trôi.

Ngay sau khi nhận được tin, UBND huyện Sơn Hà, chính quyền xã Sơn Bao và người dân địa phương đã tổ chức tìm kiếm nhưng đến sáng nay mới phát hiện được chiếc xe máy của thầy Tùng.

Hiện ở huyện miền núi này trời vẫn tiếp tục có mưa lớn.

Kiên Giang cho phép tàu thuyền ra khơi trở lại

Ngày 7-11, UBND tỉnh Kiên Giang đã có thông báo cho phép tàu thuyền được xuất bến và ra khơi hoạt động bình thường sau khi xác định áp thấp nhiệt đới không còn khả năng gây ảnh hưởng xấu.

Từ sáng sớm cùng ngày, Cảng vụ hàng hải Kiên Giang đã cho phép các tàu cao tốc chịu được gió cấp 7 từ Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc hoạt động bình thường. Riêng tàu cao tốc từ Rạch Giá đi đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) chỉ chịu được gió cấp 6 nên phải tiếp tục ngưng hoạt động.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã phát đi công điện cấm tất cả phương tiện ra khơi từ 15g chiều 6-11 để đề phòng khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 13.

N.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên