22/10/2013 06:20 GMT+7

Miệt mài vật lộn với triều cường lịch sử

Q.KHẢI - Đ.PHÚ - M.MẪN
Q.KHẢI - Đ.PHÚ - M.MẪN

TT - Ngày 21-10, người dân TP.HCM tiếp tục “vật lộn” với đợt triều cường lớn nhất lịch sử. Nhiều tuyến đường nước ngập nửa bánh xe, hàng loạt xe cộ chết máy.

Dân Sài Gòn khốn đốn, loi ngoi chạy lũSài Gòn năm sau ngập cao hơn năm trướcĐêm thứ 2 dân Sài Gòn dầm mình lội triều cường lịch sử

aQR9d0oF.jpgPhóng to
Người dân ở ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) kéo lưới bắt cá để chạy triều cường - Ảnh: Đức Phú

Ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết đỉnh triều 1,68m tối 20-10 cao nhất lịch sử dự báo và cơ quan chức năng chưa lý giải được vì sao triều cường cao bất thường.

Di dời đồ chạy... triều cường

"Về quy hoạch tổng thể, các dự án chống triều cường quy mô lớn đều đã có. Như dự án xây dựng đê bao khép kín TP theo quyết định 1547 của Thủ tướng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên chưa triển khai được. Vì vậy việc chống triều cường vẫn trông chờ vào các dự án cấp bách, mang tính chất tạm thời"

(Ông Đỗ Tấn Long trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ: “Nếu trong thời gian tới xuất hiện những đợt triều cường tương tự, TP.HCM sẽ đối mặt với cảnh ngập nước kéo dài trên diện rộng?”)

Tối 21-10, triều cường tiếp tục gây ngập nhiều khu vực trên địa bàn TP. Tại đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), nước ngập nửa bánh xe kéo dài hơn 1km khiến hàng loạt xe cộ chết máy. Các đường Nguyễn Bình, Lê Văn Lương (Nhà Bè) nước ngập sâu nửa mét. Tương tự, các hẻm dọc bờ sông đoạn ở ấp 1, xã Phước Kiển (Nhà Bè) cũng bị ngập sâu, nhà dân khu vực này bị nước phong tỏa...

Các tuyến đường khác như Lương Định Của (Q.2), Bến Phú Định (Q.8), Phạm Hữu Lầu (Q.7), Đào Sư Tích (H.Nhà Bè)... tiếp tục bị triều cường gây ngập nặng.

Tại khu vực sông Vàm Thuật, P.An Phú Đông, Q.12, triều cường lên muộn hơn so với dự kiến. Khoảng 19g, nước bắt đầu dâng lên gây ngập nhà các hộ dân sống gần khu vực bến phà An Phú Đông. Một số nhà dân phải dùng bao cát chắn trước cửa để ngăn nước tràn vào...

Trước đó trưa 21-10, nhà trọ của bà Nguyễn Thị Đức ở hẻm số 4 đường Đào Sư Tích, ấp 2, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè như “bãi chiến trường” với bùn non, đất đá, đồ đạc vương vãi khắp nơi. Chỉ tay về phía chiếc xe máy dựng trong nhà, bà Đức nghẹn ngào: “Đêm 20-10 nước ngập hơn nửa bánh xe, tôi cố kê lên cao cho xe khỏi ướt nhưng đành chịu thua, giờ chưa biết xe hư hỏng thế nào”. Trong nhà bà Đức, tài sản có giá trị là chiếc xe máy được kê lên một chiếc ghế nhỏ, bánh xe vẫn còn dính đầy bùn. Trong gian bếp, nước ngập còn đọng lại ở chỗ nền thấp, có chỗ mấp mé cái nồi, cái chảo đựng cơm trưa.

Một số hộ dân nuôi cá ở cầu Phước Lộc (đoạn ấp 3) hối hả bủa lưới để kéo cá. Anh Thành (ấp 3, xã Phước Kiển) cho biết lo ngại đêm 21-10 nước tiếp tục dâng cao nên hầu hết hộ dân nuôi cá ở khu vực sát bờ sông đều kéo lưới để đưa cá về ao nuôi khác. Còn tại ấp 2, xã Nhơn Đức, người dân hối hả xây tường chắn, chuẩn bị bao tải cát để đối phó với triều cường.

Đến trưa 21-10, nhiều hộ dân sống dọc bờ sông Vàm Thuật (đoạn qua khu phố 12, P.5, Q.Gò Vấp) vẫn tát nước ra khỏi nhà bởi nước ngập từ đêm trước. Một số người đi dọc các con hẻm lượm đồ đạc bị trôi. Khắp các con hẻm này, bàn ghế, sách vở bị hư hỏng do bị ngập nước nằm la liệt. Nghe tin triều cường vẫn còn cao nên nhiều người dân di chuyển đồ đạc, chủ yếu là giấy tờ, áo quần đi gửi nơi khác. Một số hộ đóng cửa nhà đi nơi khác ở tạm. Ngoài khu vực bờ bao, lực lượng dân quân P.5 đã chất hàng trăm bao cát để gia cố đoạn bờ bao dài khoảng 50m bị nước tràn qua.

Có bờ bao vẫn ngập

Với đỉnh triều cao hơn 1,6m liên tiếp những ngày qua, đặc biệt đỉnh triều tối 20-10 cao tới 1,68m, không chỉ bờ bao khu vực Q.Gò Vấp mà nhiều công trình phòng chống triều cường tại các quận huyện khác đều bị vô hiệu hóa.

Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, mặc dù tại khu vực Bình Triệu đã có trạm kiểm soát triều nhưng do đỉnh triều quá cao, nước tràn qua cống gây ngập đường Nơ Trang Long, Nguyễn Xí. Tương tự, một số bờ kè ngăn triều tại một số khu vực cũng bị triều cường tràn qua như khu vực đường Quốc Hương, Thảo Điền (Q.2).

Ông Trần Nhân Nghĩa - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP) - cho biết đợt triều cường vừa qua chỉ làm bể một đoạn bờ bao tại Q.Bình Thạnh. Nhưng tại hầu hết các quận huyện ngoại thành đều bị triều cường tràn qua bờ bao gây ngập như quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi.

Vì sao hàng loạt công trình chống triều cường đều bị “vô hiệu hóa”? Ông Nghĩa cho rằng hầu hết bờ bao đều có cao trình 1,8-2m, có những nơi cao hơn, nhưng qua thời gian các bờ bao bị mưa, người, xe cộ làm xói mòn... nên có những đoạn thấp hơn mực triều cường.

Để đối phó với triều cường trong thời gian tới, ông Long cho biết đang rà soát hàng loạt dự án để điều chỉnh cho phù hợp như nâng cao cao trình chống triều cường của trạm kiểm soát triều Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng; đẩy nhanh tiến độ của dự án trạm kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè (hoàn thành 90%, chỉ còn xây trạm điện); gia cố và nâng cao trình các bờ kè tạm. Riêng các khu vực chưa thể xây kè do vướng nhà dân như đường Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (Q.7) phải chờ chủ trương giải tỏa nhà ven kênh rạch của TP.

Ông Trần Nhân Nghĩa cho biết hiện các địa phương đang tập trung tối đa nhân lực gia cố tạm các đoạn bờ bao bị tràn bằng cách đắp bao cát, đóng cừ gia cố chân đê. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mang tính chữa cháy. Ngoài ra trong năm nay, UBND TP đã đồng ý cho đầu tư tiếp 41 công trình chống triều cường (hiện đã thi công được 15 công trình)...

Phê bình chủ đầu tư dự án gây ngập

Ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM - vừa phê bình Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP vì tổ chức thi công gây tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường nhiều lần dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng bị TP phê bình trong quá trình kiểm tra, giám sát xử lý các đơn vị thi công không đạt hiệu quả. Ông Tín yêu cầu các đơn vị liên quan khơi thông dòng chảy và đề xuất hình thức chế tài kiên quyết đối với các đơn vị vi phạm.

Q.KHẢI

Tát nước ngập, một thanh niên bị điện giật chết

Ngày 21-10, ông Hồ Thanh Phong, chủ tịch UBND P.Long Trường, Q.9 (TP.HCM), cho biết địa phương đã hỗ trợ gia đình anh Lê Tuấn Thanh (22 tuổi, nạn nhân bị điện giật chết vào tối 20-10) 1,5 triệu đồng và đang vận động các đơn vị tiếp tục hỗ trợ gia đình nạn nhân.

Theo ông Phong, tối 20-10 nhà anh Thanh trên đường Trường Lưu, P.Long Trường bị ngập do triều cường. Khi cùng người nhà tát nước ra ngoài thì anh bị điện giật do dây điện trong nhà rò rỉ điện. Phát hiện tai nạn, người nhà cúp cầu dao điện và đưa anh Thanh đi cấp cứu nhưng không kịp... Theo chính quyền địa phương, anh Thanh vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, gia đình thuộc hộ nghèo.

Q.KHẢI

Q.KHẢI - Đ.PHÚ - M.MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên