09/09/2013 20:42 GMT+7

Việt - Hàn đưa quan hệ chiến lược đi vào thực chất

H.GIANG
H.GIANG

TTO - Ngày 9-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đón và hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Tổng thống Park Geun Hye đang thăm Việt Nam lần đầu kể từ khi đắc cử tháng 2 năm nay và Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà bà tới thăm.

Kêu gọi doanh nghiệp Hàn đẩy mạnh đầu tư vào Việt NamTổng thống Hàn Quốc xem trình diễn thời trang Việt - HànTổng thống Hàn Quốc: "Tôi chọn Việt Nam đầu tiên khi đến ASEAN"

y1Cke1bV.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bắt tay sau khi họp báo tại lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: Việt Dũng
sAWy2y2P.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye duyệt đội danh dự tại lễ đón chính thức thức tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: Việt Dũng
5iivlZzr.jpgPhóng to
Các thiếu ni Việt Nam vẫy cờ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc chào đón Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tới thăm chính thức Việt Nam tại lễ đón tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: Việt Dũng

Tham vọng kim ngạch thương mại 70 tỉ USD năm 2020

Sau hội đàm, hai vị lãnh đạo đã thông báo cho báo chí về kết quả, theo đó hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỉ USD vào năm 2020, đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc.

Cơ sở để đặt ra mục tiêu thương mại tham vọng này, theo Tổng thống Park Geun Hye, là do hai bên đã đạt kim ngạch 20 tỉ USD vào năm 2012 - tức vượt trước kỳ vọng ban đầu ba năm. Với FTA song phương, bà cho biết đây sẽ là một hiệp định thương mại tự do toàn diện và có mức độ cao giữa hai nước với mốc đặt ra cho việc hoàn tất đàm phán là năm 2014.

Riêng về vấn đề Việt Nam xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, hai bên thống nhất sẽ sớm ký kết Thỏa thuận về hợp tác lao động thay thế cho thỏa thuận trước đã hết hạn năm 2012. Nhân dịp này, hai vị lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc với Bộ Lao động - thương binh và xã hội Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện quy trình đưa người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.

Dịp này, hàng loạt văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau cũng được hai bên ký kết để thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch - đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về việc triển khai dự án thành lập Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST); Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc về dự án xây dựng đường vành đai III TP.HCM, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên - môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên - môi trường Hàn Quốc về lĩnh vực môi trường và Biên bản ghi nhớ về hợp tác cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian và quản lý đất đai…

Tuyên bố chung vì phát triển thịnh vượng chung

Kết thúc hội đàm, hai bên đã ra tuyên bố chung vì sự phát triển thịnh vượng chung. Bản tuyên bố này hướng tới việc “phát triển thực chất” quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước. Trong đó, về quan hệ quốc phòng, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn sự giao lưu hợp tác quốc phòng hai nước thông qua cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ hai dự kiến tổ chức tại thủ đô Seoul tháng 11 năm nay.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo cán bộ quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO)... góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Với lĩnh vực điện hạt nhân, hai bên hoan nghênh việc khởi động nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 6-2013 để nghiên cứu phát triển một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam theo Đề xuất nghiên cứu chung tổng thể về hợp tác phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình (OJPP) đã thống nhất vào năm 2011. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác nhằm phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dự án xây dựng đường vành đai III TP.HCM đoạn từ Tân Vạn đi Nhơn Trạch - dự án PPP đầu tiên sử dụng vốn EDCF, đồng thời nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia dự án này.

Ngoài các vấn đề song phương, tuyên bố chung cũng bao gồm việc hai nước mở rộng hợp tác khu vực và trên các diễn đàn quốc tế. Trong đó, về vấn đề Triều Tiên, hai bên nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á và trên thế giới và kêu gọi Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế bao gồm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố chung tại cuộc đàm phán sáu bên ngày 19-9-2005 và trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Phía Việt Nam hoan nghênh chính sách “Tiến trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Triều Tiên” của Tổng thống Park Geun Hye nhằm xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên và ủng hộ Sáng kiến hợp tác hòa bình Đông Bắc Á nhằm thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực châu Á.

Cùng ngày, Tổng thống Park Geun Hye và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hội kiến.

Thủ tướng đề nghị Tổng thống Park Geun Hye tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, du lịch, hoàn thành việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, cũng như tăng mức cung cấp ODA cho Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam…

Về phần mình, Tổng thống Park Geun Hye khẳng định Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước này, thúc đẩy sớm ký kết tiếp nhận lại lao động của Việt Nam và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng.

Tổng thống Park Geun Hye cùng ngày đã gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và dự tiệc chiêu đãi chào mừng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội. Hôm nay 10-9, Tổng thống Park Geun Hye sẽ tiếp tục chương trình thăm với các hoạt động diễn ra ở TP.HCM như gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp và công dân Hàn Quốc, thăm một số cơ sở đầu tư của Hàn Quốc…

Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc vì sự thịnh vượng chung

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Geun Hye đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 7 đến 11-9-2013. Trong thời gian thăm, Tổng thống Park Geun Hye đã hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Park Geun Hye đã trao đổi ý kiến sâu sắc về các vấn đề hai bên cùng quan tâm như quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên, khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đối tác hợp tác vì sự thịnh vượng chung và nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước.

1. Đánh giá quan hệ song phương

Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển vượt bậc của quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giao lưu nhân dân kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập năm 2009 phát triển thực chất hơn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ không chỉ đối với các vấn đề trong khuôn khổ song phương mà cả các vấn đề cộng đồng quốc tế đang đối mặt.

2. Phát triển thực chất quan hệ đối tác hợp tác chiến lược

2.1. Tăng cường hợp tác chính trị - an ninh:2.1.1. Hai bên nhất trí nỗ lực tổ chức định kỳ hội đàm cấp cao dưới các hình thức như thăm song phương hoặc tiếp xúc nhân dịp các hội nghị đa phương; thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân sự cấp cao giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội hai nước.

2.1.2. Hai bên cho rằng cuộc đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng tổ chức tại Hà Nội tháng 3-2011 và tại Seoul tháng 8-2013 đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và lòng tin chiến lược giữa hai nước và nhất trí tiếp tục tổ chức định kỳ cơ chế đối thoại này.

2.1.3. Hai bên cho rằng cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội tháng 3-2012 là cơ hội bổ ích để hai bên trao đổi ý kiến về tình hình an ninh khu vực và hoạt động giao lưu hợp tác quốc phòng giữa hai nước; nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn sự giao lưu hợp tác quốc phòng hai nước thông qua cuộc đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ hai dự kiến tổ chức tại Seoul tháng 11-2013.

2.1.4. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo cán bộ quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO)... góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

2.2. Mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại 2.2.1. Hai bên bày tỏ vui mừng trước việc hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2012, sớm hơn ba năm so với mục tiêu đặt ra năm 2009. Hai bên nhất trí phấn đấu hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 70 tỉ USD vào năm 2020 thông qua việc tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Phía Hàn Quốc nhất trí về sự cần thiết thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc. Hai bên đồng ý tích cực tìm kiếm và triển khai các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn.

2.2.2. Hai bên nhất trí về sự cần thiết thúc đẩy đàm phán hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) ở mức độ cao và toàn diện trong năm 2014, đồng thời cân nhắc đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai nước.

2.2.3. Phía Việt Nam đánh giá cao đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc - một trong những đối tác đầu tư chính của Việt Nam, đang góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam; khẳng định sẽ tích cực nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Phía Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo... và bày tỏ hi vọng hoạt động đầu tư này sẽ góp phần vào sự phát triển chung của hai quốc gia. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức chuyên môn về hợp tác công - tư và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tham gia các dự án đầu tư dân sự của hai bên.

2.2.4. Hai bên đánh giá cao kết quả giao lưu hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính trong thời gian qua, trong đó có sự tham gia tích cực của các công ty tài chính Hàn Quốc; hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về việc thành lập Văn phòng đại diện Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc tại Việt Nam; bày tỏ hi vọng văn phòng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường nền tảng hợp tác về tài chính giữa hai nước trong tương lai.

2.2.5. Hai bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực lao động và việc làm giữa hai nước trong thời gian qua; nhất trí thúc đẩy các dự án hợp tác về xây dựng chế độ chính sách, hỗ trợ phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực điều hành trong lĩnh vực lao động việc làm.

Hai bên cho rằng Chương trình cấp phép việc làm được triển khai từ năm 2004 đã góp phần phát triển kinh tế của mỗi nước; nhất trí cùng tích cực nỗ lực để sớm nối lại Chương trình cấp phép việc làm đã hết hạn năm 2012.

2.2.6. Hai bên đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ quan hữu quan hai nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; hoan nghênh việc khởi động nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 6-2013 để nghiên cứu phát triển một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam theo Đề xuất nghiên cứu chung tổng thể về hợp tác phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình (OJPP) đã thống nhất vào năm 2011.

Hai bên cho rằng việc chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ phát triển điện hạt nhân của Hàn Quốc sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác nhằm phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

2.2.7. Hai bên ghi nhận sự hợp tác giữa hai nước đang diễn ra sôi động trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp như nghiên cứu và phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, xây dựng vườn ươm công nghệ. Hai bên cho rằng những hoạt động hợp tác này đang góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của hai quốc gia.

2.2.8. Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp - thương mại và năng lượng Hàn Quốc về hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistics, bày tỏ sự tin tưởng bản ghi nhớ này sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

2.2.9. Hai bên nhất trí hợp tác và hỗ trợ để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các dự án hạ tầng năng lượng như dự án kho dự trữ dầu Dung Quất, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện tại khu vực phía Nam Việt Nam. Hai bên cũng bày tỏ hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) thúc đẩy việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc.

2.2.10. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm và nông - thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch. Để thực hiện điều này, hai bên nhất trí thúc đẩy ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - thực phẩm và nông thôn Hàn Quốc.

2.2.11. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dữ liệu không gian. Phía Hàn Quốc cam kết hỗ trợ để xây dựng và mở rộng dự án hệ thống quản lý tổng hợp thông tin đất đai trên quy mô toàn quốc.

2.2.12. Nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, hai bên nhất trí xem xét thúc đẩy dự án chống sa mạc hóa tại khu vực miền Trung Việt Nam và các dự án trồng rừng hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.

2.3. Hợp tác phát triển2.3.1. Hai bên cho rằng hợp tác phát triển góp phần vào sự phát triển quan hệ hai nước và nhất trí tăng cường hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả phát triển và mở rộng hợp tác phát triển giữa hai nước. Hai bên nhất trí cùng nỗ lực để thực hiện văn kiện quan hệ đối tác Việt Nam nhằm triển khai văn kiện “Quan hệ đối tác Busan về hợp tác phát triển hiệu quả”.

2.3.2. Hai bên nhất trí cho rằng việc phát triển khoa học công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hai bên hoan nghênh việc ký thỏa thuận thành lập Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (V-KIST) được thực hiện dưới hình thức dự án của Cơ quan Hợp tác Hàn Quốc (KOICA) và nhất trí hợp tác để dự án này trở thành mô hình hợp tác phát triển thành công giữa hai nước.

2.3.3. Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy “Chương trình hạnh phúc Việt Nam” - dự án phát triển tổng thể các địa bàn chậm phát triển theo mô hình Phong trào làng mới của Hàn Quốc - nhằm nâng cao thu nhập dựa trên ý thức làm chủ của người dân, xây dựng nền tảng phát triển cân bằng, góp phần vào quá trình phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 của Việt Nam.

2.3.4. Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam trong thời gian qua và thống nhất thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực này trong thời gian tới, đặc biệt thông qua mô hình hợp tác công - tư (PPP). Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dự án xây dựng đường vành đai III TP.HCM đoạn từ Tân Vạn đi Nhơn Trạch - dự án PPP đầu tiên sử dụng vốn EDCF, đồng thời nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào dự án này.

2.4. Hợp tác văn hóa xã hội2.4.1. Hai bên chia sẻ về tầm quan trọng của việc tăng cường sự hiểu biết và tình cảm thân mật giữa nhân dân hai nước. Để đạt được điều này, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng như đào tạo ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật, thể thao và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao công chúng. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa giao lưu thanh thiếu niên - những chủ nhân tương lai.

2.4.2. Hai bên nhất trí tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công dân mỗi nước hiện đang cư trú tại nước bên kia; nhất trí tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết để các gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc trở thành cầu nối giúp người dân hai nước xích lại gần nhau.

Hai bên nhất trí nỗ lực thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán về Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Phía Hàn Quốc xem xét các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc.

3. Mở rộng hợp tác khu vực và trên các diễn đàn quốc tế

3.1. Phía Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và khẳng định rõ không chấp nhận việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Liên quan đến vấn đề này, hai bên nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á và trên thế giới.

Hai bên kêu gọi Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế bao gồm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố chung tại cuộc đàm phán sáu bên ngày 19-9-2005 và trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Phía Việt Nam hoan nghênh chính sách “Tiến trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Triều Tiên” của Tổng thống Park Geun Hye nhằm xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên và ủng hộ Sáng kiến hợp tác hòa bình Đông Bắc Á nhằm thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực châu Á.

3.2. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN+3, ARF, EAS, APEC, ASEM, UN...

3.3. Hai bên ghi nhận sự phát triển của quan hệ ASEAN - Hàn Quốc thời gian qua và cho rằng việc nâng cấp mối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc năm 2010 đã góp phần vào sự tăng cường hợp tác thực chất. Việt Nam nhất trí hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc vào năm 2014 tại Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc.

3.4. Hai bên cho rằng cần tăng cường hợp tác Mekong - Hàn Quốc trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Với ý nghĩa đó, hai bên hi vọng việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Mekong - Hàn Quốc lần thứ 2 vào năm 2014 sẽ đóng góp vào việc tăng cường hợp tác dân sự giữa hai khu vực. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác xây dựng cộng đồng ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối.

3.5. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển và cho rằng mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Hai bên cho rằng chuyến thăm lần này có vai trò quan trọng, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tổng thống Park Geun Hye bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự đón tiếp trọng thị của phía Việt Nam và trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Hàn Quốc vào thời gian thuận tiện. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Hà Nội, ngày 9 tháng 9 năm 2013

Bộ Ngoại giaoVụ Thông tin báo chí

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên