16/08/2013 15:33 GMT+7

Nghiên cứu kiến nghị không xây Sân bay Long Thành

V.H
V.H

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa gửi Bộ Giao thông vận tải công văn 6493 yêu cầu nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành của ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn.

Công bố quy hoạch 21.000 ha quanh sân bay Long ThànhXây sân bay Long Thành vào lúc này là chưa hợp lý Nhiều ý kiến yêu cầu nghiên cứu kỹ “đường bay vàng”

9uFTJirn.jpgPhóng to
Phối cảnh một góc Sân bay quốc tế Long Thành - Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Lê Trọng Sành nguyên là trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và ông Mai Trọng Tuấn là cựu phi công đoàn bay 919.

Công văn này nêu rõ, ngày 15-7-2013, các ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.

Từ kiến nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến tại thư trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”

Công văn này đồng thời được gửi đến ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn.

Được biết, trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, hai ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn lý giải chi phí đầu tư cho dự án này quá lớn (khoảng 8 tỉ đô la Mỹ) trong khi nước ta, dân ta còn nghèo. Nếu dốc sức, cố xây dựng cho bằng được, sẽ dẫn đến lãng phí vì sân bay Tân Sơn Nhất vừa được đầu tư mở rộng và nâng cấp nên năng lực đã cải thiện nhiều.

KETzbIvD.jpgPhóng to

Sơ đồ cơ cấu phân vùng chức năng sân bay Long Thành - Nguồn: Sở Xây dựng Đồng Nai - Đồ họa: Như Khanh

Hai ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn cho rằng: "Nếu dốc sức, cố xây dựng cho bằng được sân bay Long Thành, ta sẽ đánh mất một 'hội điểm vàng' cả về 'thiên thời, địa lợi, một thương hiệu quý, có giá trị lịch sử' không chỉ của nước ta, mà còn đối với khu vực và thế giới, đó là sân bay Tân Sơn Nhất".

Ông Lê Trọng Sành và Mai Trọng Tuấn cũng cho rằng nếu có nhu cầu lớn hơn, chúng ta chỉ cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc (nơi đang làm sân gôn Gò Vấp), để đảm nhiệm chức năng quốc tế, phía Nam dành cho nội địa. Vì trên thực tế, nếu được mở rộng về phía Bắc, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có diện tích gấp đôi sân bay Changi của Singapore (một sân bay lớn ở khu vực châu Á).

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn và ông Sành, nếu như nhu cầu khách hàng không quốc tế “bùng nổ” - khi Việt Nam trở thành con rồng châu Á - thì có thể dùng thêm Sân bay Biên Hòa, một sân bay quận sự cấp I, kề sát TP.HCM và đã có sẵn 2 xa lộ kết nối (quốc lộ 1K và xa lộ Hà Nội). Đó là chưa nói tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (gần Biên Hòa) cũng đang được xây dựng.

Khi đó, hai thành phố, hai sân bay kề cận nhau có sẵn giao thông kết nối chắc chắn sẽ tốt hợn là sân bay quốc tế tại Long Thành, chơi vơi.

Thực tế, 20 năm nay, TPHCM đã và đang mở rộng, chuyển dịch về phía Nam và phía Đông nên mặc nhiên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ở bìa ngoài phía Bắc của thành phố. Vì vậy, mở rộng sân bay này, không làm ảnh hưởng đến khu vực trung tâm thành phố.

Hai ông còn cho rằng trong trường hợp cần có sân bay Biên Hòa làm căn cứ bảo vệ vùng trời, vùng biển phía dưới vĩ tuyến 12 thì chỉ cần xây dựng tại Long Thành một sân bay quân sự cấp I (đầu tư ít, thi công nhanh). Kiến nghị này cho rằng thực hiện một sự hoán đổi như thế sẽ lợi cả đôi đường cho kinh tế, quốc phòng.

Cựu phi công Mai Trọng Tuấn cũng là người trước đây từng đề xuất đề án "đường bay vàng" được rất nhiều người quan tâm. Đây là đường bay dựa theo kinh tuyến 106 độ đông, đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM.

Theo quy hoạch Cảng HKQT Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được Bộ GTVT công bố vào tháng 8-2011, cảng này được đầu tư xây dựng với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, cấp sân bay là 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Kế hoạch đầu tư cảng HKQT Long Thành sẽ chia thành ba giai đoạn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (đến năm 2020) được xác định là 6,744 tỉ USD, trong đó tổng chi phí xây dựng là 6,048 tỉ USD, còn lại là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, khuyến khích thực hiện đầu tư vào các danh mục công trình dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn từ các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Về tiến độ thực hiện, quy hoạch đề ra giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính từ năm 2011-2014 và thực hiện đầu tư từ năm 2015-2020, hoàn thành và đưa giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2020.

Về giao thông kết nối cảng HKQT Long Thành sẽ có đường trục ra vào cảng: phía đầu tây nam được nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đang thi công), phía đầu đông bắc nối với đường vành đai 4 TP.HCM. Cảng HKQT Long Thành cũng được kết nối với tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành kết nối ngầm với cảng tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách.

Chủ đầu tư dự án cảng HKQT Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không VN, báo cáo đầu tư xây dựng công trình do Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản lập.

T.PHÙNG

V.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên