29/12/2012 05:58 GMT+7

Đối thoại để ổn định quan hệ lao động

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Ngày 28-12, Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến 2020”.

vLpfhlcn.jpgPhóng to
Một vụ ngừng việc tập thể liên quan đến thưởng tết vừa xảy ra trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM Ảnh: TR.CƯỜNG

Tại hội thảo nhiều ý kiến mổ xẻ về thực trạng, những bất cập trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể, quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động...

Diễn biến phức tạp

Mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy, trưởng Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TP - cho biết từ giữa năm 2008 đến nay kinh tế TP chịu nhiều tác động xấu, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, tình hình lạm phát giá cả tăng cao làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nghiệp các doanh nghiệp và đời sống người dân lao động gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn gặp phải những hệ lụy xấu như xuất hiện các tranh chấp lao động tập thể, nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, thậm chí có chủ bỏ trốn. Ngoài ra, nhiều lao động bị thôi việc, mất việc nhưng không được giải quyết kịp thời về tiền lương, BHXH... “Điều đó cho thấy mối quan hệ lao động đang diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn” - bà Hà nhận định.

Đề án phát triển quan hệ lao động

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng giới thiệu đề án phát triển quan hệ lao động tại TP.HCM giai đoạn 2013-2020. Theo ông Cường, đề án nhằm nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan nhà nước và các thiết chế quan hệ lao động; tăng cường năng lực của các chủ thể trong quan hệ lao động, đặc biệt là tổ chức công đoàn. Đồng thời tạo lập và nâng cao hiệu quả của đối thoại, thương lượng và thỏa ước lao động tập thể...

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP, từ năm 2009 đến nay TP xảy ra trên 430 vụ tranh chấp lao động tập thể với gần 277.000 người tham gia. Hầu hết vụ việc xảy ra đều liên quan đến tiền lương, tiền thưởng...

Bà Nguyễn Thị Dân - đại diện Sở LĐ-TB&XH TP - cho biết các tranh chấp lao động phần lớn thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức đình công- mức đỉnh điểm của quá trình giải quyết tranh chấp- chứ không theo đúng quy định pháp luật. Với hình thức tranh chấp này, thường tổ công tác liên ngành được thành lập ở cấp quận, huyện đứng ra giải quyết. “Chính từ yếu tố này dẫn đến hậu quả Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh không thể thực hiện được chức năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định pháp luật lao động”, bà Dân nói.

Xây dựng cơ chế đối thoại

Cũng theo bà Dân, để đề phòng các nguy cơ bất ổn phát sinh từ quan hệ lao động, cần triển khai các giải pháp thúc đẩy từ bên trong quan hệ lao động như xây dựng cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin giữa chủ sử dụng lao động, tập thể lao động, nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và ý thức của cả doanh nghiệp và người lao động. Đại diện Q.Thủ Đức cho rằng sự hiểu biết chính sách, pháp luật của công nhân còn nhiều hạn chế nên bị chủ doanh nghiệp o ép dẫn đến tình trạng công nhân đình công tự phát.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết phần lớn các giải pháp về phát triển quan hệ lao động của TP.HCM từ trước đến nay còn thiên về giải pháp hành chính. Theo đó, cơ chế giải quyết ngừng việc tập thể mang tính hành chính sẽ trở thành một trong những yếu tố khiến các cuộc ngừng việc tiếp tục diễn ra không theo trình tự pháp luật và làm vô hiệu các thiết chế quan hệ lao động (hòa giải, trọng tài, tòa lao động). Đồng thời làm mất ý nghĩa của đối thoại, thương lượng và đặc biệt làm mất hay giảm vai trò của công đoàn cơ sở.

Ông Cường cũng cho rằng trong những năm qua công đoàn các cấp tuy đã tích cực đổi mới phương thức và nội dung hoạt động nhưng vẫn chủ yếu là các hoạt động mang tính phong trào, thiên về chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn. Vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho tập thể người lao động của công đoàn cơ sở trong thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang, bảng lương còn hạn chế. Theo ông Cường, tới nay vẫn chưa có một cuộc đình công nào diễn ra mà do công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.

Ông Nguyễn Văn Rảnh, phó ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động TP, đồng tình với các ý kiến về xây dựng đối thoại ba bên (người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan chức năng). Trong đó cần phát huy vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực đại diện của cán bộ công đoàn.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên