01/12/2011 04:01 GMT+7

Tìm mô hình về an toàn giao thông

NGÔ THIÊN PHÚC
NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Ngày 30-11, tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), gần 100 đại biểu đến từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Tư pháp... và nhiều tổ chức quốc tế về an toàn giao thông đã tham gia hội thảo “Mô hình thực tiễn về an toàn giao thông tại VN”.

YdfC13Rr.jpgPhóng to
Vụ tai nạn tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 6-2-2011 làm 2 người chết, 24 người bị thương đã gióng hồi chuông báo động về tai nạn đường sắt - Ảnh: ANH ANH

Hội thảo do Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Handicap International (Vương quốc Bỉ) tổ chức.

Tai nạn đường sắt gia tăng

Tại hội thảo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết trong mười tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 11.036 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 9.265 người chết. Nạn nhân TNGT chiếm 40% là giới trẻ và 70% điều khiển môtô, xe gắn máy.

TNGT đường bộ và đường thủy giảm so với cùng kỳ năm 2010, nhưng ngược lại TNGT đường sắt đang có xu hướng tăng mạnh với 455 vụ, làm chết 234 người (tăng 54 vụ so với cùng kỳ năm 2010, tăng 42 người chết).

\Lý giải việc số lượng tai nạn đường sắt đang gia tăng như hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng việc đường ngang, đường dân sinh băng qua đường sắt hiện nay cộng với việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt là các nguyên nhân chính khiến TNGT đường sắt tăng mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, hiện trên cả nước có hơn 5.000 đường ngang băng qua đường sắt không quản lý được.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho biết đã trình Chính phủ “Chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia năm 2020, tầm nhìn 2030” với mục tiêu giảm số người chết do TNGT đường bộ trên 10.000 dân từ 13 người (năm 2009) xuống còn 8 người (năm 2020) và giảm còn 4-6 người vào năm 2030.

Hạn chế tai nạn liên quan đến bia rượu

Tại hội thảo, Tổ chức Handicap International đã triển khai thảo luận tìm giải pháp cho dự án “An toàn giao thông cho cuộc sống tốt đẹp hơn” ở hai tỉnh Bình Thuận và Bắc Giang (2012-2014) mà tập trung chủ yếu vào việc hạn chế tai nạn liên quan đến rượu bia.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tâm (Trường ĐH Y dược Huế) mở đầu với một nghiên cứu khoa học của mình về “Lái xe sau uống bia rượu tại VN, hậu quả và nguy cơ” với nhiều kết luận đáng báo động.

Theo khảo sát và thăm dò của bác sĩ Tâm tại các quán ăn, nhà hàng và các bệnh nhân nhập viện do TNGT ở TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, thì 24,6% người nhận thức khả năng bị cảnh sát giao thông kiểm tra và 25,5% nhận thức có thể bị chấn thương do TNGT nếu uống bốn chai bia trở lên trong một giờ.

Từ những kết quả đó, ông Tâm cho rằng “cần can thiệp để làm giảm TNGT liên quan đến bia rượu tại VN, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử phạt và có các chương trình nâng cao nhận thức của người dân”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định: các biện pháp nhằm hạn chế việc người uống rượu bia tham gia giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc cưỡng chế để đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Phillipe Martinez - giám đốc Handicap International VN - cũng cho rằng việc thực hiện giáo dục ý thức an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường là rất cần thiết.

Tăng cường giáo dục

Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã tổ chức bàn giao dự án “An toàn giao thông cho cuộc sống tốt đẹp hơn” cho Tổ chức Handicap International. Từ năm 2012-2014, tổ chức này sẽ triển khai dự án giai đoạn III cho hai tỉnh Bình Thuận và Bắc Giang. Dự án giai đoạn III tập trung vào vấn đề quản lý, giáo dục tuyên truyền về an toàn giao thông và tác động của rượu bia đối với người tham gia giao thông.

NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên