14/11/2011 07:20 GMT+7

"Liều thuốc phòng" cho đảng viên

ĐỨC BÌNH - KHIẾT HƯNG thực hiện
ĐỨC BÌNH - KHIẾT HƯNG thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm, ông NGUYỄN NGỌC ĐÁN, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra trung ương), nói:

Z5ce57lF.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Đán - Ảnh: Việt Dũng

- Nếu quy định cũ đi thẳng vào 19 điều cấm thì lần này quyết định số 47-QĐ/TW ngay từ đầu đã viện dẫn căn cứ điều lệ Đảng, căn cứ hiến pháp, pháp luật, đồng thời khẳng định tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Chúng tôi thấy quy định này nhắc lại với đảng viên rằng cần xác định vị trí, vai trò của người đảng viên. Công dân là đảng viên khác với công dân không phải là đảng viên.

* Thưa ông, từng tham mưu cho việc sửa đổi, bổ sung 19 điều đảng viên không được làm, ông thấy những điểm mới nào đáng chú ý?

- Tôi nghĩ tất cả nội dung trong quy định đều quan trọng, đảng viên cần phải chú ý để không vi phạm. Hiện nay Đảng ta xác định kinh tế là lĩnh vực trung tâm nên việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm là điều rất cần quan tâm. Chính vì thế, trong điều 8 có bổ sung hai điểm rất đáng chú ý.

Thứ nhất, quy định đảng viên không được “có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định”. Thứ hai, quy định đảng viên không được “biết mà không báo cáo, phản ảnh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng”.

Quy định như vậy vì thời gian qua việc phòng, chống tham nhũng chúng ta làm chưa như mong muốn, xử lý người tham nhũng chưa triệt để, bảo vệ người phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng chưa tốt khiến người phát hiện, chống tham nhũng bị trù dập, bị trả thù.

* Như vậy là những quy định bổ sung, sửa đổi đều xuất phát từ thực tế có những vi phạm của đảng viên và có những hành vi chưa được điều chỉnh trong quy định?

- Đúng thế. Có nội dung trước đây đã quy định rồi nhưng trong quá trình thực hiện thì đảng viên thiếu tự giác, rồi chẻ chữ ra để lý giải, đối phó với tổ chức Đảng để nói là không vi phạm. Chẳng hạn điều 1 trước đây quy định đảng viên không được nói và làm trái... nhưng thực tế hành vi không thực hiện cũng gây hậu quả không kém gì làm trái, nên đề nghị bổ sung nội dung cấm “không thực hiện...”.

Có thể anh không làm trái nhưng anh lại không làm và vì thế Đảng ta không mạnh, không nâng cao sức chiến đấu. Chúng tôi tham mưu cần có quy định cấm “không thực hiện” là như vậy. Hay điều 1 trước đây cấm đảng viên “làm những việc mà pháp luật không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm” nhưng phạm vi đấy rất hẹp nên lần này quy định cấm đảng viên “làm những việc mà pháp luật không cho phép”, tức là bao quát hơn, toàn diện hơn để anh không thể chẻ chữ đối phó được.

Điều 10 lần này bổ sung nội dung cấm việc can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được “đề cử, ứng cử”. Trước chỉ quy định cấm đối với việc “bổ nhiệm, đi học, đi nước ngoài”. Đây cũng là phát sinh mới trong hoạt động bầu cử trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, trong cả đoàn thể chính trị xã hội vì người ta có thể lợi dụng việc đề cử, ứng cử vào chỗ này để sau đó được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn.

Điều 14 quy định cấm “tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia”. Chúng ta đã nghe Tổng bí thư nói đến lợi ích nhóm rồi. Có thể anh không ra quyết định có lợi cho bản thân mình, nhưng ban hành quyết định có lợi cho doanh nghiệp mình, cho quận, huyện mình, cho xã, phường mình mà trái với chủ trương nghị quyết của Đảng, Nhà nước thì rõ ràng là vi phạm.

Hay chuyện dùng công quỹ để thăm viếng bây giờ không dừng ở “tứ thân phụ mẫu” như thông lệ nữa mà đã có biểu hiện thăm viếng những quan hệ rất xa như anh, em, cô, dì, chú, bác... và mục đích thăm viếng không phải là tình mà vì mối quan hệ và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Cá biệt có những đảng viên dùng tiền công quỹ của tổ chức mình đi thăm con sếp, cháu sếp đầy tháng, sinh nhật. Vấn đề này được bổ sung trong điều 15.

* Thưa ông, vậy còn thực tế có những ý kiến đề nghị không nên cấm đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức Đảng giới thiệu) nhưng quy định mới vẫn còn điều này?

- Quy định này là cần thiết bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. Pháp luật quy định công dân đủ 21 tuổi thì có quyền tự ứng cử nhưng Đảng có quy định của Đảng. Tôi nghĩ các đảng cầm quyền trên thế giới cũng thế, đều có quy định đảng viên được làm cái này, không được làm cái kia. Còn tại sao? Theo tôi, Đảng ta lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Sinh hoạt trong Đảng là dân chủ, tự do, cử ai vào cương vị nào đều được bàn trong cấp ủy, trong tổ chức Đảng.

* Vậy tại sao cũng ở điều 7 lần này lại bỏ quy định cấm đảng viên “không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức Đảng”?

- Chúng ta đang thực hiện dân chủ trong Đảng nên phân công, điều động thì cũng để đảng viên được điều động, phân công nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình để khi đến vị trí mới họ phát huy được năng lực, sở trường của mình. Không thể tôi học về thủy sản lại điều tôi sang làm lĩnh vực điện lực và bắt tôi phải phục tùng. Đấy là chưa nói đến chuyện thực tế cũng đã có chỗ này chỗ kia có động cơ không trong sáng trong điều động, phân công cán bộ, đảng viên.

* Trong quá trình soạn thảo, ông thấy vấn đề nào có tranh luận nhiều về việc bỏ hay không bỏ?

- Khi tập hợp ý kiến đảng viên thì thấy tranh luận nhiều nhất là vấn đề “tự ứng cử” trong điều 7 mà các anh vừa hỏi. Thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu. Có ý kiến cho rằng có phân công, phân cấp rồi, ai làm sai người đó chịu, tôi làm thủ trưởng, nhưng lính sai mà bắt tôi chịu là không được. Nói thế không đúng vì anh đứng đầu, khi xảy ra anh không xử lý thì trách nhiệm là của anh. Không thể nói vợ con tôi làm tôi không biết. Làm gì có chuyện đó. Vợ con ăn cùng mâm, ở cùng nhà, lại bảo không biết thì anh lãnh đạo ra làm sao? Hay vấn đề kê khai tài sản cũng có tranh luận. Nếu đọc các kê khai tài sản thì thấy thương một số đảng viên nghèo quá, không có tài sản gì quá 50 triệu đồng. Nhưng vợ con, người thân thì đứng tên hàng khối tài sản.

* Với thực tế xã hội hiện nay, theo ông, liệu 19 điều cấm có nhiều quá, chặt chẽ quá khiến đảng viên bị gò bó trong công việc, trong cuộc sống không?

- Thật ra quy định bao nhiêu cũng không phủ hết mọi hành vi trong đời sống xã hội, trong hoạt động của Đảng. Đây chỉ là một số hành vi tương đối phổ biến. Cũng có nhiều người thắc mắc tại sao không quy định một điều ngắn gọn là đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước. Đại hội Đảng nói rằng một bộ phận tổ chức Đảng, đảng viên thiếu tự giác tự phê bình và phê bình, quanh co, thậm chí đối phó. Vì thế, quy định này là “biển báo” để đảng viên biết nên dừng ở đâu, đi thế nào, làm cái gì, không gò bó đảng viên mà chỉ có lợi cho đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ đảng viên và chức trách được giao. Tất cả những điều này không hề ngăn cản sự sáng tạo, quyền lợi của đảng viên, quyền lợi công dân.

* Nhưng quan trọng là làm sao để thực hiện tốt 19 điều quy định?

- 19 điều này là “liều thuốc phòng”, anh phải thường xuyên nghiên cứu, học tập quán triệt để không bị nhiễm bệnh. Điều quan trọng nữa là sự chỉ đạo, đôn đốc của cấp ủy, người lãnh đạo. Phòng phải đi đôi với xử lý. Khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm phải giáo dục, nhắc nhở, kiểm tra. Nhắc nhở mà không sửa thì phải xử lý nghiêm, triệt để nhưng phải mở ra cơ hội để đảng viên sửa chữa, khắc phục, tiếp tục phấn đấu.

Không phải “bảo bối”

Một số luật chưa chặt, chồng chéo nên tạo sơ hở mà đảng viên cũng là con người nên khi tiếp xúc với tiền, hàng, với lợi ích... nếu không nêu cao và giữ vững bản lĩnh thì cũng sẵn sàng bỏ túi một tí. Vậy bây giờ với quy định mới này thì đảng viên có vi phạm không? Tôi cho rằng không thể nói trước được vì kinh tế liên tục phát triển.

Chục năm trước, cổ phần hóa đã có biết bao đảng viên bị phát hiện sai phạm. Nay tái cơ cấu thì những sai phạm sẽ lộ ra và chắc chắn sẽ lại có đảng viên vi phạm. Quy định này không phải là “bảo bối” hoàn hảo. Chúng ta còn có hệ thống pháp luật của Nhà nước và nhiều quy định khác của Đảng. Mặt khác, chẳng quy định nào ra đời mà đầy đủ được, do đó quá trình thực hiện là quá trình tiếp tục hoàn thiện và bổ sung.

Ông NGUYỄN NGỌC ĐÁN

ĐỨC BÌNH - KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên