11/08/2011 07:38 GMT+7

Cử tri bức xúc về lao động nước ngoài không phép

N.TRIỀU - Q.THANH
N.TRIỀU - Q.THANH

TT - Ngày 10-8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng các đại biểu Quốc hội đã có các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn thủ đô.

Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép

ijT0n87v.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại quận 3, TP.HCM chiều 10-8 - Ảnh: Nguyễn Triều

Lạm phát là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm nhất. Cử tri Nguyễn Trọng Chuyền (Q.Hai Bà Trưng) đặt vấn đề: “Tôi đọc báo thấy phát biểu của đồng chí Phạm Quang Nghị nói lạm phát của VN hiện nay đứng thứ nhất châu Á, thứ nhì thế giới, nhưng điều chúng tôi băn khoăn hiện nay là vai trò điều hành ra sao mà để lạm phát cao như vậy?”.

Đề cập trách nhiệm của bộ máy lãnh đạo vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn, cử tri Nguyễn Khắc Phúc (Q.Hai Bà Trưng) cho rằng vấn đề cử tri mong đợi nhất là người trúng cử phải thực hiện đúng phương châm nói phải đi đôi với làm. “Lần này chúng tôi đề nghị Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với từng thành viên Chính phủ, không nên để hết nhiệm kỳ rồi mới tiến hành đánh giá. Tôi nghĩ đó là cách kiểm chứng giữa nói và làm hiệu quả nhất” - ông Phúc đề nghị.

Liên quan một vấn đề thời sự mà báo chí đăng tải mấy hôm nay, cử tri Nguyễn Phú Nho (Q.Ba Đình) bày tỏ bức xúc trước tình trạng lao động nước ngoài vào VN làm việc nhưng không có giấy phép, cơ quan chức năng quản lý không chặt “trong khi đó lao động VN đang thiếu việc làm. Đừng xem vấn đề lao động nước ngoài tràn vào VN chỉ là vấn đề lao động - kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị, an ninh trật tự nữa. Trách nhiệm quản lý thuộc về ai cần phải được làm rõ”.

Đây cũng là nội dung được cử tri Bùi Nam Hạnh (Q.Hai Bà Trưng) đề cập: “Năm ngoái cử tri đã rất băn khoăn với việc cho người nước ngoài thuê đất rừng, rồi cho Trung Quốc khai thác bôxit ở Tây nguyên. Những vấn đề này đều liên quan đến Luật đầu tư, tôi nghĩ nếu thấy Luật đầu tư đến giai đoạn này không phù hợp thì đề nghị Quốc hội khóa XIII cần đặt vấn đề sửa luật. Đặc biệt cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại những dự án khai thác bôxit và các dự án khác”.

Trước cử tri Q.Hai Bà Trưng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị hứa sẽ chuyển tải ý kiến của bà con tới Quốc hội và các cơ quan chức năng. Về đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ các thành viên Chính phủ, ông Nghị giải thích: “Hiện nay vẫn có hai luồng ý kiến. Có ý kiến đồng ý phải lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá xem uy tín những người được dân cử, dân bầu thế nào, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng chưa hết nhiệm kỳ mà lấy phiếu tín nhiệm thì người cao sẽ phấn khởi, tự tin, còn người có phiếu thấp có khi hiệu lực điều hành lại giảm. Vấn đề này vẫn còn đang tiếp tục thảo luận”.

Tại Q.Ba Đình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: chúng ta đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử và kỳ họp Quốc hội diễn ra tốt đẹp. Ông Trọng nói đã kiện toàn được bộ máy nhà nước đúng theo sự lãnh đạo của Đảng nhưng đảm bảo dân chủ thật sự chứ không phải bỏ phiếu qua loa. Ông tin rằng sự thành công đó sẽ tạo niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới để tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt, giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Chiều 10-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu Quốc hội trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại TP Hà Tĩnh.

Chủ trương bảo vệ chủ quyền là không thay đổi

Ngày 10-8, các đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp tục tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII và lắng nghe góp ý, kiến nghị của cử tri TP.

Chia sẻ với bức xúc của cử tri quận 1 và quận 3 về các vụ va chạm giữa ta và nước ngoài trên biển Đông ngày càng nhiều khiến chủ quyền quốc gia bị thách thức... Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết VN vẫn luôn tuyên bố với thế giới khẳng định chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những va chạm xảy ra gần đây trên khu vực biển Đông đúng là những thách thức đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp phù hợp.

“Đối diện với khó khăn, chúng ta phải bình tĩnh để đối phó. Chủ trương bảo vệ chủ quyền của chúng ta là không thay đổi, vấn đề là mình đấu tranh như thế nào để vừa bảo vệ được chủ quyền vừa giữ được hòa bình trong khu vực” - ông Trương Tấn Sang nói. Theo Chủ tịch nước, hiện nay hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản của chúng ta vẫn diễn ra bình thường trên vùng đặc quyền kinh tế của VN. Sắp tới Quốc hội sẽ thông qua các văn bản pháp lý, bổ sung công cụ thực hiện các chính sách về khai thác, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền các vùng biển nước nhà.

* Chiều 10-8, thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - đã tiếp xúc cử tri quận 11 (TP.HCM).

Theo ông Hải, các ý kiến của cử tri quận 11 đóng góp trên các mặt kinh tế - xã hội, tài nguyên - môi trường, giáo dục... đều xác đáng, thể hiện bức xúc, trong đó vấn đề đáng lưu ý là việc sử dụng lao động phổ thông người nước ngoài.

Can thiệp nhiều quá, anh em công an... khó làm việc

Cử tri Nguyễn Việt Cường (nguyên phó chỉ huy cảnh sát TP Hà Nội từ năm 1989-1996) nêu: “Tôi xin phản ảnh tới đồng chí Đỗ Kim Tuyến (đại biểu Quốc hội, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kiêm cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PV) vấn đề người dân rất bức xúc hiện nay là việc vi phạm của người dân thì xử lý rất dễ, nhưng nhiều người ngang nhiên vi phạm, không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, đèo bốn người chạy qua mặt công an, thậm chí còn giễu cợt nhưng cảnh sát không xử lý được, tại sao lại như vậy?

Tôi xin nói đây là do sự điều hành của các cấp nhiều quá, can thiệp nhiều quá, con ông cháu cha, con các đại gia nhiều quá nên can thiệp được hết. Khi đó anh em ở dưới rất khó làm việc”.

N.TRIỀU - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên