08/07/2010 07:19 GMT+7

"Chuyển đổi rừng nghèo kiệt còn chậm"

ANH THOA - HÀ MI
ANH THOA - HÀ MI

TT - Đó là ý kiến của ông Trương Tấn Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về vấn đề rừng ở địa phương bị phá để trồng cao su. Ông Thiệu nói:

5sTRb4kd.jpgPhóng to

Tỉnh chủ trương trồng 42.000ha cao su ở khu vực rừng nghèo kiệt nhưng đến nay chỉ mới trồng được khoảng 8.000ha. Nhìn chung quá trình chuyển đổi rừng nghèo kiệt còn chậm - Ông Trương Tấn Thiệu (chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước)

- Hiện Bình Phước đã tiến hành quy hoạch ba loại rừng: rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng theo chủ trương của Chính phủ. Chúng tôi đã quy hoạch 178.000ha cho lâm nghiệp, trong đó có 108.000ha rừng tự nhiên. Quan điểm của tỉnh là chỉ tác động vào phần đất rừng sản xuất và chuyển đổi để trồng loại cây khác ở các khu rừng nghèo kiệt.

Giao rừng tự nhiên đầu nguồn cho doanh nghiệp khai thác

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ thu thập được, tháng 5-2009, đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Kiểm lâm về tỉnh Bình Phước kiểm tra hiện trạng rừng và đã xác định: sau khi rà soát quy hoạch lại ba loại rừng, toàn bộ lâm phần thuộc nông lâm trường Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng) đều được chuyển đổi sang rừng sản xuất. Theo quy hoạch phát triển cao su của tỉnh Bình Phước, tại khu vực này “sẽ chuyển toàn bộ diện tích rừng nghèo kiệt hiện có sang trồng cao su và trồng rừng”.

Khu đất do nông lâm trường Nghĩa Trung quản lý đã có 40 doanh nghiệp được tỉnh Bình Phước phê duyệt dự án “chuyển đổi rừng nghèo, đất trống sang trồng cao su”. Hiện có nhiều dự án tiếp giáp với vườn quốc gia Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (tiểu khu 315, 316, 317, 318, 321, 322) được tỉnh giao rừng và đất rừng cho doanh nghiệp khai thác. Đây cũng chính là khu vực mà báo Tuổi Trẻ phản ánh tình trạng cây gỗ cổ thụ bị tàn sát, ngã gục xuống sông Mã Đà.

* Nhưng thưa ông, thực tế cho thấy có tình trạng cây thân to bị đốn hạ ở rừng đầu nguồn. Liệu có hay không chuyện dựa vào chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su để phá rừng?

- Mức trung bình rừng nghèo kiệt của Bình Phước khoảng 20-30m3 gỗ/ha. Theo quy định trước đây, rừng có trữ lượng gỗ dưới 70m3/ha được xem là rừng nghèo kiệt, nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mở rộng hơn, quy định trữ lượng dưới 100m3 gỗ là rừng nghèo kiệt.

* Có tài liệu nói sau khi có chỉ thị của Chính phủ về chuyển đổi rừng, Bình Phước từng khẳng định còn khoảng 1.000ha rừng tự nhiên tương đối tốt ở dọc sông Mã Đà, nay khu vực này đã giao cho các doanh nghiệp khai thác trắng...

- Làm gì có chuyện phá rừng tự nhiên như vậy. Anh em báo cáo vẫn còn 1.000ha rừng tự nhiên ở khu vực đó. Tại Đồng Phú còn khoảng 4.000ha rừng tự nhiên, khoanh nuôi, bảo vệ. Tại khu vực giáp với vườn quốc gia Cát Tiên chúng tôi cũng cam kết xây dựng vùng đệm.

* Chúng tôi đang có nhiều thước phim tư liệu được quay mới đây. Nếu cần, chúng tôi sẽ cho ông xem cây rừng đầu nguồn đang bị tàn sát.

- Ở khu vực đó còn rừng tự nhiên. Cạnh khu vực đất giao Công ty 67... vào đó còn nhiều rừng tự nhiên cả...

* Thưa ông, khi giao đất, giao rừng thì tỉnh Bình Phước có thẩm định kỹ không? Theo tài liệu chúng tôi có được thì tỉnh giao dự án rừng cho cả Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, công an và Huyện ủy Chơn Thành...

- Doanh nghiệp được giao phải có chức năng đàng hoàng, phải có giấy phép (có chức năng trồng rừng)... mới được nhận dự án. Theo quy định, sau 12 tháng kể từ ngày giao dự án mà chủ đầu tư không thi công sẽ bị thu hồi. Thực tế, tỉnh đã thu hồi một vài dự án do làm chậm. Tỉnh chủ trương trồng 42.000ha cao su ở khu vực rừng nghèo kiệt nhưng đến nay chỉ mới trồng được khoảng 8.000ha. Nhìn chung quá trình chuyển đổi rừng nghèo kiệt còn chậm. Còn chuyện một số dự án của Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, công an và Huyện ủy Chơn Thành... được cấp thì cái đó là giao khoán thời xưa, lâu rồi.

* Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận trong việc giao đất, giao rừng cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển 67 và việc giao đất cho gia đình nguyên bí thư tỉnh ủy có chuyện“đặc quyền, đặc lợi”, yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước phải thu hồi. Ông nói thế nào về chuyện này?

- Cái đó không phải là sai phạm. Nếu tôi nói thì không khách quan nhưng nói như vậy cũng không phải. Việc nhận đất trống đồi trọc để trồng cây thì phải khuyến khích. Nếu đang là cán bộ nhà nước làm thì khác, còn đây là cán bộ đã nghỉ hưu rồi. Quan điểm của tôi là không có gì sai phạm lớn, nước ngoài còn được thuê đất, sao người trong nước lại không? Vụ việc chỉ rút kinh nghiệm trong công tác điều hành chứ không có khuyết điểm gì nên không xử lý cán bộ.

* Tiến sĩ Vũ Ngọc Long (phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới): Tất cả kiểu rừng đều có giá trị như nhau

Qua thực tế không chỉ ở Bình Phước mà toàn bộ vùng đệm của các vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu và vườn quốc gia Bù Gia Mập đều trong tình trạng người ta đang cạo trọc các quả đồi có rừng thưa “kém hiệu quả” trước đây để chuyển đổi sang trồng cao su và cây điều là những “cây đa mục tiêu”.

Gần đây nhất, tôi đã đi qua một số khu vực vùng đệm vườn quốc gia Cát Tiên khu vực xã Tiên Hoàng, xã Gia Viễn, Phước Cát 1, xã Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng thì thấy rừng cây bị đốt phá, cây gỗ lớn đổ nằm ngổn ngang trên đồi mà đau xót lắm. Các quả đồi có độ dốc như thế phải hơn 40 độ mà phá rừng thưa đi trồng cây công nghiệp thì đất đai nào chịu nổi.

Phần lớn các quả đồi hình bát úp chạy xung quanh khu vườn quốc gia Cát Tiên là những rừng tre và lồ ô xen lẫn cây họ sao dầu và bằng lăng... có trữ lượng gỗ không nhiều và bị coi là rừng nghèo kiệt. Thực tế đây lại là rừng có độ đa dạng sinh học rất cao và giàu có chứ không nghèo như họ vẫn nghĩ. Việc thay thế những cánh rừng thưa này bằng những rừng cây cao su và cây điều là rất nguy hiểm về mặt môi trường.

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải kiểm tra lại việc triển khai chỉ thị chuyển đổi sử dụng đất rừng nghèo kiệt trong phạm vi toàn quốc. Cần phải tôn trọng quy luật của tự nhiên thông qua Luật đa dạng sinh học đã có hiệu lực. Và nếu vậy thì sẽ không có khái niệm rừng nghèo kiệt. Tất cả những kiểu rừng trong tự nhiên đều có những giá trị như nhau và có những vị trí quan trọng riêng biệt.

* Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành (nguyên phân viện trưởng Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Nam bộ): Dừng ngay việc phá rừng để trồng cao su

Khi chuyển rừng tự nhiên sang trồng cao su nên tiến hành phân tích chi phí và lợi ích để chọn lựa phương án tối ưu. Những thiệt hại do mất rừng tự nhiên ở vùng đầu nguồn gây ra lũ ống, lũ quét, thiệt hại cả tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước thì liệu lợi ích của rừng cao su có bù đắp được không?

Việc các tỉnh chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su là chủ trương chung. Vấn đề ở đây là xác định rừng nghèo. Phân loại rừng tự nhiên theo các tiêu chí “giàu”, “trung bình”, “nghèo” đã có từ những năm 1970 khi rừng đang được khai thác gỗ cung cấp cho nền kinh tế. Nhưng hiện nay, rừng tự nhiên của nước ta bị suy thoái nghiêm trọng, phần lớn bị khai thác kiệt quệ nhưng rừng vẫn được gọi là nghèo. Trong khi đó rừng tự nhiên vốn giàu về đa dạng sinh học, lại có năng lực cao về phòng hộ môi trường, bảo vệ đất, điều tiết nước mà không có bất cứ một loại rừng trồng nào có thể so sánh được.

Tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên ban hành chỉ thị dừng ngay việc phá rừng tự nhiên để trồng cao su để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện vừa qua, đồng thời tiến hành phân tích lợi ích và tổn thất.

Nguyên bí thư tỉnh ủy được thuê 30ha đất

* Đã thu hồi của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển 67 gần 1.500ha đất

Liên quan đến thông tin Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận về việc UBND tỉnh Bình Phước giao đất cho nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Hữu Luật (đã nghỉ hưu), Ủy ban Kiểm tra Đảng Tỉnh ủy Bình Phước xác nhận: ông Luật được cho thuê 30ha đất ở huyện Đồng Phú, việc này tạo ra dư luận không tốt tại địa phương. Người dân thắc mắc dân được giao ít nhưng cán bộ được giao nhiều.

Theo Ủy ban kiểm tra Đảng Tỉnh ủy Bình Phước, sau khi có đơn tố cáo của dân, Ủy ban Kiểm tra trung ương có yêu cầu báo cáo vụ việc và đã báo cáo trường hợp của ông Nguyễn Hữu Luật cùng một số vụ việc khác liên quan đến giao đất, giao rừng.

Sau đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương lập đoàn kiểm tra và xác minh rồi đưa ra kết luận. “Nhưng hiện chúng tôi chưa nhận được kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương nên chưa nắm cụ thể hướng giải quyết vụ việc ra sao. Do đó, chưa thể nói hướng xử lý trách nhiệm của cán bộ đảng viên” - một lãnh đạo ở Ủy ban kiểm tra Đảng Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định.

Riêng vụ Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển 67 (nay là Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Rạng Đông), Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu Ban thường vụ tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thẩm định tư cách, năng lực nhà đầu tư khi giao dự án, không để xảy ra việc nhà đầu tư lợi dụng danh nghĩa lực lượng vũ trang để được giao dự án.

Về vụ này, UBND tỉnh Bình Phước cho hay từ năm 2006-2008 tỉnh đã cho công ty thuê và giao khoán quản lý trên 1.900ha đất lâm nghiệp (đất có rừng và đất không có rừng tại huyện Đồng Phú). Nhưng đến năm 2009, công ty vẫn chưa có phương án quản lý, sử dụng đất và phương án bảo vệ rừng mà chỉ mới chuyển đổi được 135ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su.

Vì vậy, UBND tỉnh đã thu hồi khoảng 1.500ha đất nông nghiệp cho thuê, giao khoán quản lý, sử dụng. Hiện công ty chỉ còn khoảng 474ha để triển khai dự án. “Công ty không sai nhưng được cho thuê đất mà không thực hiện thì chúng tôi thu hồi” - ông Trương Tấn Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nói.

------------------------------------

Tan nát rừng đầu nguồn Phá rừng làm trang trại Gần 1.000 cây thông lớn “bốc hơi” Phá rừng vì "năm sau sẽ hết rừng để phá" (!) Phá rừng "săn" sâm đất

ANH THOA - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên