03/12/2009 07:50 GMT+7

Nhiều sai phạm tại SCIC

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TT (Hà Nội) - Ngày 2-12, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã công khai kết quả một số cuộc kiểm toán năm 2009. Trong đó, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và kiểm toán cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho thấy đã có hàng nghìn tỉ đồng bị chi sai và hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

poNWZ2oB.jpgPhóng to
Mặc dù kinh doanh thua lỗ, nhưng ban lãnh đạo ở Công ty JPA vẫn được nhận lương rất cao - Ảnh: L.Nam

Thanh tra quy trình bảo dưỡng máy bay Jetstar PacificJetstar Pacific phải xây dựng biểu tượng riêngTổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines xin nghỉ

Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); đối chiếu số liệu tại ba doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư của SCIC gồm Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Sữa VN và Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định tổng tài sản, nguồn vốn của SCIC tại thời điểm 31-12-2008 là 40.718 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả 27.302 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 13.416 tỉ đồng.

Lương lãnh đạo SCIC: gần 80 triệu đồng/tháng

Trong quá trình hoạt động, SCIC chưa hạch toán lãi dự thu của quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trung ương 838 tỉ đồng; chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản nợ về cổ tức và tiền thu Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trung ương với các DN theo quy định; hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập 72,6 tỉ đồng; trích lập quỹ lương theo đơn giá tiền lương xây dựng thiếu tính hợp lý, không sát thực tế là 3,8 tỉ đồng; quỹ tiền lương của lãnh đạo tổng công ty vượt quỹ lương được duyệt 1,168 tỉ đồng.

Thu nhập bình quân của lãnh đạo tổng công ty khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động - thương binh và xã hội là 40 triệu đồng/tháng nhưng thực tế năm 2008 thu nhập bình quân là 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Ông ĐINH TRỊNH HẢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):

SCIC nên có giải thích

Theo kết quả của KTNN, mức lương của lãnh đạo SCIC là cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Vấn đề cần làm rõ ở đây là mức lương như thế căn cứ trên những quy định nào và những ai nhận. Chính phủ đã có quy định cụ thể về mức lương tại những tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Việc lương thưởng cao có thể do lợi nhuận của doanh nghiệp lớn nhưng không được vượt quy định của Nhà nước. Vấn đề này SCIC cần giải thích rõ cho dư luận và chắc chắn việc này Chính phủ cũng nên có giải thích với Quốc hội và đại biểu Quốc hội, vì đây là lĩnh vực nhiều người quan tâm.

Tại Công ty JPA, mặc dù thua lỗ nghiêm trọng (lỗ lũy kế đến 31-12-2008 là 1.137 tỉ đồng) nhưng vẫn trả lương cho ban lãnh đạo với mức thu nhập rất cao, không tương xứng kết quả hoạt động của công ty.

Phó tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết trong quản lý chi phí xăng dầu, hai phó tổng giám đốc của JPA thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo hội đồng quản trị, ban điều hành đã làm công ty lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7-2008 đến tháng 5-2009). Do đó, KTNN kiến nghị kiểm tra làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể tại công ty này; xem xét lại việc chi trả quỹ tiền lương cho thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành tại JPA từ năm 2007 đến nay và báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm toán đơn vị này.

Ông Khái cho biết do KTNN chỉ thực hiện việc đối chiếu số liệu nên không thể kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc đối với những dấu hiệu sai phạm tại JPA.

Thu hồi, giảm quyết toán trên 1.000 tỉ đồng

Đối với việc cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu giai đoạn 2006-2008 tại mười đầu mối nhập khẩu xăng dầu, KTNN phát hiện nhiều sai phạm, phải xử lý tài chính lên đến 1.025 tỉ đồng. Cụ thể, một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn mức quy định, có đơn vị tại một số thời điểm Nhà nước tăng giá bán nhưng đơn vị vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ.

Phần lớn đầu mối hạch toán các khoản đầu tư tài sản, các nguồn khác tính vào chi phí, phân bổ chi phí không đúng đối tượng; chưa tính toán đầy đủ các khoản thu, chi hoạt động khác liên quan đến kết quả kinh doanh các mặt hàng dầu... nên qua kiểm toán phải điều chỉnh giảm số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu, đề nghị Nhà nước cấp bù trên 1.025 tỉ đồng.

Việc ban hành chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và cấp bù lỗ các mặt hàng dầu của các cơ quan quản lý nhà nước chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; chưa điều chỉnh mức thù lao đại lý, tổng đại lý phù hợp với thực tiễn; hệ thống định mức hao hụt đã lạc hậu (ban hành từ năm 1986) đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung để thống nhất quản lý...

Ngoài kiến nghị xử lý tài chính trên 1.025 tỉ đồng, KTNN còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính phối hợp trong việc xác định nhu cầu dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia, cân đối sản lượng nhập khẩu để cấp hạn ngạch phù hợp, xác định chính sách giá bán trên nguyên tắc thị trường nhưng không gây tác động quá lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm hội đồng quản trị SCIC

KTNN xác định SCIC báo cáo thiếu phần vốn quản lý thuộc Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trung ương 1.006 tỉ đồng. Việc quyết toán và bàn giao Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DN nhà nước giữa SCIC và các tỉnh còn chậm, còn 45 tỉnh chưa bàn giao theo quy định.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị SCIC nộp ngân sách nhà nước số thuế còn phải nộp đến 31-12-2008 là 25,211 tỉ đồng; điều chỉnh tăng doanh thu, thu nhập năm 2008 là 72,6 tỉ đồng; tăng các khoản phải thu về cổ tức 31,106 tỉ đồng, tăng vốn đầu tư tại DN là 45,138 tỉ đồng; điều chỉnh tăng Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trung ương 1.006 tỉ đồng... KTNN cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm hội đồng quản trị SCIC, tập thể, cá nhân chưa chấp hành tốt chế độ tài chính, kế toán dẫn đến sai phạm, chưa đảm bảo tính trung thực và hợp lý về tình hình tài chính năm 2008 tại SCIC...

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên