05/11/2009 08:17 GMT+7

Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ

B.TRUNG - T.LỘC thực hiện
B.TRUNG - T.LỘC thực hiện

TT - Như vụ thủy điện A Vương xả lũ làm ngập Quảng Nam hồi bão số 9, hôm qua tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ cũng thừa nhận đã xả lũ từ ngày 2-11. Điều đó đã góp phần nhấn chìm thành phố Tuy Hòa...

Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ 

* Thông tin vỡ tung đập Đá Vải do lũ ở Phú Yên là chưa chính xác* Đối mặt với đói và khát  * Người hùng trong lũ dữQuà bạn đọc Tuổi Trẻ đến với người dân vùng lũ* Những cái chết đau lòng

TT - Như vụ thủy điện A Vương xả lũ làm ngập Quảng Nam hồi bão số 9, hôm qua tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ cũng thừa nhận đã xả lũ từ ngày 2-11. Điều đó đã góp phần nhấn chìm thành phố Tuy Hòa...

ImageView.aspx?ThumbnailID=372923
Trên hệ thống sông Ba có đến năm nhà máy thủy điện đang hoạt động gồm: An Khê - Kanak, Ayun Hạ, Krông H’Năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Tối 2-11, bất thần lũ dữ tràn về, nhanh đến mức hàng vạn người dân phía hạ lưu sông Ba ở Phú Yên chỉ kịp leo lên nóc nhà. Chuyện gì đã xảy ra? Tuổi Trẻ đã trao đổi với tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ Võ Văn Tri. Ông Tri nói:

- Ngày 2-11, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ với lưu lượng 800 - 1.000m3/giây, nếu bình thường thì lưu lượng xả như thế không ảnh hưởng lắm đối với hạ lưu. Nhưng khi lũ xảy ra, mưa to, triều cường thì tất nhiên nó góp phần nâng cao đỉnh lũ.

* Nhiều chuyên gia cho rằng công trình thủy điện Sông Ba Hạ không hoàn thành nhiệm vụ là điều tiết lũ, cắt lũ đối với hạ lưu?

Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có hai tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 110 MW với điện lượng trung bình 825 triệu kWh/năm. Ngày 24-10-2009, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam) đã tiến hành khởi động chạy không tải tổ máy số 2 trong 10 ngày để kiểm tra, hiệu chỉnh trước khi chính thức phát điện hòa vào điện lưới quốc gia vào đầu tháng 11-2009.

- Nhận định đó là đúng. Chúng tôi cũng biết rõ điều đó ngay từ khi xây dựng công trình này. Làm sao cắt lũ, điều tiết lũ được khi dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Ba Hạ chỉ 349,7 triệu m3. Ngay từ lúc khảo sát, bên tư vấn đã đặt vấn đề dung tích hồ phải chứa được 1 tỉ m3 nước, ít nhất phải 800-850 triệu m3. Nhưng vấp phải sự phản ứng từ tỉnh Gia Lai ở phía trên. Để tích được 1 tỉ m3 nước thì thêm một phần lớn diện tích đất sản xuất của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai ngập trong lòng hồ.

Nói thẳng ra, ngay từ đầu chúng ta thiếu một nhạc trưởng để điều hành thủy điện bậc thang trên sông Ba. Nhà máy nằm trên đất Phú Yên mà lòng hồ chiếm quá nhiều diện tích trên đất Gia Lai. Họ phản đối và giải pháp xây hồ chứa nước quá nhỏ như hiện tại là sự lựa chọn cuối cùng. Đó là giải pháp bất đắc dĩ. Tôi thừa nhận thủy điện Sông Ba Hạ không thể làm được nhiệm vụ cắt lũ, điều tiết lũ đối với hạ lưu.

Hơn nữa, ngay cả các nhà máy thủy điện trên sông Ba hiện vẫn chưa có sự phối hợp với nhau. Trên sông Ba hiện có chín công trình thủy điện, đã có năm nhà máy chính thức hoạt động. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được thông báo về kế hoạch xả lũ của họ. Hồ chứa nước của thủy điện Sông Ba Hạ là hồ chứa nước cuối cùng của các công trình bậc thang, trong khi nó quá nhỏ để tích nước cắt lũ mà phía trên thì họ có thể xả bất cứ lúc nào.

* Như vậy, chuyện xả lũ khủng khiếp của thủy điện Sông Ba Hạ trong hai ngày 2 và 3-11 đã làm Phú Yên chìm trong biển nước là tất yếu?

- Sáng 3-11, lũ đổ về quá nhanh, chúng tôi xả lũ 8.000m3/giây, đến trưa đã xả 10.000m3/giây. 18g ngày 3-11, lũ đổ về lòng hồ quá lớn và nhà máy quyết định xả 14.450m3/giây, kéo dài suốt tám giờ. Đến chiều 4-11, vẫn đang xả 9.000m3/giây. Việc xả lũ trong tình hình những ngày vừa qua là giải pháp buộc lựa chọn, bởi đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn, nếu không làm thế chắc chắn thảm họa sẽ khủng khiếp hơn nhiều đối với hàng vạn người dân ở hạ lưu. Nhìn hàng ngàn bà con bị ngập lụt tôi cũng xót xa lắm chứ, nhưng không còn cách nào khác.

Trong khả năng của mình, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kịp thời thông báo về diễn biến xả lũ để chính quyền di dời dân trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ như những ngày qua là bất khả kháng.

B.TRUNG - T.LỘC thực hiện

-----------------------------

Đối mặt với đói và khát

98 người chết, 20 người mất tích

- Phú Yên: 69 người chết, 16 người mất tích.

- Bình Định: 13 người chết, 3 người mất tích.

- Khánh Hòa: 12 người chết, 1 người mất tích.

- Gia Lai: 4 người chết.

* Trong ngày 4-11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát vùng ngập lũ ở Phú Yên và Bình Định. Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu cho tỉnh Phú Yên. Tại Bình Định, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, trong đó chú trọng công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.

Đã có 98 người chết do lũ. Người sống thì đang đối mặt với lũ, đói và khát. Nặng nề nhất là Phú Yên. Đến tối 4-11, toàn bộ TP Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn tê liệt do ngập sâu trong nước.

Phú Yên: lũ vẫn lên

Thiệt hại nặng nhất là huyện Đồng Xuân với 30 người chết; tiếp đến là huyện Tuy An 22 người, thị xã Sông Cầu 13 người, còn lại ở TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa. Có gần 500 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 5.600 ngôi nhà hư hỏng nặng, 22 tàu thuyền đánh cá bị trôi mất.

Trong ngày 4-11, lũ tiếp tục dâng cao nhấn chìm hàng vạn ngôi nhà trong biển nước. Ngập nặng tại các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa. Đến tối 4-11, toàn bộ khu vực TP Tuy Hòa vẫn tê liệt, hàng ngàn ngôi nhà, hầu hết các đường phố bị ngập sâu từ 1m trở lên, nhiều hoạt động bị đình trệ. Huyện Đồng Xuân vẫn bị cô lập hoàn toàn, phần lớn huyện Tuy An bị chia cắt. Trong khi đó, lũ trên sông Ba tiếp tục dâng cao.

Trong ngày, tỉnh Phú Yên tiếp tục sơ tán hơn 16.000 người ở ven sông, vùng trũng. Theo UBND tỉnh Phú Yên, tình hình nguy cấp nhất hiện nay là hàng ngàn người dân trong các vùng lũ bị thiếu ăn do nhà cửa ngập sâu trong nước.

Sáng 4-11, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chi viện ba chiếc trực thăng đến Phú Yên để cứu nạn, cứu trợ thực phẩm cho người dân tại các vùng lũ.

Từ chiều 4-11, quốc lộ 1A qua Phú Yên lại bị tắc. Ông Phạm Văn Hóa, giám đốc Công ty Quản lý - sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho biết lũ đã làm vỡ hai cống thoát nước trên tuyến tránh qua TP Tuy Hòa, khiến nền đường bị sụt lún nghiêm trọng, các phương tiện giao thông không thể qua lại. Hàng ngàn ôtô bị ùn tắc ở hai đầu đường. Theo ông Hóa, phải mất 2-3 ngày mới có thể khắc phục các điểm sụt lún. Trong khi đó từ trưa 4-11, nước lũ bắt đầu dâng cao, tràn lên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Đông Hòa. Đã có hai cống trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) bị vỡ, có nguy cơ gây ách tắc giao thông kéo dài.

* Bình Định: khát và đói

Đến chiều 4-11, cả tỉnh đã có 311 nhà sập hoàn toàn, 144 phòng học và 3.549 nhà dân hư hỏng, 41.750 nhà ngập nước... Tổng thiệt hại tại tỉnh ước tính lên đến 887 tỉ đồng. Tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều nơi như huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ... chìm trong lũ.

Chiều 4-11 mưa tạnh, nước bắt đầu rút. Nhiều tuyến đường chính tại TP Quy Nhơn bị nước lũ phá tan tành. Tại những vùng trũng, người dân bắt đầu dọn dẹp lại những căn nhà đổ nát. Hàng ngàn người dân đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Hơn 100 bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định nháo nhác trong cơn đói khát khi lũ vừa rút. Nước vừa rút, nhiều xe bồn chở nước tưới cây xanh và xe cứu hỏa hú còi inh ỏi trên các tuyến phố. Tất cả chở đầy nước để ứng cứu hàng ngàn dân đang thiếu khát tại Nhơn Bình và Nhơn Phú.

* Nha Trang: bờ biển ngổn ngang củi, rác

Tại Khánh Hòa, trong số người chết có 4 người ở huyện Ninh Hòa, 3 người ở huyện Cam Lâm, 1 người ở huyện Diên Khánh và 1 người ở huyện Vạn Ninh. Bãi biển Nha Trang toàn củi, gỗ, rác. Sáng 4-11, lãnh đạo UBND và ban ngành huyện Ninh Hòa (Khánh Hoà) đã đến thăm hỏi, động viên và tặng 300.000 đồng/hộ cho các gia đình bị sập nhà do bão lũ tại thị trấn Ninh Hòa và hai xã Ninh An, Ninh Sơn. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 37 căn nhà bị sập, 125 nhà hư hỏng, 28ha lúa, 24ha hoa màu bị ngập, 120ha đìa tôm cá bị trôi...

ImageView.aspx?ThumbnailID=372927
Người dân vùng lũ đang cần được tiếp nước sạch và lương thực - Ảnh: Tấn Vũ

* Ninh Thuận: nho, bắp, lúa... chìm trong nước

Hôm qua 4-11, mưa đã ngớt nhưng hàng nghìn gốc nho của TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn... vẫn còn chìm trong biển nước do lượng mưa lớn và nước đầu nguồn các con sông đổ về từ ngày hôm qua. Nhiều xã, thôn của huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam... bị cô lập do mực nước vẫn còn cao.

NHÓM PV TUỔI TRẺ

Đường đã thông, tàu vẫn tắc

* Quốc lộ 1 đã thông xe lúc 8g30 ngày 4-11, theo Bộ GTVT. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng. Cụ thể, tại cầu Thị Thạc (Phú Yên) nước lũ làm xói lở đường dẫn phía nam, tắc giao thông. Cầu Tam Giang (Phú Yên) trụ cầu bị xói lở đường dẫn, sập một nhịp, đã thông xe cho xe thô sơ và môtô. Chân đèo Cù Mông phía Phú Yên sụt taluy dương. Tại quốc lộ 19 (Quy Nhơn - Gia Lai), cầu Phú Phong bị trôi trụ tạm, dầm của nhịp số 3, 4 bị sập. Hiện nay giao thông cho đi một làn theo hướng Gia Lai - Quy Nhơn.

* Tuyến đường sắt từ ga Tuy Hòa đi ga Diêu Trì vẫn tắc ở nhiều đoạn. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng ban kinh doanh vận tải của Tổng công ty Đường sắt VN, tính đến ngày 4-11 đã phối hợp với sở GTVT Phú Yên, Bình Định trung chuyển 2.920 khách của chín đoàn tàu bị mắc kẹt ở ga Diêu Trì đến các tỉnh phụ cận. Đêm 4-11 tiếp tục chuyển tải số khách của hai đoàn tàu nữa. Thiệt hại ước tính đối với đường sắt khoảng 12 tỉ đồng.

* Các chuyến bay đến các tỉnh bị bão lũ được khôi phục hoàn toàn trong ngày hôm qua. Vietnam Airlines đã tăng bốn chuyến bay đến Nha Trang để chuyển các hành khách bị mắc kẹt trong những ngày qua - ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Vietnam Airlines, cho biết.

T.PHÙNG

Những cái chết đau lòng

ImageView.aspx?ThumbnailID=372928

Bà Phạm Thị Hồng chỉ lên trần nhà, nơi anh Mỹ bị chết ngạt - Ảnh: Quang Phương

Nhìn từ trực thăng, cả TP Tuy Hòa  (Phú Yên) như một biển nước rộng mênh mông với hàng chục tuyến đường vẫn bị nước nhấn chìm từ đêm 3-11, chỗ sâu nhất hơn 1,5m và người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền, trong khi nhiều xã vẫn còn bị nước lũ cô lập, chia cắt.

20 giờ ngày 4-11, nhiều người dân TP Tuy Hòa vẫn chưa thể quen với cảnh sống trong một thành phố đầy nước. Cụ ông Nguyễn Hội vừa dò dẫm từng bước chân vừa phân trần với chúng tôi: “Đời tui có bao giờ thấy nước trong thành phố nhiều đến thế này. Giờ đi đâu cũng thấy nước, cứ như là sống ở một vùng quê nào đó”.

Nước đã bắt đầu xuất hiện trên các tuyến đường vào sáng 2-11 chỉ vài tấc, nhưng hôm sau khi nước từ thượng nguồn sông Đà Rằng đổ về ngày càng nhiều thì cả thành phố thật sự trở thành một biển nước. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên nằm trên trục lộ chính là đường Trần Hưng Đạo cũng bị nước bao vây tứ bề khiến hoạt động nơi đây bị đảo lộn. Một canô đã được huy động ứng trực trước cổng bệnh viện để cấp cứu các ca bệnh nặng vì giao thông giờ đây chỉ dành cho xuồng bè.

Con đường nhỏ vào khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) sau cơn lũ kinh hoàng tối 3-11 vẫn còn đầy bùn đất trơn trượt,  rác và cây cối ngổn ngang. Ở cuối hẻm, tiếng trống, tiếng kèn đám ma, tiếng khóc của người vợ mất chồng, người con mất cha mẹ… làm não nề cả khu dân cư nhỏ.

Ông Nguyễn Lặt, một người hàng xóm của ông Trần Phương Thẻ (93 tuổi), kể lại: “Vợ chồng ông Thẻ chỉ có một người con gái nhưng đã có chồng và sống cách xa 10km. Sáng nay khi tui qua gõ cửa thì không thấy động tĩnh gì trong nhà cả. Tui đành đập cửa vào thì phát hiện vợ chồng ông đã chết”. Tối 3-11, khi hai vợ chồng ông Thẻ và bà Nguyễn Thị Nhàn (85 tuổi) đang ngủ trong nhà thì nước lũ tràn vào bất ngờ lên tận nóc nhà. Tuổi già sức yếu không thể chống chọi, hai vợ chồng ông chết ngay trong căn nhà của mình.

Cách đó chừng 500m, ở cuối hẻm là đám tang của anh Nguyễn Đình Mỹ (43 tuổi). Một người hàng xóm cho biết: tối 3-11, khi anh Mỹ cùng vợ và đứa con gái út đang ngủ trong nhà thì khoảng 22g30 nước lũ ập vào. Khi nước lên tới bụng thì anh dỡ ngói đưa vợ và con lên mái tránh lũ. Phần anh bám ở dưới mái nhà. Không may con gái Nguyễn Thị Chi (học lớp 9) bị trượt chân và té từ trên mái nhà xuống. Nước lũ hung hãn cuốn trôi con gái anh.

Nghe tiếng vợ kêu cứu con, anh vội buông tay định cứu con nhưng không còn kịp nữa, nước đã tràn lên tới mái nhà. Anh bị chết ngạt ở dưới mái nhà. May thay, con của anh sau đó được những người dân trong khu vực  cứu sống. Bà Phạm Thị Hồng, mẹ vợ anh Mỹ, nghẹn ngào: “Nó là trụ cột trong nhà. Giờ nó chết, không biết vợ con sống thế nào đây?”.

PHI LONG - QUANG PHƯƠNG

Về việc có một số thông tin nói là thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) thiệt hại rất nặng về người và tài sản do lũ làm vỡ tung đập Đá Vải vào tối 2-11, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Cầu, ông Trần Thêm và một số người dân đang sống ngay trước mặt đập Đá Vải (thuộc xã Xuân Lâm) đều khẳng định không có chuyện vỡ tung đập Đá Vải.

Nguyên nhân chính là do lũ tràn về quá nhanh và đột ngột nên làm vỡ mố đập phía Nam.

Phóng viên TTXVN có mặt tại đập Đá Vải sau khi lũ rút và nhận thấy toàn bộ đập Đá Vải có chiều dài khoảng 100m, giữa đập là bờ tràn dài gần 80m; hai bên bờ tràn là mố đập, mỗi mố dài khoảng 10 mét.

Tuy gặp lũ dữ nhưng cả mố đập phía Bắc và bờ tràn đều nguyên vẹn, chỉ vỡ mố đập phía Nam. Do lũ tràn về với lưu lượng quá lớn trong khi bờ tràn dài gần 80m vẫn không đảm bảo để nước thoát, nên nước dâng ngập cao hơn mố đập, gây vỡ mố phía Nam. Lúc này, tại hiện trường rác còn đọng trên chốt điều tiết nước.

Nếu thông tin "lũ làm vỡ tung đập Đá Vải" nghĩa là vỡ đập thì phải vỡ bờ tràn trước vì bờ tràn thấp hơn mố đập và dài gần gấp 8 lần mố đập, trong khi thực tế chỉ vỡ mố đập phía Nam với chiều dài khoảng 10 m.

Theo TTXVN

B.TRUNG - T.LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên