01/10/2009 18:39 GMT+7

Bạn đọc Tuổi Trẻ cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ bị cô lập

Lũ ở các sông tại Nghệ An và Hà Tĩnh đang lên
Lũ ở các sông tại Nghệ An và Hà Tĩnh đang lên

TTO CẬP NHẬT LIÊN TỤC TIN BÃO LŨ: Đến chiều tối 1-10, khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn bị cô lập bởi nước lũ * Chiều 1-10, đã có 101 người chết, 23 người mất tích * Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 10 ngàn tấn gạo, 460 tỷ đồng * Bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ hơn 1 tỷ đồng * Hà Nội ủng hộ hơn 10 tỷ đồng

Bạn đọc Tuổi Trẻ cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ bị cô lập

TTO CẬP NHẬT LIÊN TỤC TIN BÃO LŨ: Đến chiều tối 1-10, khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn bị cô lập bởi nước lũ * Chiều 1-10, đã có 101 người chết, 23 người mất tích * Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 10 ngàn tấn gạo, 460 tỷ đồng * Bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ hơn 1 tỷ đồng * Hà Nội ủng hộ hơn 10 tỷ đồng

>> Lũ chia cắt miền Trung, 86 người chết và mất tích>> Miền Trung và Tây Nguyên tứ bề khốn khó

* Hôm nay 1-10, hàng cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã bắt đầu đến được với những đồng bào bị thiên tai. Tất cả các phương tiện như trực thăng, xuồng cao tốc ... đã được huy động để đưa hàng đến với những nơi bị cô lập nhất.

Hội An: Nhiều vùng bị nước lũ bủa vây

Đến chiều tối 1-10, nhiều vùng của khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), từ nội thành ra đến ngoại thành vẫn bị cô lập bởi nước lũ đỏ ngầu bủa vây. Hàng trăm ngôi nhà cổ trên các tuyến phố Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh… vừa oằn mình với bão số 9, nay lại bị ngâm trong nước lũ cao hơn 2m nhiều ngày.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365405
Đến trưa 1-10, người dân phố Lê Lợi (Hội An) do nước lũ còn cao, phải đi thuyền vào nhà qua cửa sổ - Ảnh: V.Hùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ hồi 20g, ông Lê Văn Giảng -  Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện còn trên 2.500 hộ dân ở các xã ven sông Hoài, như toàn bộ xã Cẩm Kim, Cẩm Nam, khối phố Ngọc Thành (Cẩm Phô), An Hội, Đồng Hiệp (P.Minh An) vẫn bị cô lập nhiều ngày qua, hiện đời sống người dân hết sức khốn khó.

Ông Trần Tám (50 tuổi, tổ 14 thôn Trung Châu) than thở: “Bão mạnh vừa tan thì nước lũ ập đến nhanh không ngờ tới. Nhà tôi sơ tán, sau bão thì về đã thấy nước lũ ập đến thấy gạo, mỳ, mắm muối trôi lềnh bềnh. Mấy ngày qua gia đình ba người phải ở trên thuyền, nhờ hàng xóm giúp đỡ cái ăn”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365406
Ông Trần Tám (thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim, Hội An) nhận hộp cơm trưa ngày 1-10 sau 4 ngày tránh bão - Ảnh: Việt Hùng

Nhiều gia đình ngồi trên thuyền trong nhà khi thấy thuyền cứu trợ đã vẫy tay nhờ giúp đỡ. Song 160 hộp cơm vừa dành cho cán bộ xã đang mắc kẹt ở trụ sở, vừa cho người dân như muối bỏ biển. Bà Phan Thị Xờm (77 tuổi) chở cháu nội Hoàng Trang (11 tuổi) chông chênh trên thuyền nhỏ trên con nước lũ chảy xiết trờ đến thuyền cứu trợ nhận cơm trong nỗi mừng rỡ.

Gần buổi chiều, nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút, toàn bộ nhà cửa của nhiều hộ gia đình nghèo xã Cẩm Kim vẫn ngập nước lũ. Đêm qua là đêm thứ tư, người dân Cẩm Kim vẫn sống trong cảnh không điện, không nước sinh hoạt và lạnh cóng chân với dòng nước lũ. Cái đói, cái khát dang treo lơ lửng hàng ngàn con người bị vây kín từ bề nước lũ.

Đã sửa xong tất cả sự cố đường dây 500kv, 220kv tại miền Trung

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), tất cả các đường dây 500kV, 220kV bị sự cố đã trong cơn bão số 9 đã được xử lý khắc phục xong và đóng điện vận hành an toàn.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365396
Sửa chữa đường dây điện tại Triệu Phong - Quảng Trị -Ảnh: Hiếu Giang

Về lưới điện phân phối, tính đến 8g sáng ngày 1-10, EVN đã khôi phục được việc cấp điện với công suất khoảng 800MW (gần 70% tổng nhu cầu sử dụng trên địa bàn). Hầu hết các nhà máy nước, bệnh viện, đài phát thanh truyền hình và các cơ quan phòng chống lụt bão các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 9... đã được cấp điện. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cũng đã được cấp điện ổn định.

Theo EVN, tiến độ cấp điện lại tương đối khả quan. Một số địa phương như Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông đã cơ bản cung cấp điện lại cho 100% nhu cầu sử dụng; một số tỉnh, thành phố cấp điện lại cho hơn 50% nhu cầu sử dụng như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định.

Tại tỉnh Quảng Nam mới cấp điện lại được cho 15,7% phụ tải, tại Tỉnh Quảng Ngãi cấp điện được 21,6% phụ tải, tỉnh Kon Tum đã cấp điện được cho 44,4% phụ tải toàn tỉnh.

Một số đường dây 110kV cũng vẫn còn bị sự cố, chưa thể khắc phục. Trước thực tế đó, EVN cam kết sẽ tích cực, khẩn trương khắc phục sự cố để khôi phục cấp điện trở lại cho toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian sớm nhất.

Đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1 vẫn còn bị tắc

Vào cuối giờ chiều nay 1-10, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng Ban Kinh doanh Vận tải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết do nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên nhiều điểm trên tuyến đường sắt Thống Nhất bị ngập nước chưa thể thông tàu ngay trong ngày.

Đoạn đường sắt từ km 905-908 khu gian Trị Bình - Bình Sơn ( Quảng Ngãi) vẫn bị ngập sâu trong nước. 50km đường tàu cũng bị xói lở phát sinh. Các đơn vị đường sắt đã tập kết gần 2.000m3 đá, 500 thanh tà vẹt để  sẵn sàng khôi phục lại đường khi nước rút. Ngành đường sắt đang cố gắng khắc phục để thông đường trong sáng mai (2-10).

Trong ngày hôm qua, ngành đường sắt chỉ chạy 3 đôi tàu Thống Nhất SE3/4, SE7/8 và TN1/2. Trường hợp chưa thông đường trong sáng nay thì các đoàn tàu này sẽ thực hiện phương án chuyển tải khách qua đoạn đường bị ngập nước tại Quảng Ngãi.

Theo chính sách của ngành đường sắt, những hành khách đã mua vé tàu của những đôi tàu đã cắt bỏ sẽ được hoàn trả lại 100% giá vé, nếu muốn đi tàu tiếp theo sẽ được bố trí. Với những hành khách không đi tàu những khu đoạn tàu không qua được sẽ được bố trí chuyển tải bằng ô tô hoặc lấy lại tiền nếu không đi.

* Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông Vận tải đến 15 giờ chiều nay trên Quốc lộ 1 vẫn bị ách tắc giao thông tại các vị trí Km941+00; Km955+00 (Quảng Ngãi) do ngập sâu dài 100m.

Tại quốc lộ 49A đã thông xe đến A Lưới nhưng đoạn từ Km91+700 – Km103+500 vẫn bị chia cắt, phải đi bộ vào để tiếp cận. Còn trên đường Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Km385+00 – Km412+500 vẫn bị chia cắt, phải đi bộ vào để tiếp cận.

Đoạn Km1414+515 – Km1444+300 bị sạt lở 17 vị trí. Các Quốc lộ 14C, Quốc lộ 24 đến chiều qua vẫn đang bị ách tắc. Ước tính thiệt hại do bão số 9 gây ra đối với ngành giao thông khoảng 250 tỷ đồng.

Quảng Nam: trực thăng mang hàng cứu hộ đến dân

Sáng nay 1-10, 600 thùng hàng cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã được trực thăng cứu hộ chuyển đến vùng rốn lũ Đại Thắng - huyện Đại Lộc - tỉnh Quảng Nam. Đúng 9 giờ sáng, chiếc Mi 171 của Trung đoàn bay 916 thẳng vùng trọng điểm bị lũ cô lập hoàn toàn với bên ngoài từ 3 ngày qua.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365381
Máy bay chở hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đưa hàng tới người dân vùng lũ Đại Thắng - Ảnh: T.Vũ

Theo lãnh đạo huyện Đại Lộc, từ 3 ngày qua mọi thông tin liên lạc, phương tiện giao thông đều bất lực không thể tiếp cận với Đại Thắng -  vùng bị lũ cô lập. Từ trên máy bay nhìn xuống, cả một vùng dân cư rộng lớn kéo dài từ Hòa Vang, Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đến các làng xã dọc theo sông Vu Gia, Thu Bồn của huyện Đại Lộc, các xã của huyện Duy Xuyên vẫn ngập chìm trong nước lũ đục ngầu.

Theo số liệu của các địa phương báo cáo tại cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vào chiều nay tại Hội An, số người chết là 101 người gồm: Hà Tĩnh 4 người, Quảng Bình 1 người, Quảng Trị 5 người, TT Huế 9 người, Đà Nẵng 4 người, Quảng Nam 9 người, Quảng Ngãi 27 người, Bình Định 7 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 30 người, Đăk Nông 2 người, Lâm Đồng 2 người.

Ngay khi máy bay tiếp đất, hàng trăm người dân ở các thôn trong xã đã có mặt. Theo ông Nguyễn Văn Hải - phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng thì cả 9 thôn với trên 8.000 nhân khẩu đã bị lũ dữ chia cắt từ mấy ngày qua, nước không có để uống, cơm không có để ăn.

Chị Nguyễn Thị Liễu (thôn Giảng Hòa) chia sẻ: “Làng xóm chúng tôi chia sẻ gạo, thức ăn cho nhau để chống chọi với bão lụt, giờ cũng cạn kiệt rồi, may mà có bạn đọc báo Tuổi Trẻ cứu trợ kịp thời để qua lúc khó khăn này”.

Còn tại vùng rốn lũ huyện Núi Thành (Quảng Nam), sáng 1-10, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đưa hàng cứu trợ do bạn đọc của báo ủng hộ đến tay 200 gia đình là nạn nhân bị thiệt hại nghiêm trọng nhất trong bão số 9. Mỗi gia đình được nhận 10kg gạo, một thùng mì tôm, cùng những nhu yếu phẩm như nước mắm, dầu ăn, bột ngọt…

Huế: Bình An 2 bắt đầu nhận được hàng cứu trợ

Sáng nay những người lính Áo xanh thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chân Mây đã vận chuyển những xuất quà cứu trợ đầu tiên của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ đến với bà con Bình An 2. Lực lượng “lính Áo xanh” là nòng cốt trong những ngày bão lũ tại Lộc Vĩnh. Họ đang tập trung lực lượng để giúp dân dựng lại nhà, khắc phục hậu quả bão, lũ.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365384
Những người dân tại Bình An 2 nhận hàng cứu trợ - Ảnh: Đình Toàn

Miền tây Kon Tum: Tang thương sau lũ, nguy cơ đói cận kề

Ngày 1-10, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum đã huy động tất cả cán bộ công chức trên địa bàn huyện về xã vùng sâu, đặc biệt khó Đăk Pxi để cứu giúp người dân. Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo và cho biết, trước mắt huyện xuất 5 tấn gạo và ngay trong sáng 1-10 đã kịp chuyển về cứu trợ cho người dân. Hơn 100 cán bộ chiến sỹ đã túc trực tại những điểm “nóng” sát cánh cùng nhân dân.

Chiều tối 1-10, đoàn cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đã kịp có mặt trao 61 phần quà cho những hộ gia đình người dân tộc Xê-Đăng, bị lũ cuốn trôi nhà, sập nhà và nhà bị hư hỏng nặng. Hiện nay, còn 6/12 thôn làng với hàng ngàn người của xã Đăk Pxi vẫn còn bị cô lập, do cầu treo bị lũ cuốn trôi, nhiều gia đình đang rơi vào cảnh thiếu đói.

Đã 3 ngày trôi qua sau cơn bão dữ nhưng khắp nơi trên tỉnh Kon Tum, khung cảnh hoang tàn đổ nát vẫn hiện diện như một nỗi đau khủng khiếp mà người dân vừa phải trải qua.

Sau nhiều ngày bị lũ cô lập và chia cắt, sáng 1-10, phóng viên Tuổi Trẻ ngược lên các huyện miền Tây của tỉnh Kon Tum và chứng kiến những hình ảnh đau lòng sau lũ dữ.

Cho đến sáng 1-10, tuyến quốc lộ 14 từ thành phố Kon Tum dẫn ngược lên Đắc Glei-huyện xa nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ vẫn bị chìm trong bùn đất và ngổn ngang cây cối, rác từ thượng nguồn sông Pha Cô đổ về.

Để có thể tới được Đắc Glei không còn cách nào khác đi xe "nhảy cóc" từng đoạn rồi lội bộ hàng chục cây số vào tận vùng bão lũ. 

ImageView.aspx?ThumbnailID=365388
Một người dân tại xã Đắc krong, huyện Đắk Glei, Kon Tum cố nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau cơn lũ dữ - Ảnh: Thái Bá Dũng
ImageView.aspx?ThumbnailID=365389

Cảnh hoang tàn đổ nát tại cầu Tân Canh. Hàng ngàn cây gỗ lớn và rác từ thượng nguồn sông Pha Cô đổ chắn ngang qua cầu khiến lưu thông bị đình trệ nhiều ngày qua - Ảnh: Thái Bá Dũng

Đà Nẵng: 11 trường học vẫn còn bị ngập lụt

Ông Thái Văn Hân, phó giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết do ảnh hưởng của bão số 9, kèm theo mưa lũ nên tính đến chiều ngày 1-10, trên địa bàn thành phố vẫn còn 11 trường học bị ngập lụt, có nơi ngập sâu gần 1m.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365379
Sáng ngày 1-10, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, ở huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng vẫn còn bị ngập lụt . Ảnh Thu Trang

Trong đó, ở địa bàn quận Cẩm Lệ có 4 trường mầm non, tiểu học, THCS; địa bàn huyện Hòa Vang có 7 trường mầm non, tiểu học, THCS. Theo ông Hân, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học vùng ngập lụt tổ chức cho học sinh bắt đầu đi học trở lại từ ngày 5-10.

Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 10 ngàn tấn gạo, 460 tỷ đồng 

Chiều 1-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vào miền Trung kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 9 gây ra, chỉ đạo triển khai ngay một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất cùng một loạt vấn đề ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Tham gia Đoàn công tác có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và 6 tỉnh, thành Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định, Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh thiệt hại 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cùng cơ số thuốc khử trùng môi trường, khử trùng nước cho vùng bị bão lũ. (Theo Website Chính phủ )

Cho đến chiều nay 1-10, nước một số nơi đã rút, nhưng miền Trung vẫn còn lai láng nước. Những vùng bão lũ đi qua hoang tàn, xơ xác. Bà con khắp nơi đang tất tả dọn dẹp những đổ nát còn lại. Phóng viên Tuổi Trẻ Online tiếp tục có mặt ở những vùng xung yếu của trận bão lũ.

Một con số khủng khiếp được các địa phương báo về: Tính đến chiều nay 1-10, đã có 96 người chết và 23 người mất tích trong bão lũ. Có 6.370 ngôi nhà bị sập, trôi; 172.670 ngôi nhà bị tốc mái, siêu vẹo, hư hỏng; 173.610 nhà bị ngập; 500 phòng học bị ngập và hư hỏng; 12.330 trạm y tế, trụ sở UBND xã, các công trình công cộng bị hư hỏng và ngập.

Văn phòng thường trực ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã nhận được văn bản đề nghị của các tỉnh, thành phố kiến nghị Chính phủ hỗ trợ như sau: Nghệ An 24.100 tấn gạo, Quảng Bình 600 tấn, Quảng Trị 10.000 tấn, Thừa Thiên Huế 500 tấn, Quảng Ngãi 5.000 tấn, Bình Định 2.000 tấn và Kon Tum 1.000 tấn; các địa phương này còn đề nghị được hỗ trợ hàng trăm tấn giống lúa, rau màu để khôi phục lại sản xuất; hàng trăm cơ số thuốc và một số phương tiện giao thông, nhà bạt...Riêng các địa phương bị bão lũ tàn phá nghiêm trọng cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để nhanh chóng khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã tiếp cận và ứng cứu thành công 86 người dân bị cô lập khu vực cầu Đăkbla (Kon Tum). Tổ chức cứu nạn 15 người bị cô lập ở Quảng Ngãi; chuyên trở gần 4.000 tấn hàng hoá cứu trợ đến vùng ngập lụt chia cắt của tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã tổ chức ứng cứu 300 người dân Campuchia ở Bản Phí đang gặp nguy hiểm theo đề nghị của phía Campuchia.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365239

Nhiều làng xóm ngập trong nước  Ảnh: Doãn Hoàng

Bộ công thương - Tập đoàn điện lực Việt Nam đã khắc phục được sự cố các đường dây 500 kv, 220 kv lúc 17 giờ 30 phút ngày 30/9. Tại Quảng Ngãi đã cấp điện các khu vực quan trọng trong đó có nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy nước LILAMA. Tại Đà Nẵng đã khôi phục được 21/39 tuyến 15 kv, 22kv, dự kiến trong ngày 30/9 sẽ khôi phục hầu hết lưới điện ngoại trừ các khu vực Hoà Minh, Hoà Liên, Hoà Sơn, Hoà Bắc, Hoà Ninh.

Vùng thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam còn bị mất điện chưa khôi phục được, riêng tỉnh Quảng Nam mới chỉ cấp điện lại cho trung tâm hành chính tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, bệnh viện, nhà máy nước, khu công nghiệp. Tại Kon Tum hiện đang mất điện toàn bộ khu vực.

Bộ y tế đã chỉ đạo cấp 200 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 5 triệu viên Cloramin B cho các tỉnh bị ảnh hưởng để các địa phương bổ sung cơ số và hoá chất cho các cơ sở y tế giúp điều trị, phục vụ nhân dân trong mưa. lũ. Cấp 500 áo phao cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365373
Sáng 1-10, hàng cứu trợ của bạn đọc Tuổi Trẻ đã đến với vùng lũ Đại Thắng, Đại Lộc (Quảng Nam) - Ảnh: Đăng Nam
ImageView.aspx?ThumbnailID=365374
Em Nguyễn Thị Trà (Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) phơi sách vở bị ướt trưa 1-10 do mưa lũ - Ảnh: Đăng Nam
ImageView.aspx?ThumbnailID=365375
Cả gia đình bà Nguyễn Thị Bé (Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) ăn mì gói sau ba ngày chưa có bữa ăn ấm bụng - Ảnh: Tấn Vũ

* Quảng Nam: người dân điêu đứng; giao thông tắc hàng chục km

Đến sáng nay 1-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 12 người chết do lũ. Nước các sông ở các huyện phía bắc của tỉnh đang rút chậm.

Hàng ngàn người dân Quảng Nam đang phải đối mặt với đói ăn, thiếu nước ngọt và dịch bệnh. Cuộc sống của họ hầu như tê liệt vì lũ. Những hình ảnh mới nhất của cộng tác viên Tuổi Trẻ Online ghi nhận từ vùng rốn lũ Quảng Nam.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365241
Những thùng hàng cứu trợ đầu tiên mới bắt đầu đến tay người dân vùng ngập lũ - Ảnh: Doãn Hoàng

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Nam, trưa nay 1-10, hiện thiệt hại do bão số 9 gây ra ước 57 tỷ đồng với hơn 400 trường học, phòng thí nghiệm và thư viện bị tốc mái, hơn 400 máy tính bị hư hỏng nặng, các huyện phía bắc của tỉnh như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc… chưa thể thống kê. Thông tin từ huyện miền núi Nam Trà My cho biết đang tìm kiếm thi thể một học sinh bị đất đá vùi khi đang trú ẩn bão tại lán riêng. 

*Sáng nay 1-10, trên tuyến quốc lộ 1A từ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đến Quế Phú - Quế Sơn -  Quảng Nam đã xảy ra tình trạng kẹt xe nối dài hơn 50km.

Lý do là quốc lộ 1A bị sạt lở nghiêm trọng, trung tâm thị trấn Vĩnh Điện còn ngập chìm trong nước, luồng xe từ Quảng Nam ra và Đà Nẵng chen lấn rất đông khiến không thể lưu thông theo hai chiều thuận lợi.

Hàng trăm xe tải, conterner và xe khách đường dài xếp hàng chờ đợi trong sự tuyệt vọng. Hành khách ngồi hai ven tuyến quốc lộ 1A gây nên cảnh hoảng loạn giao thông trên tuyến đường này.

Lực lượng CSGT Quảng Nam và Đà Nẵng đã huy động hàng trăm chiến sĩ túc trực phân luồng giao thông nhưng các xe hầu như chỉ dịch chuyển từng mét.

Đến trưa nay tình hình kẹt xe càng nối dài phía hai đầu do lượng xe đổ về TP Đà Nẵng từ hai hướng rất lớn. Đặc biệt là từ phía các tỉnh phía Nam ra.

Trước đó tình trạng kẹt xe dài hơn 30km trên địa bàn Quảng Nam đã được thông xe vào lúc 2giờ sáng hôm nay.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365224
Kẹt xe trên tuyến quốc lộ 1A tại địa phận xã Điện Thắng Bắc, Quảng Nam): Ảnh: Phước Tuần
ImageView.aspx?ThumbnailID=365225
Hàng trăm xe máy dẫn bộ ven mép ruộng để thoát khỏi kẹt xe: Ảnh chụp sáng 1-10. Phước Tuần

* Kon Tum: 33 chết, 3 người mất tích

Theo tin mới nhất từ UBND tỉnh lúc 17 giờ ngày 1-10,  số người chết do bão số 9 đã lên đến 33 người và 3 người mất tích. Nhiều nhất là huyện Tu Mơ Rông có 20 người chết, huyện Đăk Glei 5 người chết... Tuyến đường tỉnh lộ từ huyện Đăk Tô đi huyện Tu Mơ Rông, đường  Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Đăk Tô đi huyện Ngọc Hồi đã được thông.

Tuy nhiên, đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Đăk Glei đi Quảng Nam, quốc lộ 24 từ huyện Kon Rẫy đi tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa tỏa xong các điểm sạt lở. Cầu Diên Bình (Đăk Tô) trên tuyến đường Hồ Chí Minh hiện vẫn đang còn bị ngập. Bộ đội đang lắp cầu phao dưới cầu Kon Prải để giúp người dân qua lại trên tuyến quốc lộ 24 từ Kon Tum đi huyện Kon Rẫy. Điện lưới đã kết nối trở lại, trừ huyện Tu Mơ Rông chưa có điện; hệ thống thông tin liên lạc đi các huyện đã được khắc phục.       

Cho tới 7g sáng 1-10, sau 4 ngày liên tiếp có mưa to, chúng tôi nỗ lực đi dọc tuyến quốc lộ 14 và chứng kiến tận mắt thảm cảnh tại xã Diên Bình (Diên Bình, Đắc Tô, Kon Tum) tan hoang sau cơn lũ dữ. Từ Văn phòng UBND xã nhìn xuống, tuyến quốc lộ độc đạo 14 dẫn qua trung tâm huyện Đắc Tô giờ bị tấp kín hàng ngàn cây gỗ bùn. Có nơi bùn ngập sâu đến 2 mét, mọi lưu thông qua tuyến đường này gần như đông cứng hoàn toàn.

Chủ  tịch xã, ông Nguyễn Đình Công bàng hoàng: cơn lũ bất ngờ với cường lớn khiến  Chủ tịch xã Diên Bình cho rằng, ít nhất trong 2 ngày nữa dân ở đây sẽ đói nặng, trong khi tuyến đường dẫn vào trung tâm huyện sẽ cần rất nhiều thời gian để lưu thông trở lại.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365161
ImageView.aspx?ThumbnailID=365164
ImageView.aspx?ThumbnailID=365160

*Tại huyện Krông Năng  (Đắc Lắc), sau khi bão và lốc xoáy rút đi, người dân ở đây đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Hơn 20ha cà phê bị lật gốc, rụng quả, gây thiệt hại khoảng 20-30% sản lượng; gần 6 nghìn trụ tiêu bị gió cuốn đổ ngã, 65,5 ha lúa nước bị ngập, gần 30 ha hoa màu bị vùi dập trong đất, trên 10 nghìn cây cao su kinh doanh đang trong thời kỳ khai thác và 250 cây ăn trái bị gãy....

ImageView.aspx?ThumbnailID=365300
Vườn tiêu của gia đình anh Đoàn Hữu Thành ở thôn Tân Vinh (Ea Tóh, Krông Năng, Đắc Lắc): 260 trụ tiêu kinh doanh bị đỗ ngã hoàn toàn. Ảnh Phi Thân
ImageView.aspx?ThumbnailID=365301
Gần 10 nghìn cây cao su bị gió quật ngã tại vườn cao su kinh doanh của nông trường Ea Hồ - Phú Lộc thuộc công ty cao su Krông Búk, Đắc Lắc. Ảnh Phi Thân

*Đến những tuyến đường, những khu phố, những làng người dân sống ven sông Đăk Bla ở các phường Quyết Thắng, Lê Lợi, Thống Nhất, Thắng Lợi ở thành phố Kon Tum... , ai cũng bàng hoàng trước sự tàn phá không thể tưởng tượng của thủy thần và cảm động cho người dân vùng lũ. Chỉ riêng tuyến đường Trương Quang Trọng (phường Quyết Thắng) đã có khoảng 150 nhà dân bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ để lại bãi bùn. 

ImageView.aspx?ThumbnailID=365316
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả. Ảnh Quang Văn

Trở về sau lũ quét, nhà cửa đã tan hoang theo dòng nước, bà con ai cũng khóc hết nước mắt. Bị thương tật mất một chân, đứng chống nạn thẫn thờ trước căn nhà bị lũ cuốn trôi toàn bộ không còn để lại một dấu vết, ông Bùi Trọng Châu (số nhà 52 đường Trương Quang Trọng) nghẹn nói không nên lời: “Trôi mất hết rồi chú ơi! Kể cả giấy tờ nhà đất. Không biết trong những ngày tới sẽ sống  ở đâu? Mong nhà nước giúp gia đình khắc phục hậu quả…!”.

Con trai đi làm ăn ở xa, đường sạt lở bị ách tắc không về kịp”. “Bảo bối” giúp ông mưu sinh trong những ngày vừa qua là 150 cây mai và 2 cây lộc vừng, tất cả cũng đã trôi sạch. Bị thương tật, tài sản mất hết, không nhà cửa để ở, không biết rồi trong những ngày đến ông sẽ ở đâu và sống bằng gì (?!).

ImageView.aspx?ThumbnailID=365317
Ông Bùi Quang Châu thẫn thờ trước ngôi nhà chỉ còn lại một đống gạch vụn. Ảnh Quang Văn

Tổn thất lớn nhất trên đường Trương Quang Trọng có lẽ là chị Bùi Thị Thanh Nga (số nhà 54). Hơn 2.000 cây cảnh (lộc vừng, sanh, sứ, trúc, mai, tùng…) cung cấp cho giới chơi cây cảnh ở thành phố Kon Tum cùng nhà cửa và các vật dụng đều trôi sạch. Căn tấm bạt bên đường làm nơi trú ẩn để tìm lại một số cây cảnh bị vùi lấp dưới bùn, chị rầu rĩ: “Thiệt hại của chị ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Mất hết rồi nhà báo ơi!?”. 

Đau lòng là câu chuyện hai mẹ con chị Võ Thị Huệ (sinh 1971) - Phan Thị Bích Phượng (sinh 1995) lo di chuyển các vật dụng trong nhà, nước lũ lên trở tay không kịp đã bị cuốn trôi. Chị Huệ được tìm thấy xác khoảng gần trưa ngày 30-9, còn cháu Phượng 16 giờ 40 phút chiều cùng ngày mới tìm thấy thi thể bị vùi lấp dưới bùn. Anh Phan Văn Tỉnh (chồng chị Huệ) nhờ bà con láng giềng dựng tạm túp lều bên vệ đường để tổ chức an táng cho hai mẹ con. Chứng kiến cảnh này, không ai không rơi lệ. 

ImageView.aspx?ThumbnailID=365319
Tan hoang sau con lũ

Theo đại úy chính trị viên Phó tiểu đoàn 15 (Đoàn Đăk Tô) Trần Đình Loan, đơn vị cùng với Trung đoàn 66 đã huy động 120 cán bộ, chiến sỹ giúp người dân bị lũ quét tại đường Trương Quang Trọng. Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cũng huy động 150 cán bộ, sinh viên kịp thời đến giúp người dân trên đường Phạm Văn Đồng thu gom vật liệu, đồ đạc bị lũ cuốn trôi, dọn vệ sinh nhà dân… Những chuyến hàng cứu trợ mì tôm, gạo, bột ngọt, nước uống… từ nhiều nơi cũng đã đến chia sẻ với người dân vùng bị lũ quét.        

* Huế: đường phố chìm trong bùn lầy  

* Sáng 1-10, Huế đã ngừng mưa, nước đã rút hết nhưng để lại một lớp bùn đất dày đặc, có đoạn dày hơn 10cm và xác cây, rác tràn ngập trên nhiều tuyến đường như: Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ…

Sáng nay, hầu hết người dân đã đi làm bình thường trở lại. Sôi động và tập trung đông người nhất là các chợ. Trước chợ Đông Ba, hàng trăm người bày bán thức ăn đủ loại khiến cho đoạn đường bỗng dưng trở thành chợ chính và nhiều lúc giao thông bị tắc nghẽn. Nhiều người cho biết, giá cả các loại thức ăn tăng từ 5, 7 lần ngày thường.

Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận tại Huế sau bão lũ ngày 1-10:

ImageView.aspx?ThumbnailID=365166
Nhiều tuyến đường ở Huế sau lũ để lại lớp bùn đất dày đặc. Ảnh NTC
ImageView.aspx?ThumbnailID=365167
Đường đi bộ dọc sông Hương như một thưa ruộng. Ảnh NTC
ImageView.aspx?ThumbnailID=365169
Bùn và rác trên cầu tạm bắc qua sông An Cựu. Ảnh NTC
ImageView.aspx?ThumbnailID=365170
Trước cổng chợ Đông Ba trở thành nơi tập trung mua bán. Ảnh NTC
ImageView.aspx?ThumbnailID=365171
Những người nhặt ve chai “được mùa” sau lũ vì chai lọ tràn ra đường rất nhiều. Ảnh NTC
ImageView.aspx?ThumbnailID=365173
Những tia nắng yếu ớt đầu tiên sau mưa bão trên cầu Tràng Tiền. Ảnh NTC
ImageView.aspx?ThumbnailID=365314
Chiều 1-10, trời nắng lên, nhiều đường phố của Huế lại khốn khổ vì bụi. Ảnh NTC

Chiều hôm qua 30-9, Hội Chữ Thập đỏ Thừa Thiên Huế đã đưa mì ăn liền và nước uống về cho người dân làng Thanh Hà, xã Quảng Thành, Quảng Điền. Nơi đây đến hôm nay 1-10  vẫn còn bị nước lụt bao vây.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365244
Ảnh Dung Quất

* Quảng Ngãi: Dồn sức dọn dẹp

Đến sáng nay, 1-10 nước lũ đang rút dần ra khỏi nhà dân nhưng vẫn còn nhiều ngôi nhà ở Khê Xuân, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị nước lũ phong tỏa.

Theo ghi nhận của TTO, hiện hệ thống thông tin liên lạc, điện chiếu sáng  tại hầu hết các địa phương của tỉnh vẫn tê liệt. Sau bão, cảnh hoang tàn lộ ra trước mắt. Nước rút, Quảng Ngãi đang dồn sức dọn dẹp, cố gắng gượng dậy sau cơn bão mà sức tàn phá quá sức chịu đựng với thiệt hại ước tính lên tới 1.500 tỷ đồng.

Tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đến sáng nay, cả tỉnh có 25 người chết, ba người mất tích và 112 người bị thương. Hai huyện bị thiệt hại nặng nhất là huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn.

Huyện Bình Sơn đã có 13 người chết, hai người mất tích và hơn 40 người bị thương, 342 nhà dân bị sập, hơn 6.670 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, 53 chiếc tàu và 410 chiếc thúng bị sóng lớn nhấn chìm; hơn 200 con trâu, bò và 8.700 con gia cầm bị chết vì nước lũ…

Còn 10 xã của Bình Sơn vẫn còn còn bị nước lũ chia cắt, đứt thông tin liên lạc suốt hơn ba ngày qua.

Tuyến đường từ huyện Trà Bồng về huyện Tây Trà đã xuất hiện hơn 20 điểm sạt lở núi đã làm tắc đường gây cô lập huyện miền núi Tây Trà; và gây sự cố mất điện, đứt thông tin liên lạc tại huyện này suốt hơn bốn ngày qua.

Trong hai ngày 30-9 và 1-10, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Tỉnh đoàn về các địa phương: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức...để hỗ trợ cho gia đình có người chết do bão lũ gây ra một triệu đồng/người. Đây là số tiền do bạn đọc báo Tuổi Trẻ quyên góp hỗ trợ.               

ImageView.aspx?ThumbnailID=365230
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi, Trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thăm viếng, hỗ trợ tiền do bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ cho bà Nguyễn thị Đào (vợ ông Tình đã chết do bão số 9)  ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Ảnh Minh Thu
              
ImageView.aspx?ThumbnailID=365231
Đến sáng 1-10, nhiều tuyến đường về các xã khu Đông, khu Tây, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn chìm sâu, chia cắt do nước lũ. Ảnh Minh Thu
ImageView.aspx?ThumbnailID=365181
Dồn sức dọn dẹp cây gãy đổ. Ảnh V.M.Huy
ImageView.aspx?ThumbnailID=365183
Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị tắc nghẽn vì cây to đổ ngã đến sáng nay vẫn chưa thể khắc phục xong. Ảnh V.M.Huy

* Ủy ban châu Âu viện trợ cho Việt Nam, Campuchia và Lào

Ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam cho biết sẽ viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Việt Nam, Campuchia và Lào số tiền 2 triệu euro để giúp đỡ nạn nhân của cơn bão Ketsana.

Ngoài ra một đội công tác phản ứng nhanh từ Cơ quan Hỗ trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (ECHO) sẽ tới Việt Nam trong tuần này để đánh giá nhu cầu cần thiết tại các khu vực bị ảnh hưởng. Những báo cáo mới nhất của Việt Nam cho thấy ít nhất đã có 347.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc bị hư hại do bão.

Ông Karel De Gucht, cao ủy về Phát triển và viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu, nói: “Cơn bão Ketsana đã gây ra những mất mát và tổn thất cho nhiều người khi nó đi qua khu vực đất liền của Đông Nam Á. Chúng tôi cần đưa ra sự giúp đỡ tới những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian nhanh nhất và đây là lý do mà chúng tôi đang tiếp tục huy động thêm nguồn lực tài chính và con người.

Những gói cứu trợ khẩn cấp này được sử dụng cho những nhu cầu cấp thiết cơ bản nhưng chúng tôi cũng thấy rằng người dân vẫn cần được giúp đỡ thêm một thời gian nữa sau khi thảm kịch diễn ra. Chúng tôi sẵn sàng đưa ra nhiều sự hỗ trợ hơn khi cần thiết". 

*Siêu thị tại miền Trung "hứa" không tăng giá

Sau một ngày đóng cửa do bão và nước ngập, các siêu thị ở khu vực miền trung đã cho mở cửa trở lại phục vụ bà con. Từ 1-10, hệ thống Co.opmart cho thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá mặt hàng mì gói từ 10-15% tại 2 siêu thị Huế và Tam Kỳ.

Theo đại diện Big C, trong ngày hôm nay (1-10) hai chiếc xe tải chở gần 8 tấn rau, củ quả từ Đà Lạt sẽ đến Đà Nẵng sau hơn một ngày bị tắc tại Quảng Nam vì mưa bão.

Hiện Sở Công thương TP. Huế đã đặt 10 tấn mì gói từ siêu thị để cứu trợ cho người dân. Theo đại diện hệ thống Co.opMart, đơn vị cũng sẽ cử người trực 24/24 để kịp thời cung ứng hàng hoá cần thiết cho người dân.

Trong trường hợp giá cả ngoài thị trường tăng đột biến, các siêu thị đều cam kết không tăng giá bán. “Chúng tôi đã có các biện pháp cần thiết để tránh tình trạng mua hàng đầu cơ với một số mặt hàng thiết yếu”, đại diện Big C cho biết.

* Bình Định: tìm thấy thi thể một nạn nhân mất tích do bão

Dù đã huy động đến 3 chiếc canô, gần 50 chiếc ghe lớn nhỏ, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an huyện Phù Mỹ, lực lượng quân sự của tỉnh Bình Định và ngư dân ven đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) nỗ lực tìm kiếm nhưng đến trưa 1-10 mới tìm được thi thể của bà Lê Thị Khen.

Trước đó, sáng 29-9, hai bà Trương Thị Xưa (SN 1962) và Lê Thị Khen (SN 1960, đều ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) đi trên một chiếc ghe ra đánh cá trên đầm Trà Ổ chẳng may gặp gió bão, sóng lớn nên ghe bị chìm làm hai bà mất tích.

Hiện nay thi thể bà Xưa vẫn tiếp tục được tìm kiếm. Tuy nhiên, do mặt đầm quá rộng với diện tích hơn 1.000ha, độ sâu khoảng 5m, sóng lớn, gió mạnh nên việc tìm kiếm người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Lũ ở các sông tại Nghệ An và Hà Tĩnh đang lên

Sáng mai (2/10), mực nước sông La tại Linh Cảm có khả năng đạt đỉnh và mức 5,2m, dưới mức BĐ2: 0,3m. Tối mai (2/10), mực nước sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,4m (dưới mức BĐ2: 0,5m), sau đó còn lên chậm. Ngày mai, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam xuống mức BĐ1– BĐ2.

Mực nước lúc 19 giờ ngày 01 tháng 10 trên một số sông như sau:

• Sông Cả tại Nam Đàn: 5,94m, trên BĐ1: 0,54m; • Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 14,55m, trên BĐ3: 1,55m; tại Hòa Duyệt: 10,79m, trên BĐ3: 0,79m • Sông La tại Linh Cảm: 4,60m, trên BĐ1 : 0,60m; • Sông Gianh tại Mai Hóa: 4,83m, dưới BĐ2: 0,17m; • Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,70m, ở mức BĐ3; • Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 3,42m, dưới BĐ2: 0,48m; • Sông Bồ tại Phú Ốc: 4,17m, dưới BĐ3: 0,33m; • Sông Hương tại Kim Long: 1,77m, trên BĐ2: 0,27m; • Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,28m, dưới BĐ2: 0,42m; • Sông Hàn tại Cẩm Lệ: 1,26m, trên BĐ2: 0,16m; • Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 2,94m, dưới BĐ2: 0,16m, tại Hội An: 1,49m, dưới BĐ3: 0,21m; • Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 3,55m, dưới BĐ2: 0,65m; • Sông Ba tại Củng Sơn: 30,36m, trên BĐ1: 0,86m; tại Phú Lâm: 1,99m, trên BĐ1: 0,29m.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương(Bản tin phát lúc 21g30)

NHÓM PV - CTV TTO

--------------------------------------------------

Chia sẻ của bạn đọc

* Tôi thật sự xúc động trước những thông tin đau lòng do cơn bão số 9 gây ra. Bao gia đình mất đi tài sản nhưng thương tâm nhất là người thân của họ mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại.

Là một giáo viên tương lai, khi biết tin về cái chết của thầy Phú và cô giáo trẻ Y Linh tôi không cầm được nước mắt. Mãi mãi những em học sinh mà hai thầy cô giáo đã từng dạy dỗ sẽ không bao giờ được nghe tiếng giảng bài, những lời răn dạy của thầy cô nữa và đất nước cũng mất đi hai kỹ sư tâm hồn. Nỗi mất mát là quá lớn!

Phan Thị Kiều Oanh

Lũ ở các sông tại Nghệ An và Hà Tĩnh đang lên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên