15/09/2009 03:02 GMT+7

Bạo hành gia đình và gánh nặng xã hội

Bác sĩ TĂNG HÀ NAM ANH
Bác sĩ TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Xét trên góc độ y khoa và xã hội, bạo hành gia đình để lại nhiều hậu quả rất nặng nề.

fuaBRDnr.jpgPhóng to

Hoàng Xuân Linh bị tạm giữ tại trụ sở Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết sau khi đánh đập, làm nhục vợ trước đám đông đêm 10-9-2009 - Ảnh: VŨ HƯƠNG GIANG

TT - Xét trên góc độ y khoa và xã hội, bạo hành gia đình để lại nhiều hậu quả rất nặng nề.

Bạo hành trong gia đình mà đối tượng bị bạo hành đa số là phụ nữ, trẻ em là chuyện không mới. Là bác sĩ, chúng tôi từng cứu chữa một phụ nữ bị chính chồng chặt đứt lìa bàn tay vì những lý do hết sức vớ vẩn.

Thời gian qua, thông tin trên báo chí cho thấy bạo hành trong gia đình vẫn tiếp diễn với mức độ ngày càng nặng nề hơn. Mới đây, một phụ nữ ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) bị chồng đánh đập, làm nhục trước đám đông hơn cả tiếng đồng hồ mới được giải thoát (Tuổi Trẻ Online ngày 12-9-2009).

Về mặt sức khỏe, người bị bạo hành thường ốm yếu, sức khỏe kém vì ăn uống kém, bị đánh đập thường xuyên. Tệ hại hơn, tình trạng sức khỏe kém rất khó điều trị vì nó diễn tiến trong thời gian dài, do vậy để lại những hậu quả không thể chữa khỏi về mặt tâm lý.

Trong tình trạng hiện nay, khi những tổn thương thân thể của các nạn nhân bị bạo hành là gánh nặng cho ngành y tế thì việc tìm kiếm các phương pháp trị liệu về mặt tâm lý cho họ gần như là điều không tưởng. Chưa kể ngành y tế không biết có đủ bác sĩ tâm lý để chữa trị đến nơi đến chốn cho các nạn nhân bị bạo hành hay không. Tổng chi phí điều trị một cách đúng nghĩa cho người bị bạo hành bao gồm phần tổn thương thân thể và tâm lý là rất lớn và trở thành gánh nặng thật sự cho ngành y tế.

Xét về mặt xã hội, người bị bạo hành thường có những hành vi phản ứng tiêu cực. Trong lúc cùng quẫn, họ có thể có những hành vi gây hại cho xã hội hay những người xung quanh, như chúng ta đã thấy có nhiều người vợ không chịu nổi hoàn cảnh đã bức tử con cái và bản thân họ.

Đặc biệt nghiêm trọng là hành vi bạo hành trong gia đình làm những đứa trẻ phát triển không bình thường. Con cái của những phụ nữ bị bạo hành thường bị đánh đập cùng lúc với họ. Đôi khi chúng bị hành hạ do chính người mẹ bị bạo hành không biết trút giận lên ai nên trút hết lên những đứa trẻ.

Về mặt tâm lý, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng những đứa trẻ sống trong gia đình có bạo hành sẽ phát triển không bình thường về mặt tâm lý, chúng sẽ trở nên hung hãn, lầm lì, không tiếp xúc với người xung quanh. Tệ hại hơn, chúng sẽ có phản ứng với xã hội và trở thành những người gây hại đối với người khác hay cho chính gia đình tương lai của chúng.

Hậu quả của bạo hành gia đình để lại cho xã hội thật nặng nề nhưng hình như chẳng mấy ai quan tâm vì mọi người nghĩ rằng đó là chuyện gia đình của mỗi người. Có một điều nghịch lý là một người đánh một người khác gây thương tích nặng sẽ bị truy tố và phạt tù, nhưng nếu chuyện xảy ra trong gia đình thì ít khi kẻ bạo hành bị truy tố.

Nếu xem xã hội là một cơ thể thì mỗi gia đình được xem như là một tế bào của cơ thể đó. Bạo hành gia đình chính là mầm mống của những căn bệnh ung thư. Sự can thiệp của pháp luật chính là phương thuốc điều trị hữu hiệu căn bệnh ung thư này. Thuốc thì đã có, vấn đề còn lại là các thầy thuốc có thấy được mức độ trầm trọng của căn bệnh để kê toa dùng thuốc hay không.

Xử lý thế nào?

Theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực từ ngày 1-7- 2008), những hành vi sau đây bị xem là hành vi bạo lực gia đình:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Cưỡng ép quan hệ tình dục...

Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn, trong việc xử phạt hành chính, theo nghị định 87 ngày 21-11-2001 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình), hành vi ngược đãi, hành hạ thành viên trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng...

Trong việc xử lý hình sự, người ngược đãi hoặc hành hạ vợ, chồng, con... gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm có thể bị xử tội “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu” theo điều 151 Bộ luật hình sự với hình thức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11-30%... có thể bị xử tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” theo khoản 1, điều 104 Bộ luật hình sự với hình thức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nhưng cần lưu ý, hành vi rơi vào khoản 1, điều 104 nói trên chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình cũng có đưa ra những biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Như người từ đủ 16 tuổi trở lên dù đã được tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải nhưng vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình có thể bị đưa ra góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.

Kế tiếp, người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tiếp nữa, người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Ngoài ra, nếu có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người vi phạm có thể bị chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân trong thời hạn ba ngày.

Cụ thể, người vi phạm không được phép đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m (trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân); không được sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Bình Thuận: Một vụ bạo hành gia đình tàn ácKhông thể chấp nhận, không thể tha thứ

Bác sĩ TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên