29/05/2009 17:26 GMT+7

Công dân Võ Văn Kiệt

Theo NGUYỄN TRỌNG HUẤN Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN TRỌNG HUẤN Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Nhân giỗ đầu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, không khó lắm để định vị Ông là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiến trúc sư tài ba của công cuộc Đổi mới, và niềm hy vọng của nhiều người trên chặng đường tương lai Đất nước còn đầy rẫy thử thách, khó khăn.

Vậy là đã tròn một năm, cuộc đời này vắng Ông! Nhưng ánh nhìn đằm thắm của Ông dường như vẫn còn vương trên cây cỏ, tiếng cười sảng khoái của Ông như còn vang lên đâu đó, hình bóng Ông vẫn lãng đãng, thấp thoáng vào, ra, như chưa hề đi xa, chưa hề giã biệt.

Không nhất thiết phải lên thủy điện Trị An, ngắm nhìn mặt hồ mênh mông đang ngày đêm cung cấp điện năng, cần mẫn hòa vào lưới điện quốc gia; cũng không cần đi dọc theo những dặm đường gió bụi từ Bắc vào Nam để ngước nhìn đường dây 500KV vun vút băng qua đèo cao dốc thẳm; cũng không cần lặn lội ra tận Dung Quất, nghe tiếng sóng vỗ bờ khu công nghiệp lọc hóa dầu hiện đại đã mọc lên sừng sững bên bờ biển Đông… mà hình như phảng phất trong không gian, trong thời gian, trong nắng sớm, trăng chiều, trên những cung đường Trường Sơn công nghiệp hóa… những dấu ấn mà Ông để lại đã hằn sâu lên tất cả.

Dồn dập những diễn biến đậm tính thời sự những ngày gần đây, người ta dường như vẫn chờ Ông lên tiếng. Và có điều nếu như Ông không bận “đi xa”, chắc chắn tiếng nói đĩnh đạc của Ông sẽ vang vang trên các diễn đàn, khuấy động dư luận để cùng nhau đi tìm sự thật, đi tìm chân lý. Không có một công dân nào sống hết mình như Võ Văn Kiệt, cháy hết mình cho dân, cho nước như Võ Văn Kiệt. Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiên định, tài ba mà trên hết, trước hết, Ông là MỘT CON NGƯỜI VIẾT HOA theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ ngữ, ngay trong đời sống hàng ngày.

VzBNsHIp.jpgPhóng to
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cải trang thăm phố Hàng Đào, Hà Nội trong dịp tết - Ảnh: Minh Đạo

Tôi rất thích chụp hình Ông. Mỗi lần gặp Ông hoặc được Ông rủ rê đi đâu đó, thế nào tôi cũng mang theo máy ảnh, rình rình lúc sơ hở, tranh thủ bấm cho bằng được mấy kiểu. Riết rồi nghiện, không “bấm một phát”, chân tay ngứa ngáy thế nào? Thường Ông tảng lờ như không biết. Cũng có lúc bị Ông bắt gặp, ngượng chín người, nhưng rồi chứng nào tật nấy, không bỏ được.

Không biết lúc trẻ, trông Ông thế nào, nhưng tuổi càng cao, trông Ông càng đẹp, cái đẹp của một cơ thể tráng kiện, da dẻ hồng hào, nhuận sắc, thần thái quắc thước, vẻ nhìn đôn hậu, khóe miệng lúc nào cũng như sắp nở môt nụ cười. Sách nhân tướng học nói người có thượng đình rộng rãi, trung đình ngay ngắn, hạ đình đầy đặn, nở nang là tướng mạo của người đôn hậu.

Không chỉ với những người cộng tác cùng Ông trong những công việc quốc gia đại sự, Ông ân cần với cả những người giúp việc, cảnh vệ, lái xe, những chú Trang, chú Đủ, chú Lương… thậm chí những người thợ đến nhà Ông sửa cây, dọn vườn. Theo chú Lương, lái xe lâu năm cho Ông, đi với Ông không bao giờ chán, óc hài hước sắc sảo của Ông làm những chuyến đi luôn rộn rã tiếng cười.

Ngoài tuổi tám mươi, Ông ngồi ca nô cao tốc, xé nước, phóng như bay dọc ngang kinh rạch miền Tây, đi khảo sát thực địa tìm lối ra cho cảng Trà Nóc - Cần Thơ theo ngả kinh Quan Chánh Bố, trông giống một ông tướng đang xông pha trận mạc. Cũng ngoài tám mươi, đứng trên đỉnh núi radar, Ông phóng tầm mắt bao quát chân trời, suy tư về tương lai Côn Đảo, tương lai Đất nước. Những hình ảnh ấy của Ông, in lên núi sông, đầy tính thẩm mỹ. Thật đẹp.

Ông không bỏ cuộc bao giờ. Hai mươi năm trước, khi còn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ông đã phát động một phong trào xây dựng Côn Đảo. Ông bảo: “…Côn Đảo là đất thiêng, là bàn thờ của dân tộc. Không một địa phương nào không có người bị tù đày, hy sinh ở đây. Cũng may là thời gian qua chúng ta chưa kịp làm gì...”. Sau lần báo cáo ấy, Ông phát động một chiến dịch thanh niên ra cùng Côn Đảo, sôi động một thời.

Bẵng đi hơn hai mươi năm sau, khi đã thôi không còn nắm giữ chức vụ của Đảng và Nhà nước, Ông vẫn không quên món nợ Côn Đảo mà vì công kia việc nọ, Ông chưa kịp làm.

Ông băn khoăn, day dứt về hướng đi lên, cách khai thác những giá trị có một không hai của Côn Đảo. Đô thị hóa như trong đất liền sợ sẽ không còn Côn Đảo nữa. Ông bảo: “Tôi không ở tù Côn Đảo một ngày nào. Nhưng nhiều thế hệ tiền bối những người Việt Nam yêu nước đã bị tù đày ở đấy. Nhiều đồng chí của tôi đã hy sinh ở đây. Một trăm mười ba năm “địa ngục trần gian Côn Đảo” là cuốn biên niên sử, là chứng tích của ý chí bất khuất của toàn dân tộc, thế hệ tiếp bước thế hệ, chấp nhận hy sinh để có ngày thắng lợi.

Cái lớn lao và khủng khiếp của Côn Đảo là một bên, kẻ thù trang bị tận răng, với tất cả thủ đoạn đàn áp tàn khốc của một bộ máy, còn bên kia, tập thể người tù với hai bàn tay trắng, không một tấc sắt, đấu tranh đến giọt máu cuối cùng cho lý tưởng độc lập - tự do chỉ bằng một vũ khí duy nhất: “Ý chí”. Cuộc chiến ấy khác với cuộc chiến ở chiến trường. Chính vì vậy, nó vĩ đại, lớn lao. Làm thế nào để tinh thần ấy sống mãi trong công cuộc Đổi mới”.

Trước thực trạng xây dựng Côn Đảo có nhiều bất cập, thiếu một tư duy toàn cục có giá trị chiến lược, Ông viết thư gửi Bộ Chính trị đề nghị cho ngừng việc xây dựng theo quy hoạch cũ để làm lại. Có dư luận: “Ông Sáu Dân về hưu, vươn vòi bạch tuộc ra tận Côn Đảo giành giật công việc cho ê-kíp mình!”. Ông không nói gì mà gặp gỡ nhiều chuyên gia, những người tâm huyết, bàn bạc, trao đổi.

Ông điềm đạm, dí dỏm, nhưng thích tranh luận, phản biện. Phản biện, tranh luận dễ làm bật ra nhiều góc khuất của vấn đề, giúp làm sáng tỏ, khẳng định những xác tín. Ông thuê một máy bay nhỏ đưa anh em ra Côn Đảo để trao đổi, tranh luận tại chỗ cho tỏ tường ngóc ngách. Trên đường về, khi máy bay hạ cánh Tân Sơn Nhất, thấy Ông rút một chiếc phong bì dúi vào tay tổ lái sau khi cười cười nói lời cảm ơn. Đúng như nhận xét của ông chủ tịch tỉnh Vĩnh Long nhân ngày Nam bộ Kháng chiến 23-11 vừa rồi: “…Ngay cả trong thời chiến, chú Sáu Dân luôn là người ứng xử sang trọng…”.

Sau chuyến đi đó, Ông đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức một cuộc thi quốc tế về đề tài Côn Đảo. Phương án đoạt giải nhất là phương án của một công ty có thương hiệu Hoa Kỳ.

Về quê, Ông đi giữa các bô lão, nói chuyện ruộng đồng, cấy hái, xoa đầu mấy em nhỏ trong xóm đến chào, cứ như một lão trượng chưa từng ra khỏi bờ tre đầu làng. Ông bàn với xã tổ chức mời thầy về dạy dân trồng nấm rơm: “…Rơm rạ miền Tây đốt còn không hết, sao không trồng nấm, nghề ấy hái ra tiền, làm khéo còn có thể tham gia xuất khẩu. Các ông làm sao để đồng bằng thiếu rơm cho dân trồng nấm thì các ông thành công”.

Ngồi uống rượu, mặt Ông ửng hồng, mắt Ông long lanh, ngửa cổ cười ha… ha… rặt một ông già Nam bộ. Khẩu vị của Ông rất tinh tế, nhất là khi luận về ẩm thực thời mở đất khai hoang. Ông biết tất cả những lò rượu ngon trên đất miền Tây. Những lò nổi tiếng: Xuân Thạnh, Phú Lễ, ông đều đã ghé thăm và thân quen với các chủ lò.

Giá như Ông dưỡng tóc, để râu, có thể giống một ông tiên bước ra từ cổ tích. Ông đã từng gắn ria, đội mũ, hóa trang thành một ông già Việt kiều về thăm quê để tự mình khảo sát dư luận trong vụ xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ để có một quyết định chín chắn khi còn làm Thủ tướng. Ông bảo, mình mà lên đền Hùng làm lễ, mình sẽ mặc áo dài, khăn đóng như các cụ xưa.

Từ cuộc sống đi ra, Ông giữ cho mình khả năng trở về với cuộc sống trong mọi diện mạo. Chỉ ý chí kiên định và trái tim nồng cháy dành cho Nhân dân này, Đất nước này là không bao giờ nguội lạnh, đổi thay.

Ở quê, Ông có một công đất, khoảng 1.000m2, từ lâu cho xã mượn xây trường học. Nay xã dựng trường mới, trả lại cho Ông. Ông nhờ anh em tính giúp một khu tưởng niệm cho dòng họ. Ông bảo mình rất quý mảnh ao trong vườn. Gần ao, ngày trước có một chái lá, nơi anh em mình chào đời, tám anh em tắm nước ao ấy mà lớn lên. Các ông giữ cái ao lại.

Anh em vẽ cho Ông một khu đền thờ to đùng, lộng lẫy, với nhiều kiến giải “có tính bác học!”. Nào là đây là khu lưu niệm của một trong những dòng họ thời khai hoang, mở đất, nào là để ghi dấu bước chân tiền nhân, nào là hồ sen hai bên đường vào để gây không khí trang nghiêm, thành kính v.v... và v.v… Ông cười cười không nói gì, chỉ nhẹ nhàng bảo: “Ở Nam bộ, hoa sen gần như tượng trưng cho Bác Hồ”.

Trên cơ sở những gì anh em đóng góp, Ông thuê thợ tự làm, lâu lâu chạy xuống trông coi. Khu vườn giản đơn đến không thể tưởng. Ngoài tường rào và cổng không thể thiếu, công trình nổi bật nhờ một nhà bia nhỏ, dựng một tấm bia ghi công đức tổ tiên, chỉ riêng bờ ao được xếp đá cẩn thận phòng sạt lở. Cạnh ao xếp mười hòn đá. Hai hòn lớn tượng trưng hai bậc sinh thành, tám hòn nhỏ tượng trưng tám anh em quây quần, chen chúc. Một cây ô môi đặc trưng Nam bộ ở góc vườn. “Để đến mùa, ô môi rụng đỏ cho đẹp”, Ông bảo. Thực không có gì đơn giản hơn.

Sau khi Ông qua đời, nhân kỷ niệm ngày sinh của Ông (23-11-1922 - 23-11-2008), một cuộc gặp đã diễn ra giữa Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm, gia đình và một số thành viên thay mặt Hội Kiến trúc sư Việt Nam về công trình lưu niệm Ông tại quê nhà.

Chuyện tưởng giản đơn nhưng hóa ra lại không đơn giản. Vĩnh Long từng đóng góp cho đất nước này đến hai ông thủ tướng: Ông Hai Hùng (Phạm Hùng) và Ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Ông Hai Hùng quê huyện Long Hồ, giáp ranh huyện Vũng Liêm, quê Ông Kiệt. Đường từ Vĩnh Long về Vũng Liêm đi qua Long Hồ. Sau ngày Ông Hùng tạ thế, Vĩnh Long đã xây cho cố Thủ tướng Phạm Hùng một công trình tưởng niệm khá đàng hoàng. Nay đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ứng xử sao cho phải nhẽ, nhất là với một người như Ông không hề là chuyện dễ dàng.

Gỡ cái khó cho những người ngồi đó không ai khác ngoài “Người đã khuất”. Con gái Ông thay mặt gia đình công bố một bức thư Ông viết cho Thường vụ Tỉnh ủy và Đảng bộ Vĩnh Long đề ngày 13-9-2001:

“…Trước đây, tôi có ý định khi qua đời, tôi được nằm tại quê nhà, sanh đâu, trở về nằm xuống ở đó. Nhưng tôi có hoàn cảnh riêng khá đặc biệt, người vợ quá cố của tôi và hai con tôi lại nằm xuống một đoạn sông Sài Gòn, không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966). Những nỗi đau không nguôi gần 30 năm, và từ đó tôi có một nguyện vọng.

Khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng với lời hẹn ước ban đầu, đó cũng là truyền thống thủy chung của dân tộc. Vậy là đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở phía bên kia, thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không - chắc không - thì tâm hồn tôi cũng được thanh thản…”.

Trong thư Ông còn dặn: “Không đặt tên đường, không làm những gì tốn kém cho dân cho nước. Có chăng, có thể làm một vườn hoa nhỏ, chỗ để em nhỏ, cụ già lui tới nghỉ ngơi…”.

Như vậy là một công đất ở quê đã đem làm khu vườn thờ cho họ tộc. Ngôi nhà công vụ 16 Tú Xương, Quận 3, TP.HCM đã làm cam kết trả lại cho thành phố cả đất lẫn nhà, mười bốn tháng cuối đời, ở nhờ nhà con gái, nắm xương còn lại xin hỏa táng gửi sông Sài Gòn.

Giải pháp cuối cùng mà ai cũng thỏa mãn: Huyện ủy Vũng Liêm tặng Ông ngôi nhà khách một trệt, không lầu, có hồ súng nhỏ, có chiếc cầu cong, nơi những năm tháng cuối đời, mỗi lần về thăm quê, Ông nghỉ lại đấy như nghỉ tại nhà mình.

Mai sau, những người có dịp ghé thăm ngôi nhà lưu niệm xinh xinh ở miền quê sông nước này sẽ được nghe kể câu chuyện về một Ông già thường nghỉ lại đây, đêm đêm mất ngủ, hay lò dò tìm công tắc, tắt bớt đèn ngoài để tiết kiệm điện.

Theo NGUYỄN TRỌNG HUẤN Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên