07/05/2009 08:26 GMT+7

Vũ khí văn hóa của vị đại tướng

ĐỨC TUYÊN - LÊ VÂN
ĐỨC TUYÊN - LÊ VÂN

TT - Trên 30 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học được gửi đến và trình bày ở hội thảo khoa học kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức ngày 6-5 tại Hà Nội. Các tham luận đều khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử dân tộc ta ở thế kỷ 20, đồng thời có ý nghĩa quốc tế và thời đại hết sức to lớn và sâu sắc.

Vũ khí văn hóa của vị đại tướng

* Vũ khí văn hóa của vị đại tướng * Con đánh Điện Biên, cha làm tổng thống

at4S6NdK.jpgPhóng to
GS Phạm Duy Hiển chúc sức khỏe đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân - Ảnh: Việt Dũng
6GPZzDs5.jpgPhóng to
17g40 ngày 7-5-1954, lá cờ chiến thắng đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Hình ảnh này mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc VN

Ngày 6-5, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp nhiều đoàn đại biểu đến thăm và chúc mừng nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến chúc mừng và chúc sức khỏe đại tướng. Với sức khỏe tốt so với tuổi 99, đại tướng luôn đặt câu hỏi về tình hình thời sự của đất nước.

Đến cuối chiều muộn, mặc dù đã đi nghỉ nhưng khi GS Phạm Duy Hiển đến, đại tướng vẫn vui vẻ tiếp và trò chuyện thân mật. Mối quan hệ thân thiết, gắn bó lâu bền giữa một nhà khoa học với vị tướng lừng danh thế giới được GS Phạm Duy Hiển giải thích rất đơn giản: “Anh Văn yêu quý và gắn bó với tất cả nhà khoa học thật sự. Là một vị tướng nhưng ông là người thấm đẫm chất văn khi dụng võ. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt. Cũng chính sự khác biệt ấy đã khiến vị tướng Điện Biên “sau Điện Biên” nhận được sự khâm phục tuyệt đối của những người không ở trong quân ngũ: các nhà khoa học, nhà văn hóa. Những câu chuyện nhỏ của vị giáo sư cho ta thấy chiều kích khác của một người lính vĩ đại.

Đọc những gì ông viết, từ những tác phẩm đồ sộ về chiến tranh nhân dân đến bức thư vài dòng ngắn ngủi mới đây gửi đến Chính phủ, tất cả đều là tầm cao hiếm thấy ở một “người văn” mẫu mực. Nhiều người tỏ ý phân vân không hiểu ở độ tuổi ngoài 90, liệu ông còn đủ sức khỏe và minh mẫn để xử lý tất cả thông tin và thảo những bức thư đầy tâm huyết ấy? Là một trong rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức mà ông thường xuyên tham vấn, tôi khẳng định tất cả đều là ý tưởng của ông.

Với từng vấn đề thuộc từng chuyên môn khác nhau, ông đều có đội ngũ các nhà khoa học là đồng sự, bạn, học trò cung cấp thông tin và tham vấn để ông xử lý. Các cô con gái của ông: Hồng Anh, Hòa Bình, Hạnh Phúc… đều là các nhà khoa học tài ba và tâm huyết với sự nghiệp đổi mới, chịu ảnh hưởng của ông và ngược lại, cung cấp cho ông những thông tin thời sự chính trị khoa học quan trọng nhất. Ông nghe hết, tiếp thu hết và đưa ra ý tưởng của mình.

Là một nhà giáo, những năm cuối đời ông đau đáu với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Để viết một bức thư thật thấu đáo gửi Chính phủ về chiến lược giáo dục, ông đã mời anh Hoàng Tụy, anh Phan Đình Diệu và tôi đến bàn bạc rất lâu, cuối cùng ông phát biểu quan điểm của mình cùng các ý tưởng chính về chủ trương, giải pháp. Chúng tôi ghi lại để thư ký của ông chấp bút và ông đọc rất kỹ, sửa lại lần cuối theo ý mình.

TWzH5cSP.jpgPhóng to

Tối 6-5-2009, lễ thắp nến tưởng nhớ những liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tổ chức ở nghĩa trang Điện Biên - Ảnh: Xuân Trường

Có một điểm trong tính cách “văn” của ông mà chúng tôi cực kỳ khâm phục, đó là sự điềm đạm, nhẫn nại của ông trong những vấn đề cấp bách của đất nước mà chúng tôi biết ông cực kỳ bức xúc. Cốt cách nho nhã, ông lên tiếng về những vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Nói cũng như viết, ông đều chọn một giọng văn đơn giản, dễ hiểu nhất, một thái độ nhẹ nhàng nhất để khỏi gây cho người được ông kiến nghị hay góp ý sự khó xử.

Là bậc khai quốc công thần, tuổi đã gần bách niên, nhưng ông hết sức tránh thái độ bề trên, trưởng thượng khi lên tiếng. Chưa nhận được phản hồi, ông kiên nhẫn điềm tĩnh tiếp tục thu nhận tư liệu, dữ kiện để tiếp tục góp ý, kiến nghị. Là một vị tướng nhưng chưa từng thấy ông nổi nóng hay nói to, dù biết nhiều khi ông rất buồn.

Rồi khi xem lại một bộ phim tài liệu của người Pháp, thấy ông ở độ tuổi ngoài 80 thuyết trình thoải mái, hóm hỉnh hằng giờ bằng tiếng Pháp tại sa bàn Điện Biên Phủ, chúng ta không khỏi giật mình tự hỏi liệu giới “trí thức” VN ngày nay đi khắp thế giới, nhãn mác khoa bảng đầy mình, mấy ai dám ước ao có được tí chút khả năng như ông. Chúng ta lại càng hiểu rằng vũ khí văn hóa đóng vai trò lớn lao như thế nào trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có lần tôi tò mò hỏi ông: nhờ đâu lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được một êkip lãnh đạo có văn hóa cao như thế để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc? - “Là vì khi làm cách mạng người ta phải tìm đến những nhân cách văn hóa lớn như Cụ Hồ” - ông trả lời không do dự. Đến lượt mình, chính sức hút mãnh liệt từ bề dày văn hóa đó đã khiến ông vượt lên mọi thăng trầm của thời cuộc và trở thành nơi gửi gắm niềm tin, chẳng những từ những người đã theo ông trong cuộc trường kỳ kháng chiến mà của mọi tầng lớp xã hội hiện nay.

GS PHẠM DUY HIỂN - C.V.K. - THU HÀ ghi

__________________

HV1kXZTv.jpgPhóng to

Ông Trần Văn Dõi (tức Lưu Vĩnh Châu) lần giở những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Đức Tuyên

Con đánh Điện Biên, cha làm tổng thống

Những cuộc chiến kéo dài đã sản sinh nhiều số phận khó tin. Một trong những câu chuyện đó là cuộc đời kỳ lạ của ông Lưu Vĩnh Châu, con trai ông Trần Văn Hương - cựu tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Chiến dịch Điện Biên Phủ mịt mù trong lửa đạn tháng 3-1954. Từ Lạng Sơn, đại đội trưởng Lưu Vĩnh Châu thuộc tiểu đoàn 206 nhận được lệnh hành quân về tuyến Yên Bái - Điện Biên Phủ. Nhận nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn, bảo vệ và mở các con đường vận tải huyết mạch phục vụ chiến trường, đơn vị của đại đội trưởng Lưu Vĩnh Châu cùng thanh niên xung phong khu Tây Bắc phải luôn giữ thông “huyết mạch” dài hơn 16km từ Lũng Lô đến Sơn La.

Ký ức tươi rói

Nhắc lại thời khắc lịch sử, ông Châu như trẻ lại, hào hứng kể: “4g30 sáng 24-3-1954, chúng tôi đến Nà Cặn và được cấp trên giao ngay nhiệm vụ phá bom, sửa đường, bảo vệ đoạn đường đèo Lũng Lô thông suốt”. Con đường ngoằn ngoèo uốn khúc này là cửa ngõ vào Điện Biên nên địch tập trung đánh phá ác liệt, từng đợt bom liên tục được rải xuống. “Trên trời máy bay địch thả bom, dưới đất chúng tôi vẫn cố chạy, núp, quan sát, theo dõi ghi nhớ, đánh dấu từng vị trí bom rơi xuống chưa nổ”.

Phương tiện đấu với đạn bom chỉ là cuốc, xẻng, xà beng, thuổng, cây sắt dài… và lòng quả cảm. Sau mỗi đợt địch trút bom, những trái bom nổ chậm luôn cắm sâu trong lòng đất. Ông Châu cùng các chiến sĩ cầm cây sắt đi soi bom. “Đụng thấy bom, cả đoàn người vục xẻng, cuốc, tay… xuống đào liên hồi kỳ trận. Nhiều trái bom bị lấp sâu hàng 4-5m chúng tôi phải đào, khoét hàm ếch rồi cột dây vào người chui xuống và thòng với trái bom để anh em bên trên kéo cả người cùng bom lên. Đưa bom tới mặt đất xong phải nhanh chóng gỡ dây ra, hè nhau khiêng và vất xuống vực gần đó cho nổ”.

Ký ức vẫn tươi rói với người cựu chiến binh già. “Đêm 23 rạng sáng 24-4-1954, địch liên tục rải bom xuống khắp quãng đường. Chớp lửa sáng lòa, trong khi đó chiến dịch đang đi vào ác liệt, con đường cần được bảo vệ. Trong đêm tối, anh em chúng tôi chạy như đèn cù phá bom, sửa đường, vần bom lăn xuống vực. Đến 3g sáng, tôi nhận được tin báo về đội B34 bị trúng bom, 12 anh em chiến sĩ của tôi đã hi sinh...” - ông Châu nghẹn lời nhớ những đồng đội đã hi sinh.

Gặp lại cha

Học xong trung học tại Cần Thơ, 19 tuổi, Trần Văn Dõi hăng hái tham gia cách mạng trong phong trào thanh niên tiền phong. Tháng 10-1945, ông thoát ly gia đình đi bộ đội, đóng tại Tây Ninh. Đúng một năm sau, ông Dõi và một số đồng chí được cử ra miền Bắc nhận vũ khí và vận chuyển vào Nam.

Thế nhưng vì tình hình chiến tranh căng thẳng, ông Dõi nhận được lệnh ở lại Hà Nội tham gia đội tự vệ Bạch Mai. Năm 1948, ông được tổ chức cử đi học Trường lục quân Trần Quốc Tuấn và sau đó được đào tạo công binh thêm sáu tháng. Từ đây ông đổi tên thành Lưu Vĩnh Châu (mang họ mẹ) và hoạt động cách mạng với tên này.

Biền biệt những năm chiến đấu không nhận được tin bố mẹ, gia đình, họ hàng, ông Châu quặn thắt nhớ nhà. Năm 1978, ông Châu gặp lại người cha - ông Trần Văn Hương - cựu tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Nhắc đến cha và cuộc hội ngộ, mắt ông Châu ngấn lệ: “Tôi nhận ra cha ngay. Ký ức chợt ùa về và tôi hỏi cha: “Trước lá cờ vệ quốc đoàn, bố và con từng tuyên thệ bảo vệ Tổ quốc nhưng sao bố phản lại lời thề? Sau 33 năm lưu lạc, hai cha con đã là người của hai chiến tuyến..., bố nghĩ gì?”. Lúc ấy cha tôi cứ lặng lẽ, nín thinh. Tôi đau và cũng thương ông cụ lắm!”.

Chính ông Châu cũng không hiểu tại sao lại cật vấn cha câu hỏi ông đã cố nén để quá khứ ngủ yên. Trong ngôi nhà ở khu cư xá K300 (quận Tân Bình, TP.HCM), người con trai của cựu tổng thống Trần Văn Hương giờ đây sống giản dị, hiền hậu vui đùa với các cháu nội ngoại.

Chiến thắng của trí tuệ Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần quyết chiến quyết thắng và trí tuệ Việt Nam được kết tinh và biểu hiện tập trung trong đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh…

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Thành - phó giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đơn vị tổ chức hội thảo, chiến thắng Điện Biên Phủ là tượng đài hùng vĩ của phẩm giá, trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam. Đối với dân tộc ta, chiến thắng đó như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên lực lượng, ý chí và niềm tin để nhân dân ta đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa nước ta vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Theo TTXVN

ĐỨC TUYÊN - LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên