30/03/2009 07:26 GMT+7

7.500 đồng/bình nước 20 lít là không tưởng!

TRẦN VŨ NGHI thực hiện
TRẦN VŨ NGHI thực hiện

TT - Ông Lê Như Ái - tổng giám đốc Sapuwa - đã nói như vậy khi trao đổi về chất lượng nước đóng chai, đóng bình. Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì không trả lời thẳng câu hỏi ông có dám dùng loại nước 6.000 đồng/bình 19,5 lít không.

OePVe7Bb.jpgPhóng to
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước đóng chai tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) sáng 29-3-Ảnh: O.H.

Ông Lê Như Ái - tổng giám đốc Công ty nước uống tinh khiết Sài Gòn Sapuwa - cho biết:

CBL0995B.jpgPhóng to
Ông Lê Như Ái -Ảnh: N.C.T.
- Để sản xuất được nước uống đóng chai, đóng bình, một doanh nghiệp sản xuất thực thụ cần phải đầu tư tương đối tốn kém cho hệ thống hạ tầng sản xuất. Hạ tầng này bao gồm nhà xưởng sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất nước tinh khiết cùng máy móc thiết bị chuyên dụng, phòng thí nghiệm, hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm thành phẩm cùng một số dụng cụ sản xuất chuyên dùng. Theo quy trình vệ sinh công nghiệp SSOP, công nhân bắt buộc phải qua các thao tác thay trang phục bảo hộ lao động chuyên môn, thực hiện việc khử trùng tại hệ thống khử trùng, rửa tay theo tiêu chuẩn bắt buộc trước khi mang găng tay y tế tiệt trùng và khử trùng ủng đi trước khi bước vào khu vực sản xuất.

Tôi cũng xin nói thêm trong lĩnh vực sản xuất nước đóng chai, đóng bình - nguồn nước mà doanh nghiệp dùng để sản xuất không quan trọng bằng thiết bị để xử lý các nguồn nước đó sao cho thành nước uống được theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước đã quy định. Muốn có thiết bị tối tân để xử lý được nhiều loại nguồn nước khác nhau, không phân biệt là nguồn nước ngầm, nước máy, nước sông hay nước giếng khoan, doanh nghiệp còn phải có các hệ thống khác hỗ trợ sản xuất cũng tốn kém rất nhiều.

Chẳng hạn phải đầu tư hệ thống làm sạch đường ống, hệ thống kiểm soát không khí, hệ thống điều khiển PLC... Loại nước đóng chai có dung tích dưới 5 lít chúng tôi đều sử dụng vỏ chai một lần rồi bỏ. Loại bình 20 lít sử dụng tối đa năm lần. Mỗi lần sử dụng đều được đưa qua phòng sơ chế để chà rửa sạch sẽ, súc rửa lần thứ nhất bằng hóa chất tiệt trùng dùng cho thực phẩm, được đưa vào máy tự động súc rửa sáu lần bằng hóa chất tiệt trùng, được máy tráng lại bằng nước thành phẩm với hóa chất tiệt trùng nhập từ châu Âu, được kiểm nghiệm, có tính sát trùng mạnh không để lại mùi, phân hủy nhanh, không ảnh hưởng đến chất lượng nước.

* Với quy mô xử lý và chiết rót 65.000 lít nước/ngày như Sapuwa đang có, chi phí đầu tư khoảng bao nhiêu? Sapuwa có thể sản xuất một bình nước 20 lít có giá thành 7.500 đồng/bình hay không?

- Tối thiểu phải trên 20 tỉ đồng cho những doanh nghiệp mới bắt đầu đầu tư. Riêng Sapuwa thì phải hơn gấp nhiều lần vì chúng tôi tái đầu tư liên tục. Với những doanh nghiệp có sự đầu tư cơ bản nghiêm túc, tôi xin khẳng định không ai có thể sản xuất với mức giá không tưởng nói trên. Tối thiểu giá thành phải ở mức 1.000-1.500 đồng/lít tùy theo công nghệ xử lý mà doanh nghiệp đó áp dụng. Chưa kể loại bình 20 lít tối đa chúng tôi chỉ sử dụng lại năm lần sau khi đã qua các khâu sơ chế kiểm tra nghiêm ngặt khi thu hồi bình về.

Sau đó chúng tôi chuyển qua máy chiết nước, đóng nắp tự động và được bộ phận KCS kiểm tra bình lần cuối trước khi đưa ra thành phẩm. Tại kho trung chuyển, bình nước thành phẩm tiếp tục được bộ phận đảm bảo chất lượng kiểm tra lần cuối. Sau hai ngày, nếu có kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn, nước thành phẩm mới được chuyển qua kho bảo quản và chờ phân phối.

Nhưng những cơ sở nhỏ lẻ thì các công đoạn nói trên không quan trọng. Họ cứ thu bình về và nạp nước vào. Còn nạp nước gì vào đấy thì bây giờ mọi người cũng đã rõ vì họ đâu có đầu tư gì ngoài mấy cái bình, một máy bơm để bơm nước vào và chấm hết!

* Theo ông, vì sao những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng vẫn có “đất” sống?

- Tôi cho rằng nếu càng có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm cung ứng và người tiêu dùng hoàn toàn được lợi. Nhưng với gần 350 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai như hiện nay mà chúng ta hoàn toàn không biết rõ chất lượng sản xuất thế nào thì cần cấp thiết xem lại. Vấn đề chính là ở chỗ công tác hậu kiểm. Cơ quan quản lý cần phải mạnh tay hơn nữa.

Quy định hiện nay cho phép các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm làm ra của mình. Và những cơ sở làm ăn không đàng hoàng rất “ma lanh” khi cứ chiếu theo các quy chuẩn cho phép của TCVN 6096:2004 để công bố trên nhãn sản phẩm. Đây chính là điểm nảy sinh ra chuyện, vì nếu không có ai đi kiểm tra, đánh giá những gì những doanh nghiệp này đã công bố thì làm sao có thể phát hiện nước không đảm bảo chất lượng.

Để có được một nguồn nước đạt đúng chuẩn an toàn phải qua rất nhiều công đoạn nhiêu khê. Trước tiên nước thô được xử lý lọc qua hệ trao đổi ion (cation-anion) để lọc những ion dương và âm, sau đó nằm chờ để đợi tiếp các xử lý khác là lọc loại bỏ cặn, khử màu - mùi, diệt khuẩn bằng tia UV. Bước tiếp theo nữa là nước được đưa qua hệ thống lọc tinh để loại bỏ các vi khuẩn, các oxyt kim loại... trước khi đưa qua giai đoạn cuối là xử lý ozone, đưa vào hệ thống trộn với nước tinh để tiệt trùng cho ozone tự chuyển hóa thành oxy. Sau khi qua tất cả quy trình trên, nước được bơm vào bồn chứa nước tinh (nước thành phẩm) chuẩn bị đưa vào sản xuất.

Thử hỏi với một quá trình nghiêm ngặt như vậy, những cơ sở nhỏ lẻ làm sao có thể thực hiện được?

__________________________________

Nhà xưởng không sạch sẽ

VDBNOwc6.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Việt Cường -Ảnh: L.A.

Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết:

- Trong khoảng ba tuần vừa rồi, chúng tôi đình chỉ bốn cơ sở sản xuất nước tinh khiết, nước đóng chai. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy 57 mẫu nước đóng chai, đóng bình phát hiện hơn mười mẫu không đảm bảo chỉ tiêu độ pH. Lẽ ra bình thường chỉ tiêu này là 6,5-8,5 thì các mẫu không đạt chỉ ở mức 5,9-6. Chúng tôi đã yêu cầu thu hồi những lô nước không đạt tiêu chuẩn.

Nói chung những cơ sở bị đình chỉ thì dây chuyền sản xuất không có vấn đề gì. Nhưng điều kiện vệ sinh, nhà xưởng là không sạch sẽ, thậm chí trông còn rất bẩn thỉu. Đây là lý do chính dẫn đến việc họ bị tạm đình chỉ sản xuất. Một lý do nữa là thái độ chấp hành các quy định vệ sinh của người sản xuất chưa đạt, chưa có tác phong công nghiệp, buông quăng bỏ vãi trông bề bộn, mất vệ sinh...

* Trên thị trường, giá nước tinh khiết quá rẻ, có loại chỉ 6.000-8.000 đồng/bình 19,5 lít! Theo ông, với giá nước như vậy, chất lượng sản phẩm có đảm bảo?

- Chất lượng nước phụ thuộc hồ sơ công bố. Với các tiêu chuẩn đã được cơ quan chức năng đặt ra, có cơ sở đạt ở mức tối đa nhưng có cơ sở chỉ đạt ở mức tối thiểu. Giá nước còn phụ thuộc loại vỏ bình, vào quảng cáo, có cơ sở chỉ sản xuất ngày vài chục bình và họ tự đi giao cho người tiêu dùng, chi phí sẽ rẻ hơn cơ sở phải thông qua khâu trung gian. Chúng tôi là cơ quan chuyên môn, chất lượng nước đạt yêu cầu thì cho lưu thông. Như loại nước chúng tôi đang dùng giá 18.000-20.000 đồng/bình, nhưng cũng có sản phẩm chỉ 10.000 đồng/bình.

* Ông có dám dùng loại nước giá 6.000 đồng/bình 19,5 lít không?

- Nước đóng bình sản xuất có loại người ta hay mua về để nấu ăn. Nhưng tôi cũng không nói nước này tốt, nước kia không tốt mà chỉ khuyến cáo người tiêu dùng là nên mua các sản phẩm đã công bố tiêu chuẩn chất lượng tại cơ quan có thẩm quyền, có công bố chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, có ghi hạn sử dụng, ngày sản xuất, tên và địa chỉ cơ sở rõ ràng.

* Theo ông, bao nhiêu phần trăm trong số 243 cơ sở sản xuất nước tinh khiết, nước đóng chai ở Hà Nội không đạt yêu cầu vệ sinh?

- Vệ sinh thực phẩm thì không đạt một tiêu chí là coi như không đạt hoàn toàn. Chất lượng nước đảm bảo mà vệ sinh nhà xưởng không đạt là phải yêu cầu cơ sở điều chỉnh. Cơ sở sản xuất nước tinh lọc ở Hà Nội phần lớn sử dụng nước máy là nguyên liệu sản xuất, chỉ một số sử dụng nước giếng khoan. Kiểm tra 38 chỉ tiêu cần thiết với các cơ sở sản xuất nước tinh lọc từ nước giếng cũng đều đạt cả, chất lượng nước vi phạm không nhiều. Loại sai phạm thường gặp nhất là vệ sinh nhà xưởng, có cơ sở năm trước đạt nhưng từ đó đến nay không sửa chữa tôn tạo gì thì có khi lại không đạt. Theo tôi, số cơ sở sản xuất nước tinh khiết vi phạm tiêu chí vệ sinh nhà xưởng chiếm 10-20%.

* Theo chúng tôi được biết, rất nhiều quy định vệ sinh nước tinh khiết ban hành không khả thi, ví dụ như số lần tái sử dụng bình...

- Cái đó phần lớn do ý thức chấp hành của doanh nghiệp. Số lần được tái sử dụng bình không phải ban hành cho vui mà đã qua phân tích xem xét các yếu tố, nếu sử dụng bình nhiều lần quá thì có thể nước sản xuất tốt nhưng đóng vào bình lại thành ra vi phạm vệ sinh. Nhưng cái này cũng chỉ khuyến cáo cho người ta, chứ hỏi đã bắt được ông nào tái sử dụng bình quá số lần quy định thì chưa. Làm sao giám sát được người ta. Nhưng kinh tế thị trường là có cạnh tranh, sản phẩm mà kém thì khó cạnh tranh lắm. Vì thế tôi cho rằng quản lý chất lượng là quan trọng nhất, đi kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất nước tinh khiết thấy khang trang sạch đẹp nhưng sản phẩm lại không đạt...

______________________________

Không đeo găng tay

v1QqJUxT.jpgPhóng to
Ông Đinh Hữu Nhữ -Ảnh: M.Đức
Ông Đinh Hữu Nhữ, chủ cơ sở sản xuất nước đóng bình Như Hảo (130F Ông Ích Khiêm, Q.11, TP.HCM) - một trong nhiều cơ sở có mẫu nước nhiễm vi sinh, nói:

- Từ khi thành lập cơ sở (năm 2006) đến nay, hằng năm thanh tra Sở Y tế TP.HCM đều kiểm tra định kỳ cơ sở hai lần/năm. Tuy nhiên, những lần trước đó chỉ kiểm tra quy trình, điều kiện vệ sinh nơi sản xuất chứ không lấy mẫu nước kiểm nghiệm như lần này. Thỉnh thoảng cơ sở cũng bị nhắc nhở một số vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ sở tôi lấy nguồn nước để đóng bình từ nước máy, sau đó đưa lên qua một cây UV (lọc thô) rồi chuyển vào bồn lọc bằng phương pháp thẩm thấu ngược để tạo nguồn nước tinh khiết. Bước tiếp theo là cho nước đi qua giàn Ro (lọc tinh) để lọc tất cả hệ thống vi khuẩn cặn, rồi đưa xuống tiếp một giàn lọc để lọc lại một lần nữa (dự phòng trường hợp giàn lọc trên có sơ suất) và cuối cùng là xử lý bằng tia cực tím.

Tôi được thanh tra Sở Y tế TP.HCM thông báo một mẫu nước đóng bình của tôi có nhiễm năm con vi khuẩn coliform, trong khi kết quả xét nghiệm nguồn nước của tôi lại đạt. Như vậy, vi phạm nằm trong khâu sản xuất. Tôi hỏi các chuyên gia y tế thì được biết nước nhiễm coliform có thể bị nhiễm từ phân người. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi thấy chúng tôi có vấn đề trong khâu súc rửa bình. Nhiều khả năng do sơ ý nên trong lúc đi vệ sinh nhân viên làm khâu này không rửa tay nên nước đã bị nhiễm vi sinh. Sau sự cố này tôi sẽ nghiêm khắc nhắc nhở các nhân viên chấp hành triệt để những quy tắc trong khâu sản xuất. Thật ra, trong quá trình sản xuất nhân viên phải đeo găng tay y tế. Thế nhưng do thời tiết nhiều hôm nóng nực nên đôi lúc các nhân viên chưa tuân thủ tuyệt đối điều này.

Mỗi ngày cơ sở chúng tôi cung cấp khoảng 50 bình, ngày cao điểm lên tới 80 bình 21 lít, giá dao động từ 10.000-15.000 đồng/bình. Khách hàng chủ yếu là những người dân xung quanh. Lúc chúng tôi đang sản xuất lô nước mà sau này biết kết quả bị nhiễm vi sinh thì Sở Y tế đã lấy mẫu ngay nên lô nước này chưa được tung ra thị trường.

Tin, bài liên quan:

Hà Nội: nước tinh khiết giá rẻ đáng ngờNước đóng chai nhiễm vi sinh: Đình chỉ, vẫn bán!Thêm 7 mẫu nước đóng chai nhiễm vi sinh

TRẦN VŨ NGHI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên