12/06/2008 18:19 GMT+7

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần

Huỳnh Sơn Phước - trích Đặc san Tuổi Trẻ, 30-4-1995 
Huỳnh Sơn Phước - trích Đặc san Tuổi Trẻ, 30-4-1995 

TTO - 18g ngày 12-6-2008, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo đặc biệt: nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 7g40 ngày 11-6-2008, thọ 86 tuổi. Tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.

ErMlAgQk.jpgPhóng to
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông là một trong những thuyền trưởng đã chèo lái con thuyền Việt Nam ra khỏi bãi cạn của cơ chế bao cấp, một trong những người tiên phong đổi mới, nhà lãnh đạo được biết đến như một người luôn lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, bức xúc của người dân. Với ông, “đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ, mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”.

Những năm sau này, khi đã hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề của một vị lãnh đạo, nghỉ hưu, nhiệt huyết của ông vẫn chưa hề vơi đi, con người chính trị vẫn không thể an nhàn với thú điền viên. Mỗi khi có một vấn đề nổi cộm lên trong đời sống xã hội, mỗi khi có một bài báo gây xôn xao dư luận, chúng tôi lại nhận được điện thoại, tin nhắn và những bài báo tâm huyết của ông.

Gặp gỡ báo chí, ông luôn nhắc nhở: "hành xử có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc", và trước tất cả, ông thể hiện trách nhiệm ấy, đôi khi như một nhà báo thực thụ.

Chỉ cần điểm lại những bài viết mang tên ông trên các báo, sẽ không cần thêm bất cứ lời bình luận nào. Chỉ số lạm phát tăng vọt, ông lên tiếng: Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề, Phát triển phải đi đôi với công bằng xã hội; Dư luận xôn xao với dự án mở rộng thành phố Hà Nội, ông bảo: Phải cân nhắc thật kỹ; Vừa có tin nhà máy thép muốn đầu tư tại vịnh Vân Phong, ông nhắc nhở: "Của để dành cho con cháu chúng ta"...

XIxbTxa6.jpgPhóng toThủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam năm 1994 - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Vào những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80, khi "thị trường" còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế "tập trung" và chế độ bao cấp hoang phí, là ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị, đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng ở TP.HCM, ông đã đến từng nhà máy loay hoay tiến hành những cuộc thể nghiệm cục bộ không có tiền lệ và ngoài vòng luật pháp hiện hành. Ông trò chuyện với công nhân và đứng sau lưng các giám đốc dám đánh đổi tất cả để sản xuất bung ra.

Lúc đó, người ta nói rằng: nhân dân Sài Gòn vốn có nhiều kinh nghiệm trong kinh tế thị trường đã cứu lấy Đảng bộ của mình. Nhưng không thể không thừa nhận sự bứt phá của cá nhân ông trong suy nghĩ và hành động nhằm vượt qua thực trạng kinh tế tiêu điều lúc ấy.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những vị lãnh đạo nhà nước gắn bó nhất với báo Tuổi Trẻ từ những ngày đầu thành lập. Một trong những bước ngoặt có tính quyết định nhất với vận mệnh của Tuổi Trẻ là gợi ý của ông giúp báo thoát ra khỏi cơ chế bao cấp, thành lập nhà máy sản xuất bột giấy để chủ động nhu cầu in báo.

Một trong những tư liệu truyền thống quí nhất của Tuổi Trẻ là những lá thư của ông viết đến góp ý cho những chương trình phía sau mặt báo, yêu cầu tiếp tục chăm sóc, theo dõi những nhân vật điển hình để "tạo điều kiện cho lớp trẻ đó thực hiện ước mơ, hoài bão chính đáng của mình".

U1Zo65O2.jpgPhóng to
Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt họp với BBT báo Tuổi Trẻ và gợi ý cách thoát khỏi cơ chế bao cấp năm 1981 - Ảnh tư liệu

TTO xin giới thiệu một số bài báo, cùng một số bài trao đổi của ông với báo chí:

omD1BOzp.jpgPhóng to

"Cái mà tôi quí nhất là thời gian. Điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ cũng lại là vấn đề thời gian. Hãy chạy đua với thời gian, giành giật từng giờ, từng phút để làm việc."

- Những quan ngại về công bằng xã hội, khoảng cách giàu nghèo:

Phát triển phải đi đôi với công bằng xã hộiĐừng để người nghèo bị gạt ra bên lề

- Về dự án mở rộng HN, thành phố dọc sông Hồng:

Mở rộng Hà Nội: Không thể chỉ là một ý tưởng cảm tính Xây dựng thành phố dọc sông Hồng: Phải hết sức cân nhắc

- Ý kiến về việc xây dựng nhà máy thép ở Vịnh Vân Phong:

Của để dành cho con cháu chúng ta

- Kêu gọi đại đoàn kết dân tộc:

Cơ hội lớn nhất: cả dân tộc hừng hực khí thế đồng thuậnLấy từ bi diệt hận thùĐại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta

- Góp ý với chính phủ về các vấn đề vĩ mô:

Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế Chọn ai là quyền của cử triThư ngỏ kính gửi Quốc hộiBa đột phá giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long

- Các bài phỏng vấn, trao đổi với báo chí:

Sứ mệnh của nhà báo "Chỉ riêng ý chí chính trị không thể chống tham nhũng"Người dân đòi hỏi phải có sự bứt phá mớiCần những người chịu nghe sự thật và dám quyết đoánĐại biểu Quốc hội phải giám sát mọi lúc, mọi nơiVFF "Chỉ thành công nếu thật sự dân chủ"Đảng gắn bó máu thịt với dân1954, 1975, và những bài học không thể nào quên“Tạo điều kiện cho các em vượt qua số phận…”

Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang trong hai ngày: 14 và 15-6-2008.

Sinh năm 1922 tại Cửu Long (nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi (1938), vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên khai sinh là Phan Văn Hòa) thuộc thế hệ những người thanh niên khởi nghĩa giành chính quyền trong tay người Pháp từ 1940. Ông đã là bí thư chi bộ, huyện ủy viên và tham gia khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông hoạt động trên địa bàn Nam bộ với bí danh Sáu Dân: Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam bộ từ 1945; Tỉnh ủy viên, Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy Rạch Giá, phó bí thư rồi bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ 1955, ông là Xứ ủy viên, phó bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang, Bí thư khu ủy T4 (Sài Gòn - Gia Định), Bí thư khu ủy khu 9, Ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, trong Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ông được phân công phụ trách tiếp quản thành phố.

Sau 30-4-1975, ông giữ chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM rồi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Ông nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN VN tháng 8-1991, lúc con đường đổi mới đã mở ra hơn 5 năm. Ông được bầu làm Thủ tướng nước Cộng hòa XHCN VN tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa IX (1992-1997).

Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, ông nhận nhiệm vụ Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ông đã được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Huân chương Sao Vàng và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt

Tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.

Linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt đầu từ 8 giờ, ngày 14-6-2008 đến 8 giờ 30 phút, ngày 15-6-2008.

Lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt đầu từ 9 giờ, ngày 15-6-2008.

Lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức cùng ngày tại Nghĩa trang TP.HCM.

Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ an tang đồng chí Võ Văn Kiệt tại TP.HCM.

Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại TP.HCM sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội và tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 14 và ngày 15-6-2008), các công sở các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

.................................................

Dư luận quốc tế chia buồn trước sự ra đi của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

* Trong thông cáo chia buồn với gia đình ông Võ Văn Kiệt, nhân dân và chính phủ Việt Nam được đăng tải trên website của LHQ ngày 11-6-2008, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông “vô cùng đau buồn” trước sự ra đi của ông Kiệt.

Thông cáo, do người phát ngôn của ông Ban công bố, ghi rõ: “Là nhân vật chủ chốt có đóng góp quan trọng trong kế hoạch cải cách kinh tế tại Việt Nam, bắt đầu từ cuối những năm 1980, ông Võ Văn Kiệt đã dọn đường cho Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước tăng trưởng kinh tế ấn tượng sau 10 năm. Trong thời gian làm Thủ tướng từ năm 1991 đến 1997, ông cũng giữ vai trò nòng cốt trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước khác”.

* Ngày 11-6, trang web Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đăng thông cáo chia buồn về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nước Mỹ gửi lời chia buồn đến chính phủ và nhân dân Việt Nam về cái chết của ông Võ Văn Kiệt. Sự lãnh đạo của ông trên cương vị Thủ tướng, từ năm 1991 đến 1997, đã đem đến nhiều cải cách giúp cải thiện đời sống cho hàng chục triệu người Việt Nam. Các nỗ lực của ông cũng đã giúp dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 1995”...

* Hãng tin DPA đưa tin Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông nêu rõ: dưới sự lãnh đạo của ông Kiệt, “Việt Nam đã thực hiện nhiều sáng kiến quan trọng… đặc biệt nhất là việc gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tham gia Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) vào năm 1996 với tư cách thành viên sáng lập”.

Huỳnh Sơn Phước - trích Đặc san Tuổi Trẻ, 30-4-1995 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên